Để nâng cao hơn nữa ý thức chính trị cho sinh viên ở nước ta
hiện nay, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Một là, việc nâng cao ý thức chính trị cho sinh viên phải được
coi là nhiệm vụ quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Những yêu cầu trong quá trình tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng
bộ công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước không chỉ là cơ hội,
mà còn là thách thức đối với khả năng thực tế của sinh viên - chủ nhân tương
lai của đất nước. Xu hướng khu vực hóa, toàn cầu hóa đặt ra những thách thức đối
với việc giữ vững lập trường chính trị của sinh viên. Chính vì vậy, việc nâng
cao ý thức chính trị cho sinh viên Việt Nam hiện nay có ý nghĩa quan trọng, góp
phần hình thành nhân cách, phẩm chất, lối sống cho họ theo mục tiêu giáo dục đại
học: “Đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức
khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ
nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công
dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(6).
Quán triệt chủ trương, quan điểm của Đảng ta về “Tăng cường
giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao
lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, khát vọng vươn lên;
nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, với xã hội”(7). Theo đó, các
trường đại học, cao đẳng cần có những giải pháp cụ thể, thiết thực để nâng cao
hiệu quả công tác giáo dục chính trị cho sinh viên. Trong nội dung giáo dục ý
thức chính trị cho sinh viên, cần chú trọng việc bồi dưỡng, giáo dục, giác ngộ
lý tưởng, truyền thống đạo đức cách mạng, giúp sinh viên rèn luyện bản lĩnh
chính trị vững vàng, vượt qua mọi khó khăn, nâng cao nhận thức về vị trí, vai
trò của sinh viên trong phát triển kinh tế - xã hội, giáo dục, bồi đắp lòng yêu
nước, ý chí tự tôn, tự cường dân tộc.
Các trường đại học, cao đẳng tiếp tục quán triệt và tổ chức
triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu trong Chiến lược phát triển thanh
niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 theo Quyết định số 1331/QĐ-TTg, ngày
24-7-2021, của Thủ tướng Chính phủ, bao gồm: Thứ nhất, tuyên truyền, phổ biến,
giáo dục pháp luật; cung cấp thông tin về tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho thanh
niên. Thứ hai, giáo dục, nâng cao kiến thức, kỹ năng; tạo điều kiện để thanh
niên bình đẳng về cơ hội học tập, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo. Thứ ba, nâng
cao chất lượng đào tạo nghề và việc làm bền vững cho thanh niên; phát triển nguồn
nhân lực trẻ chất lượng cao. Thứ tư, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho thanh
niên. Thứ năm, phát huy vai trò của thanh niên trong tham gia phát triển kinh tế
- xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Hai là, xây dựng môi trường chính trị ở các trường đại học,
cao đẳng lành mạnh, trong sạch, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao ý thức
chính trị của sinh viên.
Môi trường chính trị ở các trường đại học, cao đẳng lành mạnh,
trong sạch, góp phần định hướng, giữ vững ổn định tư tưởng chính trị, nâng cao
đời sống tinh thần cho sinh viên, hướng sinh viên vươn tới giá trị đạo đức tốt
đẹp của dân tộc, ngăn chặn sự du nhập của lối sống phản văn hóa, phản đạo đức
vào lối sống của sinh viên. Để xây dựng môi trường chính trị ở các trường đại học,
cao đẳng lành mạnh, trong sạch, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao ý thức
chính trị của sinh viên hiện nay, cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung:
Trước hết, phát huy tính dân chủ, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho sinh
viên. Đây là một trong những vấn đề có ý nghĩa quan trọng để xây dựng môi trường
chính trị ở các trường đại học, cao đẳng lành mạnh, trong sạch, tác động tích cực
đến quá trình phát triển ý thức chính trị của sinh viên. Phát huy dân chủ, chăm
lo đời sống vật chất, tinh thần cho sinh viên phải được thể hiện ở đường lối,
chính sách của Đảng và Nhà nước; ở nội quy, quy định của nhà trường một cách cụ
thể, thiết thực, đáp ứng nhu cầu và lợi ích hợp pháp của sinh viên, tạo ra những
động lực thúc đẩy phong trào thi đua học tập vì ngày mai lập nghiệp, phát huy
được vai trò làm chủ, tích cực, tự giác của mọi cán bộ, giảng viên và sinh viên
trong trường, huy động mọi tiềm năng để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo,
chuyển hóa tích cực quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo của sinh viên.
Thứ hai, nâng cao vai trò của các tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh,
Hội Sinh viên. Thường xuyên trao đổi, đối thoại với sinh viên, kịp thời nắm bắt
và dự báo tình hình tư tưởng, định hướng dư luận xã hội; đồng thời, đấu tranh,
phê phán, uốn nắn nhận thức chính trị lệch lạc, biểu hiện sai trái trong cán bộ,
đoàn viên, hội viên. Tích cực tìm tòi phương thức sáng tạo trong giáo dục sinh
viên, góp phần củng cố tổ chức Đoàn trong sạch, vững mạnh về chính trị và tạo
nên những điểm sáng về công tác giáo dục chính trị cho sinh viên. Tại Đại hội
Đoàn toàn quốc lần thứ XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Cần
tăng cường và làm tốt hơn nữa công tác giáo dục chính trị, lý tưởng cách mạng,
đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ, để thế hệ trẻ, chủ nhân tương lai của
đất nước ta thực sự “vừa hồng, vừa chuyên” như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí
Minh kính yêu”; cần làm tốt hơn nữa “công tác giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng
cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa; nâng cao lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc;
nuôi dưỡng hoài bão, khát vọng vươn lên, nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với
đất nước, với xã hội; xây dựng môi trường, điều kiện học tập, lao động, giải
trí, rèn luyện để phát triển lành mạnh, toàn diện, hài hòa cả về trí tuệ, thể
chất và giá trị thẩm mỹ. Tạo động lực cho thanh niên xung kích trong học tập,
lao động sáng tạo, khởi nghiệp, lập nghiệp; làm chủ các kiến thức khoa học,
công nghệ hiện đại, phát huy vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo
vệ Tổ quốc”(8), coi đây là một mặt công tác quan trọng, thường xuyên. Các tổ chức
chính trị - xã hội cũng cần có sự kết hợp với các khoa lý luận chính trị để tổ
chức thường xuyên và hiệu quả các cuộc vận động như: “Tuổi trẻ học tập và làm
theo lời Bác”, các cuộc thi tìm hiểu các môn khoa học Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ
Chí Minh…, qua đó, tạo không gian văn hóa lành mạnh, bổ ích cho sinh viên rèn
luyện, cống hiến và trưởng thành, góp phần nâng cao ý thức chính trị của họ
trong hoạt động thực tiễn. Song song với nhiệm vụ trên, các tổ chức chính trị -
xã hội cần quan tâm đầu tư, củng cố và phát triển đội ngũ báo cáo viên, tuyên
truyền viên; có cơ chế phối hợp với cơ quan làm công tác chính trị, tư tưởng để
tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức chính trị của sinh
viên.
Ba là, nâng cao chất lượng giáo dục chủ nghĩa Mác - Lê-nin,
tư tưởng Hồ Chí Minh trong các trường đại học, cao đẳng.
Cần quan tâm đặc biệt đến vấn đề giáo dục chủ nghĩa Mác -
Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong các trường đại học, cao đẳng. Đổi mới toàn
diện việc dạy và học chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh tại các trường
đại học, cao đẳng. Triển khai Kết luận số 94-KL/TW, ngày 28-3-2014, của Ban Bí
thư, “Về việc tiếp tục đổi mới học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục
quốc dân”, các trường đại học, cao đẳng cần có biện pháp tổ chức giảng dạy, học
tập phù hợp để việc học thực chất, hiệu quả, người học được trang bị những vấn
đề cơ bản nhất của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, từ đó có nhận
thức và niềm tin chính trị đúng đắn. Trước hết, xây dựng chương trình các môn
lý luận cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh hiện nay phải bảo
đảm tính mở, thường xuyên bám sát sự phát triển của lý luận và thực tiễn, nhất
là về sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Thứ hai, “đổi mới nội
dung, chương trình giáo dục chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp
với yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, gắn lý luận với thực
tiễn, khắc phục sự trùng lắp, khép kín”(9). Thứ ba, kết hợp tổ chức diễn đàn học
tập, nghiên cứu trực tuyến nhằm trao đổi, thảo luận những vấn đề lý luận chính
trị, qua đó làm sâu sắc kiến thức lý luận chính trị cho người học. Thứ tư, việc
giảng dạy và học tập các môn lý luận chính trị phải hướng tới mục tiêu người học
nhận thức được một cách sâu sắc, căn bản tri thức của chủ nghĩa Mác - Lê-nin,
tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng. Thứ năm, “Xây dựng cho được đội ngũ
giáo viên lý luận chính trị thật tâm huyết, yêu nghề, tuyệt đối trung thành, có
niềm tin, có kiến thức về các môn học một cách sâu sắc, cập nhật, gắn với thực
tiễn. Đây là nhân tố quyết định sự thành công của việc tiếp tục đổi mới học tập
lý luận chính trị trong các nhà trường”(10)./.
-st-
bài rất ý nghĩa
Trả lờiXóa