Những năm đầu của thế kỷ 21, các nước phương Tây
liên tục khuấy động cái gọi là “cách mạng màu” ở nhiều quốc gia khiến cho các
quốc gia đó cũng như cả khu vực hỗn loạn, thậm chí, rơi xuống vực sâu nội chiến
và tạo nên xung đột cấp độ khu vực.
Đối
với Việt Nam, trong thời gian vừa qua, các thế lực thù địch đã mở nhiều chiến
dịch hoạt động chống phá ta trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn
hoá - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại. Kể cả việc tổ chức đưa số lượng
khá lớn bọn phản động người Việt lưu vong trở về Tổ quốc bằng nhiều con đường
khác nhau, thực hiện các hoạt động chống phá nhằm xoá bỏ chế độ Xã hội chủ nghĩa
ở Việt Nam.
Mục tiêu trọng điểm của chúng là tập trung chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam; cùng với đó là xúc tiến, tạo dựng các tổ chức chính trị phản động ở nước ngoài, nhen nhóm lực lượng phản động ngầm ở trong nước. Triệt để lợi dụng những mâu thuẫn xã hội, tình hình khiếu kiện, đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu…, để gây chia rẽ, mâu thuẫn trong nội bộ chính quyền và nhân dân. Đặc biệt, lợi dụng những khó khăn, hạn chế của chính quyền các cấp trong thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo hoặc những yếu kém, sai lầm trong xử lý mâu thuẫn dân tộc, tôn giáo, lấy đó làm “ngòi nổ” kích động quần chúng biểu tình, gây rối loạn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở các vùng chiến lược có vấn đề dân tộc, tôn giáo phức tạp, như: Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ.
Tận
dụng khả năng truyền tải thông tin nhanh, rộng trên Internet, các thế lực thù
địch có khá nhiều bài viết, thậm chí cả các chương trình truyền hình, đối thoại
trên các trang mạng xã hội và các trang blog cá nhân như: Quan làm báo, Dân làm
báo, Đàn Chim Việt, Tiếng gọi công dân, Bauxite… để bàn luận về “cách mạng màu
và tình hình Việt Nam”. Một số nhân vật phản động còn đưa ra lập luận, phân
tích thời, thế sau “Mùa Xuân Ả rập” để "soi rọi và cảnh báo cho quốc dân
đồng bào trong nước", như: Bùi Tín, Huỳnh Thục Vy, Trần Huỳnh Duy Thức...
Chúng cho rằng, một cuộc cách mạng dân chủ theo kiểu của phương Tây, có thể tạo
ra cuộc “chuyển giao quyền lực êm đềm, không đổ máu” ở Việt Nam. Sự thâm độc,
xảo quyệt của chiêu bài này càng lộ rõ khi chúng còn "mách" rõ những
cách làm rất cụ thể, tỉ mỉ cho từng giai tầng, lực lượng xã hội ở Việt Nam.
Chúng luôn đề cao vai trò của các trang mạng xã hội và công cụ Internet, thậm
chí điện thoại di động cũng là “vũ khí hữu hiệu” trong việc tập hợp lực lượng
nổi dậy. Từ đó, chúng kích động giới trẻ Việt Nam “hãy tận dụng lợi thế của
công nghệ để hành động”.
Chúng
cũng “chỉ” ra các bước hành động cụ thể: ban đầu chỉ cần kêu gọi nhau tụ tập ở
chỗ đông người rồi dần dần tiến tới tụ tập vì những lý do, như: vì chủ quyền
biển, đảo, vì kinh tế khó khăn, đấu tranh chống tham nhũng... Ở nấc thang cao
hơn, sẽ phát động biểu tình, hướng tới phản đối những hạn chế trong điều hành,
quản lý kinh tế, những tiêu cực xã hội rồi tiến tới kêu gọi lật đổ chính quyền,
phát động phong trào “toàn dân xuống đường cứu nước”...
Đối
với lực lượng vũ trang, các thế lực phản động còn đưa ra chiêu bài kêu gọi:
“Quân đội nhân dân là của nhân dân nên sẽ không bắn vào người biểu tình. Lực
lượng công an và quân đội hãy trở về với nghĩa vụ giúp đỡ và bảo vệ nhân dân,
là người vốn đã sinh ra và nuôi nấng mình”. Khi các cuộc biểu tình đã được đẩy
lên ở mức cao tại các thành phố lớn, sẽ có sự hà hơi tiếp sức của các tổ chức
phản động trong và ngoài nước, chúng sẽ kêu gọi nước ngoài, quốc tế can thiệp
dưới chiêu bài vì "dân chủ, nhân quyền"... Hiện nay, mặc dù “cách
mạng màu” chưa phải là một nguy cơ trực tiếp đối với Việt Nam, nhưng sự thúc
đẩy “tự diễn biến, tự chuyển hóa” tiến tới “cách mạng màu” đã và đang được các
thế lực thù địch sử dụng với nhiều thủ đoạn, biện pháp khác nhau. Nhìn lại một
vài cuộc tụ tập đông người vừa qua, có nhiều dấu hiệu cho thấy đã có bàn tay
kích động, đứng sau của các thế lực thù địch, mà giai đoạn đầu chính là sự thúc
đẩy "tự diễn biến, tự chuyển hóa". Trong bối cảnh hiện nay, các thế
lực thù địch sẽ triệt để lợi dụng các vụ khiếu kiện đông người, tranh chấp đất
đai, biểu tình của công nhân đòi chế độ, chính sách, biểu tình yêu nước..., để
thực hiện mưu đồ của chúng.
Điển
hình như các vụ biểu tình trong tháng 6/2018, trong khi Quốc hội đang họp bàn
dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (Luật Đặc khu), Luật An ninh
mạng, lực lượng chống đối đã sử dụng mạng xã hội lợi dụng lòng yêu nước của
người dân để tuyên truyền, kích động, kêu gọi tập hợp lực lượng. Chỉ tính từ
ngày 01 đến ngày 13.6.2018, đã có 44.213 bài được đăng tải trên không gian mạng
đề cập đến vụ việc người dân biểu tình phản đối dự thảo Luật Đặc khu và Luật An
ninh mạng. Hậu quả là một số người dân đã tụ tập và biểu tình trái phép tại một
số địa phương, như: Đà Nẵng, Nha Trang, Đồng Nai, Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí
Minh, Bình Thuận, Bình Dương... Một số đối tượng ở Phan Thiết khi bị tạm giữ,
khai nhận: có một phụ nữ đến cho 300.000 đồng rồi hướng dẫn mọi người làm theo.
Người phụ nữ này còn dặn thêm, nếu có bị bắt giữ thì không được khai nếu không
sẽ ảnh hưởng đến cả gia đình. Hình thức này giống hệt cuộc “Cách mạng Cam 2.0”
ở Ucraina (năm 2014), cứ mỗi người ngồi biểu tình ở quảng trường Maidan (Kiep)
được nhận 40 USD/ngày, nếu tiến công cảnh sát bằng bom xăng được thưởng 250
USD/người... Đây là một phương thức sử dụng tiền bạc để mua chuộc, lôi kéo
người dân tham gia biểu tình, gây rối; nó đang trở nên phổ biến trong các cuộc
“cách mạng màu” hiện nay.
Lực
lượng công an còn phát hiện và bắt giữ một số đối tượng mặc quân phục của quân
đội, áo khoác có logo công an trà trộn vào đám đông, có dấu hiệu kích động gây
rối. Theo nhận định của cơ quan chức năng, không loại trừ các đối tượng này sẽ
tấn công người biểu tình rồi hô hào công an, bộ đội đánh dân để kích động đám
đông, cho người khác chụp ảnh, quay phim đưa lên mạng để vu oan cho lực lượng
công an, quân đội đàn áp người dân. Thủ đoạn này cũng tương tự như cuộc “Cách
mạng Cam 2.0” ở Ucraina, khi đó tổ chức phát xít mới mang tên "Pravy
Sector" đã tổ chức các vụ bắn tỉa nhằm vào người biểu tình, sau đó đổ tội
cho Chính quyền Kiep "đàn áp người dân".
Từ
những hoạt động trên cho thấy, những tổ chức phản động trong và ngoài nước luôn
đứng sau những cuộc biểu tình, gây rối này; những thủ đoạn kích động, mua
chuộc, tổ chức, cung cấp kinh phí giống như cách thức chúng đã tiến hành ở các
nước Trung Đông, Bắc Phi, Ucraina trong thời gian vừa qua.
Để
cổ súy, lôi kéo, kích động cho các hành vi biểu tình, bạo động, các tổ chức
phản động, một số đài, báo nước ngoài đã ra sức tuyên truyền, xuyên tạc, vu
khống các cơ quan chức năng của Việt Nam “bắt giữ và tra tấn người dân tham gia
biểu tình ôn hòa”, vi phạm Công ước Quốc tế về quyền con người; yêu cầu Chính
phủ Việt Nam “trả tự do” cho các đối tượng đang bị giam giữ và mở cuộc điều tra
“làm rõ những hành vi tra tấn người biểu tình”. Khi có biểu tình nổ ra, chúng
tổ chức sẵn lực lượng ngồi ở nhà để tiếp nhận video, biên tập ngay, để phát tán
những hình ảnh gây kích động trong xã hội. Đây chính là hình thức “Biểu tình ảo
trên không gian mạng”, được các đối tượng phản động lưu vong lấy ý tưởng từ các
cuộc biểu tình ảo (trên không gian mạng) tại Tây Ban Nha vào tháng 4 năm 2015,
khi chính phủ Tây Ban Nha thông qua Nghị định về hạn chế các quyền tự do ngôn
luận và nghiêm cấm các buổi tụ tập biểu tình của người dân.
Thời
gian tới, các thế lực thù địch sẽ tiếp tục chống phá ta trên tất cả các lĩnh
vực. Lợi dụng những khó khăn về kinh tế, hạn chế của chính quyền các cấp trong
thực hiện chính sách dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo hoặc những yếu kém, sai lầm
trong xử lý giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, giải quyết khiếu kiện, lấy đó làm
“ngòi nổ” kích động quần chúng biểu tình, gây rối loạn an ninh chính trị, trật
tự an toàn xã hội. Chúng sẽ tiếp tục sử dụng các trang mạng xã hội, Internet để
tuyên truyền, kêu gọi tổ chức lực lượng biểu tình, gây rối; sử dụng các trang
mạng này để bóp méo sự thật, làm sai lệch quan điểm, đường lối của Đảng. Bên
cạnh đó, chúng tiếp tục kêu gọi đòi đa nguyên, đa đảng, phi chính trị hóa quân
đội, ban hành Luật Biểu tình... Các thủ đoạn sẽ hết sức đa dạng, từ bí mật đến
công khai, sử dụng tiền bạc, vật chất để lôi kéo, mua chuộc thậm chí đe dọa;
sẵn sàng tổ chức các vụ khủng bố vào trụ sở chính quyền, cơ quan công an, đơn
vị quân đội để gây tiếng vang, tạo sự bất ổn, lo lắng trong dân chúng.
Chúng ta cần nhận thức rõ trong cuộc đấu tranh
quyết liệt, phức tạp và lâu dài này, nhân tố quyết định là phải luôn bình tĩnh,
sáng suốt, bảo đảm giữ thế chủ động về chiến lược. Nắm chắc âm mưu, thủ đoạn
hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, nhất là những phát triển mới, những
vấn đề nhạy cảm trong quan hệ quốc tế để có chủ trương đúng và có kế hoạch,
biện pháp đấu tranh phòng chống hiệu quả. Để phòng, chống “cách mạng màu”, điều
quan trọng nhất vẫn là cách xử lý những nguyên nhân nội tại của mỗi quốc gia:
kinh tế chậm phát triển, đời sống nhân dân ít được cải thiện, nạn tham nhũng,
mất đoàn kết, thiếu công bằng, dân chủ..., chính là những ngòi nổ tiềm tàng
trong xã hội. Cần giải quyết tốt các vấn đề bức xúc trong xã hội, kiểm soát
không để cho tình hình lây lan cũng là vấn đề mà các chính phủ cần quan tâm,
bởi nếu không, nó rất dễ bị biến thành bằng chứng vi phạm nhân quyền, cái cớ
cho việc can thiệp từ bên ngoài dưới chiêu bài nhân đạo./.
PHAM TRỌNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét