Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa là nhà khoa học lớn, đại diện xuất sắc cho đội ngũ khoa học Việt Nam. Ông được biết đến với danh hiệu “ông vua” vũ khí, người có công lớn trong việc xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam.
Ông tên thật là Phạm Quang Lễ, sinh ngày 13/9/1913 tại làng Chánh Hiệp, quận Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long (nay là xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long). Năm lên 6 tuổi, Phạm Quang Lễ chứng kiến sự ra đi của người cha thân yêu. Lời trăn trối của cha “con phải chăm lo học hành, sau này mang kiến thức của mình ra để giúp ích cho đời” đã theo ông suốt cả cuộc đời. Ông lớn lên trong vòng tay yêu thương của mẹ và chị gái. Với tư chất thông minh vượt trội, sau khi kết thúc Đệ nhất cấp trường tỉnh Mỹ Tho, ông lên Sài Gòn theo học trường Trung học Pétrus Ký nổi tiếng. Ông luôn được thầy cô và bạn bè chú ý bởi sự thông minh và trí tuệ khác người.
Năm 1935, ông du học Pháp và sau những năm tháng học tập cần cù, với trí thông minh và nghị lực cao, Phạm Quang Lễ đã nhận được cùng lúc ba bằng đại học: Kỹ sư cầu đường, kỹ sư điện và cử nhân toán học. Sau đó ông học lấy tiếp bằng Kỹ sư hàng không, bằng của Trường mỏ và Đại học bách khoa. Trong 11 năm du học ở nước ngoài, ông đã âm thầm nghiên cứu kỹ thuật, công nghệ và hệ thống tổ chức chế tạo vũ phòng.Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp dự Hội nghị Fontainebbeau. Trong thời gian ở Pháp, Bác Hồ đã thu hút được đông đảo trí thức Việt kiều về nước phục vụ kháng chiến.
Cuộc gặp gỡ giữa ông và Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Paris đã trở thành cuộc gặp gỡ định mệnh làm thay đổi cuộc sống của Phạm Quang Lễ. Rời thủ đô Paris hoa lệ, Phạm Quang Lễ trở về Tổ quốc mang theo tâm nguyện phụng sự đất nước. Trước yêu cầu của cuộc kháng chiến chống Pháp gay go, ác liệt, ngày 5-12-1946, ông được Bác Hồ giao làm Cục trưởng Cục Quân giới với trọng trách là nghiên cứu, chế tạo ra vũ khí để bộ đội ta đánh giặc. Bác nói: “Đây là việc đại nghĩa. Vì thế, từ nay Bác đặt tên cho chú là Trần Đại Nghĩa...”.
Những cống hiến vô giá cho ngành công nghiệp quốc phòngĐảm nhiệm chức Cục trưởng Cục Quân giới trong điều kiện cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ là một thử thách không nhỏ đối với Trần Đại Nghĩa. Tuy nhiên, với vốn kiến thức tích lũy được trong thời gian học tập ở nước ngoài, cộng với sự thông minh, trí sáng tạo, ông đã nhanh chóng bắt tay vào trực tiếp nghiên cứu và chỉ đạo nghiên cứu sản xuất vũ khí phục vụ cuộc chiến đấu của quân và dân ta.
Trong điều kiện khó khăn và thiếu thốn về nhiều mặt, ông cùng các đồng chí của mình đã chế tạo thành công súng và đạn bazoka, súng đại bác không giật (SKZ), bom bay - những loại vũ khí có trình độ hiện đại của thế giới lúc bấy giờ.
Ngày 3-3-1947 đã trở thành một mốc son của ngành Quân giới Việt Nam trong việc chế tạo khí tài, khi đạn bazoka góp phần bẻ gẫy cuộc tấn công của địch ở vùng Chương Mỹ, Quốc Oai (Hà Tây cũ). Trong chiến dịch Thu Đông năm 1947, bazoka còn bắn chìm cả tàu chiến Pháp trên sông Lô.
Sau đạn bazoka, những năm 1948 - 1949, Trần Đại Nghĩa và các đồng nghiệp trong Cục Quân giới bắt đầu nghiên cứu và chế tạo loại súng có sức công phá mạnh - súng không giật SKZ. Đây là dòng vũ khí hiện đại, mới xuất hiện lần đầu trong trận quân Mỹ đổ bộ lên đảo Okinawa của Nhật Bản hồi cuối chiến tranh thế giới thứ hai.
SKZ Việt Nam xuất trận lần đầu trong trận Phố Lu, đánh phá nhiều lô cốt địch. Năm 1950, tại chiến trường Nam Trung Bộ, trong một đêm, với loại súng không giật này ta đã loại bỏ 5 đồn giặc. Địch hoảng sợ tháo chạy khỏi hàng loạt đồn bốt khác.
Để có thể đánh đòn chí mạng vào các điểm co cụm của địch, Trần Đại nghĩa tiếp tục nghiên cứu và chế tạo thành công loại bom bay tương tự loại V1, V2 của Đức. Bom bay được cấp tốc đưa đến các vùng chiến sự khốc liệt, góp phần làm nên những thắng lợi quan trọng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược..
Trong cuốn sách “Chiến tranh Đông Dương” của Lucien Bodard, xuất bản 1963 tại Paris (Pháp), có viết: “Trước đây, người Việt chỉ có thể đột phá vào đồn bốt bằng cách lấy sức liều mạng. Nhưng bây giờ họ làm việc đó bằng bazoka hoặc SKZ (một loại đại bác không giật do Việt Minh chế tạo). Cái thứ gây khó khăn cho chúng tôi, cái thứ xuyên thủng bê tông dày 60cm là những quả đạn SKZ 8kg mà người Việt chế tạo ở Đông Dương. Chỉ cần vài quả là đủ tiêu diệt tháp canh của chúng tôi”.
Sự ra đời của những vũ khí mang tên Trần Đại Nghĩa đã đưa trí tuệ Việt Nam vươn tới đỉnh cao của nền khoa học thế giới lúc bấy giờ./.
TTXVN
một con người tài đức song toàn
Trả lờiXóa