Thường vụ Quân ủy Trung ương vừa quyết nghị thông qua Đề án “Đổi mới quy trình, chương trình đào tạo cán bộ các cấp trong Quân đội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới” (đề án). Đề án sẽ được triển khai thực hiện ngay trong năm học 2023-2024, tạo dấu mốc quan trọng trong công tác giáo dục, đào tạo (GD-ĐT). Phóng viên Báo Quân đội nhân dân phỏng vấn Thiếu tướng, TS Nguyễn Văn Oanh, Cục trưởng Cục Nhà trường, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam xung quanh đề án quan trọng này!
Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, vì sao phải xây dựng đề án và mục tiêu đổi mới quy trình, chương trình đào tạo là gì?
Thiếu tướng, TS Nguyễn Văn Oanh: Những năm qua, công tác GD-ĐT trong Quân đội đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, bảo đảm tiêu chuẩn theo từng chức danh cụ thể. Thông qua đào tạo, đội ngũ cán bộ được trang bị kiến thức cơ bản cả về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và lãnh đạo chỉ huy... tạo nền tảng vững chắc để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Quy trình, chương trình đào tạo cán bộ các cấp nhìn chung phù hợp với hệ thống giáo dục quốc dân và đặc thù Quân đội, kết hợp giữa đào tạo chức vụ với đào tạo theo trình độ học vấn, bảo đảm tính cơ bản, hệ thống, thống nhất, chuyên sâu, chuyển tiếp, kế thừa, nâng cao và phát triển. Chương trình đào tạo thường xuyên được cập nhật, bổ sung, chuẩn hóa phù hợp với Khung trình độ quốc gia Việt Nam, quy định của Bộ GD-ĐT, Bộ Quốc phòng...
Tuy nhiên, quy trình, chương trình đào tạo vẫn còn một số hạn chế, bất cập, như: Chương trình đào tạo xây dựng theo cấu trúc cũ không còn phù hợp với thực tiễn hiện nay; thời gian đào tạo một số đối tượng còn dài; có môn học chưa cân đối giữa lý thuyết và thực hành; nội dung dàn trải; tính liên thông, phát triển ở các trình độ đào tạo còn hạn chế... Đề án ra đời để giải quyết những bất cập, hạn chế nói trên.
Mục tiêu đổi mới là xây dựng quy trình, chương trình đào tạo khoa học, cơ bản, thiết thực, toàn diện, đồng bộ, hiện đại; bảo đảm sự tích hợp, liên thông nhằm đào tạo đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc, nhân dân và chế độ XHCN, có phẩm chất đạo đức, kiến thức, năng lực tốt, có khả năng tự học tập, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và thích ứng, có sức khỏe và độ tuổi phù hợp, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
PV: Đồng chí có thể khái quát những nội dung đổi mới cơ bản về quy trình, chương trình đào tạo của đề án?
Thiếu tướng, TS Nguyễn Văn Oanh: Đổi mới quy trình đào tạo theo hướng điều chỉnh thời gian phù hợp với từng đối tượng, tăng cường thực hành, thực tập, thực tế, tự học, tạo điều kiện cho cán bộ có nhiều thời gian công tác và trưởng thành từ thực tế đơn vị; bảo đảm logic trong từng môn học, học kỳ, năm học và khóa học. Chuẩn hóa chương trình đào tạo; xây dựng chuẩn đầu ra bảo đảm thiết thực, nhất quán với mục tiêu của chương trình đào tạo và liên thông với chuẩn đầu vào của trình độ cao hơn; thực hiện liên thông giữa chương trình đào tạo cùng trình độ, cùng nhóm ngành. Chắt lọc, tinh chỉnh nội dung các chương trình đào tạo để giảm tải, bảo đảm tính khả thi, cơ bản, thiết thực, hiệu quả, có hệ thống, từng bước hiện đại và cập nhật thường xuyên; coi trọng giáo dục chính trị tư tưởng, truyền thụ kinh nghiệm chiến đấu; rèn luyện phẩm chất, đạo đức, ý thức trách nhiệm; nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học, thể lực, kiến thức quản lý nhà nước, kinh tế, xã hội, pháp luật, kiến thức thực tiễn, phương pháp công tác và các kỹ năng cần thiết cho học viên...
Với đào tạo cán bộ chiến dịch, chiến lược, hợp nhất 3 đối tượng đào tạo cao cấp ngắn hạn: Chỉ huy-tham mưu cấp chiến dịch, chiến lược; quân sự địa phương; tham mưu tác chiến cấp chiến dịch, chiến lược thành một đối tượng: Đào tạo ngắn hạn chỉ huy-tham mưu chiến dịch, chiến lược; thời gian đào tạo là 0,5 năm (1 học kỳ).
Đào tạo cán bộ cấp trung đoàn, sư đoàn và tương đương: Tách đào tạo cán bộ cấp trung đoàn, sư đoàn và tương đương thành 2 đối tượng: Đào tạo cán bộ cấp trung đoàn và tương đương; đào tạo cán bộ cấp sư đoàn và tương đương. Hợp nhất đào tạo trung đoàn trưởng bộ binh và đào tạo chỉ huy trưởng ban CHQS cấp huyện thành một đối tượng: Đào tạo trung đoàn trưởng bộ binh. Hợp nhất đào tạo chủ nhiệm hậu cần cấp trung đoàn (sư đoàn) và chủ nhiệm kỹ thuật cấp trung đoàn (sư đoàn) thành một đối tượng: Đào tạo chủ nhiệm hậu cần-kỹ thuật cấp trung đoàn (sư đoàn) và tương đương.
Đào tạo sĩ quan cấp phân đội trình độ đại học: Tổ chức đào tạo toàn khóa theo từng ngành, chuyên ngành; thực hiện phân chuyên ngành từ sau học kỳ thứ nhất. Thời gian đào tạo: Đào tạo kỹ sư quân sự: 5 năm (giảm 0,5 năm); đào tạo sĩ quan chính trị cấp phân đội: 4 năm (giảm 1 năm); các đối tượng khác giữ nguyên như hiện nay.
Đào tạo trình độ thạc sĩ: Đối tượng chưa tốt nghiệp đào tạo cán bộ cấp trung đoàn và tương đương thì thời gian đào tạo là 2 năm. Với đối tượng đã tốt nghiệp đào tạo cán bộ cấp trung đoàn và tương đương, thời gian đào tạo là 1,5 năm (do được miễn trừ số tín chỉ đã học). Nếu đào tạo thạc sĩ kết hợp đào tạo cán bộ cấp trung đoàn và tương đương, thời gian đào tạo là 2,5 năm (tăng thời gian do bổ sung số tín chỉ trong chương trình đào tạo cán bộ cấp trung đoàn và tương đương).
Đào tạo trình độ tiến sĩ: Đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận đào tạo chức vụ trong Quân đội là chương trình chuyên sâu đặc thù để phù hợp, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật về đào tạo tiến sĩ trong Quân đội. Với đối tượng đã tốt nghiệp thạc sĩ, thời gian đào tạo tiêu chuẩn là 3 năm; với đối tượng tốt nghiệp đại học, thời gian tiêu chuẩn là 4 năm... Ngoài ra, đề án còn điều chỉnh giảm thời gian đào tạo, thời gian khai giảng đối với đào tạo các đối tượng tiểu đội trưởng, khẩu đội trưởng nhằm phù hợp với điều kiện thực tiễn.
PV: Để triển khai hiệu quả đề án, cần tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp gì, thưa đồng chí?
Thiếu tướng, TS Nguyễn Văn Oanh: Đề án sẽ được thực hiện ngay trong năm học 2023-2024 sắp tới. Hiện nay, Cục Nhà trường, các cơ quan chức năng, các học viện, nhà trường Quân đội đang tích cực triển khai những công việc có liên quan. Để triển khai hiệu quả đề án, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp; xây dựng, hoàn thiện và thực hiện tốt quy chế quản lý quy trình, chương trình đào tạo; kiện toàn tổ chức biên chế, xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới; hoàn thiện hệ thống giáo trình, tài liệu dạy học, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo, hệ thống thao trường, trường bắn; các cơ sở đào tạo và đơn vị phải phối hợp chặt chẽ trong thực hiện quy trình, chương trình đào tạo. Cuối cùng, cần làm tốt công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm định chất lượng GD-ĐT.
Yêu nước ST.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét