Trải qua ba đợt chiến đấu gay go và gian khổ, liên tục trong 55 ngày đêm, ngày 7-5-1954, quân và dân Việt Nam đã tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch ở Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, diệt và bắt sống trên 16.000 tên địch. Toàn thể bộ chỉ huy Tập đoàn cử điểm do tướng Đờ Cátxtơri cầm đầu đã bị bắt sống. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ toàn thắng, kết thúc oanh liệt cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 của quân và dân Việt Nam.
Ngày 20/11/1953, Nava cho quân nhảy dù xuống cánh đồng Mường Thanh và đánh chiếm Điện Biên Phủ. Sau khi cân nhắc vị trí chiến lược của Điện Biên Phủ, ngày 3/12/1953 Nava đi tới quyết định xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh, bố trí những đơn vị thiện chiến chiếm giữ. Với kế hoạch phòng thủ nghiêm ngặt, Nava hạ quyết tâm lấy Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến lược với bộ đội chủ lực Việt Nam. Đờ Cát được chỉ định làm chỉ huy trưởng tập đoàn cứ điểm quan trọng này. Lực lượng huy động gồm hơn 60 máy bay Đa-kô-ta chở sáu tiểu đoàn dù với quân số 4.545 tên cùng với 190 tấn vũ khí đạn được và các thiết bị chiến tranh.
Điện Biên Phủ là chiến dịch rất quan trọng được Đảng và Bác Hồ đặc biệt quan tâm. Đại tướng Võ Nguyên Giáp được cử làm Bí thư Đảng ủy kiêm Tư lệnh Bộ Chỉ huy chiến dịch. Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm chủ tịch Hội đồng cung cấp Mặt trận. Thiếu tướng Hoàng Văn Thái – Phó tổng tham mưu trưởng làm Tham mưu trưởng chiến dịch. Lê Liêm làm Chủ nhiệm Chính trị chiến dịch. Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp Trần Đăng Ninh phụ trách công tác đường sá, tiếp tế chiến dịch.
Căn cứ vào lực lượng và bố trí cụ thể của địch, đồng thời để khắc phục hậu cần, thượng tuần tháng 12/1953, ta chủ trương thực hiện phương châm “đánh nhanh thắng nhanh” trong vòng 3 đêm 2 ngày.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đến cuối tháng 01/1954, lực lượng địch lên tới 12.000 tên với hệ thống công sự phòng ngự vững chắn, phương tiện chiến tranh được Mỹ viện trợ giúp đỡ, để đảm bảo chắc thắng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định chuyển sang phương châm “đánh chắc tiến chắc”. Bộ đội công binh khắc phục muôn vàn khó khăn xây dựng Sở chỉ huy chiến dịch tại Mường Phăng. Thực hiện phương châm “đánh chắc tiến chắc” bộ đội ta kéo pháo ra để làm hầm cho pháo.
Kéo pháo vào chiến dịch
Từ ngày 13-3 đến ngày 7-5-1954: Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.
Ngày 13/3/1954, quân đội Việt Nam mở cuộc tiến công lớn đầu tiên vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ngay giờ đầu tiên, 500 lính Pháp đã tử trận trên quả đồi. Vào xế chiều, Việt Minh tung cả sư đoàn bộ binh đánh chiếm Bê-a-tri-xơ (Him Lam), điểm chốt của trung tâm, đến nửa đêm thì Bê-a-tri-xơ chỉ còn là một nấm mồ. Chỉ có 200 binh sĩ trong số 700 quân đồn trú thoát chạy. Sau thảm hoạ đầu tiên này, Tư lệnh pháo binh, đại tá Sác-lơ Pi-rốt đã tự sát.
Ngày 30/3/1954, đợt tiến công thứ hai của quân ta vào cứ điểm Điện Biên Phủ bắt đầu. Ngày 1/4, tướng Na-va quyết định đưa thêm ba tiểu đoàn dù tăng viện cho Điện Biên Phủ với mong muốn “Nếu Điện Biên Phủ giữ được ba ngày nữa, Việt Minh sẽ phải bỏ cuộc”.
Ngày 1/5/1954, đợt tiến công thứ ba, cũng là đợt tiến công cuối cùng của quân ta vào Điện Biên Phủ bắt đầu.
Ngày 6/5/1954, quân đội Pháp tất cả đều đã kiệt sức, hoàn toàn rã rời. Hết cả đạn dược. Quân số cũng cạn.
Ngày 7/5/1954, khi quân Việt Minh tới, đại tá Lăng - gle kêu gọi sĩ quan nào còn sống sót tới xung quanh để bắt đầu một cuộc thử sức cuối cùng, nhưng không ai còn khả năng chống cự lâu được nữa. Đại tá Lăng - gle báo cáo lên tướng Đờ Cát. Tướng Đờ Cát gọi cho Hà Nội và thông báo cuộc chiến đấu đã chấm dứt rồi.
Chiều ngày 7/5/1954, lá cờ Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng Đờ Cát đánh dấu mốc son chói lọi của con người, đất nước Việt Nam.
Cắm cờ trên nóc hầm Đờ Cát
Sau 56 ngày đêm chiến đấu cực kỳ anh dũng, chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Ta tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên địch, bắn rơi và phá huỷ 62 máy bay, thu toàn bộ vũ khí, kho xăng, đạn dược, quân trang quân dụng.
Chiến thắng Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi 9 năm kháng chiến chống Pháp xâm lược, là một trong những trang chói lọi nhất trong lịch sử chống ngoại xâm, là một đòn trí mạng giáng vào chủ nghĩa thực dân cũ và dẫn đến sự sụp đổ của nó trên phạm vi nhiều châu lục. Chiến thắng này góp phần quyết định đập tan hoàn toàn dã tâm xâm lược của thực dân Pháp, buộc chúng phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, kết thúc chiến tranh ở Đông Dương, mở ra một thời kỳ mới cho cách mạng Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia, góp phần quan trọng đối với phong trào giải phóng dân tộc, mở đầu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới.
Mai Năm Mới
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét