Thứ Năm, 8 tháng 6, 2023

Cần đổi mới phương thức truyền đạt thông tin của công tác tư tưởng

 

          Phương thức truyền đạt thông tin hiệu quả là nền tảng cho mọi hoạt động của đời sống và công việc. Đó không chỉ đơn giản là việc chia sẻ những ý tưởng của chủ thể với người khác mà quan trọng hơn là chia sẻ những góc nhìn và tạo mối liên hệ với mọi người xung quanhPhương thức truyền đạt thông tin hiệu quả vừa tiết kiệm được thời gian, vừa đạt hiệu quả giao tiếp sẽ mang lại lợi ích lớn hơn trong cuộc sống cũng như công việc. Đối với công tác tư tưởng, phương thức truyền đạt thông tin chính là phương tiện quan trọng để đưa quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với hiện thực xã hội; tham gia xây dựng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; thường xuyên tương tác với cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

          Tuy nhiên, xét trên nhiều khía cạnh, phương thức thông tin của công tác tư tưởng ở nước ta còn có những bất cập. “Phạm vi tác động, ảnh hưởng của công tác tư tưởng có dấu hiệu bị thu hẹp”, “Nội dung, phương pháp công tác tư tưởng chậm đổi mới, công tác tư tưởng trở nên lạc hậu so với yêu cầu của thực tiễn trong tình hình mới”(6). “Công tác thông tin, tuyên truyền một số chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước chưa phong phú, thường xuyên, kịp thời, chưa đáp ứng được sự mong đợi của nhân dân”(7).

          Một trong những căn nguyên chính dẫn đến sự lạc hậu, bất cập nêu trên là do phương thức truyền đạt thông tin trong công tác tư tưởng ở nước ta hiện nay vẫn gần giống với những năm trước đổi mới: chủ yếu cung cấp những thông tin mà chủ thể có, chứ chưa cung cấp những thông tin mà xã hội cầnCơ chế bao cấp trước đổi mới không chỉ bao trùm cả trong môi trường sống và làm việc, mà còn thể hiện rõ cả trong công tác tưởng. Tư tưởng, nhận thức và suy nghĩ của cán bộ, đảng viên là đã có cấp trên (ngành Công tác tư tưởng - văn hóa của Đảng) chăm lo và định hướng. Do đó, trong tâm thế của cán bộ, đảng viên chỉ cần tiếp nhận những tư tưởng, định hướng, nhận thức từ trên đưa xuống, “có sao dùng vậy”, không đòi hỏi nhiều hơn. Điều này dẫn đến tình trạng, đội ngũ những người làm công tác tư tưởng cũng chỉ cần cung cấp những thông tin mà mình có, không cần thiết phải tìm hiểu, mở rộng thông tin.

          Do vậy trong thời gian tới, người đi truyền đạt thông tin phải không ngừng chủ động cập nhật, khai thác, mở rộng, chọn lọc thông tin; tiếp cận, tham khảo các nguồn thông tin khác nhau để cung cấp những thông tin mà xã hội cần, chứ không chỉ cung cấp những thông tin mà mình có. Như vậy, công tác tuyên truyền, truyền đạt mới không bị lạc hậu, thực sự có ích cho đối tượng tiếp nhận thông tin.

1 nhận xét: