Phổ biến, quảng bá văn hóa ra thế giới giải pháp hữu hiệu để giữ gìn
bản sắc văn hóa dân tộc
Toàn cầu hóa khiến các nền văn hóa xích lại gần nhau. Cùng với việc hướng tới những giá trị chung, nhân loại ngày càng quan tâm hơn đến các giá trị riêng, khác. Và một trong những dấu hiệu để nhận dạng hay để định vị một dân tộc chính là các giá trị văn hóa mang bản sắc riêng của dân tộc ấy. Giới thiệu và quảng bá văn hóa, trong đó có văn học nghệ thuật, trở thành chiến lược của nhiều dân tộc, nhiều quốc gia. Trong nhiều năm qua, chúng ta đã có nhiều hình thức, nhiều hoạt động để giới thiệu các loại hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam đến thế giới.
Những tuần lễ Việt Nam ở nước ngoài, những liên hoan quốc tế về văn học nghệ thuật, những chương trình giao lưu, trao đổi văn hóa giữa các tổ chức phi chính phủ… trong một chừng mực nhất định đã giới thiệu được đáng kể những loại hình văn hóa nghệ thuật đặc sắc của Việt Nam với thế giới. Song, so với các loại hình nghệ thuật truyền thống vốn dễ xác lập bản sắc riêng, câu chuyện tìm kiếm chỗ đứng cho văn học nghệ thuật đương đại Việt Nam trên trường quốc tế dường như khó hơn; và làm thế nào để mang đến những giá trị riêng, khác, gắn với bản sắc văn hóa dân tộc lại càng khó gấp bội phần. Văn hóa để được lan tỏa cần phải được thấu hiểu chứ không chỉ được quan sát bằng cái nhìn tò mò, lạ lẫm từ những cộng đồng bên ngoài nó. Có lẽ, cần suy nghĩ nhiều hơn đến việc làm thế nào để giúp thế giới “hiểu” văn hóa Việt Nam, thông qua các tác phẩm văn học nghệ thuật đương đại Việt Nam, thay vì chỉ “biết” về văn hóa Việt Nam. Đây mới là hướng đi để khẳng định thay vì chỉ gìn giữ và giới thiệu bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam với thế giới.Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập sâu rộng, giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc đã khó, khẳng định và giới thiệu các giá trị ấy đến với bạn bè quốc tế càng khó khăn hơn. Tuy vậy, để bản sắc văn hóa dân tộc không bị mai một và không bị giam hãm trong phạm vi một vùng văn hóa, một tộc người, có lẽ cần nghĩ nhiều hơn đến việc khẳng định và quảng bá văn hóa, thay vì chỉ giữ gìn như trước. Có thể bản sắc văn hóa dân tộc sẽ ít nhiều bị phôi pha và mai một trong quá trình va chạm, đối thoại văn hóa, cùng với những biến đổi tất yếu của cuộc sống đương đại. Song cần xem sự vận động, biến đổi của văn hóa là tất yếu và bản sắc văn hóa dân tộc cũng tất yếu vừa loại bỏ những yếu tố lạc hậu vừa xác lập những giá trị mới. Suy cho cùng, tại một thời điểm nào đó, cái xác lập giá trị đặc sắc của Việt Nam so với văn hóa chung của nhân loại ấy chính là bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Thế nên, cần suy nghĩ đến việc phổ biến, quảng bá văn hóa cũng nhiều như việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Để bất kì người Việt Nam nào cũng hiểu, tự hào và có ý thức giữ gìn, quảng bá văn hóa Việt Nam. Để các giá trị bản sắc văn hóa Việt Nam không chỉ được lưu giữ trong các bảo tàng kí ức của dân tộc mà thực sự có đời sống năng động và vượt ra khỏi biên giới của quốc gia, dân tộc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét