Thứ Năm, 8 tháng 6, 2023

Người đứng đầu đang đi đầu

Khác hẳn những luận điệu mà một số đối tượng thù địch, chống phá rêu rao, trong phòng, chống “giặc nội xâm”, tuyệt đại đa số cán bộ đứng đầu các cấp trong hệ thống chính trị ở Việt Nam đã và đang gương mẫu đi đầu. Họ không chỉ là tấm gương sáng để cán bộ, đảng viên, cấp dưới noi theo, mà còn thường xuyên giáo dục, quán triệt, nhắc nhở, yêu cầu cấp dưới thực hiện đúng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đồng thời chỉ đạo ban hành các quy định, quy chế, duy trì cơ quan, đơn vị thực hiện chặt chẽ, tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp tham nhũng, tiêu cực.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thái Học, Phó trưởng ban Nội chính Trung ương: Người đứng đầu có vị trí, vai trò rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ ở địa phương, cơ quan, đơn vị, trong đó có công tác phòng, chống tham nhũng.

Cổ nhân cũng đã đúc rút: "Thượng bất chính, hạ tắc loạn". Thử hỏi, nếu cán bộ đứng đầu nào cũng tham nhũng, tiêu cực (như các thế lực phản động rêu rao) thì các tổ chức, đơn vị, địa phương ở Việt Nam có giữ được sự ổn định, vững mạnh để phục vụ nhân dân, phát triển đất nước hay không? Đất nước Việt Nam có bảo đảm sự ổn định về chính trị, an ninh trật tự để trở thành điểm đến, điểm thu hút đầu tư từ nước ngoài hay không?

Ở nước ta hiện nay, người lãnh đạo đi đầu trong việc tuyên chiến với tham nhũng, tiêu cực và thường xuyên gióng lên tiếng trống xung trận chống "giặc nội xâm" là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Quyết tâm, sự gương mẫu đi đầu trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định từ những ngày đầu của nhiệm kỳ Đại hội XI: “Đấu tranh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng là cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ, cần sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó, mỗi cán bộ, đảng viên và đặc biệt là cán bộ chủ trì phải gương mẫu đi đầu”.

Thực tế, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đều nhận rõ và vô cùng kính phục sự gương mẫu đi đầu, tinh thần kiên quyết, kiên trì và những chỉ đạo sáng suốt, hiệu quả trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trên cương vị người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn có quyết tâm chính trị rất cao và đã chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước đột phá, gắn liền giữa phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Sự mẫu mực và ý chí "tuyên chiến" với tham nhũng, tiêu cực của người đứng đầu Đảng, của Trung ương đã lan tỏa trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta với tinh thần “tiền hô hậu ủng”, “nhất hô bá ứng”, “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt”; đẩy lùi hiện tượng “trên nóng dưới lạnh”. Kết quả là nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực đã bị phát hiện, xử lý nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn.

Trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm”, người đứng đầu không đơn độc đi đầu, mà Trung ương Đảng, cấp ủy đảng các cấp gắn trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn của những “ngọn cờ đầu” với những tổ chức, cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng. Không chỉ Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hoạt động ngày càng hiệu quả, mà ban chỉ đạo của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng đã được thành lập, bao gồm các cán bộ lãnh đạo chủ chốt, chỉ đạo chống “giặc nội xâm” đạt những kết quả đáng ghi nhận. Như vậy, những người đứng đầu thực sự là “tổng chỉ huy” của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở các cấp, được giao trách nhiệm nặng nề và có nghĩa vụ phải trở thành tấm gương để cán bộ, đảng viên, nhân dân noi theo. Điều đó khẳng định vị trí, vai trò tiên phong của những người đứng đầu trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm” chứ không phải luận điệu vu khống “người đứng đầu nêu gương đạo đức giả và càng tham nhũng" (!) như các phần tử thù địch trơ trẽn rêu rao.

1 nhận xét:

  1. Những người đứng đầu thực sự là “tổng chỉ huy” của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở các cấp, được giao trách nhiệm nặng nề và có nghĩa vụ phải trở thành tấm gương để cán bộ, đảng viên, nhân dân noi theo.

    Trả lờiXóa