Thứ Sáu, 5 tháng 4, 2019

DÒNG MÁU LẠC HỒNG

 TỔ QUỐC TRONG MỖI TRÁI TIM VIỆT
        Theo một số công trình nghiên cứu về hệ giá trị văn hóa Việt Nam, tính cách người Việt có 4 đặc trưng cơ bản là trọng tĩnh, trọng tình, trọng sỉ và trọng văn. “Trọng tĩnh” nghĩa là ưa thích sự ổn định, yên lành, muốn gắn bó lâu dài với quê cha đất tổ. “Trọng tình” là đề cao đạo đức ứng xử hài hòa, coi trọng giá trị tinh thần và tâm linh. “Trọng sỉ” là trọng những người cao tuổi, người có kinh nghiệm, giữ gìn tôn ti trật tự theo thế hệ. “Trọng văn” là truyền thống trọng chữ nghĩa, tri thức, khoa bảng.
        Một trong những nét cơ bản làm nên giá trị văn hóa người Việt là ý thức giữ gìn, bảo lưu, trao truyền “sợi dây tâm linh” từ thế hệ này qua thế hệ khác. Trong tâm niệm sâu xa của người Việt, chết không có nghĩa là hết, mà “sự tử là sự vinh”. Vì thế, để lưu truyền “sự vinh” này, người Việt đã duy trì tập tục thờ cúng tổ tiên. Từ tập tục thờ cúng tổ tiên đã mở rộng phạm vi thờ cúng tổ họ, tổ nghề và lớn lao hơn, thiêng liêng hơn là thờ cúng Quốc Tổ Hùng Vương, tức là tưởng nhớ, hương khói, thờ phụng “ông tổ” đã sinh ra nước mình.
        Đã bao đời nay, trong mỗi trái tim Việt, từ trẻ đến già, từ miền xuôi lên miền ngược và cả những người nhiều năm sinh sống, công tác ở nước ngoài vẫn luôn tự hào được mang trong mình dòng máu Lạc Hồng, để rồi Dù ai ăn đâu, làm đâu/ Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ. Ngày Mồng 10 tháng Ba âm lịch hằng năm không chỉ là ngày lễ trọng của quốc gia dân tộc Việt Nam, mà còn là ngày đoàn tụ, kết nối các giai cấp, tầng lớp nhân dân trong xã hội cùng hướng về cội nguồn Quốc Tổ Hùng Vương. Trong ngày lễ đặc biệt này, nếu ai không có điều kiện về Khu di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ) thắp nén tâm nhang trước anh linh Quốc Tổ, thì cũng có thể tìm đến hơn 1.400 di tích trên khắp mọi miền đất nước hiện đang thờ phụng các nhân vật thuộc thời đại Hùng Vương để tỏ lòng thành kính các vị quốc công đã khai sinh ra quốc gia dân tộc Việt Nam.
Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, mọi người trên sân khấu, mọi người đang ngồi, bàn, cây, giày và ngoài trời

       Trong ngày lễ trọng, tình cảm trở về cội nguồn không chỉ thể hiện tấm lòng tri ân quá khứ, chiêm bái anh linh tiền nhân, mà còn là dịp khơi gợi, nhắc nhớ mỗi người Việt thêm yêu quê hương, đất nước, thêm quý trọng xứ sở đã sinh ra, nuôi dưỡng mình lớn khôn, trưởng thành. Quê hương mỗi người chỉ một/ Như là chỉ một mẹ thôi. Trong trái tim mỗi người có hình bóng mẹ cha, có dáng hình đất nước, đó là những hình ảnh thân thương còn neo lại trong ký ức và theo suốt cuộc đời nên chúng ta luôn trân trọng, nâng niu tình cảm thiêng liêng ấy.
         “Hạnh tại sinh Nam bang” (Ngô Thì Nhậm). Tự hào được sinh ra ở nước Nam, nhưng niềm tự hào đó chỉ thật sự có ý nghĩa khi mỗi con dân đất Việt hôm nay luôn tự đặt câu hỏi: Mình đã làm gì cho Tổ quốc thân yêu? Có cội nguồn vẻ vang, bề dày lịch sử, chiều sâu văn hóa truyền thống và sức mạnh phi thường trong các cuộc chiến tranh giữ nước, giải phóng dân tộc, nhưng Việt Nam hiện vẫn là nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình. Điều đó khiến bất cứ ai nặng lòng với đất nước cũng khôn nguôi trăn trở.
          Lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước cho thấy, gắn chặt tình đồng bào với nghĩa nước non là cội nguồn sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Tổ tiên ta, các thế hệ ông cha ta đã đoàn kết một lòng, không tiếc mồ hôi, công sức, máu xương để gây dựng, bảo toàn giang sơn gấm vóc Việt. Vậy nên, trách nhiệm của thế hệ hôm nay là phải chung sức đồng tâm, nỗ lực góp tài, hiến trí để xây dựng nước Việt Nam “hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới” và vươn lên “sánh vai với các cường quốc năm châu” như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong ước.

1 nhận xét: