Đối ngoại Việt Nam giữ vững hòa bình, nâng cao vị thế đất nước
Quán triệt phương châm của Đại hội Đảng lần thứ XIII, công tác đối ngoại của Việt Nam - phối hợp chặt chẽ giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân - đã được triển khai đồng bộ, nhất quán, tiên phong trong tạo lập giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, cho sự phát triển của đất nước, nâng cao vị thế quốc gia.
"Ngoại giao cây tre"
Tháng 12.2021, Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã được tổ chức dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, hơn 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy truyền thống, bản sắc đối ngoại, ngoại giao và văn hoá dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá thế giới và tư tưởng tiến bộ của thời đại, chúng ta đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của Thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam", "gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển", thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam.
Đó là: Mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái, "tuỳ cơ ứng biến", "lạt mềm buộc chặt"!
Những chủ trương quan trọng của Đại hội Đảng lần thứ XIII đã được quán triệt và tiếp tục trở thành phương châm hành động trong mọi hoạt động đối ngoại, tạo sự thống nhất trong các ngành, địa phương, các cấp.
Trong nửa đầu nhiệm kì Đại hội Đảng XIII, công tác đối ngoại Đảng tiếp tục phát huy vai trò là một trụ cột quan trọng của mặt trận đối ngoại Việt Nam, được triển khai chủ động, tích cực, linh hoạt, hiệu quả với sự tham gia của nhiều chủ thể, nhiều cấp, nhiều hình thức khác nhau.
Đặc biệt, chuyến thăm chính thức Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ ngày 30.10 - 1.11.2022 là sự kiện quan trọng đối với Việt Nam và Trung Quốc.
Chuyến thăm đã tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc trong giai đoạn mới; củng cố tin cậy chính trị, góp phần tạo nền tảng vững chắc và thúc đẩy hợp tác thực chất trên các lĩnh vực giữa hai nước; tăng cường tình cảm hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc.
Ở kênh ngoại giao Nhà nước, hàng loạt chuyến công tác nước ngoài của lãnh đạo chủ chốt vừa thúc đẩy hợp tác song phương giữa Việt Nam với các nước trong khu vực vừa thế giới, vừa thúc đẩy hợp tác đa phương.
Các hoạt động đối ngoại nhân dân cũng được triển khai với hình thức và nội dung đa dạng theo hướng đi vào chiều sâu, hiệu quả, đẩy mạnh phục vụ phát triển kinh tế.
Mặc dù trong điều kiện khó khăn, nguồn lực bên ngoài ngày càng trở nên khan hiếm, vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài trong năm 2022 vẫn đạt kết quả khả quan với tổng giá trị viện trợ hơn 200 triệu USD.
Nâng cao vị thế Việt Nam
Đại sứ Nguyễn Quang Khai - nguyên Đại sứ Việt Nam tại nhiều nước Trung Đông - cho biết, hoạt động đối ngoại đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét, góp phần ổn định đất nước, nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Trong những năm gần đây, Việt Nam chưa bao giờ có nhiều hoạt động ngoại giao ở cấp cao như trong năm 2022, triển khai ở tất cả kênh, từ Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ đến đối ngoại nhân dân. Lãnh đạo cấp cao nhiều nước cũng đã đến thăm Việt Nam.
Đại sứ Nguyễn Quang Khai nhấn mạnh, dù thế giới có nhiều biến động phức tạp, Việt Nam vẫn duy trì được ổn định và lấy lại được đà phát triển ngoạn mục. Trong thành công này, ngoại giao Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng, góp phần nâng cao vị thế uy tín, và vai trò của đất nước trên trường quốc tế.
Việt Nam tiếp tục được tín nhiệm bầu vào nhiều cơ chế quan trọng như Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kì 2023-2025, Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ Di sản Văn hóa phi vật thể của UNESCO.
Những kết quả này cho thấy sự ghi nhận, tin tưởng và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam vào giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Trong thời gian tới đây, công tác đối ngoại sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy bản sắc đối ngoại và ngoại giao Hồ Chí Minh; quán triệt nghiêm túc và luôn bám sát chủ trương của Đại hội Đảng lần thứ XIII, phát huy mạnh mẽ vai trò tiên phong của đối ngoại, trong đó giữ vững hòa bình, ổn định là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên; phục vụ phát triển đất nước là nhiệm vụ trung tâm; nâng cao vị thế và uy tín đất nước là nhiệm vụ quan trọng.
Vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế
Trả lờiXóa