Vũ khí tư tưởng sắc bén
Trong hành trình tìm đường cứu nước, bằng trí thông minh, khát vọng cháy bỏng và lòng yêu nước thương dân, Nguyễn Ái Quốc nhận thức sâu sắc rằng, muốn giải phóng dân tộc phải đánh đuổi ngoại xâm, lật đổ chế độ thực dân, phong kiến. Để làm được điều đó, trước hết phải thức tỉnh lòng yêu nước của nhân dân.
Ngay khi đặt chân đến châu Âu, Nguyễn Ái Quốc được tiếp xúc với nền báo chí phát triển. Và Người nhận ra rằng, thông tin báo chí tác động vào tư tưởng, tình cảm, từ đó làm thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi của công chúng, thế nên phải nắm lấy báo chí, sử dụng báo chí làm vũ khí tư tưởng. Vì vậy, bên cạnh việc tự học tiếng Pháp, Người đã học viết báo. Những ngày đầu, Nguyễn Ái Quốc được Jean Lauren Frederick Longuet - cháu ngoại của Karl Marx, nhiệt tình chỉ dẫn.
Năm 1921, tại Paris, Nguyễn Ái Quốc cùng một số đồng chí người Algeria, Tuynisia, Maroc... thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa. Đầu tháng 2-1922, Nguyễn Ái Quốc và Ban Thường vụ Hội thống nhất cho ra đời một ấn phẩm báo chí bằng tiếng Pháp. Ngày 1-4-1922, báo Le Paria (Người cùng khổ) xuất bản số đầu với tôn chỉ: “Báo Le Paria là vũ khí chiến đấu với sứ mạng rõ ràng: Giải phóng con người”. Nguyễn Ái Quốc vừa là chủ bút, vừa là biên tập, phóng viên, vừa lo bán báo.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Nguyễn Ái Quốc, tờ Le Paria trở thành công cụ sắc bén vạch trần chính sách đàn áp, bóc lột của bè lũ thực dân, đế quốc, đồng thời truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, thúc đẩy tinh thần đấu tranh của nhân dân các nước thuộc địa. Người đã tìm cách chuyển báo Le Paria về Việt Nam để khơi dậy lòng yêu nước và tinh thần cách mạng của nhân dân ta.
Sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam
Cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc tới Quảng Châu (Trung Quốc). Tại đây, Người tổ chức huấn luyện cán bộ cách mạng, thành lập Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội. Cơ quan ngôn luận của Hội là tờ Thanh Niên, xuất bản số đầu ngày 21-6-1925. Đây là tờ báo cách mạng Việt Nam đầu tiên do Người sáng lập, chỉ đạo. Tháng 12-1926, Nguyễn Ái Quốc chỉ đạo ra báo Công nông, tờ báo của giai cấp công nhân, nông dân Việt Nam. Tháng 2-1927, Người sáng lập báo Lính kách mệnh.
Những tờ báo công khai và bí mật do Nguyễn Ái Quốc thành lập thời kỳ này tập trung tuyên truyền lòng yêu nước, chủ nghĩa Mác - Lênin nhằm chuẩn bị cơ sở lý luận và thực tiễn cho sự ra đời một Đảng Cộng sản kiểu mới có đủ khả năng, bản lĩnh để tập hợp lực lượng cách mạng, đánh đổ chế độ thực dân - phong kiến, giành độc lập, tự do cho dân tộc...
Sau khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời, Nguyễn Ái Quốc sáng lập tạp chí Đỏ (số đầu tiên ra ngày 5-8-1930), đồng thời là người chỉ đạo và cộng tác viên thân thiết của các tờ Búa liềm, Tranh đấu... với nhiều bút danh khác nhau. Đầu năm 1941, Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Người chỉ đạo tổ chức Hội nghị Trung ương 8, thành lập Mặt trận Việt Minh và sáng lập tờ Việt Nam Độc lập (số đầu tiên xuất bản ngày 1-8-1941). Năm 1942, Người chỉ đạo thành lập báo Cứu Quốc.
Sau khi Tổng khởi nghĩa thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Nguyễn Ái Quốc - lúc này là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã ký chỉ thị thành lập Đài phát thanh Quốc gia (nay là Đài Tiếng nói Việt Nam) ngày 7-9-1945, thành lập Hãng tin Quốc gia (nay là Thông tấn xã Việt Nam) ngày 15-9-1945, báo Sự Thật (nay là báo Nhân Dân) ngày 11-3-1951.
Người thầy lỗi lạc
Không chỉ là người sáng lập, Hồ Chí Minh còn là người thầy lỗi lạc của báo chí cách mạng Việt Nam. Bằng kinh nghiệm và kiến thức của mình, Bác tận tình chỉ dẫn nghiệp vụ cho những người làm báo. Ngày 17-8-1952, nói chuyện với các cán bộ báo chí ở Trường chỉnh Đảng Trung ương tại Việt Bắc, Người tổng kết 4 nguyên lý cơ bản của nghề báo: “Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết cái gì? Viết như thế nào?”, đồng thời căn dặn: “Viết phải thiết thực, “nói có sách, mách có chứng’”, tức là nói cái việc ấy ở đâu, thế nào, ngày nào, nó sinh ra thế nào, phát triển thế nào, kết quả thế nào?”.
Phát biểu tại Đại hội lần thứ II của Hội Nhà báo Việt Nam (tháng 4-1959), Bác nêu rõ: Báo chí ta không phải để phục vụ cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu".
Tại Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam (tháng 9-1962), Người đã chỉ ra khuyết điểm của báo chí: “Bài báo thường quá dài, “dây cà ra dây muống”, không phù hợp với trình độ và thời gian của quần chúng. Thường nói một chiều và đôi khi thổi phồng thành tích, mà ít hoặc không nói đúng mức đến khó khăn và khuyết điểm của ta. Đưa tin tức hấp tấp, nhiều khi thiếu thận trọng...”, “Khuyết điểm nặng nhất là dùng chữ nước ngoài quá nhiều và lắm khi dùng không đúng”.
Cũng tại Đại hội này, Người nhắn nhủ: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Đặc biệt, Người luôn căn dặn các nhà báo phải trung thực, coi đó như một tiêu chuẩn đạo đức của người làm báo: “Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết chớ nói, chớ viết càn”. Người yêu cầu người làm báo phải lấy phê bình và tự phê bình để rèn luyện và tiến bộ. Trong đó, điều quan trọng nhất là lắng nghe ý kiến phê bình của quần chúng: “Các nhà báo cũng cần khuyến khích quần chúng góp ý kiến và phê bình báo mình để tiến bộ mãi”...
Đặc biệt, nói về vai trò quan trọng của báo chí cách mạng, Người khẳng định: “Tờ báo Đảng như những lớp huấn luyện giản đơn, thiết thực và rộng khắp. Nó dạy bảo chúng ta những điều cần biết làm về tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo và công tác. Hằng ngày nó giúp nâng cao trình độ chính trị và năng suất công tác của chúng ta. Nếu ai cắm đầu làm việc mà không xem, không nghiên cứu báo Đảng thì khác nào nhắm mắt đi đêm, nhất định sẽ lúng túng, vấp váp, hỏng việc. Vì vậy, cán bộ trong Đảng và ngoài Đảng, toàn thể Đảng viên và cốt cán cần phải xem báo Đảng”...
Đã 98 năm kể từ ngày tờ báo cách mạng đầu tiên ra đời, những tư tưởng về báo chí và di sản báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn là “kim chỉ nam” soi đường cho báo chí cách mạng Việt Nam tiếp tục đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng với vai trò xung kích trên mặt trận văn hóa, tư tưởng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng, giao phó.
Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết hơn 2.000 bài báo bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, nhiều thể loại khác nhau, đề cập đến toàn bộ các vấn đề rộng lớn của cách mạng cũng như đời sống xã hội. Tác phẩm báo chí của Người, dù ở thể loại nào, viết về vấn đề gì đều có một sắc thái rất riêng, hết sức độc đáo, sáng tạo. Nhiều bài báo của Người đã trở thành tác phẩm bất hủ, lưu danh đến muôn đời sau.
St
bài rất thiết thực
Trả lờiXóa