Thứ Ba, 18 tháng 7, 2023

Nhận diện và giải pháp đấu tranh chống âm mưu phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc

 Bình luận - Phê phán

Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, đại đoàn kết đã trở thành di sản vô giá, truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta. Không ai có thể phủ nhận được sự chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng và Nhà nước ta. Những thành quả về thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam đã góp phần làm thay đổi nhận thức, cách nhìn về bức tranh tổng thể khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế ngày nay. Đó là những chướng ngại lớn trên con đường chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch. Bởi lẽ, họ đã thấy được sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nên để chống phá Đảng, cách mạng Việt Nam thì phải phá vỡ sức mạnh này. Trong lịch sử của dân tộc, chúng ta đã chứng kiến thủ đoạn thâm độc trong chính sách “chia để trị” của kẻ thù xâm lược. Ngày nay, các thế lực thù địch tìm mọi cách chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc bằng những thủ đoạn, chiêu bài khác nhau, nhằm phá hoại ta từ bên trong. Một trong những thủ đoạn đó là chúng thường kích động nhân dân, thổi phồng, khuếch đại các vấn đề “nhạy cảm” trong xã hội; lợi dụng những yếu kém trong quản lý của các cấp chính quyền rồi thổi phồng, từ cá biệt họ cho là toàn thể,... làm cho người dân từ nghi ngờ đến mất lòng tin vào Đảng, chế độ. Chúng còn xuyên tạc một số chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, nhất là chính sách về dân tộc, tôn giáo để gây dư luận xấu trong nhân dân. Lợi dụng tình hình đời sống của số đông đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp so với mặt bằng chung để chúng kích động, lừa bịp thông qua các hoạt động “tôn giáo”, “dân tộc”, tà đạo, đạo lạ,... làm cho người dân mắc mưu dẫn đến suy giảm sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trọng điểm của sự chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc là ở các địa bàn: Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ, vùng có đông đồng bào theo đạo, v.v. Hòng kích động, chia rẽ người Kinh với đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên, các thế lực thù địch đã sử dụng tổ chức FULRO tuyên truyền, xuyên tạc, rằng “Tây Nguyên là của người Thượng”, “Đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên phải liên kết lại đuổi người Kinh về xuôi”, v.v. Ở Tây Bắc, chúng dựng lên cái gọi là “Vương quốc Mông” để làm cái cớ chia rẽ đồng bào các dân tộc anh em. Chúng vận động đồng bào người Mông về “một miền đất hứa” mọi người sẽ được “ban sức khỏe, hạnh phúc, không làm cũng có ăn, sự giàu sang và phú quý”, “Những người Mông đến đây sẽ được chúa trời giáng trần cứu thế”,… qua đó, gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, v.v. Ở Tây Nam Bộ, chúng tập trung tuyên truyền tư tưởng “ly khai tự trị”, đòi thành lập “Nhà nước Khơ-me Cam-pu-chia Krôm độc lập”; lợi dụng tranh chấp, khiếu kiện, những vấn đề do lịch sử để lại, vấn đề dân sinh, dân chủ để kích động, tập hợp lực lượng, móc nối lôi kéo, tạo dựng ngọn cờ, thực hiện ý đồ biểu tình, bạo loạn lật đổ. Đối tượng chúng quan tâm là trí thức, sư sãi, học sinh, sinh viên, cán bộ thoái hóa biến chất để tác động đến các đối tượng khác; lừa bịp, xúi giục người vượt biên, gây sức ép xin tổ chức UNHCR lập trại tỵ nạn cho sư sãi và đồng bào Khơ-me Nam Bộ trên đất Cam-pu-chia; vu cáo, xuyên tạc ta vi phạm dân chủ, nhân quyền. Âm mưu trước mắt và lâu dài của chúng nhằm gây mất ổn định chính trị để “quốc tế hóa” vấn đề “Khơ-me Krôm”, thành lập “Nhà nước Khơ-me Cam-pu-chia Krôm tự trị”, v.v. Với vùng có đông đồng bào có đạo, chúng kích động, nói xấu Đảng, Nhà nước ta vi phạm “tự do tôn giáo”, chia rẽ đoàn kết lương giáo. Lợi dụng đức tin của bà con giáo dân, họ lồng ghép rao giảng đạo lý với vấn đề chính trị diễn ra trong đời sống xã hội, như: tình hình Biển Đông, sự cố ô nhiễm môi trường ở ven biển 4 tỉnh miền Trung, tranh chấp, đền bù, giải tỏa đất đai,… nhằm làm lu mờ đường hướng sống “tốt đời, đẹp đạo”, “kính chúa, yêu nước”, tạo ra “bức tranh tối” trong xã hội Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng để dễ bề kích động, chia rẽ, chống phá, v.v.

Các công cụ, phương tiện tiến hành hoạt động phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam rất đa dạng. Nhiều hội nhóm được lập ra cả ở trong và ngoài nước, như: Việt Tân, Cao trào Nhân bản, BP SOS, Đảng Dân chủ Việt Nam, Hội anh em dân chủ, Hội Cựu tù nhân lương tâm, No-U, Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, Hội Phụ nữ nhân quyền, v.v. Dù tên gọi khác nhau, song vẫn kiểu “bình mới rượu cũ”, quanh quẩn vài ba kẻ giật dây, điều hành, cùng mục đích chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Hoạt động chủ yếu được thực hiện qua các diễn đàn trên in-tơ-nét, website, blog,… để đăng tải các bài viết, hình ảnh, chế phim xuyên tạc với cường độ cao, tính chất “đánh lận con đen” nhằm gây chia rẽ nội bộ, sự đồng thuận xã hội và tình cảm giữa các dân tộc. Một số diễn đàn, như: Boxit, Viettan, RFI, RFA, VOA,… thường đăng tải các bài viết xuyên tạc, vu cáo, chống phá Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam. Họ lợi dụng triệt để các phương tiện phát thanh, phát tán tài liệu phản động, các ấn phẩm đồi trụy, khai thác tối đa ưu thế của tuyên truyền miệng, rỉ tai, “nửa kín nửa hở” để tung tin thất thiệt, sai lệch về đường lối, chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta. Từ luận điệu này, các thế lực thù địch tiếp tục khoét sâu tâm lý ly khai, phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết vùng miền, đoàn kết lương giáo, đoàn kết người Việt Nam ở nước ngoài với quê hương, đoàn kết quân - dân, đoàn kết Đảng với Nhân dân, v.v.

Có thể thấy, âm mưu, thủ đoạn chống phá, của các thế lực thù địch là rất tinh vi, thâm độc; hành động quyết liệt, trắng trợn; đối tượng đa dạng, phức tạp; mục đích không thay đổi; hậu quả khó lường. Với tinh thần cảnh giác của người dân, cùng với các biện pháp nghiệp vụ kiên quyết của lực lượng chức năng, chúng ta đã phát hiện và đấu tranh ngăn chặn kịp thời âm mưu, hành động nguy hiểm đó, nhưng các thế lực thù địch không dễ từ bỏ, chúng vẫn luôn tìm mọi cách phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Để đấu tranh với mưu đồ đen tối đó, chúng ta cần có một hệ thống giải pháp đồng bộ, phù hợp, tính khả thi cao, song trước hết, cần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào theo đạo về đường lối, chính sách nói chung, đường lối, chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước nói riêng. Đồng thời, phát huy vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng trong đấu tranh, nhận diện, vạch mặt những kẻ có mưu đồ đen tối nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trên cơ sở đó, đề cao truyền thống đoàn kết, yêu nước, tinh thần cảnh giác, trách nhiệm công dân, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, sự đồng thuận xã hội, ý thức, trách nhiệm cộng đồng, tự lực tự cường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; chống mọi biểu hiện tư tưởng hẹp hòi, cục bộ, ly khai,… coi đó là yếu tố quan trọng để củng cố và phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Hai là, không ngừng xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; thực hiện nghiêm Quy chế Dân chủ cơ sở, tạo điều kiện để nhân dân tích cực, chủ động tham gia xây dựng và giám sát việc thực hiện các chính sách, chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; kết hợp hài hòa ba lợi ích: cá nhân, tập thể và xã hội; huy động sức dân đi đôi với bồi dưỡng sức dân, phát huy dân chủ gắn liền với giữ nghiêm kỷ cương, phép nước, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Đẩy mạnh cải cách tư pháp, cải cách hành chính, đổi mới phong cách, lề lối làm việc, chấn chỉnh thái độ phục vụ nhân dân; thường xuyên đối thoại, lắng nghe, tiếp thu, tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống, việc làm, đất đai, môi trường, v.v.

Ba là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi. Theo đó, rà soát, điều chỉnh, bổ sung để hoàn thiện những chính sách đã có và nghiên cứu ban hành những chính sách mới để đáp ứng yêu cầu phát triển các vùng dân tộc và công tác dân tộc trong giai đoạn mới. Công tác dân vận cần đổi mới, tìm ra những việc làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả hơn nữa trong tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia giúp địa phương xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng nông thôn mới, phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, xóa mù chữ, nâng cao dân trí, phòng, chống dịch bệnh, phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn. Thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng - an ninh, xây dựng nông thôn mới, định canh, định cư, tạo việc làm cho lao động tại chỗ là người dân tộc thiểu số; hướng dẫn đồng bào phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tôn trọng tín ngưỡng truyền thống của đồng bào các dân tộc và đồng bào có đạo, v.v. Qua đó, tăng cường sự đồng thuận giữa những người theo tín ngưỡng, tôn giáo và những người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người có tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau.

Bốn là, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân trong thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc; đẩy mạnh thực hiện các phong trào, cuộc vận động, biểu dương kịp thời những tấm gương điển hình tiên tiến, “gương người tốt, việc tốt”; động viên và phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc, chức sắc tôn giáo trong việc thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Cùng với đó, cần phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền cơ sở, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân, phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh những hành vi chia rẽ nội bộ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây bất ổn về chính trị - xã hội. Kiên trì thuyết phục, vận động những người nhẹ dạ, cả tin nghe theo kẻ xấu quay về với cộng đồng; đối xử khoan hồng, độ lượng, bình đẳng với những người lầm lỗi đã ăn năn, hối cải, phục thiện. Thực hiện tốt công tác quản lý xã hội, nắm chắc tình hình, phối hợp với các lực lượng, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể quần chúng, gần gũi, sát dân, nắm tâm tư, nguyện vọng của đồng bào và những vấn đề xảy ra trên địa bàn để có biện pháp giải quyết phù hợp, hiệu quả, ngăn chặn kẻ xấu lợi dụng. Kịp thời phát hiện, giải quyết dứt điểm các “điểm nóng” liên quan đến vấn đề dân tộc, tôn giáo, không để kẻ xấu lợi dụng xuyên tạc, kích động, chống phá. Chủ động phát hiện, đấu tranh vạch trần âm mưu, thủ đoạn nham hiểm của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị; nâng cao tinh thần cảnh giác, phát huy trách nhiệm của người dân trong phòng tránh, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hành động phá hoại của chúng. Những việc làm thiết thực đó, sẽ góp phần quan trọng đảm bảo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng tôn giáo. Đây sẽ là “bức tường” vững chắc để ngăn chặn mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đại tá LƯU VĂN LÂM, Trưởng phòng Dân tộc - Tôn giáo, Cục Dân vận

 Phòng, chống "DBHB" - "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"

QPTD -Thứ Năm, 13/10/2016, 13:34 (GMT+7)
Nhận diện và giải pháp đấu tranh chống âm mưu phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch không từ bỏ mưu đồ đen tối nào; trong đó, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc là thủ đoạn rất nguy hiểm. Bởi thế, chúng ta cần nhận diện đúng âm mưu phá hoại của chúng để cảnh giác, có giải pháp đấu tranh hiệu quả.

1 nhận xét:

  1. Chúng ta cần tỉnh táo, cảnh giác trước những luận điệu sai trái và đấu tranh vạch trần âm mưu của các thế lực thù địch.

    Trả lờiXóa