Thứ Ba, 6 tháng 6, 2023

QUẢN LÝ KỶ LUẬT - NHÂN RỘNG NHỮNG KINH NGHIỆM HAY

  Tuy có nhiều chuyển biến quan trọng nhưng tình hình chấp hành kỷ luật trong Quân đội vẫn luôn là vấn đề được đặc biệt quan tâm. Những năm gần đây, nhiều đơn vị đã có cách làm hay, tạo ra sự chuyển biến từ đơn vị có lúc tình trạng vi phạm kỷ luật được xem là “có vấn đề” thì dần dần những khâu yếu của các đơn vị này đã được giải quyết một cách triệt để. Từ quá trình xây dựng mối đoàn kết, tính kỷ luật ở những đơn vị ấy có thể rút ra nhiều kinh nghiệm.

Một trong những bài học mang lại thành công ở các đơn vị này là tập trung làm chuyển biến nhận thức, trước hết là từ đội ngũ cán bộ các cấp. Mọi chuyến biến đều phải bắt đầu từ nhận thức, từ trách nhiệm gắn với sự tâm huyết của cán bộ. Cán bộ trước tiên phải thể hiện được vai trò đầu tàu gương mẫu để bộ đội học tập. Qua phương pháp xử lý các trường hợp vi phạm của đội ngũ cán bộ ở một số đơn vị thì họ không chỉ thể hiện được vai trò, trách nhiệm của mình mà còn thể hiện đúng cái tâm, cái tầm, tình thương yêu chiến sĩ của người cán bộ. Ngoài mục đích để đơn vị hoàn thành nhiệm vụ thì phương pháp giáo dục, quản lý của đội ngũ cán bộ còn hướng đến tính nhân văn trong ứng xử giữa cấp trên với cấp dưới, giữa đồng chí, đồng đội. Để có được những cán bộ như vậy thì việc xây dựng mô hình điển hình, cá nhân điển hình trong phong trào thi đua là rất quan trọng. Điều này cũng đặt ra yêu cầu đối với tập thể lãnh đạo, chỉ huy đơn vị, đặc biệt đội ngũ chính ủy, chính trị viên phải tích cực tìm tòi, phát hiện những nhân tố tích cực, những cách làm hay có sức thuyết phục, có tầm ảnh hưởng với bộ đội để bồi dưỡng. Đây là một trong những mục tiêu mà nhiều đơn vị đặt ra và thực hiện. Quan điểm và cũng là kinh nghiệm của các đơn vị này là: Không được che giấu khuyết điểm, che giấu vi phạm. Đặc biệt cấp dưới càng không được giấu khuyết điểm, vụ việc vi phạm với cấp trên. Chỉ có báo cáo trung thực mới có hướng chỉ đạo giải quyết đúng. 
Đội ngũ cán bộ quản lý ở các đơn vị này cũng đặt vấn đề phải tranh thủ học tập, trau dồi kiến thức thì mới có thể đáp ứng kịp yêu cầu quản lý, rèn luyện kỷ luật. Hiện nay, trình độ của chiến sĩ ngày càng được nâng lên. Bên cạnh đó, thông tin cũng ngày một phong phú, đa dạng và cập nhật, nếu cán bộ không thường xuyên trau dồi kiến thức sẽ khó có phương pháp giáo dục, quản lý tốt. Phương pháp quản lý hiệu quả chỉ có được khi cán bộ trăn trở, tìm tòi trên cơ sở kiến thức. Tư tưởng ngại học không chỉ còn ở một số ít cán bộ mà các đơn vị trong toàn quân đều có. Tuy nhiên, thực tế nhiều đơn vị cho thấy, các điều kiện cho cán bộ tự học, tự nghiên cứu rất nghèo nàn và gặp nhiều khó khăn. Đôi khi chính những khó khăn ấy là nguyên nhân dẫn đến một số cán bộ có tư tưởng buông xuôi, ngại học hỏi, lười động não và dẫn đến bảo thủ trong công việc. Một thời điểm nào đó, lúc nào đó, nếu cán bộ bằng lòng với chính mình, thỏa mãn với những gì đã có thì chắc chắn sẽ chững lại và tụt hậu. Sự chững lại, tụt hậu của cán bộ, nhất là cán bộ chủ trì sẽ dẫn đến sự yếu kém của cơ quan, đơn vị.
  Một biện pháp quản lý được một số cán bộ đánh giá rất hữu hiệu và đã được đơn vị thực hiện thành công là kết hợp chặt chẽ giữa đơn vị, gia đình và địa phương trong giáo dục, quản lý chiến sĩ. Sự kết hợp này trước đây chưa được coi trọng đúng mức nhưng càng ngày nó càng trở nên cấp thiết. Từ thực tế, nhiều cán bộ cho rằng: với sự phát triển nhanh của mạng lưới thông tin hiện nay thì chiến sĩ vừa “sổ mũi, hắt hơi” gia đình, thậm chí địa phương cũng đã biết. Bởi thế, nếu đơn vị không thường xuyên liên lạc với gia đình, địa phương thì nhiều khi sự việc bị xuyên tạc, bóp méo làm sai lệch bản chất và sẽ rất khó giải quyết. Nhiều cán bộ cho rằng, phải sử dụng triệt để mạng thông tin liên lạc, coi đó là kênh kết nối đơn vị - gia đình - địa phương để tạo thành sức mạnh trong quản lý, giáo dục chiến sĩ. 
Việc phối hợp với địa phương nơi đóng quân để quản lý, duy trì kỷ luật cũng được các đơn vị đặc biệt chú trọng. Không chỉ phối hợp trong xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện, mà đơn vị còn phân công cụ thể cán bộ tăng cường bám nắm địa bàn, tổ chức trao đổi thông tin hai chiều nhằm giải quyết kịp thời những vướng mắc nảy sinh. Nhờ thực hiện chặt chẽ biện pháp này nên tình hình kỷ luật ở các đơn vị tiến bộ rõ rệt, nhiều năm nay không xảy ra những vi phạm kỷ luật nghiêm trọng. Cán bộ nhiều địa phương cho rằng: Mối quan hệ giữa đơn vị với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương không chỉ thể hiện qua các sự cố thiên tai, dịch bệnh, hay các hoạt động xã hội… mà nhân dân địa phương còn nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc phối hợp với đơn vị để giáo dục, quản lý, duy trì kỷ luật…
 Những biện pháp quản lý, giáo dục kỷ luật ở nhiều đơn vị mà chúng tôi đã tìm hiểu không chỉ mang lại hiệu quả cao mà còn tạo được tính vững chắc. Tuy còn những vấn đề cần bàn thêm nhưng theo chúng tôi những kinh nghiệm xây dựng đoàn kết, quản lý kỷ luật ở những đơn vị này thời gian qua đáng để các cơ quan, đơn vị toàn quân nghiên cứu, trao đổi, học tập./. 

1 nhận xét:

  1. Những biện pháp quản lý chặt chẽ kỷ luật ở nhiều đơn vị không chỉ mang lại hiệu quả cao mà còn tạo được tính vững chắc.

    Trả lờiXóa