Thứ Tư, 7 tháng 6, 2023

“Biến thể” mới của “Diễn biến hòa bình”

Trên mạng xã hội gần đây xuất hiện một số thông tin cho rằng “diễn biến hòa bình” là con "ngáo ộp" được các đảng cộng sản thêu dệt nhằm hù dọa Nhân dân. Thế nhưng sự thật không phải như vậy. DBHB đó là một chiến lược, được xây dựng từ rất lâu nhằm thủ tiêu chế độ xã hội chủ nghĩa. Trong giai đoạn hiện nay, DBHB biến tướng dưới nhiều hình thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, đặc biệt trong lĩnh vực công thương. Phòng, chống DBHB trong lĩnh vực công thương không chỉ là nhiệm vụ của cán bộ ngành công thương mà còn là trách nhiệm của tất cả nhân lực trong ngành và toàn xã hội.

“Diễn biến hòa bình” (DBHB) ra đời từ giữa thế kỷ trước và liên tục biến đổi như một loài virus nguy hiểm. Đến thế kỷ này, chiến lược DBHB đã có những “biến thể” mới khác xa lúc sinh ra.

Đối tượng chống phá của chiến lược DBHB giờ đây được mở rộng và phương thức tiến hành đã có sự chuyển đổi. DBHB trong mấy năm gần đây không những nhằm các nước XHCN, mà còn chuyển sang chống phá các nước có chế độ chính trị mà chủ thể tiến hành cho là không phù hợp với lợi ích, giá trị, “khuôn mẫu” của họ. Đó là những nước “cứng đầu”, “không cùng quỹ đạo”, không tuân theo sự chỉ huy, chỉ đạo của họ, không có lợi cho họ trong giải quyết các vấn đề quốc tế. Trọng tâm chống phá của chiến lược DBHB hiện nay là các quốc gia có vị trí địa chính trị - kinh tế - quân sự chiến lược quan trọng, phức tạp, nhạy cảm hoặc ở những khu vực hội tụ sự cạnh tranh chiến lược, tranh chấp gay gắt về lợi ích, chủ quyền trên thế giới.

Phương thức chống phá của chiến lược DBHB mới đã chuyển từ bên ngoài là chủ yếu tác động vào bên trong sang tiến hành các hoạt động chống đối tại chỗ, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ngay trong nội bộ đối phương. Nếu như những năm trước đây, DBHB coi trọng “dính líu để khuếch trương”, “can dự để mở rộng”, trực tiếp tiếp xúc để thẩm thấu các hành động chống phá từ bên ngoài vào bên trong nước khác thông qua thủ đoạn đặc trưng như “xóa bỏ cấm vận”, xúc tiến “bình thường hóa quan hệ”... thì nay đã chuyển sang tìm mọi cách khai thác và khoét sâu mâu thuẫn nội tại, những sơ hở, yếu kém trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành xã hội của các nước “không cùng quỹ đạo” để chống phá. Mỗi khi ở các nước là đối tượng chống phá diễn ra các sự kiện chính trị trọng đại, xuất hiện các “điểm nóng”, các vấn đề xã hội phức tạp, nhạy cảm... thì đó là “cơ hội vàng” để các thế lực thù địch đẩy mạnh thực hiện DBHB. Họ sử dụng chính lực lượng, phương tiện của đối phương; kết hợp công khai với bí mật; thực hiện đánh ngầm, mềm, sâu, hiểm, tiến công toàn diện, có trọng điểm để lũng đoạn đối phương. Trong đó, lĩnh vực chính trị, tư tưởng được họ xác định là khâu trọng tâm, đột phá; kinh tế là mũi nhọn; dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền là “ngòi nổ”; ngoại giao để hỗ trợ; quân sự để răn đe, hậu thuẫn…

Mục tiêu và động cơ chính trị của chiến lược DBHB trong thời gian gần đây cũng đã có sự dịch chuyển. Khi chưa lật đổ được chế độ chính trị thì DBHB sẽ nhằm đến mục tiêu thay đổi đường lối, chính sách; cài cắm lực lượng thân cận vào bộ máy cầm quyền; làm phức tạp hóa thành phần lãnh đạo; thay đổi tính chất quốc gia, dân tộc khác theo hướng phục vụ lợi ích của chủ thể tiến hành. Trong đó, thay đổi bộ máy cầm quyền nước khác là mục tiêu trọng yếu hiện nay.

Điển hình của việc thay đổi chiến lược DBHB là cuộc “cách mạng sắc màu” vào những năm 2004 - 2006; sau đó thay đổi chính thể của hàng loạt quốc gia ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi vào năm 2011 với cái tên mỹ miều “Mùa xuân Ả rập”. Đó không có gì khác là bạo loạn phi vũ trang bắt nguồn từ DBHB.

Nếu như DBHB trước kia chủ yếu là đấu tranh ý thức hệ chính trị giai cấp; đấu tranh giữa hai con đường XHCN và TBCN; thì hiện nay nó đã được mở rộng và chuyển sang cả “đấu tranh” vì lợi ích dân tộc cục bộ, hẹp hòi; cạnh tranh chiến lược để xác lập vị thế ảnh hưởng.

Hiện nay, các thế lực thù địch thường sử dụng “công cụ mềm”, “quyền lực thông minh” thay cho chính sách “cây gậy và củ cà rốt” kém hiệu quả trước đây. Đây là những biện pháp mới, rất linh hoạt, mang tính tổng hợp trên các phương diện và nảy sinh trong xu thế các nước thay đổi cách thức sử dụng quyền lực và sự trỗi dậy của trào lưu dân túy, xu hướng bảo hộ thương mại trong quan hệ quốc tế. Thực hiện tiến công toàn diện, có trọng điểm song DBHB ngày càng coi trọng các “công cụ mềm” và “quyền lực thông minh” nhằm vào các lĩnh vực chính trị tư tưởng, kinh tế, văn hóa - xã hội, ngoại giao, nhất là vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo để từng bước chuyển hóa đối phương, giành “chiến thắng mà không cần chiến tranh”.

Trọng tâm ở bên trong các nước thì họ tìm mọi cách khoét sâu mâu thuẫn, phân hóa nội bộ, tạo ra những “khoảng trống” quyền lực, đẩy đối phương vào vòng bất ổn. Bên ngoài, vẫn hỗ trợ bằng việc tạo áp lực, tăng cường lôi kéo, khống chế, từng bước gây ảnh hưởng có lợi cho họ. Cách thức tiến hành rất tinh vi, khó nhận diện; có lúc dụ dỗ, mua chuộc bằng vật chất; lúc thì núp dưới danh nghĩa hoạt động từ thiện, nhân đạo; có khi kêu gọi mở rộng tự do, dân chủ, nhân quyền, thúc đẩy quan hệ đối tác; đòi thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập; nhiều khi lại ngấm ngầm thao túng, khống chế về tài chính, từng bước ép buộc đối phương lệ thuộc về chính trị.

Chiến lược chống phá từ từ, dần dần theo cách “mưa dầm thấm lâu”. Phương châm hành động mềm dẻo, linh hoạt, “đối thoại thay đối đầu”, “bắt tay thay súng đạn”, không phô trương rầm rộ, nhìn hình thức biểu hiện bên ngoài ít khốc liệt, không tàn phá như chiến tranh vũ lực; thậm chí có vẻ “gần gũi”, “thân thiện” trong một “thế giới phẳng” nhưng bản chất thì đang âm thầm đẩy đối phương xuống đáy “vũng lầy” của sự khủng hoảng và dẫn đến đổ vỡ ngay từ bên trong.

Nếu như trước kia phương tiện tuyên truyền DBHB chủ yếu là đài phát thanh từ nước ngoài, rải truyền đơn, tuyên truyền kiểu “rỉ tai”; thì ngày nay, các thế lực thù địch coi trọng sử dụng các phương tiện internet, mạng xã hội.

Cho dù có “khoác tấm áo mới” thì bản chất thực sự của chiến lược “diễn biến hòa bình” vẫn là hoạt động chống phá của các lực lượng thù địch; vẫn là một kiểu “chiến tranh không có tiếng súng” nhưng vô cùng nguy hiểm./.

1 nhận xét:

  1. Đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” cần có sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và của quần chúng nhân dân.

    Trả lờiXóa