Quyết liệt, nghiêm minh nhưng rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình
Từ đầu nhiệm kì khoá XIII tới nay, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chúng ta làm nhân văn, nhân ái, nhân tình, nhưng vẫn đủ răn đe, giáo dục, ngăn ngừa. Công tác này đã để lại dấu ấn nổi bật tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội và niềm tin của nhân dân.
Không làm nhụt chí những người dám nghĩ, dám làm
Từ đầu nhiệm kì XIII của Đảng, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt nhiều kết quả tích cực. Cách làm ngày càng bài bản, có lớp lang, có bước tiến mạnh hơn, hiệu quả hơn và có thêm nhiều kinh nghiệm để làm tốt hơn nữa, được nhân dân đồng tình ủng hộ, bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC nhiều lần nhấn mạnh: Trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chúng ta làm nhân văn, nhân ái, nhân tình, nhưng vẫn đủ răn đe, giáo dục, ngăn ngừa là chính, song nếu phải xử lí thì nghiêm minh đúng pháp luật và phù hợp với lương tâm, tình cảm của con người.
Trao đổi với Lao Động, Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục của Quốc hội - khẳng định, từ trước đến nay, Đảng và Nhà nước luôn quán triệt tinh thần quyết tâm, quyết liệt trong cuộc đấu tranh PCTNTC nhưng cũng rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, sai phạm đến đâu, xử lí đến đó. Do đó, công cuộc này càng được nhân dân đồng tình, ủng hộ cao.
Theo ông Hạ, bên cạnh những cán bộ, công chức ở các lĩnh vực đang ngày đêm cống hiến để đưa đất nước vượt qua khó khăn, thách thức do nhiều biến động khó lường vẫn có những cán bộ vi phạm các quy định của pháp luật, trục lợi bất chính. Những cán bộ có sai phạm phải xử lí theo đúng quy định. “Xử lí cái sai để bảo vệ cái đúng - tinh thần này đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhiều lần nhấn mạnh” - ông Hạ nói.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã nêu rõ rằng, xử lí những người có sai phạm nhưng không làm nhụt chí những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự phát triển của đất nước. Do vậy, cán bộ quản lí không nên có tâm lí “sợ sai” mà không dám thực hiện các công việc vì sự phát triển của đất nước.
Từ những vụ đại án vừa qua như vụ Việt Á, vụ Đăng kiểm, vụ chuyến bay giải cứu, theo đại biểu Tạ Văn Hạ, cán bộ quản lí phải vượt qua được ranh giới giữa cái tốt và cái xấu, cái được và không được. “Cán bộ nếu không có bản lĩnh, không trau dồi, rèn luyện thì việc suy thoái, dễ bị cám dỗ, bị cuốn theo ma lực của đồng tiền dẫn tới sa ngã” - ông Hạ nói và cho rằng, cần phải xử lí những người có sai phạm, đúng người, đúng tội. Cùng với đó, cần hoàn thiện thể chế trong cuộc đấu tranh PCTNTC.
Quyết liệt, nghiêm minh nhưng rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình
PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng - Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II, Uỷ viên Hội đồng Lí luận Trung ương - nhấn mạnh, trong thời gian qua, cuộc đấu tranh PCTNTC đã đạt được những kết quả lớn. Trong đó sự đồng tình, ủng hộ và niềm tin của nhân dân đã khẳng định điều đó. Vấn đề đấu tranh PCTNTC là vấn đề sống còn của chế độ, là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược.
Theo ông Dũng, dù quyết tâm, quyết liệt nhưng cuộc đấu tranh PCTNTC như tinh thần của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đó là nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình. Hay Tổng Bí thư đã từng nhấn mạnh nhiều lần “không thích thú gì việc kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, thậm chí rất đau xót, nhưng buộc phải làm”.
Ông Nguyễn Quốc Dũng cho rằng, điều này là rất sâu sắc, cần phải nhìn nhận một cách thấu đáo. Theo đó, cuộc đấu tranh PCTNTC là để xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, nâng cao sức chiến đấu của Đảng. Đây là điều cần phải khẳng định và phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cho rằng “lợi dụng đấu tranh PCTNTC để đấu đá nội bộ”.
Theo ông Dũng, một trong những nguyên tắc xây dựng đảng đó là kỉ luật nghiêm minh nhưng đảm bảo sự tự giác của mỗi người. Mỗi người phải tự soi, tự sửa, tự nhận thấy những khuyết điểm của mình để tự giác nhận trách nhiệm trước đảng. Đảng cũng tạo điều kiện để họ phục thiện, tiếp tục phấn đấu.
Khi nói, khi xét về những trường hợp vi phạm cần đặt trong những hoàn cảnh cụ thể, điều kiện cụ thể của từng người, từng vụ việc để phân tích rõ những nguyên nhân thuộc về khách quan, những nguyên nhân thuộc về chủ quan và trách nhiệm của những người đứng đầu các đơn vị. Nên trong khi xử lí vấn đề tham nhũng rất nghiêm khắc nhưng cũng có lý, có tình.
Theo ông Dũng, “4 chữ nhân” mà Tổng Bí thư nhắc tới “Nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình” đó là truyền thống từ ngàn đời xưa đã trao chuyển lại. Chúng ta đấu tranh PCTNTC trên tinh thần chỉ ra sai phạm, xử lí sai phạm, tự soi, tự sửa để chỉnh đốn Đảng. Cuộc đấu tranh này quyết liệt nhưng vẫn hướng tới lòng thương yêu, quý trọng con người, hướng con người vào cái thiện. Khi có người lầm đường, lạc lối, tự giác nhận ra lỗi lầm thì cũng có những tình tiết giảm nhẹ. Nhưng cuộc đấu tranh này cũng rất nghiêm minh, không vì tình cảm cá nhân để che giấu cái phạm tội.
bài rất thực chất
Trả lờiXóa