Trước hết, phải khẳng định rằng, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn xác định: Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một trụ cột trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Đây là yêu cầu tất yếu, khách quan, là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của Đảng và chế độ. Vì vậy, phải kiên quyết, kiên định, kiên trì, đấu tranh trực diện, không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực; bảo đảm "trên dưới đồng lòng", "dọc ngang thông suốt". Trong cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" vừa xuất bản, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đấu tranh phòng, chống tham nhũng là một việc làm cần thiết, tất yếu, là một xu thế không thể đảo ngược”... Đồng chí Tổng Bí thư đã cương quyết chỉ đạo: Phải tiến hành thật kiên quyết, kiên trì, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu bất kỳ một sức ép nào của bất cứ tổ chức, cá nhân nào. Ai ngại đấu tranh, không làm được thì đứng sang một bên...
Thực tế đã chứng minh, trong những năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả mang tính đột phá với rất nhiều vụ án, vụ việc được phát hiện, xử lý nghiêm khắc từ Trung ương đến cơ sở. Nhận rõ thực tế đằng sau nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực, nhất là những vụ đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thường có bóng dáng của một số cán bộ đứng đầu đơn vị, địa phương, ngành, thậm chí cả cán bộ Trung ương, Đảng, Nhà nước ta đã kiên quyết chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, thanh tra, điều tra làm rõ và xử lý nghiêm khắc, triệt để; kiên quyết không để sót lọt người vi phạm và những cán bộ làm ngơ, dung túng, tiếp tay, bao che.
Chỉ riêng năm 2022 đã thi hành kỷ luật 539 đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 47 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (tăng 15 trường hợp so với năm trước); cho thôi giữ chức Ủy viên Trung ương Đảng (khóa XIII) đối với 5 đồng chí; cho thôi giữ chức vụ đối với 2 phó thủ tướng Chính phủ, 3 thứ trưởng và tương đương; các địa phương đã cho từ chức, miễn nhiệm 3 chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND tỉnh theo chủ trương sắp xếp, bố trí công tác đối với cán bộ bị xử lý kỷ luật, uy tín giảm sút. Qua công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, đã chuyển 557 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật (tăng gấp hơn hai lần so với năm 2021). Trong năm 2022, trên cả nước đã khởi tố mới 493 vụ/1.123 bị can về tội tham nhũng (tăng 163 vụ/328 bị can so với năm 2021).
Trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã kiên quyết xử lý và chỉ đạo xử lý nghiêm những người đứng đầu, cán bộ cấp cao có vi phạm. Theo thống kê của cơ quan chức năng, giai đoạn 2012-2022, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 190 cán bộ diện Trung ương quản lý (có 4 ủy viên Bộ Chính trị, 36 ủy viên và nguyên ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang)... Đặc biệt, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, Đảng, Nhà nước đã xử lý và chỉ đạo xử lý kỷ luật, xử lý hình sự, cho thôi chức vụ, nghỉ công tác... nhiều cán bộ cấp cao, trong đó có không ít người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, đơn vị... và báo chí đã đăng thông tin này rất công khai. Như vậy, không thể nói là cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam là "bỏ sâu to, bắt sâu nhỏ" như các đối tượng thù địch, phản động rêu rao, xuyên tạc.
Mặt khác, tuy Việt Nam đã xử lý không ít cán bộ cấp cao, người đứng đầu các cấp có hành vi tham nhũng, tiêu cực hoặc để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của mình, thế nhưng đó chỉ là những "con sâu làm rầu nồi canh", hoàn toàn không phải như thông tin mà các thế lực chống phá rêu rao, quy chụp rằng "hầu hết cán bộ đứng đầu tham nhũng". Thực tế cho thấy, những cán bộ có vi phạm, tham nhũng, tiêu cực chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong đội ngũ cán bộ nói chung, những người đứng đầu các cấp nói riêng. Tuyệt đại đa số cán bộ, nhất là cán bộ chủ trì, chủ chốt, người đứng đầu các cấp trong hệ thống chính trị đã nỗ lực phấn đấu phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là điển hình tiêu biểu nhất. Theo kết quả điều tra dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành mới đây, tuyệt đại đa số ý kiến người dân (93%) bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của những người đứng đầu trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Cũng cần nói thêm là, tham nhũng là hiện tượng xã hội tiêu cực, xấu xa mà thời nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có; đó là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực. Lịch sử nhân loại cho thấy, tình trạng tham nhũng trong bộ phận quan chức, những người đứng đầu đã trở thành vấn nạn nhức nhối, xảy ra ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có cả những nước vốn được coi là kiểm soát quyền lực tốt. Việc các đối tượng thù địch, phản động, bất mãn cho rằng chế độ chủ nghĩa xã hội là nguyên nhân sinh ra tham nhũng ở Việt Nam và hầu hết cán bộ đứng đầu đều tham nhũng, tiêu cực là hoàn toàn không đúng sự thật, thể hiện góc nhìn chẳng những rất phiến diện mà còn là cố tình xuyên tạc, thổi phồng nhằm thực hiện mưu đồ thâm độc chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ ta.
Việc các đối tượng thù địch, phản động, bất mãn cho rằng chế độ chủ nghĩa xã hội là nguyên nhân sinh ra tham nhũng ở Việt Nam và hầu hết cán bộ đứng đầu đều tham nhũng, tiêu cực là hoàn toàn không đúng sự thật
Trả lờiXóa