Cuộc đấu tranh bảo vệ tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng
của Đảng ta - có mối quan hệ mật thiết với cuộc đấu tranh bảo vệ Đảng, bảo vệ
chế độ xã hội chủ nghĩa. Các văn kiện của Đảng thể hiện rõ và nhất quán quan
điểm, nhận định, đánh giá về giá trị, cống hiến của tư tưởng, đạo đức, phong
cách Hồ Chí Minh đối với dân tộc Việt Nam và nhân loại. Đảng ta đã ban hành
nhiều nghị quyết, chỉ thị quan trọng về việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo
đức, phong cách của Người, qua đó, góp phần nâng cao nhận thức chính trị và
củng cố niềm tin vững chắc của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối
với tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng
định quan điểm chỉ đạo là, vững vàng kiên định và vận dụng, bổ sung, phát triển
sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực tiễn cách mạng
Việt Nam.
Nhà nước đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan
đến bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, qua đó tạo cơ sở, khuôn khổ pháp lý để
ngăn ngừa và xử lý hành vi vi phạm. Điều 4 Hiến pháp năm 2013 ghi rõ: Đảng Cộng
sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, lấy chủ nghĩa Mác -
Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng. Trong các bộ luật, các
luật có điều khoản quy định về xử lý hành vi truyền bá, xuyên tạc tư tưởng và
đường lối của Đảng, trong đó có xuyên tạc lãnh tụ Hồ Chí Minh, lãnh đạo Đảng và
Nhà nước, như tại Điều 117, Điều 331 Bộ luật Hình sự, sửa đổi, bổ sung năm
2017; Điều 10 Luật Xuất bản năm 2012; Điều 9 Luật Báo chí năm 2016; Điều 16
Luật An ninh mạng năm 2018…
Công tác đấu tranh, phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai
trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng có sự tham gia của cả hệ thống chính
trị và các tầng lớp nhân dân; trong đó, đi đầu là đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Lực lượng nòng cốt tham gia đấu tranh là Ban Chỉ đạo 35 Trung ương và các cấp,
nhất là ban chỉ đạo 35 của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền
thông, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Ngoại giao, Hội đồng Lý luận Trung ương...
cùng hệ thống các cơ quan thông tấn, báo chí, xuất bản với hàng trăm tờ báo,
đài phát thanh, đài truyền hình và đội ngũ các nhà nghiên cứu khoa học, tuyên
truyền viên… tạo thành mạng lưới đấu tranh ngày càng đông đảo và hiệu quả.
Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, các bộ, ngành, địa
phương trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng ngày càng chặt chẽ với vai
trò “lĩnh xướng” và sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 35 Trung ương, ban chỉ đạo 35 các
cấp; sự hợp tác, phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc trao đổi,
cung cấp, xử lý thông tin và phối hợp đấu tranh.
Phương thức đấu tranh là vạch trần âm mưu, thủ đoạn của các đối
tượng thù địch, phản động và có hình thức, biện pháp xử lý phù hợp tùy theo mức
độ vi phạm; định hướng tuyên truyền, cung cấp đầy đủ thông tin chính thống,
quản lý tốt nguồn thông tin, ngăn chặn kịp thời các thông tin, tài liệu sai
trái; đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục về cuộc
đời, sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh; lấy những kết quả từ sự vận
dụng sáng tạo và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực tiễn cách mạng nước
ta làm minh chứng sống động, thuyết phục để phản bác lại những luận điệu xuyên
tạc, phản động...
Với các thế lực thù địch, phản động ở nước ngoài, chúng ta sử
dụng, phối hợp các biện pháp, từ tuyên truyền, phản bác dựa vào luật pháp Việt
Nam và quốc tế, đến sử dụng biện pháp ngoại giao để ngăn chặn từ xa, kịp thời.
Đối với các tổ chức phản động lưu vong, các cơ quan chức năng của Việt Nam đề
nghị phía chính quyền nước sở tại phối hợp điều tra, ngăn chặn. Ngoài ra, dựa
theo các căn cứ pháp lý của Việt Nam, như Thông tư số 38/2016/TT-BTTTT và Luật
An ninh mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã trao đổi, yêu cầu doanh nghiệp cung
cấp dịch vụ nước ngoài (như Google, Facebook) gỡ bỏ nhiều thông tin vi phạm.
Đối với các đối tượng ở trong nước, tùy vào mức độ vi phạm, các cơ quan chức
năng có biện pháp từ giáo dục, yêu cầu gỡ bỏ, xử phạt hành chính đến xử lý hình
sự theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng, Lực lượng 47 (Bộ Quốc phòng), các lực
lượng thuộc Bộ Công an, như Cục An ninh
chính trị nội bộ, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng
công nghệ cao... đã vô hiệu hóa được nhiều kế hoạch, “chiến dịch” của các tổ
chức phản động lưu vong, các chương trình truyền hình, phát thanh tiếng Việt có
nội dung bôi nhọ, xuyên tạc lãnh tụ và Đảng, Nhà nước; dựng “tường lửa” ngăn
chặn sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa, tư tưởng xấu, độc trên mạng. Sự ra đời và hoạt động hiệu quả của Ban Chỉ đạo 609
của Hội đồng Lý luận Trung ương, Ban Chỉ đạo 213 Trung ương về đấu tranh chống
“diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật (nay hợp nhất
thành Ban Chỉ đạo 35 Trung ương); cơ quan thường trực, lực lượng nòng cốt, lực
lượng chuyên sâu, lực lượng tham gia đấu tranh ở từng cấp đã kiên trì, kiên
quyết phản bác lại các luận điệu sai trái, xuyên tạc; định hướng tuyên truyền
kịp thời, góp phần làm thất bại âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các
thế lực thù địch.
Đồng thời, tăng cường hoạt động thông tin đối ngoại, mở thêm
phiên bản tiếng nước ngoài của Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Báo Nhân
dân, Tạp chí Cộng sản…, tích cực đưa những thông tin đầy đủ, chính thống về
Việt Nam đến với bạn bè thế giới và các thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài.
Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục về tư tưởng
Hồ Chí Minh đến đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, góp phần
củng cố vững chắc tư tưởng Hồ Chí Minh trong đời sống tinh thần xã hội. Xuất
bản các bộ sách lớn như Hồ Chí Minh Toàn tập (15 tập), Hồ
Chí Minh Biên niên tiểu sử (10 tập)… với hàng nghìn tư liệu, sự kiện,
bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Triển khai các chương trình nghiên cứu khoa
học cấp nhà nước, tiêu biểu như Chương trình khoa học và công nghệ cấp nhà nước
KX. 02, nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh với 13 đề tài nhánh, cùng hàng trăm đề
tài khoa học các cấp; bên cạnh đó, hàng trăm cuốn sách, hàng nghìn bài viết về
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được xuất bản, đăng tải trên các phương tiện truyền
thông, qua đó, góp phần đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương của Người
trong toàn xã hội, bổ sung những nguồn tư liệu quý, những luận cứ xác đáng,
thuyết phục, tiếp tục khẳng định và làm sâu sắc hơn những giá trị, tầm vóc vĩ
đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Các cơ quan nghiên cứu, truyền bá, giảng dạy lý luận chính trị,
khoa học của Đảng và Nhà nước, như Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính
trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tạp chí Cộng sản, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt
Nam… đẩy mạnh nghiên cứu, xây dựng hệ thống luận cứ, luận điểm ngày càng vững
chắc đấu tranh phản bác, bẻ gãy từ gốc bằng lý luận các luận điệu sai trái, thù
địch, phản động. Bên cạnh đó, công tác lý luận của Đảng tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ; trên cơ sở tổng
kết thực tiễn, nghiên cứu và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng
Hồ Chí Minh, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi
lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam ngày càng được hoàn thiện, càng khẳng
định vai trò to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp cách mạng của dân
tộc, tiếp tục soi sáng, dẫn dắt sự nghiệp đổi mới của Đảng và nhân dân ta đi
đến thắng lợi.
Ban chỉ đạo 35 các địa phương đã
kịp thời tham mưu, đề xuất và tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ
thị của Đảng, của cấp ủy các cấp; phối hợp hoạt động của các thành viên ban chỉ
đạo 35, của các nhóm chuyên gia; xây dựng chương trình trọng tâm bảo vệ nền
tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch
theo định hướng Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng phù hợp với đặc điểm, tình
hình từng địa phương. Ban chỉ đạo 35 các địa phương tập trung nắm chắc tình hình dư luận xã hội, các hoạt động chống
phá của các thế lực thù địch; báo cáo cơ quan thường trực để tham mưu lãnh đạo,
chỉ đạo thực hiện tốt công tác định hướng thông tin, tuyên truyền; bám sát sự
chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 35 Trung ương, tăng cường phối hợp giữa các đơn vị nhằm
chủ động đấu tranh ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trên địa bàn.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các tổ chức
thành viên tích cực tuyên truyền sâu rộng để các tầng lớp
nhân dân nhận rõ bản chất âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, củng cố
khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đồng thuận xã hội, bảo đảm sự thống
nhất cao về nhận thức, tư tưởng, hành động; huy động sự tham gia của đông đảo
các tầng lớp nhân dân vào cuộc đấu tranh chống các luận điệu sai trái,
thù địch, phản động.
Mặc dù đạt nhiều kết quả quan trọng, nhưng công
tác bảo vệ tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn còn bộc lộ không ít hạn chế, yếu kém. Một
số cấp ủy đảng, người đứng đầu đơn vị vẫn chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan
trọng của công tác trên, nên lãnh đạo, chỉ đạo chưa sát sao, kịp thời, dẫn đến
sự phối hợp giữa các lực lượng đấu tranh chưa thực sự đồng bộ, gắn kết chặt chẽ
và hiệu quả. Còn thiếu chương trình khoa học cấp nhà nước mang tầm quốc gia về
vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới. Nhiều
bài viết đấu tranh bảo vệ tư tưởng Hồ Chí Minh còn thiếu sắc bén, tính chiến
đấu chưa cao, thiếu thuyết phục người đọc... Bên cạnh đó, cuộc đấu tranh trên
không gian mạng vẫn rất gay go, phức tạp; do tác động tiêu cực của mặt trái nền
kinh tế thị trường, cùng sự suy thoái, “tự diễn biến” của một bộ phận cán bộ,
đảng viên hiện nay... đã và đang làm hạn chế hiệu quả công tác đấu tranh bảo vệ
nền tảng tư tưởng của Đảng.
V3.
bài rất ý nghĩa
Trả lờiXóa