Ngày lãnh tụ Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước, là dịp để chúng ta tôn vinh những cống hiến vĩ đại của Người. Con đường cứu nước, giải phóng dân tộc độc lập, tự cường, sáng tạo Hồ Chí Minh dưới sự lãnh đạo của Đảng hơn 90 năm qua đã giành được những thành tựu to lớn, là minh chứng khẳng định đi theo con đường mà Người đã lựa chọn, dân tộc Việt Nam sánh vai vẻ vang với cường quốc năm châu.
1.
Trong hoàn cảnh nước mất, nhà tan, cả dân tộc bị dìm trong máu lửa, tình hình
đen tối như không có đường ra. Với ý chí, hoài bão lớn lao và tư duy
mới, ngày 5-6-1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, đã rời
đất nước ra nước ngoài (phương Tây) đi tìm con đường cứu nước phù
hợp, đúng đắn “xem người ta làm thế nào để rồi trở về giúp đồng
bào mình”. Người đi tìm một con đường đúng đắn chứ không đi cầu
ngoại viện. Điều đó đã thể hiện ý chí tự lực, tự cường và một khát
vọng lớn, tầm nhìn thời đại. Sau khi đi qua nhiều nước, nhiều châu lục,
đầu năm 1919, Nguyễn Tất Thành gia nhập Đảng Xã hội Pháp (thành viên
của Quốc tế II), tìm hiểu về cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga. Ngày
18-6-1919, thay mặt những người yêu nước Việt Nam, với tên gọi mới
Nguyễn Ái Quốc gửi Bản yêu sách 8 điểm tới Hội nghị Verssailles
(Vecxây) đòi những quyền dân tộc tự quyết. Sự kiện đó tạo ra tiếng
vang lớn cho Việt Nam và Đông Dương, thức tỉnh cả dân tộc về quyền
sống của mình. Ý chí tự lực, tự cường và khát vọng về quyền sống
chân chính của dân tộc mình được bồi đắp trong tư tưởng và sự nghiệp
đấu tranh của Nguyễn Ái Quốc và lan tỏa trong mọi người Việt Nam yêu
nước.
Tháng
7-1920, Nguyễn Ái Quốc đọc toàn văn tác phẩm Sơ thảo lần thứ nhất
những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của
V.I.Lênin và nhận thấy tác phẩm “là cái cần thiết cho chúng ta, đây
là con đường giải phóng chúng ta”. Điều này đã làm chuyển biến tư tưởng
của Nguyễn Ái Quốc, từ chủ nghĩa yêu nước đã đến với chủ nghĩa Mác
- Lênin và tìm thấy ở lý luận cách mạng, khoa học đó con đường cứu
nước đúng đắn, gắn liền sự nghiệp giải phóng dân tộc với sự nghiệp
giải phóng giai cấp, giải phóng con người của chủ nghĩa cộng sản.
Tư
tưởng Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh không ngoài mục tiêu nào khác - là
giành độc lập cho dân tộc gắn liền tất yếu với thực hiện quyền tự
do, dân chủ, hạnh phúc của đồng bào. Cuối tháng 12-1920, tại Đại hội
XVIII của Đảng Xã hội Pháp (Thành phố Tours), Nguyễn Ái Quốc đã bỏ
phiếu tán thành quan điểm của V.I.Lênin, đường lối của Quốc tế Cộng
sản (Quốc tế III) và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp, trở
thành người cộng sản đầu tiên của Việt Nam. Trả lời câu hỏi của một
đồng chí Pháp, Nguyễn Ái Quốc nêu rõ: “Tự do cho đồng bào tôi, độc
lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những gì tôi muốn, đấy là tất
cả những gì tôi hiểu”[1]. Trong những năm hoạt động ở Pháp (1917-1923),
Nguyễn Ái Quốc đã kiên quyết phản đối sự cai trị thực dân của Pháp
ở Việt Nam và Đông Dương, quyết tâm đòi quyền độc lập. Trong lần gặp
ông Xarô tháng 6-1922, Nguyễn Ái Quốc nói rõ: “Cái mà tôi cần nhất
trên đời là đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập”.
Trước đó (2-1921), Nguyễn Ái Quốc nói với Bộ trưởng Thuộc địa Pháp:
“Nếu nước Pháp trả lại nền độc lập cho chúng tôi, ông sẽ thấy là
chúng tôi biết cầm quyền cai trị lấy”[2].
Ý
chí tự lực, tự cường, quyết tâm đấu tranh vì nền độc lập và phát triển đất nước
của Nguyễn Ái Quốc là kiên quyết, kiên cường, không thế lực cường quyền nào có
thể đe dọa và dập tắt.
2.
Tự lực, tự cường của Nguyễn Ái Quốc là không phụ thuộc vào người khác, vào lực
lượng bên ngoài, có quan điểm độc lập về những vấn đề quan hệ quốc tế. Hầu hết
các Đảng Cộng sản ở Châu Âu tức ở các nước tư bản chủ nghĩa đi chiếm các thuộc
địa, đều có quan điểm là cách mạng ở các thuộc địa phụ thuộc vào cách mạng ở
các nước tư bản (chính quốc), cách mạng ở các thuộc địa không thể thắng lợi khi
cách mạng vô sản ở chính quốc chưa thắng lợi. Nguyễn Ái Quốc không tán thành
quan điểm đó. Người cho rằng, với ý chí đấu tranh và khát vọng độc lập, tự do,
cách mạng ở các nước thuộc địa (trong đó có Việt Nam) hoàn toàn có thể chủ động
giành thắng lợi, không phụ thuộc vào cách mạng ở chính quốc có thắng lợi hay
không. Chẳng những cách mạng ở thuộc địa có thể thắng lợi mà còn giúp đỡ giai
cấp vô sản ở chính quốc trong sự nghiệp đấu tranh. Tháng 5-1921, tại Paris,
Nguyễn Ái Quốc đã nêu rõ: “Ngày mà hàng trăm triệu nhân dân châu Á bị tàn sát
và áp bức thức tỉnh để gạt bỏ sự bóc lột đê tiện của một bọn thực dân lòng tham
không đáy, họ sẽ hình thành một lực lượng khổng lồ, và trong khi thủ tiêu một
trong những điều kiện tồn tại của chủ nghĩa tư bản là chủ nghĩa đế quốc, họ có
thể giúp đỡ những người anh em mình ở phương Tây trong nhiệm vụ giải phóng hoàn
toàn”[3].
Với
tư duy mới và sự nhìn nhận thực tế, Nguyễn Ái Quốc đặt vấn đề, chế độ cộng sản
có thể áp dụng được ở Châu Á nói chung và Đông Dương nói riêng không, ngay từ
năm 1921, Nguyễn Ái Quốc đã nêu rõ: “xét những lý do lịch sử cho phép chủ nghĩa
cộng sản thâm nhập vào châu Á dễ dàng hơn là ở châu Âu”[4]. Tư duy khoa học và
sự phân tích sâu sắc thực tiễn lịch sử, Nguyễn Ái Quốc luôn nuôi dưỡng ý chí
đấu tranh và phát triển đất nước theo con đường mới - con đường xã hội chủ
nghĩa. Tháng 6-1923, Nguyễn Ái Quốc rời nước Pháp sang Liên Xô tiếp tục sự
nghiệp đấu tranh cách mạng theo con đường của chủ nghĩa Mác - Lênin và Quốc tế
Cộng sản cũng với những nhận thức mới mẻ của bản thân mình. Nguyễn Ái Quốc đã
có thư gửi lại các bạn cùng hoạt động ở Pháp, nêu rõ quyết tâm, ý chí và phương
pháp đấu tranh để giải phóng dân tộc mình khỏi ách cai trị thực dân: “Đối với
tôi, câu trả lời đã rõ ràng: trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ
chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc
lập”[5].
3.
Khẳng định ý chí độc lập, tự cường, nhưng Nguyễn Ái Quốc luôn nhận rõ mối quan
hệ mật thiết, tác động và ảnh hưởng lẫn nhau giữa cách mạng vô sản ở các nước
tư bản và cách mạng giải phóng của các dân tộc thuộc địa. Người coi hai cuộc
cách mạng đó như hai cánh của con chim. Cách mạng giải phóng các dân tộc thuộc
địa cần thiết do một Đảng cách mạng chân chính - Đảng Cộng sản lãnh đạo theo lý
luận của chủ nghĩa Mác-Lênin hoàn toàn có thể chuyển hóa, phát triển theo con
đường cách mạng vô sản. Điều đó bảo đảm cho sự nghiệp giải phóng dân tộc hoàn
toàn và triệt để, đồng thời đi tới giải phóng xã hội, giải phóng con người. Tư
tưởng đó là nhất quán trong Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và mang giá trị biện
chứng trong sự vận động xã hội của thời kỳ mới. Khi hoạt động trong Quốc tế
Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc thường xuyên đề nghị Quốc tế Cộng sản đặt đúng vị trí,
vai trò của cách mạng thuộc địa. Quốc tế cộng sản cần tích cực giúp đỡ cách
mạng thuộc địa về lý luận và phương pháp đấu tranh, đào tạo cán bộ cho các dân
tộc thuộc địa. Phát biểu tại Đại hội V Quốc tế Cộng sản trong phiên họp ngày
1-7-1924, Nguyễn Ái Quốc đã thẳng thắn phê phán các Đảng Cộng sản ở các nước
Châu Âu mà giai cấp tư sản ở đây chiếm giữ thuộc địa, đã làm rất ít để giúp đỡ
cho phong trào cách mạng ở các thuộc địa. Nguyễn Ái Quốc cho rằng V.I.Lênin là
người quan tâm đầy đủ và luôn luôn cổ vũ, hướng dẫn phong trào cách mạng thuộc
địa phát triển đúng đắn: “Theo Lênin, cách mạng ở phương Tây muốn thắng lợi thì
nó phải liên hệ chặt chẽ với phong trào giải phóng chống chủ nghĩa đế quốc ở
các nước thuộc địa và các nước bị nô dịch và vấn đề dân tộc, như Lênin đã dạy
chúng ta, chỉ là một bộ phận của vấn đề chung về cách mạng vô sản và chuyên chính
vô sản”[6].
Ý
chí tự lực, tự cường trong tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc có điều đặc biệt là phải
đánh giá và thấy rõ sức mạnh của tinh thần yêu nước và chủ nghĩa dân tộc chân
chính của người Việt Nam. Từ người yêu nước nhiệt thành, Nguyễn Ái Quốc trở
thành người cộng sản kiên trung, từ người đấu tranh cho độc lập tự do của dân
tộc mình trở thành chiến sĩ quốc tế tiêu biểu. Ở Nguyễn Ái Quốc là sự hòa
quyện, thống nhất giữa lập trường giai cấp với lập trường dân tộc, giữa chủ
nghĩa dân tộc chân chính với chủ nghĩa quốc tế trong sáng. Hoạt động quốc tế
sôi nổi khi Nguyễn Ái Quốc gia nhập Đảng Xã hội Pháp (1919) và tiếp đó là Đảng
Cộng sản Pháp (1920). Tại Pháp, Nguyễn Ái Quốc cùng với các nhà hoạt động cách
mạng các nước Angiêri, Marốc, Tuynidi, Mađagatxca… thành lập Hội Liên hiệp
thuộc địa (4-10-1921) và xuất bản báo Le Paria (Người cùng khổ). Khi hoạt động
trong Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc càng thấm nhuần sâu sắc và thấy rõ vai
trò, bản chất của chủ nghĩa quốc tế vô sản. Cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc được Quốc
tế Cộng sản giao nhiệm vụ tới Quảng Châu (Trung Quốc). Tại đây, Người thực hiện
cả hai trách nhiệm dân tộc và quốc tế. Với cách mạng Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc
đào tạo cán bộ, thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tổ chức phong trào
cách mạng, chuẩn bị những điều kiện để thành lập Đảng cách mạng, xuất bản báo
Thanh niên (21-6-1925). Về trách nhiệm quốc tế, Nguyễn Ái Quốc liên lạc với các
nhà cách mạng ở Châu Á: Trung Quốc, Triều Tiên, Ấn Độ, Xiêm (Thái Lan),
Inđônêxia, Miến Điện,… và tham gia thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp
bức (9-7-1925).
Nhận
thức của Nguyễn Ái Quốc về ý chí tự lực, tự cường đòi hỏi phải phát triển sức
mạnh của toàn dân tộc và kết hợp với sự đoàn kết và ủng hộ quốc tế. Trong tác
phẩm Đường Cách mệnh (1927), Nguyễn Ái Quốc nhấn mạnh “cách mệnh là việc chung
của cả dân chúng chứ không phải của một hai người”. Ý chí của người dẫn đường
phải trở thành ý chí của toàn dân. Phải có sách, báo để tuyên truyền, giác ngộ
mọi người. Cuốn sách Đường Kách mệnh: “chỉ ước ao sao đồng bào xem rồi thì nghĩ
lại, nghĩ rồi thì tỉnh dậy, tỉnh rồi thì đứng lên đoàn kết nhau mà làm cách
mệnh”[7]. Cách mạng Việt Nam phát triển trong xu thế phát triển chung của cách
mạng thế giới, do vậy Quốc tế Cộng sản, giai cấp vô sản các nước và các dân tộc
thuộc địa trên khắp thế giới sẽ hết lòng giúp cho. “Nhưng muốn người ta giúp
cho, thì trước mình phải tự giúp lấy mình đã”[8]. Mùa Xuân năm 1930, lãnh tụ
Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua Cương
lĩnh chính trị đầu tiên. Cương lĩnh ngắn gọn, rõ ràng và thể hiện rõ tinh thần
độc lập, tự chủ, phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn Việt Nam, được Nguyễn Ái Quốc
và Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định đấu tranh giải phóng dân tộc, chống chủ
nghĩa đế quốc thực dân và chế độ phong kiến đã suy tàn, để cho nước Nam được
hoàn toàn độc lập.
******************
Cách
mạng Tháng Tám 1945 thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời; dưới
sự lãnh đạo tài tình của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, hai cuộc kháng
chiến thắng lợi, đất nước thống nhất, nhân dân Bắc - Nam sum họp một nhà. Đó là
thành quả của cuộc đấu tranh kiên cường của cả dân tộc Việt Nam, là thành quả
của ý chí tự lực, tự cường, khát vọng độc lập, tự do, phát triển đất nước mà
Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh nêu cao và được cả dân tộc nhận thức và hành động.
Ý chí tự lực tự cường, khát vọng độc lập, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân được Hồ
Chí Minh giáo dục sâu sắc trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã mang lại độc
lập cho dân tộc, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, thỏa niềm khát khao, ước nguyện
cả cuộc đời của Bác Hồ.
________________________________________
[1]
Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, H, 1993, tập 1,
tr.94.
[2]
Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Nxb CTQG, H, 1993, tập 1, tr.96.
[3]
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, tập 1, tr.48.
[4]
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 1, tr.47.
[5]
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 1, tr.209.
[6]
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 1, tr.299.
[7]
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 2, tr.283.
[8]
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 2, tr.320.
TS. DƯƠNG MINH HUỆ - hochiminh.vn - 07.06.2023
bài rất ý nghĩa
Trả lờiXóa