Thứ Năm, 29 tháng 6, 2023

VƯỢT QUA THÁCH THỨC, BẢO VỆ VỮNG CHẮC NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG


Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương giữa nhiệm kỳ khóa XIII diễn ra giữa tháng 5 vừa qua có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của đất nước và việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.
Nhiều thành tựu quan trọng
Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ của Đại hội XIII diễn ra trong bối cảnh quốc tế và trong nước rất đặc biệt. Đối với quốc tế là cuộc xung đột Nga - Ukraine, suy thoái kinh tế toàn cầu, nhất là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Ở trong nước, nửa nhiệm kỳ đầu của khóa XIII là những thách thức rất lớn mà chúng ta phải vượt qua, đó là đại dịch Covid-19 gây ra những ảnh hưởng thiệt hại rất nặng nề tới đời sống, kinh tế, xã hội, sức khỏe và tính mạng của người dân. Trong đó, TPHCM là địa phương phải chịu tổn thất nặng nề nhất. Tuy nhiên, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã chung sức, đồng lòng để vượt qua được những thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra.
Thách thức lớn nữa là, tác động của dịch bệnh và tình hình chính trị quốc tế bất ổn đã khiến sự phát triển kinh tế của đất nước gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng ngay sau khi kiểm soát được đại dịch Covid-19, Việt Nam đã có những bứt phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế, khi năm 2022 tăng trưởng kinh tế của chúng ta đạt tới 8,02% - đây là cột mốc ngoạn mục. Do vậy, qua nửa nhiệm kỳ này cũng cần có sự tổng kết đánh giá để làm rõ nhờ đâu nền kinh tế có sự phát triển mạnh như vậy, dù trước đó chúng ta có đưa ra chủ trương “không đánh đổi sức khỏe người dân để phát triển kinh tế bằng mọi giá”.
Không chỉ có vậy, Việt Nam cũng kiểm soát rất tốt tình hình lạm phát, trong khi nhiều nước và khu vực trên thế giới lạm phát tăng cao - đều trên 10%. Có thể nói, trong hoàn cảnh có nhiều khó khăn, thách thức nhưng nền kinh tế của chúng ta hồi phục, tăng trưởng ngoạn mục như vậy là có sự chỉ đạo kịp thời của Đảng và điều hành linh hoạt, sáng suốt của Chính phủ, cũng như sự quyết tâm đồng lòng vượt khó của doanh nghiệp và nhân dân để giữ được tăng trưởng kinh tế.
Về đời sống của người dân, không những chúng ta đẩy lùi được dịch bệnh, bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân, mà an sinh xã hội cũng được đảm bảo, không để xảy ra bất cứ sự rối loạn nào trong xã hội, hàng hóa thiết yếu vẫn đảm bảo đủ cung cầu, giá cả được kiểm soát. Cùng với đó, tình hình an ninh trật tự, quốc phòng được giữ vững, đối ngoại mở rộng hơn.
Những thành quả trên đã được Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ khóa XIII tiến hành tổng kết, rút ra những bài học kinh nghiệm để có những quyết sách, định hướng phát triển cho thời gian tới nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, như tới năm 2025, Việt Nam vượt khỏi nhóm nước thu nhập trung bình thấp; tới năm 2030 trở thành nước có thu nhập trung bình cao và năm 2045 trở thành nước có thu nhập cao, phát triển.
Tất cả những mục tiêu chiến lược này đòi hỏi phải được cụ thể hóa bằng những quyết sách trong nửa nhiệm kỳ còn lại của khóa XIII để thúc đẩy sự phát triển nhanh hơn. Vừa rồi, chúng ta cũng đặt ra mục tiêu tới năm 2030, thu nhập bình quân đầu người đạt 7.500 USD/người/năm; trong khi năm 2022, chúng ta đạt 4.109 USD/người/năm. Vào thời điểm Đại hội Đảng lần thứ XIII diễn ra, thu nhập của chúng ta chỉ mới đạt hơn 3.200 USD/người/năm.
Quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Đặc biệt, nửa nhiệm kỳ qua, công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng tiếp tục được thực hiện rất bài bản theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội Đảng XIII và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XIII. Chúng ta đã có sự kết hợp rất chặt chẽ giữa “xây và chống” nhưng xây là cơ bản, tập trung vào công tác tư tưởng chính trị, đạo đức, tổ chức cán bộ.
Đồng thời kiên quyết, mạnh mẽ chống tiêu cực, tham nhũng với những thành quả đạt được rất quan trọng, góp phần củng cố niềm tin của người dân, tăng cường sự đoàn kết trong Đảng và trong dân. Qua đó, không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng.
Tuy nhiên cần lưu ý, trong xây dựng Đảng, chúng ta phải giải quyết được mối quan hệ giữa xây dựng Đảng với xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính trị để nâng cao năng lực điều hành của Nhà nước.
Bên cạnh đó, phải không ngừng làm tốt công tác cán bộ vì trong xây dựng Đảng thì công tác cán bộ là “then chốt” của mọi vấn đề “then chốt”, tập trung vào công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ…
Đặc biệt, nửa nhiệm kỳ qua, trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, đi vào chiều sâu, xử lý rất nghiêm minh những cán bộ sai phạm trong cả hệ thống chính trị. Thành quả của nhiệm vụ phòng chống tham nhũng, tiêu cực là đã xử lý được nhiều cán bộ, lãnh đạo có vi phạm (9 ủy viên Trung ương và 2 ủy viên Bộ Chính trị).
Trong số này, có những cá nhân bị cho thôi, không tham gia Trung ương nữa, có người bị khai trừ khỏi Đảng và thậm chí có trường hợp bị truy tố. Có thể khẳng định, dù mới qua nửa nhiệm kỳ nhưng đã có nhiều cán bộ, lãnh đạo bị xử lý, thể hiện sự quyết liệt, mạnh mẽ của Đảng ta trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Qua đó cũng khẳng định tính nghiêm minh của kỷ luật Đảng kết hợp với xử lý theo pháp luật để giữ gìn kỷ cương phép nước.
Hơn nữa, Đảng ta quyết liệt trong việc xử lý các cán bộ, lãnh đạo có vi phạm không chỉ nhằm tăng cường công tác xây dựng Đảng mà còn góp phần to lớn trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, chống lại các thủ đoạn, nhận thức, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, chống đối.
Nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cũng gắn liền với nhiệm vụ củng cố tư tưởng, chính trị mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhắc nhở chúng ta. Đó là trong công tác phòng chống suy thoái thì cần phải lưu ý: suy thoái về tư tưởng chính trị; suy thoái đạo đức, lối sống; tự diễn biến, tự chuyển hóa. Do đó, chúng ta phải tập trung phòng chống, nếu tư tưởng chính trị không giữ vững thì dễ dẫn tới sự sụp đổ, và thực tế trên thế giới đã có nhiều bài học chứng minh việc này.
Do đó, chúng ta phải luôn giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng để chống lại chủ nghĩa cơ hội, giáo điều và chống lại các thế lực thù địch đang chống phá rất mạnh mẽ vai trò cầm quyền và nền tảng tư tưởng của Đảng ta. Đây cũng là bài học của công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay và thời gian tới./.
PGS-TS NGUYỄN TRỌNG PHÚC (Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)
Có thể là hình ảnh về cái bục

1 nhận xét: