Trong cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC), người đứng đầu có vai trò đặc biệt quan trọng suốt quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và nêu gương sáng để khởi phát, dẫn dắt cao trào cách mạng. Thực tế đó được minh chứng rõ nét, thuyết phục từ quá trình vận hành đánh “giặc nội xâm” ở Việt Nam thời gian qua.
Mệnh lệnh con tim - mệnh lệnh niềm tin!
Trước năm 2011, tham nhũng vẫn là thách thức lớn trong toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị và xã hội. Lúc bấy giờ, dù Trung ương đã ban hành Nghị quyết Trung ương 3, khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí”; Quốc hội ban hành Luật PCTN số 55/2005/QH11 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 01/2007/QH12... nhưng tham nhũng, lãng phí vẫn xảy ra nghiêm trọng ở nhiều lĩnh vực, gây bức xúc xã hội; là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước.
Trước thực tế đó, Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI được Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết nghị, ban hành. Thế nhưng, quá trình triển khai ở giai đoạn đầu, dù các cấp đã nỗ lực, quyết liệt vào cuộc nhưng xem ra kết quả chưa đạt như mong muốn, khiến một số người hoài nghi; là cái cớ để lực lượng thù địch lợi dụng, chống phá... Với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, vào tháng 10-2012, khi phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6, khóa XI, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận lỗi trước toàn Đảng, toàn dân về “một số khuyết điểm lớn” cả hiện tại và cả của các nhiệm kỳ trước. Bấy giờ, giọng của Tổng Bí thư trở nên nghẹn ngào và giọt nước mắt của người đứng đầu Đảng bỗng trào ra!
Sau này, khi kết quả PCTNTC có nhiều chuyển biến rõ nét, thực chất, nhiều chính trị gia, các nhà quan sát, bình luận chính trị đã thừa nhận và so ví hình ảnh ấy là “giọt nước mắt rơi vào lịch sử”. Đồng thời thừa nhận, nỗi đau ấy của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam đã chạm đến lương tri, trách nhiệm của phần lớn cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng; giúp khởi tạo và lan tỏa sâu rộng một cao trào đánh “giặc nội xâm” ở mọi cấp, mọi ngành, mọi lĩnh vực.
Với trọng trách được giao, quá trình công tác, đặc biệt là trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn thể hiện rõ quan điểm, quyết tâm, đặt ra những yêu cầu cao, trao gửi nhiều thông điệp và đã gióng lên những “tiếng trống lệnh” tuyên chiến với “giặc nội xâm”. Thực tế cho thấy, “tiếng trống lệnh” của Tổng Bí thư, cùng với quyết tâm chính trị rất cao của tập thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thúc giục toàn Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội tuyên chiến, đẩy lùi và tiến lên từng bước quét sạch vấn nạn tham nhũng, tiêu cực. Quyết tâm của đồng chí Tổng Bí thư được thể hiện rõ trong nhiều bài viết, nhiều bài phát biểu tại các hội nghị và trước cử tri; được xuất bản thành những cuốn sách giá trị-là cẩm nang chỉ đạo công tác PCTNTC có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc. Là người đứng đầu Đảng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN và chủ trì hầu hết phiên họp của Ban Chỉ đạo từ khi thành lập đến nay, đồng chí Tổng Bí thư thường xuyên chỉ đạo quyết liệt các cơ quan chức năng cần làm tốt hơn nữa việc phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực.
Đặc biệt, trong từng vụ việc cụ thể, đồng chí luôn có những chỉ đạo, định hướng quan trọng; yêu cầu cơ quan chức năng theo dõi sát sao, chỉ đạo điều tra làm rõ đến cùng, với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ, “không chịu bất kỳ một sức ép nào của bất cứ tổ chức, cá nhân nào”. Trong bất kỳ cuộc họp nào, lĩnh vực gì, tiếp xúc cử tri, trò chuyện với dân... đồng chí đều khẳng định đanh thép nỗ lực quyết tâm PCTNTC. Đó là cách giúp Đảng ta mạnh hơn, dẫn dắt công cuộc đổi mới đi đến thành công.
Theo dõi, nghiên cứu những cuốn sách, bài viết, bài phát biểu và các bài nói chuyện của đồng chí Tổng Bí thư với cử tri trong thời gian qua, có thể thấy rõ hệ thống quan điểm, tư tưởng và hành động về đấu tranh PCTNTC hết sức chặt chẽ, nhất quán; có sự phát triển theo từng bước, từng giai đoạn PCTNTC; bảo đảm công tác PCTNTC được làm đến đâu, chắc đến đó. Đồng chí khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước là kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, hư hỏng trong nội bộ, tuy nhiên xử lý trước mắt phải nghĩ đến lâu dài, giữ cho được ổn định để đất nước phát triển. "Phải bình tĩnh tỉnh táo, rất khôn ngoan, có con mắt chiến lược. Bác Hồ dạy rồi, cha ông ta dạy rồi, đánh con chuột đừng để vỡ bình, làm sao diệt được chuột mà bảo vệ được bình hoa. Tức là phải giữ cho được cái ổn định", Tổng Bí thư khẳng định.
Sức mạnh nêu gương của người đứng đầu
Qua các nhiệm kỳ Đại hội XI, XII và nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cùng với Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, vạch đường, dẫn lối cho công tác PCTNTC của toàn Đảng đạt nhiều thành quả có dấu ấn lịch sử. Những thành quả này được cộng hưởng và có thêm sức mạnh kêu gọi, hiệu triệu toàn Đảng, toàn dân và toàn quân từ tấm gương liêm khiết, thanh sạch về đạo đức, lối sống của đồng chí Tổng Bí thư.
Ngay các phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn bày tỏ mong muốn, mỗi thành viên, mỗi cán bộ làm việc trong lĩnh vực này phải hết sức gương mẫu, liêm, dũng, chính, trực, tức là phải trong sạch, dũng cảm, ngay thẳng, công tâm, trung thực. Bản thân mỗi đồng chí và cả gia đình, vợ, con phải giữ gìn sự trong sạch, rồi mới chống tham nhũng được, nếu không nói chẳng ai nghe, tay đã nhúng chàm thì không thể làm gì khác được. “Chúng ta phải cam kết với nhau, mỗi thành viên Ban Chỉ đạo phải là một tấm gương về liêm sáng, trung thực, công tâm, khách quan, nếu không dân không tin”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ quan điểm.
Ít người biết rằng, vào ngày 14-4 hằng năm (sinh nhật của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng), đồng chí thường chủ động có kế hoạch đi công tác cơ sở, đến với vùng sâu, vùng xa, trực tiếp gặp gỡ, trò chuyện cùng cán bộ, chiến sĩ, đồng bào. Những cán bộ được tiếp cận, làm việc thường xuyên với Tổng Bí thư đều thấu hiểu và cảm nhận chủ ý đi công tác vào dịp ấy của đồng chí.
Là người lãnh đạo cấp cao, nhưng Tổng Bí thư vẫn thường đơn sơ trong bộ vest cũ hay những chiếc áo bạc màu đã được sử dụng hàng chục năm; vẫn sống trong căn nhà công vụ, làm việc trong căn phòng bình dị; thường đi lại bằng chiếc xe ô tô nhãn hiệu Toyota Crown sản xuất những năm 90 của thế kỷ 20... Đó là cách sống và sự lựa chọn của một nhà lãnh đạo giản dị và cũng là tâm nguyện mà Tổng Bí thư từng chia sẻ với đội ngũ cán bộ: Danh thơm còn mãi, chức tước, tiền tài chỉ là phù vân!
Chỉ đạo rất quyết liệt, trực tiếp điều hành Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC, cùng Bộ Chính trị đôn đốc, chỉ đạo các vụ đại án lớn; không nề hà tình cảm, không nhân nhượng bao che để kỷ luật Đảng, không có vùng cấm, nhưng mỗi khi có cán bộ bị xử lý, Tổng Bí thư chính là người trăn trở, lo nghĩ nhiều nhất. Đồng chí từng nhiều lần trăn trở: Việc xử lý nghiêm nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót, rất đau lòng, nhưng vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh kỷ luật của Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm và kiên quyết làm. Kỷ luật một vài người để cứu muôn người và sẽ còn phải tiếp tục làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Tinh thần quyết tâm, quyết liệt chống tham nhũng của người đứng đầu Đảng; sự chỉ đạo sát sao, hiệu quả của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC đã khởi tạo nên cao trào cách mạng rộng khắp, huy động sự vào cuộc của cả xã hội cùng chung sức, đồng lòng đẩy lùi quốc nạn tham nhũng. Trong toàn Đảng và toàn hệ thống chính trị từ Chính phủ đến Quốc hội, từ Trung ương về cơ sở, công tác PCTNTC được tiến hành thường xuyên, liên tục, kiên quyết, kiên trì; từ đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ trì, chủ chốt các cấp đến quần chúng đều dành tâm huyết, trí tuệ, công sức và cả dũng khí, bản lĩnh tham gia hiệu quả vào công cuộc PCTNTC theo chức trách, nhiệm vụ và bổn phận công dân Việt Nam. Người dân từ khi nhận thấy quyết tâm chính trị rất cao của người đứng đầu, của tập thể Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC nên đã có thái độ tích cực hơn trong việc tham gia đóng góp, hiến kế PCTNTC. Nói cách khác, những “hồi trống lệnh” được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng đã đáp ứng mong mỏi của đảng viên và nhân dân cả nước. Nhờ đó mà tinh thần quyết tâm, kiên quyết, kiên trì tuyên chiến với giặc nội xâm từ trong Đảng và toàn hệ thống chính trị đã lan tỏa mạnh mẽ ra toàn xã hội, được nhân dân đồng lòng ủng hộ. Sự giám sát của các cơ quan dân cử, vai trò của Mặt trận Tổ quốc, nhân dân và báo chí, truyền thông trong PCTNTC được phát huy tốt hơn. Khắp nơi nơi, bầu không khí chính trị trong chiến sĩ, đồng bào cả nước đều rất phấn khởi, vui mừng trước thành quả từ công cuộc PCTNTC do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.
Việt Nam đanh đi rất đúng hướng
Trả lờiXóa