Thứ Tư, 21 tháng 6, 2023

 

Tăng hiệu quả, khẳng định 

vai trò hạt nhân lãnh đạo

Đảng trong sạch, vững mạnh từ mỗi tổ chức đảng và đảng viên, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng ở cơ sở, gắn với xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng.

Kết quả chuyển đổi cơ cấu kinh tế, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) luôn có sự gương mẫu, đi đầu của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Kết quả chuyển đổi cơ cấu kinh tế, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) luôn có sự gương mẫu, đi đầu của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Các tổ chức đảng khẳng định, phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo, đội ngũ cán bộ thật sự tiên phong, gương mẫu, “vì dân”, là yếu tố nền tảng quan trọng trong thực hiện mục tiêu xây dựng sự đồng thuận xã hội.

Đồng thuận xã hội, đại đoàn kết là sự nghiệp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị mà hạt nhân lãnh đạo là các tổ chức đảng và đảng viên. Hiệu quả thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phụ thuộc phần lớn vào khả năng tập hợp, quy tụ quần chúng nhân dân. Củng cố mối quan hệ bền chặt giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân có ý nghĩa quan trọng hàng đầu, tạo nền tảng bảo đảm sự đồng thuận xã hội. Trong đó, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, nâng cao vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng luôn là vấn đề căn cốt.

Cán bộ, đảng viên tiên phong, sáng tạo

Đảng ta luôn chú trọng nâng cao uy tín của Đảng trước nhân dân thông qua phát huy trách nhiệm tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Khảo sát thực tế tại nhiều địa phương, ghi nhận các cấp ủy đảng đã quan tâm đổi mới phương thức lãnh đạo bằng hành động nêu gương của cán bộ, đảng viên; xây dựng các tiêu chí nêu gương phù hợp với thực tế để cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu thực hiện, như lời dạy của Bác Hồ: “Cố gắng làm kiểu mẫu cho quần chúng trong mọi việc”.

Tại ấp Tân Hậu, xã Tân Thuận Tây, thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp), sản xuất nông nghiệp đang dần dịch chuyển theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp thông qua các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, các chuỗi liên kết sản xuất, làng thông minh. Mô hình Tâm Quê Hội quán, với 60 hội viên, đã thay đổi tư duy và cách làm của nông dân nơi đây.

Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp, đồng thời là Phó Chủ nhiệm Hội quán Đặng Phụng Đức chia sẻ, khó nhất là thay đổi thói quen canh tác truyền thống, tự phát, bắt nhịp với quy trình khoa học, kỹ thuật. Để có cơ sở thuyết phục người dân, cấp ủy, đảng viên nhất là bí thư chi bộ phải đi đầu, làm trước. Từ băn khoăn của bản thân về đời sống người dân ở mức thấp trong khi thổ nhưỡng nơi đây cho sản phẩm xoài thơm ngon, hay việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật độc hại khiến nhiều người nhiễm bệnh hiểm nghèo, thôi thúc người đứng đầu chi bộ mày mò tìm kiếm, học hỏi phương pháp chế ra các sản phẩm vi sinh.

Từ ý tưởng đến thực nghiệm, Bí thư Chi bộ Đặng Phụng Đức tiếp cận, nghiên cứu tài liệu khoa học trong nước và nước ngoài, tận dụng sản phẩm hữu cơ có sẵn chế ra sản phẩm vi sinh, tự thử nghiệm trên cánh đồng của gia đình. Sản phẩm được Sở Khoa học và Công nghệ thẩm định, cấp chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng VietGAP, bảo hộ bản quyền.

Khi có kết quả, đồng chí vận động 22 đảng viên trong chi bộ, cũng là hội viên Hội quán cùng sử dụng và phổ biến để các hội viên khác và người dân trong ấp cùng tham gia. Thành quả tiên phong, sáng tạo của bí thư chi bộ nhận được sự ủng hộ, đồng thuận. Nông dân ấp Tân Hậu đang dần quen sử dụng nền tảng số, công nghệ số để quảng bá sản phẩm, áp dụng các hệ thống, quy trình quản lý chất lượng theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, Organic hữu cơ; tham gia cửa hàng số để tiêu thụ nông sản…

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cao Lãnh Nguyễn Phước Cường cho biết, chủ trương phát triển nông nghiệp đô thị nhằm xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, quy trình sản xuất hiện đại; ứng dụng công nghệ tiên tiến và chuyển đổi số từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ.

Đích đến là nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân; hướng đến phát triển Cao Lãnh có không gian đô thị văn minh kết hợp nông nghiệp đô thị hiện đại và bền vững, bảo vệ môi trường. Các mô hình chuyển đổi số ngành nông nghiệp như Bản đồ quản lý mã số vùng trồng trên địa bàn thành phố Cao Lãnh; Làng thông minh; Dữ liệu bản đồ nông sản của 2 ấp Tân Hậu và Tân Dân, xã Tân Thuận Tây… từng bước hiện thực hóa “nông nghiệp sinh thái-nông thôn hiện đại-nông dân thông minh”.

Quá trình chuyển đổi số có vai trò quan trọng của các đảng bộ, chi bộ cơ sở, sự nêu gương của cấp ủy, đảng viên, vừa thực hiện vừa tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn kỹ năng cho người dân, tạo sự đồng thuận phát triển kinh tế số, xã hội số trên địa bàn.

Nâng cao chất lượng đội ngũ cấp ủy viên cơ sở

Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng phụ thuộc phần lớn ở chất lượng đội ngũ cấp ủy viên, nhất là bí thư cấp ủy. Đội ngũ cấp ủy viên là những người gần dân nhất, nơi tổ chức thực hiện, cũng là nơi kiểm nghiệm và khởi phát của những đòi hỏi thực tiễn cho việc hoàn thiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Thực tế tại nhiều địa phương hiện nay cho thấy, các cấp ủy luôn coi trọng việc xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín để lãnh đạo tổ chức thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị của tổ chức cơ sở đảng, thúc đẩy xây dựng sự đồng thuận xã hội.

Tại Lào Cai, Trường Chính trị tỉnh, trung tâm chính trị các huyện, thị xã, thành phố mở các lớp bồi dưỡng cho cấp ủy viên. Trung bình mỗi năm toàn tỉnh mở khoảng 20 lớp bồi dưỡng với hơn 2.000 cấp ủy viên tham gia. Tỉnh ủy Phú Thọ có chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý, nghiệp vụ công tác đảng cho cấp ủy viên, bí thư cấp ủy và cán bộ được quy hoạch.

Tỉnh ủy Hà Tĩnh chú trọng nâng cao năng lực chỉ đạo của cấp ủy, bí thư chi bộ, nhất là năng lực thực tiễn, trình độ lý luận đi đôi với phát huy trách nhiệm vai trò nêu gương của bí thư chi bộ. Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Tuyên Quang, đến nay, có 64,5% số bí thư cấp ủy cấp xã và 26,1% số chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã không là người địa phương.

Tại Quảng Ninh, 100% đơn vị cấp huyện, 87,01% đơn vị cấp xã có bí thư đảng ủy không là người địa phương. Tỉnh ủy Vĩnh Long chỉ đạo các cơ quan biên soạn giáo trình bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo và xử lý tình huống cho bí thư, phó bí thư đảng ủy xã, phường, thị trấn; 5 năm qua, đã mở 17 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác đảng cho hơn 1.600 chi ủy viên, bí thư, phó bí thư chi bộ…

Xã Thuận An là địa bàn tập trung thu hút, mời gọi đầu tư của thị xã Bình Minh (Vĩnh Long), với cụm công nghiệp Thuận Tiến C,

tổng diện tích gần 73ha. Để đạt các tiêu chí của nông thôn mới kiểu mẫu, cấp ủy, chính quyền xã tập trung nhiệm vụ giải phóng mặt bằng phát triển công nghiệp. Tăng cường cho cơ sở, Thị ủy Bình Minh luân chuyển đồng chí Nguyễn Văn Xinh, là cán bộ trẻ, Trưởng phòng Văn hóa thị xã về làm Bí thư Đảng ủy xã. Sinh ra và trưởng thành tại xã Thuận An, đồng chí nắm rõ đặc điểm địa bàn, tâm tư, nguyện vọng của người dân.

Bám từng thôn, ấp, tiếp xúc người dân, với vai trò người đứng đầu, đồng chí trực tiếp tham gia giải quyết nhiều khúc mắc từ cơ sở, trong đó, khó nhất là vận động nhân dân hiến đất làm đường, giải phóng mặt bằng. Một số “điểm nghẽn” như dự án giao thông liên ấp sau thời gian dài đình trệ, có sự vào cuộc của lãnh đạo chủ chốt xã, người dân đã đồng thuận bàn giao mặt bằng để hoàn thành tuyến đường và đưa vào sử dụng.

Nói về chủ trương xây dựng đội ngũ cấp ủy viên, bí thư cấp ủy, Phó Bí thư Thị ủy Bình Minh Huỳnh Thái Nho cho biết, chất lượng cấp ủy cơ sở căn bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Phần lớn cán bộ được đào tạo, có năng lực thực tiễn, có khả năng lãnh đạo, quy tụ sức mạnh tổng hợp; được cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân tín nhiệm.

Trong từng giai đoạn, Thị ủy chủ động có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, tạo nguồn cán bộ kế thừa bảo đảm đủ tiêu chuẩn theo chức danh quy hoạch. Trong số 231 cấp ủy viên cơ sở hiện nay, 27 đồng chí có trình độ sau đại học; đại học, cao đẳng là 203; về trình độ lý luận, có 60 đồng chí đã hoàn thành chương trình cao cấp, cử nhân.

Nhiều địa phương thực hiện chủ trương bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch hội đồng nhân dân (chủ tịch ủy ban nhân dân) xã, phường; bí thư chi bộ đồng thời là trưởng tổ dân phố, thôn, ấp, khóm.

Với mô hình này, các nhiệm vụ chính trị được thực hiện đồng bộ, linh hoạt, kịp thời; điều hành, tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được cụ thể hóa, triển khai nhanh, hiệu quả và thống nhất cao, khắc phục sự chồng chéo trong kết luận chỉ đạo. Vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng được nâng lên rõ rệt, đoàn kết nội bộ giữ vững và phát huy, bảo đảm mối quan hệ hài hòa giữa chức năng lãnh đạo với chức năng quản lý của người đứng đầu cấp ủy và chính quyền địa phương.

Quảng Ninh hiện có 100% bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố. Lâm Đồng có 88/142 đơn vị cấp xã có bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch hội đồng nhân dân; 22/142 đơn vị cấp xã có bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân. Hậu Giang có 282/539 bí thư chi bộ đồng thời là trưởng ấp, khu vực. Bạc Liêu có 48/64 đơn vị cấp xã có bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch hội đồng nhân dân; 488/512 bí thư chi bộ là trưởng khóm, ấp. An Giang có 138/156 xã, phường, thị trấn bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân…

Chú trọng vai trò tổ chức đảng ở cơ sở

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Mỗi chi bộ của Đảng phải là một hạt nhân lãnh đạo quần chúng ở cơ sở, đoàn kết chặt chẽ, liên hệ mật thiết với quần chúng, phát huy được trí tuệ và lực lượng vĩ đại của quần chúng”. Triển khai thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới nhiều cấp ủy triển khai mô hình Chi bộ bốn tốt, Đảng bộ cơ sở bốn tốt (hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị; chất lượng sinh hoạt tốt; đoàn kết, kỷ luật tốt; cán bộ, đảng viên tốt).

Theo Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Đồng Tháp Trần Văn Cường, các cấp ủy, tổ chức đảng xác định nội dung cụ thể, xây dựng tiêu chí “Chi bộ bốn tốt”, “Đảng bộ cơ sở bốn tốt” phù hợp đặc điểm, tình hình của địa phương, đơn vị. Cấp ủy cấp trên chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện hiệu quả mô hình, định kỳ tổ chức gặp gỡ, tuyên dương các chi bộ, đảng bộ tiêu biểu.

Số lượng tổ chức đảng đạt “bốn tốt” càng nhiều đồng nghĩa với nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở “trong sạch, vững mạnh” đạt hiệu quả ở mức cao, niềm tin của nhân dân đối với Đảng được củng cố. Trường hợp chi bộ, đảng bộ đã được công nhận “bốn tốt” nhưng sau đó phát hiện không bảo đảm tiêu chí thì hủy bỏ kết quả đã công nhận. Nghĩa là, Tỉnh ủy yêu cầu các tổ chức đảng phải luôn duy trì sự phấn đấu thường xuyên, liên tục để thật sự trở thành tiêu biểu.

Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đồng Tháp, về cơ bản, các loại hình tổ chức cơ sở đảng “bốn tốt” đều phải đáp ứng những tiêu chí chung do Tỉnh ủy quy định. Trước hết, để đạt “bốn tốt”, đảng bộ, chi bộ phải kịp thời cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết của cấp ủy cấp trên, phù hợp với thực tiễn; lãnh đạo xây dựng chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; kịp thời xem xét, giải quyết những vấn đề bức xúc nảy sinh (nếu có)…

Cán bộ, đảng viên tốt phải thể hiện tính nêu gương tốt về đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, bản lĩnh chính trị vững vàng, tiên phong, gương mẫu, gắn bó mật thiết với nhân dân; nói đi đôi với làm; phát huy ý chí, khát vọng vươn lên, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm…

Những năm gần đây, hệ thống tổ chức của Đảng ở cơ sở từng bước được kiện toàn, sắp xếp lại theo hướng đồng bộ, phù hợp, hiệu quả hơn. Một số loại hình tổ chức cơ sở đảng có sự thay đổi về số lượng, quy mô, cơ cấu, nội dung và phương thức hoạt động phù hợp với việc đổi mới, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Khảo sát thực tế, ghi nhận nhiều cấp ủy đã chú trọng xây dựng sự đồng thuận xã hội thể hiện bằng việc xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa tổ chức cơ sở đảng, đảng viên với nhân dân; lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng, cán bộ, đảng viên.

Nhiều cấp ủy cơ sở đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng và tổ chức thực hiện nghị quyết, chương trình, kế hoạch công tác; phân công đảng viên theo dõi, phụ trách hộ gia đình, góp phần nắm chắc tình hình, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở; phát huy vai trò nhân dân trong việc tạo nguồn, kết nạp đảng viên; đa dạng hóa các phương thức vận động quần chúng.

Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng ở cơ sở thể hiện rõ nhất là việc tổ chức thực hiện nghị quyết và khả năng phát hiện, đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo giải quyết các vấn đề phát sinh ở cơ sở; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội.

Tổ chức đảng ở cơ sở khơi dậy khát vọng, ý chí tự lực, tự cường và nguồn lực nội sinh của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo dựng sự đồng thuận xã hội từ hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên thực hành phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”.

Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh: “Phải biết dựa vào dân, lắng nghe dân, cái gì mà quần chúng nhân dân hoan nghênh, ủng hộ thì chúng ta phải quyết tâm làm và làm cho bằng được; ngược lại, cái gì nhân dân không đồng tình, thậm chí căm ghét, phản đối thì chúng ta phải cương quyết ngăn ngừa, uốn nắn và xử lý nghiêm các sai phạm”.

1 nhận xét: