Sai phạm của những cá nhân nêu trên đã được Ban Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII chỉ rõ: ...Suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước; ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch Covid-19; gây bức xúc trong xã hội; ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng...
Kết luận này dựa trên kết quả kiểm tra cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng có dấu hiệu vi phạm của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, thực hiện theo quy định của Điều lệ Đảng. Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ hậu quả, nguyên nhân vi phạm, theo quy định của Đảng về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với Ban cán sự Đảng Bộ Khoa học và Công nghệ nhiệm kỳ 2016-2021, Ban cán sự Đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016-2021. Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Phạm Công Tạc. Ban Chấp hành Trung ương thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long.
Trong kết luận sai phạm của những cá nhân nêu trên, cụm từ “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống” được nhấn mạnh, đặt lên hàng đầu. Điều này khẳng định, suy thoái là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, là gốc rễ dẫn đến những sai phạm, vi phạm kỷ luật Đảng và pháp luật Nhà nước của những cán bộ, đảng viên giữ trọng trách trong tổ chức đảng và hệ thống chính trị của đất nước.
Sự nguy hại của suy thoái đã được Đảng ta cảnh báo, nhấn mạnh trong Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII: “Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc... Những hạn chế, khuyết điểm nêu trên làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng; làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”.
Suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên để lại hậu quả, nguy cơ vô cùng tai hại đối với Đảng và dân tộc. Cán bộ giữ chức vụ càng cao bị suy thoái thì hậu quả, nguy cơ đối với Đảng, với chế độ càng lớn. Nhìn lại những vụ việc, vụ án tham nhũng được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm thời gian qua, trong đó có nhiều cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị đưa ra xét xử, chúng ta thấy, tính chất, mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng.
Đây là lần đầu tiên kể từ Đại hội XII, Ban Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, kết luận hành vi sai phạm của những cán bộ, đảng viên thuộc diện Trung ương quản lý là “suy thoái về tư tưởng chính trị”.
Đây cũng là lần đầu tiên trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng từ Đại hội XII, việc xử lý sai phạm của cán bộ, đảng viên cấp cao và hành vi vi phạm pháp luật của công dân được Đảng, Nhà nước, Quốc hội và cơ quan hành pháp các cấp thực hiện kịp thời, nhanh chóng, chỉ trong một thời gian rất ngắn.
Việc xử lý nghiêm khắc, kịp thời, thống nhất, đồng bộ... đối với những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước thể hiện tinh thần quyết liệt, không có vùng cấm trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta. Qua những vụ việc này cho thấy, suy thoái như là một loại “virus” lây bệnh nguy hiểm, không trừ một ai. Nó có thể tấn công, làm biến dạng, biến chất ngay cả những người được đào tạo bài bản, có học hàm, học vị cao; ngay cả những cán bộ giữ cương vị chủ chốt, trọng trách trong Đảng.
Căn bệnh suy thoái là căn bệnh phải được phát hiện và điều trị từ sớm; nếu phát hiện muộn sẽ không điều trị được
Trả lờiXóa