Tại Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo
Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách
mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ
vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng”. Từ khi ra
đời đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, nền báo chí cách
mạng nước ta ngày càng phát triển, đáp ứng yêu cầu xã hội.
Trong thời đại ngày nay, với khả năng
dẫn dắt và định hướng dư luận, báo chí đã trở thành “quyền lực thứ tư” bên cạnh
quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Lợi dụng sức mạnh của báo chí, các thế
lực xấu, chống đối, cơ hội chính trị đã tung ra chiêu bài “tự do báo chí” để
tiến hành các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam. Cùng với việc vu
khống Việt Nam không có tự do báo chí, chúng tích cực tạo lập, điều hành các
website, tờ báo có nội dung tiếng Việt để truyền bá những thông tin xấu, độc.
Càng đến gần Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6), các đối tượng xấu càng đẩy
mạnh rêu rao, lan truyền các thông tin sai lệch về đời sống báo chí Việt Nam.
Phải khẳng định rõ, báo chí Việt Nam là
báo chí cách mạng. Báo chí là cơ quan ngôn luận của cơ quan đảng, cơ quan nhà
nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ
chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn của nhân dân. Sinh thời,
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Báo chí ta không phải để cho một số ít người
xem mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách
của Đảng và Chính phủ”, “Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động,
phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà,
cho hòa bình thế giới. Chính vì thế cho nên, tất cả những người làm báo (người
viết, người in, người sửa bài, người phát hành...) phải có lập trường chính trị
vững chắc. Chính trị phải làm chủ”. Bên cạnh chức năng thông tin, thông qua
hoạt động của mình, báo chí còn có nhiệm vụ giữ vững ổn định chính trị của đất
nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí, củng cố khối đại
đoàn kết toàn dân tộc. Tại Việt Nam, không có chỗ cho những hoạt động báo chí
mơ hồ về chính trị, nằm ngoài sự quản lý của Nhà nước.
Cùng với việc “phò chính”, bảo vệ lẽ
phải, bảo vệ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà
nước, thành tựu của đất nước và thế giới, báo chí còn có nhiệm vụ “trừ tà”.
“Trừ tà” ở đây là việc kịp thời phát hiện, vạch trần, đấu tranh với những cái
xấu, cái ác trong xã hội; là việc kiên quyết loại trừ những kẻ lợi dụng danh
nghĩa báo chí để xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc. "Theo kết quả thống
kê đến cuối năm 2022, nước ta có 127 cơ quan báo, 670 cơ quan tạp chí, 72 cơ
quan đài phát thanh, truyền hình với 19.356 người được cấp thẻ nhà báo. Đây là
lực lượng vô cùng hùng hậu để thực hiện nhiệm vụ báo chí".
Báo chí nước ta những năm qua đã thông
tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới, qua đó góp phần mở rộng sự
hiểu biết lẫn nhau giữa nước ta và bạn bè quốc tế. Đồng thời, báo chí làm tốt
nhiệm vụ đấu tranh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Nhiều vụ việc, vụ án lớn
đã được báo chí phát hiện và kiến nghị cơ quan chức năng giải quyết. Tuy nhiên,
trong lĩnh vực báo chí ở nước ta đã xuất hiện một số trường hợp vi phạm tôn
chỉ, mục đích của các cơ quan báo chí, lợi dụng danh nghĩa báo chí để thực hiện
những hành vi vi phạm pháp luật. Thậm chí, có lúc, có nơi đã xem nhẹ yêu cầu
chính trị, chỉ chạy theo lợi ích kinh tế đơn thuần. Ở phía đối lập, các thế lực
thù địch đang duy trì 63 đài phát thanh có chương trình tiếng Việt; hơn 400
báo, tạp chí và hàng ngàn trang blog, website để lan truyền thông tin sai trái,
thù địch chống phá cách mạng Việt Nam. Đây chính là những thách thức mà báo chí
nước ta phải đấu tranh.
Những thách thức này đòi hỏi mỗi cơ quan báo
chí và mỗi người làm báo phải không ngừng trau dồi, nâng cao bản lĩnh chính trị
cũng như kỹ năng, kiến thức và đạo đức nghề nghiệp để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ
trong tình hình mới./.
mỗi cơ quan báo chí và mỗi người làm báo phải không ngừng trau dồi, nâng cao bản lĩnh chính trị cũng như kỹ năng, kiến thức và đạo đức nghề nghiệp để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Trả lờiXóa