Bảo vệ nền tảng
tư tưởng của Đảng là vấn đề nguyên tắc, là một trong những quan điểm cơ bản,
trọng yếu, xuyên suốt và bao trùm trong hệ thống quan điểm lý luận của Đảng,
liên quan trực tiếp đến hệ tư tưởng của Đảng, của chế độ xã hội chủ nghĩa của
chúng ta. Vai trò, tầm quan trọng của tư tưởng, lý luận đã được Hồ Chí Minh và
Đảng ta khẳng định từ đầu trong tiến trình lịch sử của cách mạng Việt Nam do
Đảng Cộng sản lãnh đạo. Ngay từ khi Đảng còn chưa ra đời, năm 1927, trong tác
phẩm “Đường cách mệnh”, Nguyễn Ái Quốc đã nhấn mạnh, “phải giữ chủ nghĩa cho
vững”, “Đảng phải có chủ nghĩa làm cốt” và chủ nghĩa chân chính, cách mạng nhất
là chủ nghĩa Lênin, chủ nghĩa Mác - Lênin”[1].
Không giữ vững chủ nghĩa thì không thể có phương hướng chính trị đúng, không
thể vạch rõ đường lối và phương pháp cách mạng, chiến lược và sách lược cách
mạng để tập hợp lực lượng, gây dựng phong trào, giáo dục, rèn luyện cán bộ,
đảng viên và quần chúng trong đấu tranh thực hiện lý tưởng, mục tiêu độc lập
dân tộc và chủ nghĩa xã hội, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa
cộng sản ở nước ta. Do đó, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là vấn đề hệ trọng
đầu tiên để giữ vững bản chất của một Đảng cách mạng chân chính, liên quan trực
tiếp, quyết định sự thành bại của sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.
Cách đây hơn 35 năm, khi khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới tại Đại hội
VI (1986), Đảng ta đã xác định: Đổi mới theo định hướng xã hội chủ
nghĩa. Đó là đổi mới có nguyên tắc, là kiên định con đường đã lựa chọn -
độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đảng ta nêu rõ, nền tảng tư
tưởng của Đảng, kim chỉ nam hành động của cách mạng Việt Nam là chủ nghĩa Mác -
Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Phải ra sức bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa
Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đấu tranh kiên quyết, phản bác sự xuyên tạc,
truyền bá các quan điểm sai trái, thù địch của các thế lực chống đối và phản
động ở trong và ngoài nước nhằm phá hoại sự nghiệp cách mạng của Đảng và của
nhân dân ta. Phải kiên trì lý tưởng và mục tiêu, kiên định con đường đã lựa
chọn, giữ vững vai trò lãnh đạo và địa vị cầm quyền của Đảng Cộng sản, bất luận
trong hoàn cảnh và tình huống nào.
Bảo vệ nền tảng
tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là hai
mặt không tách rời của cùng một vấn đề mục tiêu: giữ vững niềm tin khoa học,
tiếp tục đổi mới sáng tạo, bảo vệ Đảng, chế độ và nhân dân, xây dựng thành công
chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì Độc lập - Tự
do - Hạnh phúc của nhân dân. Muốn thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn
vinh, hạnh phúc; dân tộc, cường thịnh, trường tồn thì phải ra sức tăng cường
tiềm lực tư tưởng, trí tuệ của Đảng, sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng và trong
dân, nêu cao quyết tâm, tín tâm và đồng tâm từ trong Đảng đến ngoài xã hội,
“cách mạng phải có sức mạnh tự bảo vệ” (V.I.Lênin), “cách mạng
lấy sức mạnh từ trong nhân dân” (Hồ Chí Minh). Bảo vệ được nền tảng
tư tưởng của Đảng thì tự nó đã có đủ sức mạnh chống lại các quan điểm sai trái,
thù địch để giữ vững niềm tin, củng cố đức tin, thúc đẩy hành động sáng tạo vì
dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đấu tranh có hiệu quả để
vạch trần và phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là thái độ và hành động
tích cực, chủ động để khẳng định giá trị, sức sống của chủ nghĩa Mác - Lênin,
tư tưởng Hồ Chí Minh, thiết thực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Theo phương
châm của Hồ Chí Minh, xây đi liền với chống. Tác phẩm lý luận quan trọng của
Bác vào lúc cuối đời “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”
có ý nghĩa sâu xa là vì vậy. Muốn bảo vệ thì phải trung thành, muốn trung thành
thì phải vận dụng đúng và phát triển sáng tạo học thuyết, chủ nghĩa mà chúng ta
theo đuổi. Cuộc đấu tranh trong lĩnh vực tư tưởng đòi hỏi Đảng, mọi cán bộ đảng
viên, chiến sĩ và nhân dân không chỉ nâng cao nhận thức khoa học, trau dồi lập
trường quan điểm chính trị và bản lĩnh chính trị vững vàng “không cho phép ai
được ngả nghiêng, dao động”[2] như
Đảng ta đã nhấn mạnh mà còn rất cần đến phẩm chất đạo đức trong sáng của mỗi
người.
Từ nhận thức
phải dẫn đến hành động, từ giác ngộ lý luận phải dẫn đến thực hành lý luận, lý
luận gắn liền với thực tiễn. Cùng với sức mạnh của khoa học, chính kết quả của
hành động cách mạng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, biến khát vọng thành
hiện thực, làm cho nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, một nước
phát triển, có thu nhập cao vào giữa thế kỷ này, làm cho Đảng và hệ thống chính
trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, cả nước đồng lòng, nhân dân tin tưởng, gắn
bó mật thiết với Đảng, với chế độ và Quân đội ta “Trung với Đảng, hiếu với dân,
sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội,
nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh
thắng”[3] như
Bác Hồ chỉ dẫn… thì đó là sức mạnh tổng hợp để mọi quan điểm sai trái, thù địch
không còn có thể nhiễm độc trong đời sống tinh thần của con người và xã hội.
Cho nên, thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý. Sự nghiệp của Đảng, của dân càng
thu được những thành tựu to lớn, chính trị - xã hội ổn định, kinh tế phồn vinh,
nhân dân hạnh phúc, uy tín quốc tế của Việt Nam được nâng cao thì đó sẽ là minh
chứng thực tiễn có sức thuyết phục lớn nhất, bền vững nhất về bản chất khoa học
- cách mạng - nhân văn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, là nền
tảng tư tưởng của Đảng ta.
Cần phải chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng
Trả lờiXóa