Trong tư tưởng và di sản Hồ Chí Minh có thể nói chữ “dân” có giá trị thiêng liêng và bền vững. Đời Bác chỉ xoay quanh chữ “dân” và chữ “nước”. Ta bắt đầu từ tên của Bác, Bác sống 79 mùa Xuân mà Bác dùng 175 tên, Bác lấy tên Nguyễn Ái Quốc từ thời ra đi tìm đường cứu nước. Trải qua 30 năm tìm đường cứu nước, đi vòng quanh thế giới gần 40 nước khác nhau để rồi trở về lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Bác lấy tên Nguyễn Ái Dân. Ái Quốc nghĩa là yêu nước, Ái Dân là yêu dân, “yêu nước là phải yêu dân”, đấy chính là triết lý sâu xa mà Bác đã truyền lại cho chúng ta ngày nay như một lẽ sống.
Trong hàng trăm luận điểm về “dân chủ” của Bác thì chữ “dân” là điểm xuất phát; trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân, trong thế giới không có gì mạnh mẽ bằng lực lượng đoàn kết của dân. Nói về dân, ông cha ta đã tổng kết “chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân, có dân thì có tất cả, mà mất dân là mất hết”. Hồ Chí Minh là người thực hành xuất sắc chân lý cao cả đó. Theo Bác, cái gì tốt và có lợi cho dân cái đó là chân lý, phục vụ nhân dân là phục tùng 1 chân lý cao nhất, là đầy tớ, công bộc cho dân là lựa chọn 1 lẽ sống cao thượng nhất. Đời Bác có thể nói là 1 minh chứng hoàn hảo cho những giá trị tinh thần thiêng liêng đó.
Đến những giây phút cuối cùng của đời Bác, Bác còn hỏi về dân, về đời sống của dân. Một chi tiết cảm động khi Bác nằm trên gường bệnh, trời Hà Nội oi nồng trong cơn giông bão, trong khi chiến tranh ác liệt, ta thương Bác nên mang cho Bác chiếc quạt, Bác bảo: Bác ở đây là đủ mát rồi, trong vườn Bác có đủ cây cối, đồng bào ta suốt ngày trên đồng ruộng, nắng nôi như thế lấy đâu ra quạt. Hãy mang chiếc quạt này cho các chú thương binh ở trại điều dưỡng... Bác thương dân đến như thế đấy. Hay Bác tiêu dùng hàng ngày như 1 người dân đạm bạc sống khắc khổ, tiết kiệm đến khắc khổ. Bác dạy chúng ta “mỗi đồng tiền, bát gạo mà chúng đang tiêu dùng đều từ mồ hôi của dân mà ra, thương dân thì phải tiết kiệm. Lãng phí, coi thường dân và tham ô tham nhũng, là có tội với dân”. Đặc biệt, tư tưởng của Bác gắn liền với đạo đức, phương pháp và phong cách. Và đời bác là con người thực hành, trong đó thực hành dân chủ, thực hành dân vận, thực hành đại đoàn kết dân tộc đều xuất phát từ chữ “dân”. Bác khẳng định vai trò, sứ mệnh của dân trong sự nghiệp phát triển của mình. Bác nhắc lại câu ca dao mà đồng bào ta thường nói: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Có dân giúp sức, ủng hộ và tin tưởng là bí quyết trường tồn của chúng ta.
Từ ngày đầu dựng nước đến 2 cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và chống Mỹ. Đến tận giây phút cuối cùng, Bác từ chối nhận Huân chương và Bác khiêm nhường nói rằng: Vì Bác chưa hoàn thành nhiệm vụ, Bác chưa xứng đáng. Bác đợi miền Nam giải phóng xong, đồng bào miền Nam gắn Huân chương cho Bác cũng chưa muộn. Thế nên chúng ta hiểu tại sao khi Bác mất nhân nhân trong Nam, ngoài Bắc, cả đồng bào nước ngoài thương tiếc vô cùng vì Bác sống mãi trong lòng dân. Chính vì đề cao chữ “dân” như thế, nên Bác luôn căn dặn cán bộ: Không làm điều gì trái ý dân; lo việc hàng ngày cho dân...
Hiện nay, còn nhiều nguyên nhân mà chúng ta chưa làm cho dân hài lòng, nhất là vấn đề lợi ích, chăm lo cho cuộc sống hàng ngày của nhân nhân và đặc biệt là đồng bào ở vùng sâu, vùng xa khó khăn như ở Hà Giang. Theo GS, TS Hoàng Chí Bảo, để làm theo được tư tưởng vì dân của Bác, trước hết chúng ta phải chăm lo đời sống, công ăn việc làm cho dân. Làm cho dân đủ ăn, đủ mặc, rồi mới tiến tới phát triển khá giả hơn. Cùng với đó, phải chăm lo, bồi dưỡng học vấn, văn hóa cho nhân dân, nhất là những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để họ tiến kịp với vùng xuôi, tiến kịp với mặt bằng xã hội và thế giới. Đặc biệt, phải xây dựng đội ngũ cán bộ vì dân, có trình độ, phẩm chất, đạo đức tốt, bởi cán bộ mà chưa thực sự xứng đáng với dân, thậm chí còn hư hỏng, suy thoái thì chỉ làm mất lòng tin ở dân. Cho nên có thể nói sức mạnh tiềm lực của quốc gia còn phản ánh vai trò “dân chủ, đoàn kết và đồng thuận” trong nhân dân. Hiện nay, Đảng ta đang ra sức thực hiện các nhiệm vụ mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra, đó là phát triển kinh tế, phát triển văn hóa kết hợp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt là phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đẩy lùi được quan liêu, tham nhũng, phòng ngừa được sự suy thoái đạo đức thì dân sẽ một lòng đi theo Đảng. Ngay cả khi Đảng gặp khó khăn nhân dân vẫn một lòng đi theo Đảng, niềm tin đó vẫn không giảm sút. Mấu chốt của vấn đề là xây dựng đội ngũ cán bộ toàn tâm, toàn ý vì dân, vì nước. Đấy chính là những gì tốt nhất để chúng ta thực sự học tập và làm theo tư tưởng của Bác.
St
bài rất thực tế
Trả lờiXóa