Xuất phát từ luận điểm khách quan, khoa học của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò lãnh đạo của chính đảng vô sản trong tiến trình cách mạng ở các quốc gia. C.Mác và Ph.Ăngghen trong học thuyết cách mạng và khoa học của mình, đã chỉ ra rằng, giai cấp công nhân là giai cấp hiện đại, cách mạng nhất, tiên tiến nhất trong xã hội, nhưng giai cấp công nhân chỉ có thể thực hiện được sứ mệnh lịch sử của mình khi thành lập ra được chính đảng đảm đương vai trò lãnh đạo, dẫn dắt giai cấp công nhân và toàn thể nhân dân tiến hành cách mạng thoát khỏi ách áp bức, bóc lột, xóa bỏ chủ nghĩa tư bản, xây dựng chế độ cộng sản chủ nghĩa mà giai đoạn đầu của nó là chủ nghĩa xã hội. V.I.Lênin cũng nhấn mạnh rằng, Đảng Cộng sản phải giữ vai trò duy nhất lãnh đạo nhà nước, xã hội, là người định hướng sự phát triển trên tất cả lĩnh vực đời sống xã hội.
Thấm nhuần những nguyên lý của Chủ nghĩa Mác-Lênin, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã xác định rằng, cách mạng giải phóng dân tộc, cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam muốn thắng lợi trước hết phải có Đảng Cộng sản lãnh đạo. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Trước hết phải có Đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”.
Thực tế lịch sử ở Việt Nam và trên thế giới đã chứng minh tính tất yếu khách quan vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong các giai đoạn của tiến trình cách mạng Việt Nam. Không có một tổ chức chính trị nào có thể thay thế được vai trò này của Đảng Cộng sản Việt Nam. Mọi luận điểm nhằm hạ thấp hoặc muốn xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với cách mạng Việt Nam đều trái với điều kiện thực tế của nước ta.
Sự cần thiết phải có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam không phải tự nhiên mà có, nó là tất yếu của lịch sử.
Trong thời kỳ giải phóng dân tộc ở Việt Nam trước đây, ngoài phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo và dẫn dắt, đã có những phong trào cứu nước, giải phóng dân tộc của một số hội, đoàn thể, đảng phái khác như: Duy Tân hội, Việt Nam Quang Phục hội, Việt Nam Quốc dân đảng... Tuy nhiên, những tổ chức, đảng phái này do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do đường lối, mục tiêu của các tổ chức, đảng phái đó không phù hợp với xu thế phát triển của dân tộc, thời đại, không quy tụ, tập hợp được quần chúng nhân dân... nên đã không thể lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc ở Việt Nam và dần tan rã, thất bại.
Đúc rút từ sự sụp đổ của Liên Xô và chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu vào những năm cuối của thập niên 1980, 1990 cũng cho thấy, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới sự sụp đổ chế độ chính trị ở các nước này là đã từ bỏ, buông lỏng, phủ nhận vai trò lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản, để cho các lực lượng thù địch, phản động lợi dụng, vô hiệu hóa, cướp chính quyền, đưa đất nước đi theo con đường khác khi có những biến cố về chính trị.
bài rất hấp dẫn
Trả lờiXóa