Thứ Năm, 29 tháng 6, 2023

MỘT SỐ BIỆN PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ QUỐC PHÒNG AN NINH

 Kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh là hoạt động chủ động của mọi quốc gia trên cơ sở nhận thức và vận dụng các quy luật của hai lĩnh vực kinh tế và quốc phòng. Bất kỳ một quốc gia nào, nước giàu cũng như nước nghèo, nước lớn cũng như nước nhỏ đều phải đặt phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng, an ninh trong một chiến lược chung, đây là vấn đề mang tính quy luật. Phát triển kinh tế xã hội gắn với tăng cường, củng cố quốc phòng an ninh phải toàn diện, cơ bản, lâu dài ngay từ trong chiến lược, quy hoạch kế hoạch phát triển kinh tế xã hội với tăng cường quốc phòng an ninh trên phạm vi cả nước, từng vùng, từng ngành và ở từng địa phương. Phát triển kinh tế xã hội gắn với tăng cường, củng cố quốc phòng an ninh phải tập trung có trọng điểm, quan tâm đầu tư vào những vùng, địa bàn chiến lược trọng yếu, biên giới, hải đảo, những ngành, những lĩnh vực hoạt động kinh tế xã hội quan trọng.

Mục tiêu của sự kết hợp, đó là khai thác, sử dụng mọi tiềm năng về kinh tế, văn hóa, xã hội quốc phòng, an ninh và mọi nguồn lực của đất nước, làm cho kinh tế xã hội và quốc phòng an ninh đều phát triển cân đối, hài hòa và vững chắc. Tạo môi trường quốc tế và trong nước thuận lợi cho phát triển kinh tế, thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền công nghiệp quốc phòng từng bước hiện đại, bảo đảm cho lực lượng vũ trang được trang bị kỹ thuật ngày càng hiện đại.

Kết hợp phát triển kinh tế xã hội với tăng cường, củng cố quốc phòng an ninh theo vùng lãnh thổ là sự gắn kết chặt chẽ phát triển vùng kinh tế chiến lược, với xây dựng vùng chiến lược quốc phòng, an ninh, nhằm tạo ra thế bố trí chiến lược hợp lý cả về kinh tế lẫn quốc phòng, an ninh trên từng vùng lãnh thổ, trên địa bàn tỉnh, thành phố, theo ý đồ phòng thủ chiến lược bảo vệ Tổ quốc Việt Nam bền vững trên toàn cục và mạnh ở từng trọng điểm.

Hiện nay, nước ta đã phân chia thành các vùng kinh tế lớn và các vùng chiến lược, các quân khu, sự phân vùng chiến lược quốc phòng, an ninh là sự phân vùng theo ý đồ phòng thủ và tác chiến bảo vệ Tổ quốc trên từng chiến trường, từng hướng chiến lược của đất nước. Mỗi vùng đều có vị trí chiến lược về phát triển kinh tế và chiến lược phòng thủ bảo vệ Tổ quốc. Các vùng chiến lược khác nhau có sự khác nhau về đặc điểm và yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế, quốc phòng, an ninh, nên nội dung kết hợp cụ thể trong mỗi vùng có thể có sự khác nhau. Vì vậy, phải thực hiện thật tốt phát triển kinh tế gắn với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh trên các vùng này.

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước và chính quyền các cấp trong việc thực hiện kết hợp phát triển kinh tế-xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh. Đất nước ta đang trong giai đoạn đẩy mạnh phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, mở rộng xây dựng nền công nghiệp quốc phòng. Có nhiều vấn đề thuộc về nhận thức, về cơ chế đòi hỏi phải tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước, trong đó trước hết cần nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng, sự quản lí điều hành của chính quyền các cấp trong công tác kết hợp phát triển kinh tế-xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh, phù hợp với điều kiện thực tế của từng ngành và địa phương, đồng thời phát huy vai trò trách nhiệm của các tổ chức và công dân trong thực hiện chủ trương kết hợp phát triển kinh tế-xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, chống tư tưởng và hành động tự do vô chính phủ trong hoạt động kinh tế cũng như trong hoạt động quốc phòng, an ninh, các hành động phương hại đến phát triển kinh tế và sức mạnh quốc phòng của đất nước. Hai là, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kinh nghiệm kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh cho các đối tượng, đặc biệt là cán bộ quản lý. Văn kiện đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã xác định “Kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với quốc phòng an ninh, quốc phòng an ninh với kinh tế trong từng chiến lược quy hoạch kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế xã hội”. Đây là quan điểm thể hiện phát triển nhận thức của Đảng ta về quy luật dựng nước đi đôi với giữ nước, đồng thời cũng khẳng định việc kết hợp phát triển kinh tế với quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn dân của mọi thành phần kinh tế, của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Ba là, quán triệt và thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật, cơ chế chính sách của Đảng và Nhà nước có liên quan đến thực hiện kết hợp phát triển kinh tế xã hội với tăng cường củng cố quốc phong, an ninh trong tình hình mới. Đây là nội dung rất quan trọng nhằm cụ thể hoá đường lối, chủ trương của Đảng về mối quan hệ giữa kinh tế với quốc phòng và an ninh thành các văn bản, tiến hành quán triệt, tổ chức thực hiện bảo đảm hiệu quả cao, cần quy định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trong lãnh đạo chỉ đạo và quản lý. Trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cần tập trung quán triệt nắm chắc hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và cơ chế, chính sách có liên quan đến mối quan hệ này làm cơ sở để giải quyết mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữa tự bảo vệ và được bảo vệ, phù hợp với thực tiễn đất nước và thông lệ quốc tế.

1 nhận xét: