Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2023

Nhận diện "nhà hoạt động" núp bóng bảo vệ môi trường để chống phá

 

Trong những ngày qua, tổ chức CHANGE và người sáng lập tổ chức là bà Hoàng Thị Minh Hồng là cái tên nổi bật với việc được một số tổ chức quốc tế, cơ quan ngoại giao, đài báo hải ngoại chống phá Việt Nam bênh vực khi bị cơ quan Công an Việt Nam cáo buộc và bắt giữ với hành vi “trốn thuế” cùng nhiều hoạt động vi phạm pháp luật khác.

Trước hết cần khẳng định, không riêng Việt Nam mà các quốc gia khác trên thế giới cũng có những quy định hết sức chặt chẽ liên quan đến thuế. Tuỳ theo tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm thì người phạm tội sẽ phải chịu những chế tài tương ứng. Trên thế giới, những người nổi tiếng trên nhiều lĩnh vực bị bắt, bị phạt về tội trốn thuế không phải là chuyện hiếm gặp. Trong lĩnh vực giải trí, nhiều sao Hollywood đã bị cáo buộc trốn thuế. Năm 2007, nam ca sĩ Marc Anthony bị buộc tội trốn thuế trong suốt 4 năm với giá trị lên đến 2,5 triệu USD. Nam diễn viên từng đoạt giải Oscar Nicolas Cage thậm chí phải ngồi tù 3 năm vì không khai khoản thu nhập từ năm 1994-2004. Cầu thủ bóng đá Lionel Messi cũng bị kết án 21 tháng tù treo do 3 lần trốn thuế từ khoản thu nhập 4,1 triệu euro bản quyền hình ảnh từ năm 2007 đến 2009... Điều đó cho thấy rằng, bất kể ở quốc gia nào, nếu trốn thuế, phạm pháp thì phải chịu các biện pháp xử lý tương ứng.

Đối với Việt Nam, thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách Nhà nước, đồng thời là công cụ quan trọng trong điều tiến nền kinh tế, vì vậy, để ổn định phát triển đất nước, đấu tranh phòng chống tội phạm trốn thuế là nhiệm vụ rất quan trọng. Trốn thuế là hành vi khai báo gian dối trong sản xuất, kinh doanh để không phải đóng thuế hoặc đóng mức thuế thấp hơn nhiều so với mức phải đóng. Tội trốn thuế đã được sửa đổi về số tiền trốn thuế trong Bộ luật Hình sự với hình phạt cao nhất là 7 năm tù và phạt tiền có thể lên tới 4,5 tỷ đồng. Việc khởi tố, bắt giữ đối với bà Hoàng Thị Minh Hồng về tội danh trốn thuế là việc làm hoàn toàn bình thường của cơ quan chức năng để đảm bảo an ninh trật tự xã hội, bảo vệ quyền lợi chính đáng của cộng đồng, giữ nghiêm kỷ cương phép nước. Quá trình bắt giữ, điều tra được tiến hành theo đúng quy định của pháp luật.

Vậy nhưng, ngay sau đó, trên các trang tiếng Việt của các cơ quan truyền thống thiếu thiện chí với Việt Nam như BBC, RFA, VOA,... một số cá nhân, tổ chức thù địch, chống đối đã tung ra nhiều bài viết với thông tin không chính xác, bẻ lái theo hướng tiêu cực, tạo cớ can thiệp vào công việc của các cơ quan thực thi pháp luật Việt Nam. Chúng xuyên tạc, suy diễn khi cho rằng “chính quyền bỏ tù các nhà hoạt động môi trường” và cho rằng: “Việt Nam có thể gặp nhiều thách thức trong việc nhận gói hỗ trợ trị giá 15,5 tỷ đô la để chuyển đổi từ điện than sang năng lượng sạch khi gần đây hàng loạt các tổ chức xã hội dân sự lên tiếng kêu gọi các nhà tài trợ buộc Hà Nội phải cải thiện nhân quyền, giảm bắt bớ các nhà hoạt động môi trường”.

Trước đó, cũng trên các trang tiếng Việt ở hải ngoại, các tổ chức, cá nhân phản động cũng gửi cái gọi là “thỉnh nguyên thư” kêu gọi trả tự do cho Đặng Đình Bách, người được chúng gọi với những tên mĩ miều như “luật sư môi trường”, “nhà hoạt động về khí hậu”, “nhà hoạt động vì môi trường”... Bất chấp thực tế rằng, từ năm 2016 đến 2020, Trung tâm LPSD do Bách đứng đầu đã nhiều lần không nộp hồ sơ khai thuế, trốn thuế, bỏ ngoài sổ sách các khoản tiền nhận từ nước ngoài. Tổng số tiền trốn thuế được xác định là hơn 1,3 tỷ đồng.

Núp bóng “bảo vệ môi trường” để chống phá

Trên thực tế, trong nhiều năm qua, các đối tượng xấu, phần tử cơ hội đã ráo riết thực hiện chiêu trò "xã hội dân sự" để chống phá đất nước. Lợi dụng quyền tự do lập hội được quy định trong Hiến pháp, các đối tượng thực hiện tuyên truyền đánh lận bản chất vấn đề nhằm hình thành các tổ chức tự phát, không theo quy định của pháp luật. Thông thường khi mới thành lập, các tổ chức này sẽ núp bóng “dân chủ”, “nhân quyền”, rêu rao “hoạt động phi lợi nhuận”, “thúc đẩy sự phát triển của xã hội”… để đánh bóng tên tuổi, tìm mọi phương thức tập hợp lực lượng chống đối từ bên trong và móc nối với các tổ chức phản động ở nước ngoài. Sau khi có đủ khả năng về nhân lực và vật lực, số tổ chức, cá nhân này sẽ “thay màu”, lộ rõ bộ mặt thật không chỉ dừng lại ở vấn đề dân sự mà tìm cách “thò tay” can thiệp, lấn sâu tập trung đả phá vấn đề chính trị.

Với thủ đoạn “nội công ngoại kích”, mục đích của số đối tượng trên nhằm gây phân tâm dư luận, tìm mọi cách gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chống phá cơ quan công quyền, tìm kiếm những tác động từ bên ngoài hòng can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam; cố tình đánh lận, dựng chuyện hòng làm giảm vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. 

Trong đó, tổ chức CHANGE của Hoàng Thị Minh Hồng hay Trung tâm LPSD do Đặng Đình Bách đứng đầu là những tổ chức như vậy. Qua những thông tin bước đầu của cơ quan công an có thể hình dung được, mục đích thực sự của tổ chức CHANGE hay Trung tâm LPSD không đơn giản là “đấu tranh bảo vệ môi trường” như cách slogan của các tổ chức này hô hào, đó là “chống biến đổi khí hậu, buôn bán trái phép động vật hoang dã và tình trạng ô nhiễm”. 

Thực chất, nhiều năm qua Hoàng Thị Minh Hồng hay Đặng Đình Bách đã lợi dụng vỏ bọc là một người hoạt động vì môi trường để chỉ đạo các đối tượng trong tổ chức của mình tụ tập, tham gia nhiều cuộc biểu tình ở Hà Nội gây rối an ninh trật tự. Cũng chính vì lý do đó mà khi cơ quan chức năng của Việt Nam xử lý các đối tượng này theo quy định của pháp luật thì một số cá nhân, tổ chức thiếu thiện chí với Việt Nam, các phẩn tử phản động, cơ hội chính trị liền đăng đàn phản đối, xuyên tạc rằng Việt nam đàn áp những người hoạt động vì môi trường.

Bảo vệ môi trường là chủ trương nhất quán

Đối với Việt Nam, Đảng và Nhà nước luôn nhất quán quan điểm, phát triển kinh tế phải hài hòa với thiên nhiên, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Điều này được thể hiện ở nhiều văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước. Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định: “Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh; quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”.

Cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các bộ luật, chỉ thị, nghị định, thông tư… nhằm tạo sự thống nhất, xuyên suốt thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ môi trường với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu COP 26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; giảm 30% lượng phát thải khí methane gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030; tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang điện sạch và Tuyên bố các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất.

Cùng với đó, Việt Nam còn ký kết và gia nhập các điều ước quốc tế về môi trường như: Công ước đa dạng sinh học và Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học; Công ước các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế đặc biệt, như nơi cư trú của các loài chim nước (Công ước Ramstar); Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (Công ước POPs); Công ước Vienna về bảo vệ tầng Ozon (1985) và Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng Ozon 1987; Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (1992) và Nghị định thư Kyoto (1997) của Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.

Bên cạnh việc tham gia các công ước, điều ước quốc tế về bảo vệ môi trường, Việt Nam còn không ngừng đẩy mạnh hợp tác song phương và hợp tác quốc tế trong khu vực về bảo vệ môi trường, như hợp tác quốc tế giữa Việt Nam-Nhật Bản, Việt Nam-Hàn Quốc, Việt Nam-Hoa Kỳ… Đồng thời, Việt Nam cũng luôn là thành viên tích cực trong ASEAN về bảo vệ môi trường.

1 nhận xét:

  1. Mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân cần nâng cao cảnh giác với các luận điệu chống phá của các thế lực thù địch; đồng thời tích cực đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu thủ đoạn hiểm độc, tinh vi của chúng

    Trả lờiXóa