Thời gian gần đây, lợi dụng việc sửa đổi Luật Đất đai, các thế lực thù địch và bọn phản động ráo riết tung ra các thông tin, luận điệu sai trái, tiêu cực nhằm chống phá Đảng và Nhà nước. Chúng đăng tải nhiều bài viết, thông tin mang tính chất xuyên tạc trắng trợn về chính sách đất đai, đưa ra luận điệu, cổ súy tư nhân hóa đất đai, cho rằng Nhà nước ta không đủ năng lực để quản lý đất đai.
Những luận điệu chúng đưa ra có vẻ quan tâm, lo cho quyền lợi cho người dân, nhưng những phát ngôn trên đều vô căn cứ, nhằm mưu đồ phá vỡ ổn định chính trị, làm chậm sự phát triển của đất nước.
Điều đầu tiên ta phải khẳng định, đất đai là thành quả của sự nghiệp giữ nước và dựng nước lâu dài của dân tộc ta, chế độ sở hữu như thế nào đi nữa cũng phải hướng tới mục đích tạo nguồn mưu sinh cho người dân và ổn định xã hội, không thể hy sinh lợi ích của số đông chỉ để có một chế độ sở hữu như các nước khác. Quan điểm đất đai thuộc sở hữu toàn dân thể hiện đúng bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai lần đầu tiên được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1980 dựa trên cơ sở lý luận về tính tất yếu khách quan của việc xã hội hóa đất đai. Từ đó tới nay, qua 05 lần sửa đổi Hiến pháp và 06 lần sửa đổi Luật Đất đai, Đảng ta luôn kiên định quan điểm đất đai thuộc sở hữu toàn dân, giao cho Nhà nước là đại diện chủ sở hữu, thống nhất quản lý và sử dụng hiệu quả. Tại Hiến pháp 2013 và Điều 4 Luật Đất đai 2013 tiếp tục quy định: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về quản lý sử dụng đất và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lấy ý kiến nhân dân góp ý từ 03/01-15/3/2023, đề cập rõ quy định về chế độ sở hữu đất đai, quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai, việc quản lý đất đai và chế độ sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của công dân, người sử dụng đất đối với đất đai thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Điều này thể hiện Đảng ta đã nói đi đôi với làm, cụ thể hoá phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”. Tất cả đất đai đều thuộc quyền sở hữu của nhân dân, nhưng phải do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý chứ không phải bất cứ cá nhân nào.
Việc tư nhân hóa là chưa hợp lý, bởi thực tế lịch sử đã chứng minh, thời cải cách ruộng đất ở chế độ Mỹ - Diệm những năm của thế kỷ XX ở miền Nam nước ta, việc sở hữu tư nhân đất đai, người sở hữu đất có quyền sử dụng đất như đối với tài sản riêng, có quyền mua, bán, chuyển nhượng, thậm chí bỏ hoang không sử dụng. Không có ai có quyền thu hồi, sử dụng đất của người khác nếu không được chủ đất cho phép. Do đất là tài sản riêng nên người dân có quyền định đoạt như hàng hóa trên thị trường bất động sản, lợi dụng khó khăn hoặc sự kém hiểu biết của nông dân, một số bộ phận có tiền có thể thu gom đất đai để trở thành địa chủ. Thực tế cho thấy, đất ở và đất sản xuất chiếm hầu hết diện tích đất tự nhiên của quốc gia và nó cũng là đối tượng gây tranh chấp nhiều nhất, một đất nước có ổn định căn bản phải đảm bảo an ninh lương thực, phải sử dụng tổng quỹ đất theo quy hoạch chung hiệu quả. Khi đó, đất chỉ có thể giao dịch trong khuôn khổ mục đích sử dụng theo quy hoạch. Hơn nữa, nhiều diện tích đất đai phải được quy định trong luật là để sử dụng chung như đất làm đường, công viên, nơi tập kết tàu, thuyền của ngư dân, hồ nước, dòng chảy của sông… các cơ quan giám sát, thực thi pháp luật phải có đủ sức mạnh để không cho phép ai lấn chiếm, sử dụng những diện tích đất dùng chung một cách tùy tiện.
Việc thực hiện chế độ sở hữu toàn dân về đất đai không làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sử dụng đất. Trên thực tế, Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất của cá nhân. Người sử dụng đất có quyền được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuế, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, việc quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại điện chủ sở hữu và thống nhất quản lý còn đảm bảo việc sử dụng đất một cách hợp lý, đúng định hướng phát triển của đất nước và từng địa phương. Hiện nay, việc sử dụng đất phải đảm bảo các nguyên tắc: đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tiết kiệm, có hiệu quả, bảo vệ môi trường và không làm tổn hại đến lợi ích chính đáng của người sử dụng đất; người sử dụng đất thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trong thời hạn sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Việc quy hoạch đất đai phải phù hợp với chiến lược, quy hoạch tổng thể, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.
Việc sửa đổi Luật Đất đai là nhằm hoàn thiện thể chế về đất đai, đặt lợi ích của đất nước, của Nhân dân lên cao nhất, quan tâm đến lợi ích của người dân ngay trong từng chính sách cụ thể, giải quyết các vấn đề như đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm được quỹ đất cho các chương trình nhà ở xã hội, thực hiện chính sách ưu đãi về tài chính đất đai cho vùng sâu, vùng xã, vùng đặc biệt khó khăn, giải quyết được những khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất tôn giáo. Việc sửa đổi là vô cùng hệ trọng và rất khó khăn, cần huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, trí tuệ của toàn dân, thực hiện kỹ lưỡng, bài bản, khoa học mới có thể đảm bảo xây dựng luật thiết thực, hiệu quả.
Chúng ta hãy đề cao cảnh giác với các luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ của các thế lực thù địch, lợi dụng sự cải cách, lấy ý kiến góp ý của nhân dân để chống phá Đảng và Nhà nước ta. Không bao giờ có chuyện, Đảng, Nhà nước lấy ý kiến đóng góp của nhân dân, rồi lấy đất của dân vì mục đích tư lợi như các thế lực thù địch và bọn phản động đang rêu rao trên mạng. Chúng ta hãy tỉnh táo khi tiếp cận thông tin trên không gian mạng, đừng để sự thiếu hiểu biết của mình mà mắc phải mưu đồ của bọn bán nước, hại dân.
Mọi luận điệu xuyên tạc của bọn phản động và các thế lực thù địch đều có âm mưu xấu xa, thâm độc kèm theo. Vì vậy chúng ta phải cảnh giác và đấu tranh chống lại những luận điệu xuyên tạc của bọn chúng.
Trả lờiXóa