Thứ Hai, 17 tháng 7, 2023

PHÁT HUY TRÁCH NHIỆM CẤP ỦY VÀ NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ-XÃ HỘI

 Quảng Ninh đặt mục tiêu tới năm 2025 trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện ở miền bắc. Tỉnh xác định ba khâu đột phá chiến lược là phát triển nguồn nhân lực; hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng và xây dựng nền văn hóa gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giữa các vùng miền. Ðể triển khai, Ðảng bộ tỉnh yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền và người đứng đầu phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ.

Rõ người, rõ việc, thực chất, hiệu quả
Ðầu năm 2023, Thành ủy Cẩm Phả được Tỉnh ủy Quảng Ninh giao trách nhiệm tiếp tục đẩy mạnh và hoàn thành việc chuyển đổi phao xốp sang phao theo quy chuẩn (phao nhựa HDPE) trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn và di dời, bố trí, sắp xếp lồng bè theo quy hoạch nuôi lồng bè tập trung trên biển đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Ðây là việc khó bởi diện tích mặt biển của thành phố khá lớn, số hộ nuôi trồng thủy sản đông, kinh phí chuyển đổi phao xốp sang phao nhựa cao. Một số cán bộ, cơ quan làm chưa hết trách nhiệm cho nên trong những tháng đầu năm 2023 vẫn còn một số hộ chưa chuyển đổi và tồn tại tình trạng lồng bè hoạt động trái phép, trái quy hoạch.
Quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, Thành ủy thành lập Ban Chỉ đạo triển khai nhiệm vụ do đồng chí Bí thư Thành ủy làm Trưởng ban. UBND thành phố tổ chức nhiều đợt ra quân vận động nhân dân chuyển đổi phao xốp sang phao nhựa, rà soát cụ thể các khu vực nuôi trồng thủy sản, xây dựng kế hoạch di dời lồng, bè, mảng nuôi trồng thủy sản trái phép.
Các phường, xã, đơn vị liên quan tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý mọi di chuyển của các bè mảng trái phép trên biển; ra quân đồng loạt tháo dỡ, di dời hoặc tiêu hủy lồng bè nuôi trái phép; nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm trong việc để xảy ra tình trạng nuôi trồng thủy sản trái phép. Ðặc biệt, thành phố đã nhiều lần đối thoại với các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản trái phép, qua đó tuyên truyền, vận động, tháo gỡ vướng mắc.
Cùng với thành phố Cẩm Phả, nhiều địa phương khác như Hạ Long, Vân Ðồn, Móng Cái cũng đã hoàn thành việc bố trí sắp xếp nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch và làm sạch môi trường biển. Ðây là cơ sở để Quảng Ninh tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế biển nhằm triển khai nhiệm vụ mà Nghị quyết 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra là xây dựng khu vực Hải Phòng-Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Ðông Nam Á, là cửa ngõ, động lực phát triển của vùng.
Tăng cường tiếp xúc, đối thoại với nhân dân
Hoàn thiện hạ tầng cơ sở, nhất là giao thông nhằm tạo thuận lợi trong thu hút đầu tư phát triển cũng là một nhiệm vụ quan trọng được tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm. Ðể nhanh chóng tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng phục vụ mở các công trình trọng điểm, Tỉnh ủy Quảng Ninh quan tâm chỉ đạo tăng cường thực hiện chủ trương người đứng đầu cấp ủy, đơn vị, địa phương tiếp xúc, đối thoại, giải quyết yêu cầu, kiến nghị của nhân dân.
Tháng 7/2020, Quảng Ninh triển khai tuyến đường cao tốc Vân Ðồn-Móng Cái. Quá trình triển khai thi công dự án cao tốc Vân Ðồn-Móng Cái gặp rất nhiều khó khăn do khối lượng thi công lớn trong điều kiện địa chất, thủy văn phức tạp và nhất là công tác giải phóng mặt bằng với 1.186 hộ dân thuộc diện phải di dời; trong đó 326 hộ cần bố trí tái định cư, di chuyển 320 ngôi mộ. Ngay từ khi mới triển khai các địa phương đã nhận được nhiều ý kiến, kiến nghị của nhân dân liên quan đến các chế độ, chính sách đền bù giải tỏa.
Xác định đây là việc khó, Quảng Ninh thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện dự án do Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp làm Trưởng ban Chỉ đạo. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Ban Chỉ đạo xác định là tiếp xúc, đối thoại với nhân dân. Tỉnh ủy cũng giao cho Mặt trận Tổ quốc tỉnh tập hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân, tổ chức và giám sát các cuộc đối thoại, báo cáo trực tiếp Ban Chỉ đạo. Ðối với những kiến nghị liên quan đến trách nhiệm của UBND tỉnh, các đồng chí lãnh đạo tỉnh cũng trực tiếp đối thoại với người dân.
Kết quả, sau 15 ngày phát động đợt cao điểm giải phóng mặt bằng với gần 100 cuộc gặp gỡ, đối thoại, tiếp xúc của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức từ cơ sở đến tỉnh, 100% số hộ dân đã đồng thuận bàn giao mặt bằng cho dự án. Sau 500 ngày đêm dồn lực thi công, ngày 1/9/2022, tuyến đường cao tốc Vân Ðồn-Móng Cái chính thức hoàn thành đi vào hoạt động, mở ra nhiều cơ hội thu hút nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế-xã hội cho địa phương.
Với việc phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, nhất là người đứng đầu trong công tác tiếp công dân, đối thoại giải quyết khiếu nại, tố cáo, đã nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, thúc đẩy triển khai hoàn thành nhiều dự án trọng điểm quan trọng. Ðể nêu gương trong thực hiện trách nhiệm này, trực tiếp đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, trong năm 2022, đã tiếp 11 cuộc, 223 công dân với 30 vụ việc (11 đoàn đông người). Từ đầu năm 2023 đến nay, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã tiếp ba cuộc, với gần 100 công dân.
Nhiều người đứng đầu các địa phương cũng nêu cao tinh thần gương mẫu như thành phố Hạ Long, định kỳ hằng quý, đồng chí Bí thư Thành ủy chủ trì hội nghị chỉ đạo rà soát, báo cáo tình hình, kết quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư; chỉ đạo tập trung giải quyết đơn thư đúng thời hạn; cho ý kiến chỉ đạo giải quyết một số nội dung vụ việc cụ thể.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Tỉnh ủy Quảng Ninh cũng nhận định trong triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, khâu tổ chức thực hiện có lúc, có nơi còn chậm. Vẫn còn tình trạng một cấp ủy, cán bộ sợ sai, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Nhiều nơi, cấp ủy, người đứng đầu chưa thật sự nắm chắc tình hình nhân dân, nhất là một số vùng đang tiềm ẩn những vấn đề phức tạp…
Ðể khắc phục hạn chế, Tỉnh ủy Quảng Ninh yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng các địa phương tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm hiệu quả. Cùng đó là siết chặt kỷ luật, kỷ cương, chấn chỉnh, khắc phục tình trạng người đứng đầu và cán bộ, công chức làm việc cầm chừng, né tránh, sợ sai, ngại va chạm. Tiếp tục đề cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy và tinh thần nêu gương của người đứng đầu nhằm vượt qua thách thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao./.
Báo Nhân dân

1 nhận xét: