Từ khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô
và các nước Đông Âu sụp đổ, phe xã hội chủ nghĩa tan rã, các thế lực thù địch
không ngừng thực hiện âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” nhằm chống phá
Đảng, chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Trong khi chúng ta đang đẩy
mạnh toàn diện và đồng bộ sự nghiệp đổi mới, bên cạnh những thuận lợi, thời cơ
thì cũng xuất hiện nhiều khó khăn, thách thức. Những khó khăn, thách thức
đó, một mặt, do những vấn đề mới, những mâu thuẫn mới nảy sinh
trong quá trình đổi mới ngày càng đi vào chiều sâu; mặt khác, do
những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm chưa được khắc phục kịp thời, đồng thời
cộng với tình hình thế giới biến đổi nhanh chóng, phức tạp, khó lường.
Trong nhận thức của không ít cán bộ, đảng
viên có sự mơ hồ, không phân biệt đúng - sai ở tầm quan điểm về những vấn đề
lớn, như đánh giá về bản chất của thời đại, về chủ nghĩa tư bản, về chủ nghĩa
xã hội, về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, về nguyên nhân sự sụp đổ của Liên Xô, về
thời kỳ quá độ và định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, về vai trò chủ đạo của
kinh tế nhà nước, về vai trò của kinh tế tư nhân, về kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa, về chế độ sở hữu đất đai,...
Sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở
Liên Xô và các nước Đông Âu, sự tiếp tục tồn tại và phát triển, nhất là về kinh
tế của chủ nghĩa tư bản, sự xuyên tạc, tấn công của các thế lực thù địch, cơ
hội chính trị vào ý thức hệ xã hội chủ nghĩa đã làm cho một số cán bộ, đảng
viên giảm sút niềm tin vào chủ nghĩa Mác - Lê-nin và chủ nghĩa xã hội. Có người
cho rằng, chủ nghĩa Mác - Lê-nin chỉ phù hợp với thế kỷ XIX, hoặc cùng lắm là
đầu thế kỷ XX - thời đại văn minh cơ khí, còn bây giờ là thế kỷ XXI - thời đại
của cách mạng khoa học - công nghệ, cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kinh tế
tri thức, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế nên không còn thích hợp nữa; rằng
chủ nghĩa Mác - Lê-nin không phải là sản phẩm của Việt Nam mà du nhập từ phương
Tây nên không phù hợp với điều kiện Việt Nam...
Những nhận thức đó, về mặt khách quan, là
có lợi cho quan điểm cơ hội chính trị. Họ không thấy rằng, đứng trên quan điểm
khách quan mà xem xét có một số luận điểm cụ thể của C. Mác, Ph. Ăng-ghen, V.I.
Lê-nin không còn phù hợp nữa, đã bị thực tiễn lịch sử vượt qua hoặc bị nhận
thức sai mà bây giờ phải nhận thức lại cho đúng, song những nguyên lý cơ bản
của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, trong tinh thần khoa học và cách mạng của nó, vẫn
giữ nguyên giá trị. Một trong các minh chứng cụ thể là trong thời kỳ khủng hoảng
kinh tế - tài chính những năm 2008 - 2009 ở các nước tư bản phát triển,
bộ “Tư bản” của C.Mác đã được in và tái bản với số lượng tăng
vọt, trở thành sách bán chạy ở các nước tư bản, như Anh, Đức, Pháp, I-ta-li-a,
Nhật Bản,... Sở dĩ có hiện tượng đó vì người ta muốn tìm câu trả lời từ trong
tác phẩm vĩ đại của C. Mác về những vấn đề của xã hội tư bản hiện đại. Nhà sử
học người Anh Ê-rích Hô-xbon nhận xét rằng “việc quay trở lại đọc Mác có nghĩa
là thế giới cần phải nghiên cứu học thuyết của ông về chủ nghĩa tư bản, và về
vị trí của học thuyết đó trong sự phát triển của xã hội loài người”.
Những người giảm sút niềm tin vào chủ
nghĩa Mác - Lê-nin và chủ nghĩa xã hội cũng không thấy hoặc cố tình không thấy
rằng, trong hơn 30 năm đổi mới, Đảng ta đã có nhiều đổi mới về tư duy lý luận,
đã nhận thức lại chủ nghĩa Mác - Lê-nin theo tinh thần khẳng định sức sống, giá
trị bền vững của những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, đồng thời
loại bỏ những nhận thức không đúng, ấu trĩ, giáo điều, duy ý chí về chủ nghĩa
Mác - Lê-nin, về chủ nghĩa xã hội, phân biệt những nguyên lý cơ bản của học
thuyết Mác - Lê-nin với những luận điểm cụ thể của các ông gắn liền với những
hoàn cảnh cụ thể lúc đó mà sau này đã bị lịch sử vượt qua. Họ cũng không thấy
rằng, thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác
- Lê-nin cho phù hợp với điều kiện lịch sử mới của Việt Nam. Không có sự vận
dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin thì không có những thành tựu
to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà nhân dân ta đã đạt được qua hơn 30 năm đổi mới.
GREEN TEA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét