HÃY THỂ HIỆN LÀ NGƯỜI VĂN MINH
Ngay sau khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực (ngày 1-1-2020), lực lượng chức năng nhiều địa phương đã tích cực kiểm tra, tiến hành xử phạt những người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu, bia.
Dư luận hy vọng với mức phạt cao, có tính răn đe được quy định trong luật, cùng với việc cơ quan thực thi pháp luật duy trì nghiêm chế tài xử phạt sẽ đưa luật đi vào cuộc sống, để nỗi đau tai nạn giao thông có nguyên nhân từ sử dụng rượu, bia chỉ còn là chuyện quá khứ.
Muốn "triệt" tận gốc, nhất thiết phải thay đổi thói quen “chén chú chén anh” vốn ăn sâu trong nếp sống xã hội tiểu nông. Thưởng thức rượu vốn là nét đẹp văn hóa có từ xa xưa. Trong xã hội nông nghiệp cổ truyền quanh năm làm lụng, khép kín sau lũy tre làng, chẳng mấy dịp gia đình, họ mạc, bạn bè, khách phương xa quây quần uống chén rượu hàn huyên, tâm sự. Chén rượu gắn kết tình cảm cộng đồng, gửi theo những lời chúc tụng và thế là “rượu tràn cung mây”. Nhiều người cũng có ý thức không nên uống rượu quá nhiều, song khó từ chối với bao lời mời mọc nhiệt tình; không uống lại bị chê trách không hòa đồng, không tôn trọng, gây sứt mẻ tình cảm. Cả nể uống rượu đến khi trí não không còn minh mẫn mới xảy ra bao vụ việc đau lòng, nhẹ thì lời qua tiếng lại, gây gổ, nặng thì đâm chém, tai nạn giao thông...
Hẳn sẽ có người nghĩ, đã là thói quen trở thành nếp sống văn hóa thì khó dẹp bỏ. Đó chỉ là suy nghĩ ngụy biện! Hành vi, thói quen hình thành từ sự thuận ý, đồng lòng của cộng đồng; nếu không còn hợp lý, hại nhiều hơn lợi thì chính cộng đồng sẽ phải điều chỉnh, thích nghi với sự thay đổi. Năm 1994, trước tác hại của pháo, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định cấm sản xuất, vận chuyển và đốt các loại pháo. Không còn tiếng pháo đã đi vào câu ca: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”, thì Tết cổ truyền sau ngần ấy năm vẫn giữ được sự vui vẻ; và quan trọng là mọi người đã dần quen với việc không có tiếng pháo.
Thực tiễn ở nhiều quốc gia từng cấm người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng bia, rượu, người dân đã dần hình thành thói quen là: Xe sang xịn cỡ nào đi chăng nữa cũng cất ở nhà, đi uống rượu là sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Mới đầu, hẳn sẽ có sự bất tiện, khó chịu với nhiều người. Nhưng pháp luật vô tình, bất vị thân và nhất là để bảo vệ bản thân và không làm ảnh hưởng cộng đồng, mỗi người cần có ý thức tuân thủ pháp luật, để xây dựng xã hội văn minh, thanh lịch.
Thay đổi một thói quen không thể một sớm một chiều, và để hiệu quả cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó tuyên truyền, giải thích luật một cách rộng rãi với nhiều hình thức sáng tạo để nhân dân tự giác chấp hành là rất quan trọng. Đặc biệt, chú ý tuyên truyền về hành vi bị nghiêm cấm là “xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia”, tiến tới loại bỏ hành vi phản văn hóa "ép rượu", gây hậu họa cho người khác. Cán bộ, đảng viên, cơ quan công quyền cần gương mẫu đi đầu, chấp hành luật, không sử dụng rượu, bia trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập. Qua đó, khắc phục tình trạng ăn uống, nhậu nhẹt bê tha, tiếp khách lãng phí trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh và xây dựng đạo đức công vụ.
Hơn hai tuần nữa, cả nước sẽ đón Tết cổ truyền Canh Tý 2020, bên cạnh niềm vui đón xuân mới là nỗi lo tai nạn giao thông gia tăng do sử dụng bia, rượu. Để năm mới hạnh phúc trọn vẹn, bao điều tốt lành, mỗi người cần có ý thức hạn chế sử dụng rượu, bia và "đã uống rượu, bia thì không lái xe", xem đây là việc làm thiết thực, ích nước lợi nhà, thể hiện là người văn minh, là công dân gương mẫu chấp hành luật pháp./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét