Sự ra đời và phát triển của internet cùng những yếu tố, như hạ
tầng thông tin, công nghệ,... tạo nên không gian mạng, đã và đang giúp tăng khả
năng thu thập dữ liệu, lan truyền thông tin, bảo vệ thông tin cũng như làm gián
đoạn thông tin, đồng thời tạo ra các cơ hội dễ dàng trong việc tiếp cận thông
tin đến từng người dân ở khắp nơi trên thế giới, cộng đồng quốc tế và quan hệ
giữa các chủ thể (nhà nước, phi nhà nước) trong quan hệ quốc tế. Với tốc độ
đường truyền nhanh, độ bao phủ rộng và chi phí thấp, các chiến dịch thông tin
truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội tương tác ở tất cả các cấp độ đóng
một vai trò rất quan trọng trong đời sống chính trị, an ninh, kinh tế và xã hội
trên toàn cầu.
Thực tiễn những năm qua cho thấy, bên cạnh những thành quả to lớn
và khía cạnh tích cực đối với thế giới, không gian mạng và các khía cạnh liên
quan đến công nghệ mới đã và đang tạo điều kiện cho sự bùng nổ, phát triển của
chiến tranh thông tin trên không gian mạng. Các hoạt động chiến tranh thông tin
trên không gian mạng có thể bao gồm các cuộc tấn công mạng, phá hủy hệ thống
thông tin của đối phương, tấn công nền tảng mạng xã hội, bằng cách đưa vào
trong tâm trí con người hình ảnh, thông tin có chủ đích theo hướng có lợi cho
mình/nước mình về thế giới hay quốc gia, cộng đồng nhằm thực hiện mục tiêu xác
lập vị thế độc quyền trong việc “diễn giải” một câu chuyện, sự kiện nào đó,
trong khi tìm cách “tước đoạt” năng lực phát tán thông tin của một quốc gia hay
các chủ thể nhà nước, phi nhà nước trong quan hệ quốc tế. Các hình thức chiến
tranh này đã và đang có những tác động sâu sắc trong quan hệ giữa các quốc gia
nói chung và nội bộ của từng quốc gia nói riêng với một số nguy cơ đáng chú ý
sau:
Một là, đe dọa sự ổn định chính trị, thậm chí là sự tồn vong, sự
lựa chọn về thể chế chính trị của các quốc gia, đảng cầm quyền, tổ chức, liên
minh. Thông tin sai lệch, xuyên tạc từ nước ngoài được truyền tải bằng
các nền tảng công nghệ hiện đại được vận hành cùng với công nghệ trí tuệ nhân
tạo (AI)(1), đã và đang có những tác động rất lớn nhằm tăng cường sự đối
nghịch về ý thức hệ, nhằm can thiệp vào các vấn đề chính trị trong nước của
quốc gia khác, như can thiệp sâu hơn vào các cuộc bầu cử, bao gồm cả việc cải
thiện khả năng nhắm trúng mục tiêu và thuyết phục các nhóm bỏ phiếu cụ thể của
đối thủ, thậm chí là thay đổi kết quả bầu cử cũng như hạ bệ đảng cầm quyền,
liên minh đảng cầm quyền,... tại nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả các nước
lớn. Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu gần đây cũng đưa ra không ít bằng chứng về
các chiến dịch tin giả, xuyên tạc từ bên ngoài đã có tác động nhất định đối với
sự kiện người dân Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu (hay còn gọi là “Brexit”).
Điều này không chỉ làm suy yếu vị thế toàn cầu của Liên minh châu Âu (EU), mà
còn dẫn đến những tác động tiêu cực về xu thế liên kết quốc tế và cân bằng
quyền lực trong quan hệ quốc tế.
Cuộc chiến thông tin giữa Nga và phương Tây về cuộc xung đột Nga -
U-crai-na hiện nay cũng là một ví dụ điển hình. Với thế mạnh về các nền tảng
mạng xã hội, hệ thống truyền thông mạng của phương Tây đã và đang truyền tải
nhiều nội dung thông tin, hình ảnh và video một chiều về cuộc xung đột Nga -
U-crai-na và tình hình nội trị nước Nga. Ở chiều ngược lại, bên cạnh việc gồng
mình chống các hình thức cấm vận toàn diện của phương Tây, Nga cũng có sự chủ
động triển khai “phòng thủ” tốt, bao gồm các giải pháp công nghệ do Nga làm chủ
nhằm ngăn chặn, đập tan những cuộc xâm nhập, tấn công mạng, lan truyền tin trên
không gian mạng mà Nga cho là tin giả, xuyên tạc, kích động, gây rối loạn từ
bên trong nước Nga. Bên cạnh đó, Nga cũng chủ động phản công, triển khai các
biện pháp truyền tải thông tin có lợi nhất của mình ra bên ngoài khi có thể để
cộng đồng quốc tế và người dân phương Tây hiểu rõ nguyên nhân của việc Nga
triển khai “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở U-crai-na. Trong cuộc chiến này, các
phương tiện tuyên truyền chính trị giữa Nga và phương Tây hiện nay đã chuyển
sang một không gian mới - không gian của các phương tiện truyền thông xã hội đa
nền tảng, như Facebook, Instagram, Tiktok, Twitter, Youtube, Vkontakte,
Odnoklassniki và Moy Mir cho đến các ứng dụng di động, các kênh truyền hình,
các trang web và tuyên truyền bằng nhiều ngôn ngữ ở hầu khắp các quốc gia trên
thế giới, có thể tạo ra những tác động mạnh mẽ ngay lập tức, như BBC, Reuter
(Anh), CNN, AP (Mỹ), AFP (Pháp), DW (Đức), RT (Nga)...
Hai là, làm
mất lòng tin, căng thẳng chính trị, thậm chí dẫn đến xung đột trong quan hệ
quốc tế, đe dọa tới trật tự, an ninh quốc gia, khu vực và thế giới. Các
thông tin giả, sai sự thật được sử dụng trong không gian mạng đều có mục đích
chính trị nhằm thực hiện lợi ích của các quốc gia, đối thủ và các chủ thể có
lợi ích. Đây là một trong những công cụ quan trọng mà các quốc gia sử dụng
trong triển khai chính sách đối ngoại nhằm gây hiểu lầm, bất đồng và bất hòa
giữa các tầng lớp nhân dân ở các quốc gia khác, nhằm mục tiêu gia tăng lợi ích,
vị thế, ảnh hưởng của mình trong quan hệ quốc tế và làm suy yếu vai trò của đối
phương(2). Các công nghệ hiện đại ngày nay đã trở thành công cụ để các quốc
gia, chủ thể lợi ích (kể cả chủ thể phi nhà nước) tạo ra những loại hình sản
phẩm truyền thông, tin tức theo thời gian thực một cách giả mạo, tinh vi nhằm
gây ra những xáo trộn, mâu thuẫn, thậm chí là xung đột trong nội bộ một quốc
gia hoặc giữa các quốc gia. Có thể thấy, quốc gia nào, xã hội nào cũng đều thấm
thía những hậu quả chính trị của những thông tin sai lệch, cho dù mức độ dễ bị
tổn thương khác nhau, tùy thuộc vào hoàn cảnh trong nước của từng quốc gia.
Đối với những “điểm nóng” xung đột hay chiến tranh, các loại hình
chiến tranh thông tin mạng được triển khai rầm rộ trong thời gian qua đã và
đang tạo ra các nguy cơ, hệ lụy đối với hòa bình, an ninh quốc tế. Bên cạnh đó,
thông qua các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, các tổ chức khủng bố, tổ
chức tội phạm xuyên quốc gia có thể dễ dàng chiêu mộ, đào tạo trực tuyến, mở
rộng hoạt động ở nhiều nơi trên thế giới, đe dọa tình hình an ninh của các quốc
gia cũng như sự ổn định, hòa bình, an ninh của khu vực và quốc tế.
Ba là, nguy cơ dẫn đến xung đột về hệ giá trị của các quốc gia. Việc áp dụng, phát
triển các nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ mới nổi, đặc biệt là vận hành
trên công nghệ AI của các doanh nghiệp, tập đoàn ở các nước lớn, như Mỹ và
Trung Quốc, nhằm cạnh tranh, đối phó lẫn nhau sẽ dẫn đến những tác động lớn,
thậm chí là xung đột không chỉ về hệ giá trị đối với Mỹ, Trung Quốc nói chung,
người dân sử dụng ở Mỹ và Trung Quốc nói riêng, mà còn đối với các quốc gia và
người dân trên thế giới. Các nền tảng công nghệ hiện đại vươn tới toàn cầu và
công nghệ AI đã được địa phương hóa cho phù hợp với từng khu vực, lãnh thổ, có
thể là phương tiện để tăng cường sự đối nghịch về ý thức hệ, tiêu chuẩn về dân chủ,
tự do ngôn luận, kích động bạo lực,... phục vụ việc can thiệp vào các vấn đề
chính trị trong nước của quốc gia khác, gây ảnh hưởng đến tình hình chính trị
của các quốc gia có chủ quyền(3).
Ngoài ra, trên thế giới hiện nay, các chiến dịch tuyên truyền tin
giả, xuyên tạc, sai sự thật từ cuộc chiến thông tin giữa các thực thể tham gia
quan hệ quốc tế (nhà nước, phi nhà nước) đã và đang lan rộng và trở thành một
trong những thách thức nghiêm trọng đối với thế giới, quốc gia và người dân
trên toàn cầu. Đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu và bất bình đẳng xã hội ngày
càng gia tăng đi kèm với nguy cơ hiện hữu về đói nghèo... đã tạo ra làn sóng
thông tin sai lệch, xuyên tạc dữ dội hơn trên các nền tảng mạng xã hội toàn
cầu, khu vực và quốc gia, gây ảnh hưởng đến quyền con người cũng như những giá
trị tích cực và nỗ lực của các quốc gia, định chế quốc tế, xã hội trên khắp thế
giới đạt được trong nhiều thập niên qua.
V3.
bài viết hay cần nhân rộng
Trả lờiXóa