1. Trong thời gian dần đây, các thế lực phản động chống đối trong và ngoài nước không ngừng gia tăng hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc, thông tin sai sự thật, suy diễn về mặt tư tưởng; bôi nhọ, xúc phạm, hạ uy tín của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước; kích động biểu tình, gây rối an ninh trật tự; sử dụng mạng xã hội để tác động tiêu cực đến tư tưởng, nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân gây tâm lý hoang mang, làm giảm sút lòng tin đối với Đảng, chế độ và các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Các quan điểm sai trái, thù địch tập trung vào các nội dung sau:
- Phủ định, phản bác Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên CNXH của nước ta. Các thế lực thù địch dùng mọi biện pháp, đánh vào nền tảng tư tưởng của Đảng hòng gây hoang mang, dao động về hệ tư tưởng, về lý tưởng XHCN; xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin; cho rằng chủ nghĩa Mác-Lênin đã lỗi thời và chỉ phù hợp với các nước châu Âu, không thích hợp với các nước lạc hậu như Việt Nam.
- Phá hoại tư tưởng, tấn công chia rẽ nội bộ, xuyên tạc, bịa đặt, thông tin lợi dụng các vấn đề nhạy cảm chính trị xã hội, vụ việc phức tạp thu hút sự quan tâm của quần chúng, các tổ chức phản động kích động biểu tình, gây bất ổn về an ninh, trật tự, tìm thời cơ tiến hành “cách mạng đường phố” tại Việt Nam... Thủ đoạn chủ yếu là giả mạo, cắt xén, ngụy tạo bằng chứng để vu cáo; sử dụng thông tin cũ với những luận điệu mới; lợi dụng những vấn đề chính trị, thời sự để tung tin thất thiệt, tạo dư luận xấu; từ các vụ việc tiêu cực, tham nhũng để quy chụp do đường lối của Đảng, Nhà nước và chế độ. Các đối tượng đặt tên trang mạng, blog và đặt các tiêu đề, tên bài với ngôn từ giật gân, kích thích tính tò mò của người đọc, người xem, đăng tải tin, bài viết, video clip có nội dung phản động, thật giả lẫn lộn; làm giảm niềm tin, tạo sự nghi ngờ về phẩm chất, uy tín, năng lực của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nhất là vào thời điểm diễn ra các sự kiện chính trị của đất nước.
- Dưới sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Chính phủ, cả hệ thống chính trị và toàn dân Việt Nam đang chung tay vào cuộc với tinh thần “chống dịch như chống giặc” nhằm góp phần cùng các nước trên thế giới kiểm soát, ngăn chặn, đẩy lùi, giảm thiểu những thiệt hại do đại dịch Covid-19 gây ra, song một số tổ chức phản động lưu vong móc nối, cấu kết với một số phần tử phản động, cơ hội chính trị trong nước sử dụng những thông tin giả, triệt để khai thác ưu thế của không gian mạng, đặc biệt là mạng xã hội để tuyên truyền, xuyên tạc về quan điểm, chủ trương, chính sách, các giải pháp và kết quả phòng, chống dịch của Việt Nam. Đáng chú ý là một số tổ chức phản động, phần tử cơ hội chính trị đã lợi dụng khoảng trống thông tin khi các cơ quan báo chí, truyền thông của ta chưa kịp đăng phát những thông tin chính thống thì chúng đã lồng ghép những thông tin giả xuyên tạc, bóp méo sự thật rồi tung lên không gian mạng rất sớm nhằm làm nhiễu loạn thông tin, gây hoang mang trong dư luận (như: Việc một số cán bộ đi công tác nước ngoài trở về từ vùng dịch nhưng chưa tự giác cách ly theo quy định; việc để cho quan chức từ các nơi có nguy cơ nhiễm bệnh dịch cao trở về, di chuyển bình thường, mà không đặt dưới sự giám sát chặt chẽ về y tế...). Từ đây chúng xuyên tạc, công kích Chính phủ Việt Nam “bưng bít thông tin, yếu kém trong xử lý dịch bệnh”… Những giọng điệu ấy ít nhiều đã làm cho thế giới hiểu chưa đúng về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và tinh thần phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Đảng, Chính phủ và Nhân dân Việt Nam.
- Lợi dụng vấn đề chống tham nhũng (nhất là sau khi ta xét xử một số vụ án tham nhũng, kinh tế) các đối tượng thù địch thông qua các trang mạng xã hội tuyên truyền, xuyên tạc, bóp méo sự thật về cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở Việt Nam. Chúng cho rằng, “Đảng Cộng sản Việt Nam không thể đấu tranh chống tham nhũng, suy thoái vì Đảng cũng tham nhũng, suy thoái”. Chúng ra sức rêu rao, rằng: “Những cán bộ bị xử lý kỷ luật chẳng qua là do tư tưởng tiến bộ mà bị thanh trừng”; do “phe nhóm”, đấu đá “cục bộ” trong Đảng; “Đảng Cộng sản Việt Nam đã hết thời”; “Chỉ khi xóa bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam thì mới hết tham nhũng”… Ngoài ra, chúng còn lợi dụng cuộc đấu tranh chống tham nhũng kêu gọi biểu tình, khiếu kiện đông người làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội. Những bài viết xuyên tạc, bịa đặt, dựng chuyện, biến việc xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên do tham nhũng thành tranh chấp quyền lực, phe phái trong Đảng, trong bộ máy nhà nước là một thủ đoạn cực kỳ trắng trợn, thâm độc của các phần tử cơ hội, thù địch...
- Để chuẩn bị cho Đại hội XIII của Đảng, công tác quy hoạch nguồn cán bộ được các cấp ủy, tổ chức đảng các cấp chuẩn bị chặt chẽ, thống nhất; căn cứ kế hoạch tổng thể, cán bộ trong diện quy hoạch được cử đi đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển công tác để rèn luyện, thử thách qua thực tiễn, với nhiều cương vị công tác từ thấp đến cao. Quá trình này được các cấp tiến hành chặt chẽ, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch; kiên quyết không để những người có tham vọng quyền lực, chạy chức, chạy quyền, chạy cơ cấu, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, quan liêu, tham nhũng,… vào cấp ủy khóa mới. Tuy nhiên, thực tế đó bị các đối tượng phản động bác bỏ, xuyên tạc cho rằng: Quy hoạch nguồn cán bộ của Đại hội là “thiếu minh bạch”, vì “lợi ích nhóm”; là “xóa bỏ quyền của các đại biểu dự Đại hội”; là “tước đi quyền tự do, dân chủ trong việc ứng cử, đề cử và bầu cử của các đại biểu dự Đại hội”, v.v…Để truyền tải các nội dung phản động nói trên, các đối tượng phản động, chống đối đã dùng nhiều cách thức, biện pháp khác nhau, song chủ yếu là chúng lợi dụng công nghệ 4.0; mạng xã hội để tuyên truyền, thông tin xấu, độc. Cụ
thể là:
Thứ nhất: Tạo lập các website, blog, facebook, fanpage giả mạo của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có uy tín để đăng tải thông tin xuyên tạc, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội, xuyên tạc về bản chất chế độ XHCN và kích động chống đối. Có thể kể đến các trang thông tin chống phá như: “Đại hội XIII”, “Dân làm báo”, “Dân luận”... Các website, blog, facebook, fanpage mạo danh thường được thiết kế theo dạng trang thông tin chuyển tải tin tức, có nhiều chuyên mục với bố cục rõ ràng, cung cấp thông tin cập nhật, đa dạng. Thời gian đầu, các trang mạng này muốn lôi kéo và tạo được sự tin cậy của người đọc nên chủ động đăng tải, chia sẻ những thông tin kịp thời, chính xác như các cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử chính thống của các cơ quan, tổ chức đã được cấp phép tên miền trên internet. Nhưng càng về sau, chủ nhân của các trang mạng mạo danh này có thể cài bẫy một vài thông tin theo kiểu “đánh lận con đen”
nhằm làm rối nhiễu thông tin, phân tâm dư luận xã hội. Đó là một “đòn đánh” vào tâm lý người đọc rất tinh vi, thâm độc để lèo lái vào mục đích tuyên truyền lệch lạc, nguy hại.
Thứ hai: Tạo lập các trang giả mạo cơ quan, tổ chức, cá nhân có uy tín để đăng tải thông tin xuyên tạc, hạ uy tín các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Trong đó, tập trung khai thác tính lan tỏa, tương tác, chia sẻ, ẩn danh trên không gian mạng của website, trang thông tin điện tử, mạng xã hội để tán phát thông tin giả mạo, xấu độc, gắn với việc đưa thông tin bí mật đời tư, bí mật cá nhân của các đồng chí lãnh đạo cấp cao, sau đó đưa ra nhận xét, phân tích, bình luận nhạy cảm để tác động đến niềm tin của người đọc, từng bước phủ nhận, gây hoài nghi về lịch sử, truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam, tinh thần độc lập, tự chủ.
Thứ ba: Khai thác lỗ hổng bảo mật của các website, cổng thông tin điện tử để sửa chữa, chèn thêm đường dẫn (link) đăng tải nội dung, thông tin giả mạo, xấu độc, văn hóa đồi trụy, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, vi phạm thuần phong mỹ tục, văn hóa truyền thống của dân tộc; chèn, chỉnh sửa nội dung bài viết, hình ảnh trên các website, cổng thông tin điện tử làm sai lệch bản chất thông tin, làm người đọc mơ hồ mất cảnh giác, từ đó thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” tác động đến tư tưởng, đạo đức và lối sống, tâm tư, tình cảm của các giai tầng xã hội; tạo lập các blog, website, mạng xã hội kết hợp với các loại hình thông tin khác báo viết, báo hình, báo nói... để thu hút lượng người truy cập, qua đó truyền bá các quan điểm, tư tưởng phản động.
Thứ tư: Kích động chống đối thông qua các hội, nhóm, tài khoản trên mạng xã hội, kích động những vấn đề liên quan đến các sơ hở, sai phạm và bức xúc xã hội. Chúng lợi dụng, khoét sâu những thiếu sót trong công tác lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, cũng như những suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên để gây dao động về tư tưởng, gây mất lòng tin, thiếu đồng thuận trong nhân dân, kích động, chia rẽ nội bộ để chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ ta.
Thứ năm: Lấy ý kiến qua mạng xã hội nhằm tạo áp lực dư luận, gây áp lực đối với chính quyền. Dưới sự giật dây của các thế lực thù địch, một số phần tử cơ hội trong nước và cả ở nước ngoài đã soạn ra các văn bản dưới dạng “tâm thư”, “thư ngỏ”, “thư góp ý” (cả chính danh, nặc danh và mạo danh); thậm chí họ còn soạn hẳn một dự thảo văn kiện mới, hoàn toàn khác với dự thảo văn kiện chính thống được công bố... để thể hiện những ý kiến trái ngược với quan điểm của Đảng, Nhà nước rồi gửi đến các đồng chí lãnh đạo. Với kiểu lập luận của họ, thông qua các câu từ có tính thuyết phục cao... thoáng qua người ta dễ lầm tưởng đó là những “ý kiến tâm huyết”, “những đóng góp chân thành”... Các đối tượng dựng chuyện, tung ra nhiều thông tin thất thiệt, tuyên truyền xuyên tạc, gây nhiễu loạn thông tin, kích động, gây áp lực, gieo rắc tâm lý hoài nghi, gây bất ổn trong dư luận.
Thứ sáu: Thành lập các đài phát thanh, kênh truyền hình trên internet và các phần mềm chuyên dụng để chống phá Việt Nam. Các đài phát thanh, truyền hình của Mỹ và phương Tây như: BBC, VOA truyền tải nhiều nội dung xấu, độc. Một số tổ chức phản động lưu vong cũng lợi dụng phương thức này để phá hoại tư tưởng của Đảng, Nhà nước ta như: “Đảng vì dân”, “Việt Tân”, Radio Chân trời mới”…
Thứ bảy: Sử dụng các trang mạng xã hội kêu gọi biểu tình, tụ tập trái phép, phá rối an ninh trật tự, kích động bạo loạn: Các thế lực thù địch tạo lập và huy động những tài khoản giả mạo kêu gọi, lôi kéo, kích động người dân tụ tập, biểu tình ngoài thực địa và có các hành vi vi phạm pháp luật. Chúng sử dụng hàng loạt các mạng lưới tài khoản đã được xây dựng trước, lấy 2-3 tài khoản làm trung tâm thường xuyên đăng tải bài viết, thông tin xuyên tạc về một chủ đề, lĩnh vực và hàng trăm tài khoản vệ tinh thực hiện nhiệm vụ chia sẻ trên các nhóm, diễn đàn phản động hoặc các nhóm có lượng thành viên lớn. Một trong những biểu hiện của thủ đoạn này là kêu gọi “Biểu tình ảo trên không gian mạng” bằng cách huy động, kêu gọi tất cả các tài khoản trên mạng xã hội gắn các biểu ngữ phản đối chính sách pháp luật của Nhà nước ta, tạo ra hiệu ứng đám đông, trong đó người dùng mạng xã hội thường xuyên nhìn thấy các biểu ngữ phản đối, hoặc những người không có lập trường tư tưởng vững vàng sẽ bị tác động thay đổi tư tưởng theo chiều hướng tiêu cực.
Thứ tám: Từ không gian mạng, các đối tượng phản động hướng dẫn cách thức chế tạo chất nổ, vũ khí, cách thức tiến hành khủng bố, phá hoại, gây rối an ninh, biểu tình, livestream các vụ việc nhạy cảm, tụ tập biểu tình, khiếu kiện... để kêu gọi cộng đồng mạng và những người cơ hội chính trị tham gia bình luận, chia sẻ, tạo điểm nóng. Ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị khóa XII ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Trong đó, Bộ Chính trị nêu rõ: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, cương lĩnh chính trị, đường lối đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế…”; đồng thời, Nghị quyết nhấn mạnh: “Đấu tranh, phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng…”.
2. Để đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước trong thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về bảo vệ tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để mỗi cán bộ, đảng viên tự giác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch và trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên là thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 35-NQ/TW.
Hai là, phát huy tốt vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu, Ban Chỉ đạo 35, cơ quan chức năng các cấp, nhất là vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Tập trung lãnh đạo kiện toàn, xây dựng phát triển lực lượng đấu tranh theo hướng chủ động tạo thế liên hoàn, vững chắc, có bộ phận nòng cốt, chuyên sâu, tập hợp lực lượng rộng rãi; quản lý chặt chẽ tình hình chính trị nội bộ, nắm, dự báo, xử lý kịp thời những vấn đề tư tưởng nảy sinh.
Ba là, chủ động nắm tình hình, phát hiện sớm hoạt động chống phá của đối tượng để đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị. Công tác nắm tình hình cần tập trung
vào những vấn đề cụ thể như: Phát hiện các trang web, blog, “diễn đàn” thường xuyên đăng tải những nội dung xấu, thù địch; phát hiện âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động tuyên truyền chống phá của chúng trên không gian mạng, kịp thời nhận diện những phương thức, thủ đoạn mới; phát hiện cá nhân, tổ
chức sở hữu, quản lý, điều hành các trang mạng xã hội thường xuyên đăng tải các bài viết, hình ảnh, video tuyên truyền chống phá cách mạng Việt Nam để có biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời.
Bốn là, các cấp ủy, tổ chức đảng chủ động kịp thời nắm bắt diễn biến tư tưởng, tâm tư nguyện vọng của đảng viên để có biện pháp giải quyết kịp thời, uốn nắn những lệch lạc, sai trái, thiếu gương mẫu của đảng viên. Phát hiện đảng viên tham gia các hội, nhóm trái quy định của Đảng, Nhà nước, lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để gây ảnh hưởng xấu đến nội bộ Đảng.
Năm là, tiếp tục đẩy mạnh công tác đấu tranh PCTN; thực hiện công khai, minh bạch; chú ý vai trò “nêu gương” của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chủ chốt các cấp; vai trò nêu gương của của người đứng đầu trong công tác PCTN, có lập trường tư tưởng vững vàng, quan điểm đúng đắn, chính kiến rõ ràng trước những vấn đề mới, khó, phức tạp, nhạy cảm. Chủ động ngăn chặn, phản bác các thông tin, quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch; mẫu mực về đạo đức, lối sống; thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; trung thực, giản dị, thẳng thắn, chân thành.
Sáu là, nâng cao hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW với thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Chỉ thị số 05-CT/TW “Về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Quy định số 08-QĐ/TW, ngày 25/10/2018, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương” và Quy định số 205- QĐ/TW, ngày 23/9/2019, của Bộ Chính trị, “Về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền” để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh.
Bảy là, phát huy vai trò của các cơ quan báo chí trong đấu tranh vạch trần bản chất, âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch, phản động, góp phần định hướng dư luận xã hội. Tổ chức chiến dịch truyền thông quy mô lớn, cung cấp thông tin chính thống, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, răn đe đối tượng vi phạm pháp luật, nâng cao cảnh giác, tăng sức “đề kháng” cho người dân khi tiếp cận thông tin; vô hiệu hóa các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, phá hoại tư tưởng của các đối tượng, tổ chức phản động trong và ngoài nước, giúp chúng ta giành được thế chủ động trên lĩnh vực thông tin, tuyên truyền.
NQR
Hiện nay, các thế lực thù địch đang ra sức chống phá, xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng; vì vậy chúng ta phải tích cực đấu tranh vạch trần bộ mặt xấu xa của chúng.
Trả lờiXóa