Thứ Tư, 21 tháng 6, 2023

Đấu tranh với các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên trong lĩnh vực dân chủ, nhân quyền

 Đấu tranh chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên trong lĩnh vực dân chủ, nhân quyền là một nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng nhằm bảo vệ quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo vệ thành quả về dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam sau hơn 35 năm đổi mới và hội nhập quốc tế.

Các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên trong lĩnh vực dân chủ, nhân quyền thường xuất hiện ở một số cán bộ, đảng viên trước kia hoạt động cách mạng hoặc trước đây hay đang công tác trong cơ quan Đảng, Nhà nước, nhưng vì lý do nào đó (tham nhũng, tiêu cực, sa đọa về đạo đức, lối sống, bất mãn, ảo tưởng bản thân, bị các thế lực chống đối mua chuộc, lung lạc,...) đã quay lại nói xấu Đảng, Nhà nước và xuyên tạc, bóp méo sự thật lịch sử của Đảng, của đất nước, của sự nghiệp đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) hoặc phụ họa cùng với các thế lực phản động, thù địch; và ở mức độ khác nhau trực tiếp xuyên tạc, công kích, chống đối công tác tư tưởng chính trị của Đảng trong lĩnh vực dân chủ, nhân quyền.

Các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên trong lĩnh vực dân chủ, nhân quyền có những đặc điểm sau:

Thứ nhất, về tư tưởng, chính trị: Mặc dù nhiều khi mang danh mơ hồ, lưng chừng, “phái giữa” tư tưởng tư sản và tư tưởng XHCN, song các biểu hiện này thực chất là hệ tư tưởng tư sản. Nội dung có tính bản chất của loại biểu hiện này là: Quan niệm một cách phiến diện, thậm chí tuyệt đối hóa quyền cá nhân; coi nhẹ quyền của tập thể, của dân tộc và chủ quyền quốc gia; coi nhẹ tính bình đẳng của các chủ thể quyền và các nội dung quyền, nhất là các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, vốn chiếm vị trí cơ bản và là yêu cầu có tính bức thiết đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Về mặt chính trị, đây là biểu hiện của chủ nghĩa đế quốc về văn hóa, coi tư tưởng nhân quyền phương Tây mang tính phổ quát toàn nhân loại, thậm chí cao hơn chủ quyền quốc gia.      

Các biểu hiện này dao động hoặc mơ hồ, lưng chừng nằm giữa hai loại hình giá trị tư tưởng XHCN và tư sản về dân chủ và nhân quyền. Nó cho thấy, loại biểu hiện này không có giới tuyến địch - ta rõ ràng, mà nằm ngay trong nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên, trong mỗi tổ chức đảng và chính trị - xã hội. Vì thế nhân dân, trước tiên là mỗi cán bộ, đảng viên, đều là chủ thể đấu tranh với các biểu hiện này. Trong phương thức đấu tranh với các biểu hiện này cần coi trọng cách thức, phương pháp, biện pháp tư tưởng chính trị, như truyền thông, vận động nhằm nâng cao nhận thức, tích cực phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và coi trọng cách thức kết hợp đấu tranh với đối thoại hay ngược lại.

Thứ hai, về mục đích hoạt động: Các cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thường hùa theo các thế lực phản động, thù địch trong việc: Tuyên truyền xuyên tạc, kích động, phủ nhận các giá trị lý luận, thực tiễn về quyền con người (QCN) để chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng; tiến hành các hoạt động chống phá thực tiễn bảo đảm QCN trên tất cả lĩnh vực: kinh tế, tôn giáo, dân tộc, thông tin, truyền thông, giáo dục, đào tạo, văn hóa - nghệ thuật, tư pháp,... kể cả hợp tác quốc tế, nhằm thúc đẩy sự chệch hướng XHCN của sự nghiệp đổi mới ở nước ta. Tuyên truyền, ca ngợi các giá trị của nhân quyền tư sản nhằm kích động, cổ vũ việc phân hóa, chuyển hóa tư tưởng chính trị XHCN, đồng thời thúc đẩy “tự diễn biến, “tự chuyển hóa” sang tư tưởng nhân quyền tư sản, trước tiên trong nội bộ Đảng, Nhà nước. Tạo dựng “ngọn cờ” về nhân quyền thông qua việc tuyên truyền, ca ngợi nhiều nhân vật chống đối nhằm kích động hình thành các tổ chức chính trị đối lập trong và ngoài nước và tìm cách xác lập cơ chế “đa nguyên, đa đảng” trong thực tế ở nước ta.

Thứ ba, về chủ trương chống phá: Các cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thường phụ họa với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực phản động, thù địch về lấy chống phá chính trị, tư tưởng làm khâu đột phá; dùng sự suy thoái về đạo đức, lối sống để hỗ trợ, hậu thuẫn; lấy mua chuộc kinh tế làm mũi nhọn; lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo làm ngòi nổ. Họ cũng thường phụ họa, xuyên tạc, thậm chí lu loa kích động rằng: Đảng không thể chống tham nhũng thành công, vì chế độ độc đảng sẽ thủ tiêu đấu tranh; muốn chống tham nhũng thành công thì phải mở rộng dân chủ, thực hiện chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập; chia sẻ trên các phương tiện truyền thông xã hội những bài viết có nội dung xuyên tạc, phỉ báng Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN ở nước ta; nói xấu, xúc phạm lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước; xuyên tạc, bôi nhọ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chê bai quản lý yếu kém, tham nhũng; bịa đặt, suy diễn thiếu căn cứ gây hiểu lầm, hoang mang trên cộng đồng mạng và trong nhân dân hòng làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ,... Trên thực tế ở nơi này, nơi khác, có một số đảng viên vẫn còn sinh hoạt đảng, lại đi phê phán đường lối, chủ trương của Đảng là thiếu căn cứ. Cá biệt, còn có người nói rằng, còn ở trong Đảng là vì quyền lợi chính trị của gia đình mình, chứ thật tình không thiết tha với lý tưởng của Đảng.

Thứ tư, về phương thức chống phá: Các thế lực phản động, thù địch với sự phụ họa của các cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thường sử dụng truyền thông đại chúng, đặc biệt là internet, xuất bản báo chí ở nước ngoài, sản xuất băng, đĩa hình chuyển về trong nước; tài trợ cho một số cơ quan báo chí nước ngoài chuyên chống phá Việt Nam, xuyên tạc, kích động về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống nhằm thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên. Chúng lợi dụng các sai sót trong quản lý để xuyên tạc, kích động biểu tình trái phép; tổ chức các hội thảo để xem xét lại các vấn đề liên quan đến lịch sử, tuy âm thầm, nhưng thâm độc và tác hại lâu dài. Các thế lực phản động, thù địch dùng chiêu bài “mớm lời”, “rắc thính”, kích động để gây tâm lý hoang mang, hoài nghi, làm suy thoái về tư tưởng, chính trị trong một bộ phận cán bộ, đảng viên; chúng tập trung xuyên tạc cái gọi là: nhân quyền gắn với xã hội tư sản, còn QCN là quyền tập thể gắn với chủ nghĩa xã hội, Hồ Chí Minh chỉ tiếp thu chủ nghĩa Mác  - Lê-nin chứ không có tư tưởng “cao siêu”, thậm chí còn không đề cập đến tư tưởng về nhân quyền, xã hội công dân trong tư tưởng thời trẻ của C.  Mác, Ph. Ăngghen (!?),....

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và công nghệ thông tin, mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, các thế lực phản động, thù địch tăng cường móc nối, cấu kết với những cán bộ, đảng viên có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ra sức xuyên tạc, phủ nhận nền tảng tư tưởng, với ý đồ làm lung lay nhận thức, niềm tin của nhân dân vào chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và sự lãnh đạo của Đảng; lợi dụng các vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, khoét sâu những yếu kém, sơ hở, mất cảnh giác của ta để bóp méo, xuyên tạc sự thật đổi mới theo định hướng XHCN,....

Thời điểm các thế lực phản động, thù địch với sự phụ họa của các cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thường xuyên tạc, kích động, chống đối là vào những dịp, những sự kiện lớn, như đại hội đảng các cấp, toàn quốc, các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp, dịp kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.... Chẳng hạn về bầu cử, luận điệu nói xấu, kích động của các thế lực phản động, thù địch với sự phụ họa, xuyên tạc, kích động của các cán bộ, đảng viên có biểu hiện  “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” rêu rao rằng, bầu cử ở nước ta chỉ là hình thức, không minh bạch, không dân chủ (!?); phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác bầu cử; bịa đặt, tung tin sai sự thật về công tác nhân sự; kích động, kêu gọi người dân không tham gia bầu cử; lợi dụng việc “tự ứng cử” để gây rối; kêu gọi cử tri “tẩy chay bầu cử”, “không đi bỏ phiếu”, “bỏ phiếu trắng”,... nhằm thực hiện ý đồ tỷ lệ cử tri tham gia bầu cử thấp. Hơn thế nữa, thông qua đó, các thế lực phản động, thù địch, với sự phụ họa, xuyên tạc, kích động của các cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, muốn phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phục vụ cho các âm mưu, hoạt động chống phá của chúng. Còn vào dịp kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hoạt động chống phá của các thế lực phản động, thù địch là nhằm hạ thấp ý nghĩa to lớn của chiến thắng giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Cán bộ, đảng viên là những người tiên phong đưa Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22-10-2018, của Bộ Chính trị vào cuộc sống, vào thực tiễn đấu tranh tư tưởng trong lĩnh vực dân chủ, nhân quyền. Trước hết, họ là những người phải quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, góp phần xây dựng thành nghị quyết, kế hoạch thực hiện tại tổ chức, đơn vị của mình. Họ cũng là những người trực tiếp tiến hành công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục quần chúng, xây dựng nhận thức đúng đắn cho mình và cho quần chúng về nhiệm vụ đấu tranh tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, trong đó có lĩnh vực dân chủ, nhân quyền. Họ cũng là những người trực tiếp, thường xuyên tiến hành tự phê bình và phê bình, phê phán những suy nghĩ, quan điểm, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống sai trái, lệch lạc; chấn chỉnh những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cùng những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong lĩnh vực dân chủ, nhân quyền. Đó là cơ sở để cán bộ, đảng viên được phân công làm nhiệm vụ nòng cốt, chuyên trách đấu tranh tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong lĩnh vực dân chủ, nhân quyền, góp phần củng cố hệ tư tưởng của Đảng nói chung, phát huy tài năng và trí tuệ của mình vào thực tiễn đấu tranh tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống hằng ngày; từ đó chủ động, tích cực góp phần hoàn thành các mục tiêu đấu tranh chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong lĩnh vực dân chủ, nhân quyền mà Nghị quyết số 35-NQ/TW đề ra.

Ba phương hướng cần tập trung đấu tranh với các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên trong lĩnh vực dân chủ, nhân quyền thời gian tới:

Một là, đấu tranh với các biểu hiện suy  thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống,  “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên trong lĩnh vực dân chủ, nhân quyền được hiểu  sự chủ động, tích cực nhận diện, phê phán, phản bác, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm minh bằng pháp luật nhằm làm thất bại các âm mưu, thủ đoạn sử dụng quyền con người gắn với các lĩnh vực chính trị (dân chủ) như một công cụ có tính phổ biến và liên thông trong với ngoài nước, đặc biệt là với một số nước phương Tây, để chống phá nền tảng tư tưởng và chế độ chính trị - xã hội ở Việt Nam hiện nay.

Hai là, nhận diện rõ hạn chế của công tác tư tưởng chính trị trong điều kiện Đảng cầm quyền. Hiện nay, công tác tư tưởng chính trị không chỉ xây dựng niềm tin vào Đảng, vào chế độ, mà còn phải chăm lo xây dựng đời sống tinh thần của xã hội, trong đó có cán bộ, đảng viên, do đó, nội dung tuyên truyền, giáo dục tư tưởng chính trị chịu sự tác động to lớn của việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Vì thế, để giành được niềm tin của cán bộ, đảng viên và lòng dân, công tác này dễ sa vào chủ nghĩa thực dụng, mị dân vì những mục tiêu trước mắt. Khi Đảng cầm quyền, công tác tư tưởng chính trị trong nội bộ Đảng được xem như công tác tư tưởng đối với nhân dân. Từ chỗ phải lắng nghe, chia sẻ, thuyết phục cán bộ, đảng viên và người dân, công tác tư tưởng rất dễ biến thành tuyên truyền áp đặt, một chiều không xuất phát từ nhu cầu và lợi ích thiết thực của cán bộ, đảng viên và người dân. Những hạn chế này của công tác tư tưởng chính trị cần phải được khắc phục để đấu tranh có hiệu quả với những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên.

Ba là, nâng cao nhận thức về nền tảng tư tưởng và công tác tư tưởng chính trị. Tiếp tục bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trên cơ sở những thành tựu mới của khoa học - công nghệ, nhất là thực tiễn đổi mới theo định hướng XHCN ở nước ta; đồng thời, tích cực ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, nhân phẩm của cán bộ, đảng viên qua một số biểu hiện cụ thể, như phai nhạt lý tưởng cách mạng; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ; sa sút ý chí phấn đấu, không gương mẫu trong công tác; không gắn quyền cá nhân với quyền tập thể; mắc vào tham nhũng, hối lộ, vi phạm thuần phong, mỹ tục và đạo đức,....

Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác tư tưởng chính trị của Đảng. Tăng cường các hoạt động bổ sung, phát triển, hoàn thiện, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh gắn với việc đẩy mạnh tập hợp, lôi cuốn, phát động phong trào hành động của cán bộ, đảng viên thực hiện mục tiêu, lý tưởng của Đảng nhằm xây dựng thành công xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vì độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân. 

Để đấu tranh với các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” của cán bộ, đảng viên trong lĩnh vực dân chủ, nhân quyền, chúng ta cần có những giải pháp tổng thể, đồng bộ sau:

Thứ nhất, phân loại các đối tượng là chỗ dựa của các cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. 

Các lực lượng phản động, thù địch: gồm lực lượng cực hữu ở một số nước phương Tây, lực lượng cực hữu người Việt Nam ở ngoài nước và những cá nhân người Việt Nam ở trong nước bị các thế lực cực hữu nước ngoài mua chuộc, lợi dụng để chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng và chế độ chính trị - xã hội tại Việt Nam.

Các lực lượng khác bao gồm những người nghiên cứu lý luận, hoạt động chính trị đảng phái tại một số nước phương Tây và cả những người cơ hội chủ nghĩa, suy thoái về tư tưởng, chính trị tại Việt Nam. Cuộc đối thoại, đấu tranh ý thức hệ giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản không chỉ diễn ra trên phạm vi thế giới, mà ngay tại Việt Nam hiện nay. Trong đó phải coi trọng đấu tranh với những người cơ hội chủ nghĩa, suy thoái về tư tưởng chính trị, trong đó gồm cả cán bộ, đảng viên có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đây thực chất là những đối tượng thù địch “giấu mặt” đóng vai “phái giữa” nên có sức nguy hại rất lớn, vì họ “đánh từ trong đánh ra” theo kiểu “người của ta”, gián tiếp thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “chệch hướng” nền tảng tư tưởng của Đảng ngay từ nội bộ. 

Thứ hai, chú trọng hóa giải các âm mưu, thủ đoạn chống phá chủ yếu trên lĩnh vực dân chủ, nhân quyền.

Đối với các hoạt động tuyên truyền xuyên tạc, phủ nhận các giá trị lý luận, thực tiễn về QCN và lợi dụng các hiệp định, dự án hợp tác với nước ngoài nhằm phá hoại và làm chệch hướng XHCN của nền kinh tế thị trường ở Việt Nam: Cán bộ, đảng viên phải ý thức rõ trách nhiệm trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bởi danh dự và uy tín của Đảng không thể tách rời danh dự, uy tín của mỗi cán bộ, đảng viên. Trong sinh hoạt hằng ngày, khi giao tiếp với mọi người thuộc nhiều thành phần trong xã hội, không thể không nghe những ý kiến về sự lãnh đạo của Đảng, công tác quản lý, điều hành xã hội của Nhà nước. Mỗi cán bộ, đảng viên cần chủ động nhìn cho đúng bản chất của từng sự việc để đấu tranh, phê phán, phản bác với các luận điệu sai trái, thù địch, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ.

Đối với các hoạt động kích động, xuyên tạc vấn đề dân tộc, tôn giáo ở Việt Nam, phải tập trung vạch trần âm mưu, luận điệu xuyên tạc, kích động về cái gọi là “chính sách bảo đảm trên hình thức và chính sách không bảo vệ, không bảo đảm trong thực tế” thông qua  “cơ chế xin - cho” nhằm tạo lập các “tôn giáo quốc doanh” của các thế lực phản động, thù địch.

Đối với các hoạt động kích động, xuyên tạc Việt Nam ngăn cản tự do ngôn luận, tự do bày tỏ chính kiến, tự do hội họp: Các luận điểm phản bác cần căn cứ vào luật pháp Việt Nam và luật pháp của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có các nước phương Tây, coi tự do ngôn luận không phải là một quyền tuyệt đối, mà bị chế ước bởi pháp luật, đạo đức, dư luận xã hội.

Thứ ba, thực hiện các giải pháp liên ngành nhằm tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ

Cần tách các bộ phận tiến hành công tác tư tưởng thành một cơ quan độc lập để thực hiện đồng bộ các khâu của quy trình công tác tư tưởng và bám sát thực tiễn luôn luôn biến động của cuộc sống. Tiếp tục kiện toàn việc xây dựng lực lượng chuyên trách theo hướng tinh gọn, đủ mạnh theo tinh thần Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị: Ban hành cơ chế tuyển chọn những cán bộ làm công tác tư tưởng thực sự tiêu biểu về lý luận chính trị, thuần thục các kỹ năng truyền thông, thông tin hiện đại. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách đồng bộ, phù hợp, phân rõ trách nhiệm cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp; vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu, cán bộ chủ trì, chủ chốt các cấp trong đối thoại, đấu tranh trong lĩnh vực tư tưởng.

Cách thức tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hữu hiệu nhất là: Nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tăng cường khắc phục tác động tiêu cực của kinh tế thị trường kết hợp với tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ theo nguyên tắc dựa vào dân, gắn bó mật thiết với nhân dân nhằm củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân.


Các tỉnh ủy, thành ủy, các ban đảng và cấp ủy các cấp xây dựng nghị quyết, kế hoạch, chỉ thị về lãnh đạo đấu tranh tư tưởng thông qua hai loại nghị quyết: nghị quyết lãnh đạo theo nhiệm kỳ, hằng năm, hằng quý, là nghị quyết lãnh đạo chung, trong đó có nội dung lãnh đạo công tác đấu tranh tư tưởng; nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo công tác đấu tranh tư tưởng. Trên cơ sở đó lãnh đạo triển khai, thực hiện nghị quyết, kế hoạch về lãnh đạo đấu tranh tư tưởng, như phát huy vai trò của chính quyền, các đoàn thể chính trị  - xã hội và thường xuyên kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm đấu tranh tư tưởng. Những điển hình tốt, những bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tế là cơ sở để cấp ủy xây dựng nghị quyết, kế hoạch về lãnh đạo đấu tranh tư tưởng chính trị nhằm thu được thắng lợi lớn hơn.

Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống thông tin điện tử tuyên giáo (VCNET): Cần nghiên cứu, đưa vào khai thác sử dụng các phần mềm phục vụ kiểm soát, phân loại thông tin tích cực, tiêu cực trên internet, mạng xã hội liên quan đến cơ quan, đơn vị; cảnh báo luồng dư luận quan tâm và nguy cơ xảy ra biểu tình ở các “điểm nóng”; phát triển rô-bốt mạng tham gia các chiến dịch truyền thông chủ động (phát tán nhiều thông tin tích cực; pha loãng, làm phân tán luồng thông tin tiêu cực, xấu, độc), nhất là ở các cơ quan, đơn vị chức năng thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện mạng lưới cộng tác viên công tác tư tưởng chính trị trong Đảng và trong xã hội: Cần xây dựng đội ngũ cộng tác viên làm công tác xã hội về tư tưởng trong các tầng lớp nhân dân; và tăng cường phối hợp giữa các cấp, ngành, đoàn thể, nhất là các hội viên công tác xã hội về tư tưởng tại địa phương nhằm đổi mới công tác quản lý, giáo dục, nâng cao bản lĩnh chính trị cho đội ngũ này để họ tự giác tu dưỡng, rèn luyện, tích cực học tập đường lối, chủ trương của Đảng. Đối với chính quyền, cần đưa công tác thông tin, tuyên truyền thành truyền thông chính sách và quan hệ công chúng, nhằm huy động đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia vào tất cả các khâu của chu trình chính sách, pháp luật và phản hồi ý kiến, đánh giá của người dân để hoàn thiện chính sách, pháp luật./.

1 nhận xét:

  1. Đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là việc làm rất quan trọng.

    Trả lờiXóa