Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định rõ về tính cách mạng của báo chí Việt Nam: “Báo chí ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ”. 98 năm qua, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, có những đóng góp lớn vào sự phát triển của đất nước.
Lợi dụng dịp kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, các đối tượng chống đối, cơ hội chính trị đã tung ra nhiều luận điệu sai trái, xuyên tạc đời sống báo chí tại Việt Nam. Vẫn những luận điệu cũ được rêu rao từ năm này qua năm khác, chúng “nhắm mắt nói liều” rằng “tự do báo chí tại Việt Nam bị chính quyền cấm cản”, “báo chí Việt Nam bị kiểm soát chặt”, “Việt Nam không có tự do báo chí”… Từ những thông tin sai lệch này, các đối tượng tự xưng “nhà dân chủ” đòi chính quyền phải thay đổi quy định về quản lý báo chí, “trả tự do cho báo chí” (?!).
Lâu nay, các tổ chức như Phóng viên không biên giới (RSF); các đài BBC, RFA, RFI, VOA tiếng Việt và một số tổ chức, cá nhân phản động luôn tìm cách xuyên tạc, bịa đặt về tình hình tự do báo chí tại Việt Nam. Mới đây, RSF đã công bố cái gọi là báo cáo về “Chỉ số tự do báo chí thế giới năm 2023”. Trong bảng xếp hạng, RSF xếp ba nước đứng cuối bảng đều ở châu Á, trong đó xếp Việt Nam hạng 178.
Về
bảng đánh giá tự do báo chí World Press Freedom Index hằng năm được RSF đưa ra,
không khó để thấy căn cứ đánh giá, xếp hạng của RSF không thuyết phục. Riêng
đối với Việt Nam, RSF không có một nghiên cứu chuyên sâu, cụ thể nào về tình
hình báo chí. Đồng thời, tổ chức này cũng không sử dụng bất kì báo cáo nào của
Chính phủ Việt Nam để đưa ra đánh giá.
Trái
lại việc RSF xếp loại tự do báo chí ở Việt Nam lại thường dựa vào những thông
tin do số tổ chức, cá nhân phản động, thù địch, cơ hội chính trị, có các hoạt
động vi phạm pháp luật Việt Nam cung cấp, do đó thông tin không khách quan, sai
thực tế về tình hình tự do báo chí ở Việt Nam. Năm nay, RSF vẫn xếp Việt Nam
nằm trong nhóm các quốc gia đứng gần cuối trong “Bảng xếp hạng chỉ số tự do báo
chí thường niên năm 2023”, tạo cớ để các tổ chức, cá nhân phản động triệt để sử
dụng nhằm quy kết, chống phá Việt Nam.
Tại
Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 3/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy
hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 nêu rõ quan điểm:
“Báo chí là phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan
trọng của Đảng và Nhà nước, diễn đàn của nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo trực
tiếp, toàn diện của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, hoạt động trong khuôn khổ
Hiến pháp và pháp luật”. Những năm qua, cùng với sự bùng nổ của công nghệ
truyền thông, nền báo chí nước ta cũng có sự phát triển nhanh chóng, góp phần
quan trọng trong việc nâng cao dân trí, phát triển văn hóa và con người Việt
Nam.
Tự
do báo chí, tự do ngôn luận là quyền cơ bản của mỗi công dân. Điều 25, Hiến
pháp năm 2013 của nước ta ghi nhận rõ: “công dân có quyền tự do ngôn luận, tự
do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các
quyền này do pháp luật quy định”. Đồng thời, Luật Báo chí cũng nghiêm cấm các
hành vi cản trở việc in, phát hành, truyền dẫn, phát sóng sản phẩm báo chí, sản
phẩm thông tin có tính chất báo chí hợp pháp tới công chúng; đe dọa, uy hiếp
tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu
giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp
đúng pháp luật. Với hành lang pháp lý như trên, hoạt động báo chí ở nước ta đã
có sự phát triển toàn diện.
Xét
trên phương diện số lượng, đến cuối năm 2022, nước ta có 127 cơ quan báo, 670
cơ quan tạp chí (bao gồm 327 tạp chí lý luận chính trị và khoa học và 72 tạp
chí văn học nghệ thuật), 72 cơ quan đài phát thanh, truyền hình. Trong đó, có 6
cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực là Báo Nhân dân, Đài Tiếng nói Việt
Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân và
Báo Công an nhân dân. Số lượng nhân sự đang hoạt động trong lĩnh vực báo chí là
gần 41.000 người, với 19.356 nhà báo đã được cấp thẻ. Nhiều vấn đề bất cập, gây
bức xúc trong dư luận đã được báo chí phản ánh và các cơ quan có thẩm quyền đã
kịp thời tiếp thu, giải quyết.
Đặc
biệt, trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, báo chí đã có những
đóng góp vô cùng quan trọng, vừa góp phần phát hiện các vụ việc vi phạm, vừa
đóng góp những ý kiến, giải pháp để hoàn thiện thể chế phòng, chống tham nhũng.
Cùng các cơ quan báo chí trong nước, trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng
sâu rộng, nhiều cơ quan báo chí nước ngoài đã đặt văn phòng đại diện hoặc cử
phóng viên thường trú tại Việt Nam. Ngoài ra, hiện có khoảng 57 kênh truyền
hình nước ngoài được cung cấp trên dịch vụ truyền hình của Việt Nam. Rõ ràng,
đời sống báo chí ở Việt Nam đang diễn ra hết sức sôi nổi.
Ở
nước ta đang tồn tại, phát triển đầy đủ các loại hình báo in, báo nói, báo
hình, báo điện tử. Về cơ bản, các cơ quan báo chí đã thông tin trung thực về
tình hình đất nước và thế giới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao
dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của nhân dân, bảo vệ và phát huy
truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng và phát huy dân chủ XHCN, tăng cường
khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong dòng chảy
phát triển của khoa học, công nghệ, hoạt động báo chí ở nước ta cũng đang
chuyển đổi theo hướng tích cực.
Với
mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí ngày càng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện
đại, làm tốt sứ mệnh thông tin, đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả, ngày
06/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 348/QĐ-TTg phê duyệt
Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Điều
này cho thấy rõ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với sự phát triển
của báo chí.
Cùng
với các cơ quan báo chí, mạng xã hội tại Việt Nam cũng phát triển vô cùng mạnh
mẽ. Theo Báo cáo Digital tại Việt Nam 2023 được We are social đưa ra, tính đến
đầu năm 2023, nước ta có 77.93 triệu người sử dụng Internet, chiếm khoảng 79.1%
tổng dân số, tăng thêm 5.3 triệu người so với năm 2022. Số lượng người đang
dùng mạng xã hội là khoảng 70 triệu người. Trong đó, 5 ứng dụng mạng xã hội phổ
biến là Facebook (91.6%), Zalo (90.1%), TikTok (77.5%), Facebook Messenger
(77%) và Instagram (55.4%). Thông qua mạng xã hội, mỗi người dùng đều dễ dàng
đăng tải, chia sẻ, bình luận thông tin liên quan đến mọi mặt của đời sống xã
hội.
Các
quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí luôn được Đảng, Nhà nước tôn trọng vào bảo
đảm. Đồng thời, việc thực hiện các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí phải
tuân thủ nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. Mọi trường hợp lợi dụng quyền
tự do ngôn luận, tự do báo chí để tiến hành các hoạt động chống phá chính
quyền, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, xuyên tạc lịch sử, xúc phạm dân tộc,
đe doạ đến an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; lợi dụng tự do báo chí
để xúc phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức là vi phạm pháp
luật và tùy mức độ, tính chất vi phạm mà bị xử lý chế tài tương ứng. Mọi hoạt
động lợi dụng vỏ bọc báo chí để “bán nước cầu vinh”, chống phá nền hoà bình, ổn
định của dân tộc đều phải bị lên án và xử lý nghiêm khắc.
Những
thông tin sai trái về tình hình báo chí của Việt Nam được các đối tượng xấu đưa
ra đang đi ngược lại thực tế, nằm trong mưu đồ chống phá Đảng, Nhà nước, nhân
dân Việt Nam.
Anh Tú - cand.com.vn - 21.06.2023
Bọn phản động óc thì nhỏ, không biết cái gì nhưng lại hay xuyên tạc và chê bai chế độ tốt đẹp này
Trả lờiXóa