Nguồn nhân lực chất lượng cao có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong gìn giữ, chấn hưng và phát triển nền văn hóa dân tộc. Đây là “khâu then chốt của then chốt”, “là cái gốc của mọi công việc”. Để khắc phục những khó khăn, bất cập trong phát triển nguồn nhân lực ngành văn hóa, cần phải có cơ chế, chính sách và giải pháp mang tính đột phá, thích ứng với bối cảnh mới.
NHIỀU CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH ĐÃ ĐƯỢC BAN HÀNH
Một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mà Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đề ra là: “Khơi dậy tinh thần và ý chí, quyết tâm phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; dân tộc cường thịnh, trường tồn; phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Để khơi dậy và phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, công tác cán bộ có vai trò đặc biệt quan trọng; góp phần “đánh thức” và khơi thông những mạch nguồn văn hóa, để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Ý thức sâu sắc về vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức và cán bộ quản lý văn hóa, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để phát triển nguồn nhân lực đặc biệt này.
Đánh giá cao vai trò, vị thế của đội ngũ trí thức nói chung và trí thức trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật (VHNT) nói riêng, Nghị quyết 27-NQ/TW, ngày 6/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” khẳng định: Trong mọi thời đại, tri thức luôn là nền tảng tiến bộ xã hội, là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức; là nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển”.
Để xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đề ra một trong những giải pháp trọng tâm là “xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa”, trong đó nhấn mạnh vào các nhiệm vụ cụ thể, như: Xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ cán bộ văn hóa. Coi trọng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa, cán bộ làm công tác khoa học, chuyên gia đầu ngành, cán bộ ở cơ sở... Đổi mới đào tạo, bồi dưỡng cán bộ văn hóa theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế... Có chính sách phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh cán bộ trong lĩnh vực VHNT; trọng dụng người có tài, có đức. Điều chỉnh chế độ tiền lương, trợ cấp đối với những người hoạt động trong các bộ môn nghệ thuật đặc thù.
Trên cơ sở chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước đã thể chế thành các chính sách cụ thể, tạo hành lang pháp lý và những điều kiện cần thiết về nguồn lực để văn hóa ngày càng phát triển. Trong lĩnh vực văn hóa, Nhà nước đã ban hành 5 Luật (Điện ảnh, Di sản văn hóa, Quảng cáo, Sở hữu trí tuệ, Thư viện), 50 Nghị định, 14 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và trên 100 Thông tư, Thông tư liên tịch được điều chỉnh trực tiếp, trong đó có những điều khoản quy định liên quan trực tiếp đến nguồn nhân lực văn hóa.
Nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có chuyên môn, trình độ, kỹ năng và nghiệp vụ, đáp ứng tốt yêu cầu bối cảnh, tình hình mới, Chính phủ đã ban hành nhiều đề án đào tạo, bồi dưỡng tài năng và nguồn nhân lực VHNT, thể thao, tiêu biểu như các đề án: “Xây dựng đội ngũ trí thức ngành văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2020, tầm nhìn 2030”, “Đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo các trường văn hóa nghệ thuật”, “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giảng viên trình độ cao trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2010-2020”, “Đào tạo, bồi dưỡng và phát triển tài năng trẻ lĩnh vực văn hóa nghệ thuật”, “Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035”, “Đào tạo tài năng văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030”, “Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030”,...
Cùng với đó, hệ thống các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực VHNT thuật ngày càng được quan tâm, đầu tư, mở rộng về cơ sở, mạng lưới trường lớp; đa dạng hóa các ngành nghề và phương thức đào tạo; không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học, đáp ứng tốt yêu cầu, đòi hỏi của tình hình thực tiễn. Hiện cả nước có 40 trường trung cấp, cao đẳng, đại học đào tạo lĩnh vực VHNT; 3 viện nghiên cứu đào tạo tiến sĩ; khoảng 80 cơ sở đào tạo công lập và tư thục tham gia đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho các ngành thuộc lĩnh vực VHNT. Chính sách đãi ngộ, hỗ trợ đội ngũ văn nghệ sĩ được ban hành và ngày càng hoàn thiện.
Nhờ thực hiện đồng bộ các chính sách đã góp phần khắc phục tình trạng thiếu hụt về nhân lực trong các lĩnh vực văn hóa, bao gồm cả VHNT, thể dục - thể thao và du lịch. Nghị quyết của Đảng đã khẳng định: “Đội ngũ làm công tác văn hóa, văn nghệ có bước trưởng thành”, có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
NHỮNG KHÓ KHĂN, THÁCH THỨC ĐẶT RA
Hiện nay, nhân lực ngành VHNT có thể chia thành các nhóm: 1) những người làm công tác lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan, đơn vị văn hóa; 2) đội ngũ trực tiếp sáng tạo, thực hành và trình diễn văn hóa; 3) lực lượng cung ứng các sản phẩm, dịch vụ văn hóa; 4) đội ngũ cộng tác viên là các già làng, trưởng bản, người có uy tín, kinh nghiệm trong cộng đồng. Nguồn nhân lực nào cũng có vai trò, vị trí quan trọng, đảm nhiệm những sứ mệnh riêng để cùng hướng đến mục tiêu xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc, tạo ra đời sống tinh thần lành mạnh, phong phú, vui tươi.
Tuy nhiên so với yêu cầu của thực tiễn, nguồn nhân lực trong lĩnh vực VHNT còn chưa đáp ứng tốt, rõ nhất là tình trạng thiếu hụt đội ngũ cán bộ văn hóa ở các cấp, nhất là ở các địa bàn vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thiếu hụt đội ngũ chuyên gia trong các ngành nghệ thuật cơ bản. Nghị quyết của Đảng cũng đã nhận định: “Công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa các cấp, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao còn nhiều hạn chế, bất cập”.
Đối với cán bộ quản lý văn hóa ở cơ sở, theo Nghị định 34/NĐ-CP, ngày 24/4/2019 của Chính phủ về “Sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố” thì cán bộ văn hóa - xã hội là một trong 7 chức danh chuyên môn nghiệp vụ được “cơ cấu cứng” trong bộ máy cấp xã. Tuy nhiên ở nhiều xã, phường, thị trấn không bố trí được cán bộ văn hóa - xã hội chuyên trách mà chỉ có đồng chí Phó Chủ tịch phụ trách chung. Ở một số địa phương, cán bộ văn hóa phải đảm trách nhiều đầu việc, từ quản lý di tích, nếp sống văn minh đến phong trào văn hóa... Có những địa phương do địa bàn rộng, phức tạp, đội ngũ cán bộ mỏng, lương và phụ cấp thấp nên gặp nhiều áp lực. Vì thiếu cán bộ văn hóa có chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng nên không ít địa phương phải bố trí cán bộ thuộc các ngành nghề, lĩnh vực khác kiêm nhiệm, phụ trách, dẫn đến hiệu quả công việc không cao, xử lý tình huống còn lúng túng, thiếu chuyên nghiệp.
Với nguồn nhân lực tham gia trực tiếp vào quá trình sáng tạo, thực hành và trình diễn VHNT, thể dục - thể thao cũng gặp nhiều khó khăn. Để hoạt động tốt trong lĩnh vực VHNT, ngoài các điều kiện như tài năng, năng khiếu, sự đam mê, còn phải có một quá trình khổ luyện mà đi liền với đó là những nguy hiểm, rủi ro, nhất là những ngành nghề như xiếc, thể dục dụng cụ,… Chính vì việc đào tạo tài năng nghệ thuật là cả một quá trình lâu dài, bền bỉ, liên tục, từ khi còn tuổi thiếu niên, trong khi tuổi nghề lại tương đối ngắn, mức lương thưởng chưa tương xứng... khiến nhiều gia đình băn khoăn, không muốn cho con em thi vào các trường nghệ thuật.
Về chính sách đào tạo, bồi dưỡng tài năng đỉnh cao trong lĩnh vực nghệ thuật. Do những khó khăn trong khâu tuyển chọn với những yêu cầu, tiêu chuẩn cao về ngoại ngữ khiến cho việc cử tài năng trẻ ra nước ngoài đào tạo theo Đề án 1437/QĐ-TTg, ngày 19/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ về “Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030” không đạt được mục tiêu đã đề ra. Theo mục tiêu Đề án, mỗi năm sẽ cử được 20 cán bộ đi học thạc sĩ, tiến sĩ ở các nước phát triển. Tuy nhiên, sau 6 năm thực hiện mới chỉ có 1 người đi học thạc sĩ và chưa cử được cán bộ nào đi học tiến sĩ. Điều này đang đặt ra thách thức lớn cho các cơ sở đào tạo chuyên sâu về VHNT khi lực lượng có chuyên môn, trình độ đang dần thưa vắng; cảnh báo sự khủng hoảng về nhân lực trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ kế cận...
Đối với một số đơn vị nghệ thuật, nhất là các đoàn nghệ thuật truyền thống cũng đang đứng trước những bài toán nan giải về nhân sự khi số diễn viên, nghệ sĩ trong biên chế nhưng đã hết tuổi nghề chế chiếm tỷ lệ lớn, nhưng khó bố trí những công việc khác phù hợp. Điều này vô tình gây ra những rào cản trong tuyển dụng, thu hút tài năng trẻ - những nhân tố mới, có triển vọng. Bên cạnh đó, trong bối cảnh tự chủ tài chính khiến cho việc xây dựng các sản phẩm - tác phẩm nghệ thuật có chất lượng của nhiều đoàn nghệ thuật gặp sức ép trước sự lấn át và cạnh tranh của các loại hình nghệ thuật hiện đại, sự xuất hiện của các không gian, loại hình vui chơi, giải trí mới, đa phương tiện. Những áp lực về vở diễn, doanh thu, tình trạng vừa thừa số lượng, vừa thiếu nguồn nhân lực có chất lượng đang là những vấn đề mà nhiều đơn vị nghệ thuật loay hoay đi tìm lời giải.
Thẳng thắn nhìn nhận, trong bối cảnh hiện nay, nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, nhất là đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, cán bộ làm công tác văn hóa còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Việc phát triển nguồn nhân lực văn hóa gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn. Việc tinh giảm biên chế, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực văn hóa ở nhiều nơi chưa phù hợp, nhiều bất cập. Số lượng viên chức trong lĩnh vực VHNT có trình độ cao ngày càng ít đi. Bố trí, sắp xếp công việc đối với cán bộ làm công tác văn hóa tại cơ sở chưa hợp lý. Công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực văn hóa gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu; nhiều chuyên ngành VHNT truyền thống rất khó tuyển sinh... Cùng với đó, nguồn nhân lực cung ứng dịch vụ VHNT cũng như đội ngũ cộng tác viên tham gia quản lý đời sống văn hóa ở cơ sở đang thiếu những cơ chế, chính sách mang tính ràng buộc trách nhiệm. Nhiều cá nhân, công ty, đơn vị, doanh nghiệp tư nhân tham gia khai thác kinh doanh sản phẩm, dịch vụ văn hóa đang bị “vướng” bởi những chính sách ưu đãi về thuế, lệ phí, thuê mặt bằng - chưa được quy định cụ thể trong Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Còn nhiều bất cập liên quan đến các chính sách tôn vinh, đãi ngộ, bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng cho đội ngũ già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng - những chủ thể đóng vai trò truyền lửa, thổi hồn vào các tác phẩm nghệ thuật, trao truyền văn hóa cho các thế hệ sau...
Những hạn chế, bất cập nêu trên là một trong những rào cản, điểm nghẽn lớn khiến văn hóa chưa phát triển xứng tầm với tiềm năng và thế mạnh hiện có.
CẦN NHỮNG GIẢI PHÁP MANG TÍNH ĐỘT PHÁ
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển văn hóa là: “Đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, tham mưu trong lĩnh vực văn hoá, văn nghệ, nhất là cán bộ chủ chốt thực sự am hiểu về văn hoá, có phẩm chất, bản lĩnh, năng lực chuyên môn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Rà soát toàn bộ hệ thống các trường đào tạo văn hoá, văn nghệ, đổi mới và hiện đại hoá quy trình, nội dung, phương thức đào tạo để trong 5 - 10 năm tới khắc phục về cơ bản sự thiếu hụt đội ngũ cán bộ làm công tác văn hoá”.
Phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, một trong những nhiệm vụ cần phải thực hiện một cách quyết liệt và có hiệu quả là phải xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hoá tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ phát triển văn hoá trong giai đoạn mới; sớm khắc phục tình trạng chắp vá, tuỳ tiện trong bố trí cán bộ làm công tác văn hoá...
Để xây dựng, phát triển nguồn nhân lực văn hóa đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, phải tiếp tục xác định những giải pháp mang tính đột phá, trước mắt cần thực hiện có chất lượng, đồng bộ những giải pháp cơ bản:
Một là, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức một cách sâu sắc, đầy đủ, toàn diện về vai trò, vị trí của văn hóa. Văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần, là mục tiêu, động lực mà còn là nguồn lực nội sinh, sức mạnh mềm quan trọng trong quá trình phát triển đất nước. Văn hóa phải thực sự được coi trọng ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội, “là hồn cốt của Dân tộc, nói lên bản sắc của Dân tộc. Văn hoá còn thì Dân tộc còn”,… Trên cơ sở nhận thức đúng, toàn diện, các cấp ủy đảng, chính quyền phải có kế sách quan tâm đầu tư, xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa một cách tương xứng; phát huy tài năng, trí lực vì một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc trong bối cảnh mới.
Hai là, thường xuyên quan tâm đổi mới cơ chế, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng nguồn nhân lực văn hóa một cách phù hợp, hiệu quả.
Trong xây dựng, thực thi chính sách với đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, cần quán triệt sâu sắc quan điểm: Tài năng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật là vốn quý của dân tộc. Việc chăm lo phát hiện, bồi dưỡng, quý trọng và phát huy các tài năng là trách nhiệm của toàn xã hội, trước hết là của Đảng, Nhà nước và của các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp. Tôn trọng, bảo đảm quyền tự do sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi phát huy tính độc lập, khơi dậy mọi nguồn lực sáng tạo của văn nghệ sĩ; phát huy lòng yêu nước nồng nàn, gắn bó máu thịt với nhân dân, nêu cao trách nhiệm công dân, sáng tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị phụng sự đất nước và dân tộc.
Các ban ngành và các địa phương tiếp tục rà soát, tổng kết, đánh giá những kết quả đạt được và những bất cập sau hơn 10 năm thực hiện Đề án “Xây dựng đội ngũ trí thức ngành văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2020”, để có cơ sở nghiên cứu, xây dựng, ban hành Đề án “Xây dựng đội ngũ trí thức ngành văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2030”, hướng đén mục tiêu: Xây dựng đội ngũ trí thức ngành văn hóa, thể thao và du lịch đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, đồng bộ về cơ cấu, phù hợp với xu thế phát triển khoa học - công nghệ, bối cảnh hội nhập quốc tế, chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành và xã hội. Hình thành một đội ngũ trí thức có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, có trình độ chuyên môn cao và năng lực giải quyết các vấn đề thực tiễn, từng bước tiếp cận ngang tầm với trình độ của trí thức trong khu vực và trên thế giới; có khả năng làm chủ và chuyển giao khoa học - công nghệ tiên tiến; sáng tạo ra các sản phẩm VHNT có chất lượng, đạt được đỉnh cao nghệ thuật; đưa thể thao và du lịch phát triển ngang tầm khu vực và thế giới.
Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù trong tuyển sinh, đào tạo, bồi dưỡng tài năng VHNT, đảm bảo môi trường học tập thuận lợi, an toàn, hiệu quả; gắn lý luận với thực hành, nâng cao trình độ, tri thức, kỹ năng và nghiệp vụ, thích ứng linh hoạt trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo thống nhất khung chương trình đào tạo; chú trọng, nâng cao chất lượng chuyên môn, giảm bớt sự trồng chéo, trùng lặp các chương trình không phù hợp, đảm bảo quyền, lợi ích của người học.
Trong tuyển dụng, bố trí đội ngũ cán bộ văn hóa, bên cạnh các tiêu chuẩn theo quy định cần nghiên cứu, đề xuất những chính sách phù hợp với vị trí, tính chất ngành nghề, làm sao thu hút được tài năng trẻ để họ yên tâm công tác, rèn luyện và cống hiến tài năng, công sức cho sự phát triển của nền VHNT nước nhà.
Ba là, trong bối cảnh chuyển đổi mô hình xã hội, nghề nghiệp, phát triển kinh tế thị trường, các đơn vị nghệ thuật phải không ngừng đổi mới tư duy sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; chủ động trong khâu tuyển chọn, sử dụng nghệ sĩ, diễn viên; sẵn sàng thanh lọc, tinh giảm những cán bộ không đủ năng lực, trình độ; có chính sách đãi ngộ, thu hút, giữ chân và ươm mầm cho những tài năng trẻ. Đảm bảo môi trường nghệ thuật thật sự tự do, dân chủ, lành mạnh, nhân văn, vì cái đẹp, cái thiện, cái cao cả, từ đó kích thích khát vọng sáng tạo, cống hiến của những tài năng.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, làm mới những sản phẩm, dịch vụ, tác phẩm VHNT; có chiến lược quảng bá, truyền thông, tương tác trên môi trường Internet để công chúng có thể tiếp cận, thụ hưởng những thành quả VHNT .
Bốn là, văn hóa là lĩnh vực đặc biệt nhạy cảm, tinh tế, chăm lo nền tảng tinh thần của xã hội, góp phần giáo dục, hình thành những con người mới. Vì vậy không thể thiếu vai trò lãnh đạo, quản lý, đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương. Cần dành những ưu tiên cần thiết về nhân lực, tài lực cho lĩnh này. Đồng thời cần phát huy sự tham gia của cộng đồng, các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tư nhân trong đào tạo, bồi dưỡng, cung ứng và bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo đà cho lĩnh vực VHNT không ngừng phát triển.
Năm là, đổi mới chính sách tiền lương, phụ cấp và bảo hiểm xã hội, nhất là đối với đội ngũ cán bộ bán chuyên trách, già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín và những người có những đóng góp, cống hiến lớn trong việc gìn giữ, phát triển và chấn hưng nền văn hóa.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Trong bất kỳ lĩnh vực nào của xã hội, cán bộ luôn giữ vị trí đặc biệt quan trọng. Lĩnh vực văn hóa không nằm ngoài tính tất yếu đó. Việc đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng được đội ngũ cán bộ có tài, có tâm, có tinh thần trách nhiệm và khát vọng sáng tạo, cống hiến sẽ là khâu then chốt để khơi thông mạch nguồn văn hóa, góp phần thực hiện thành công khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc./.
bài rất hấp dẫn
Trả lờiXóa