Thứ Ba, 27 tháng 6, 2023

Thực hiện tốt chính sách xã hội chính là bảo đảm quyền con người, tạo động lực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Từ nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách xã hội; coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bền vững, ổn định chính trị - xã hội, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Điều đó cũng bác bỏ những ý kiến sai trái cho rằng Nhà nước ta thiếu quan tâm đến quyền con người. Ngay Nghị quyết TW 5, khóa XI đã chỉ rõ: “Chính sách xã hội có vai trò đặc biệt quan trọng, là mục tiêu, là động lực để phát triển nhanh và bền vững trong mọi giai đoạn phát triển”. Mục tiêu cơ bản của chính sách xã hội là bảo đảm ổn định xã hội, tạo điều kiện cho sự tăng trưởng và phát triển, hướng tới sự công bằng, tiến bộ xã hội, không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và cuộc sống tốt đẹp, bình đẳng, hạnh phúc của nhân dân. Chính sách xã hội bao trùm trên mọi mặt của đời sống con người, như: điều kiện lao động, sinh hoạt, giáo dục, văn hóa, chăm sóc sức khỏe… và luôn gắn chặt, phụ thuộc rất lớn vào quá trình phát triển kinh tế, bản chất chính trị - xã hội của mỗi quốc gia, dân tộc. Chính sách xã hội và quyền con người có mối quan hệ chặt chẽ. Thực hiện tốt chính sách xã hội là một trong những bảo đảm quan trọng về quyền con người ở nước ta. Bởi, quyền con người luôn gắn bó mật thiết với các quyền cơ bản của dân tộc, với quyền công dân; phụ thuộc vào các điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, lịch sử, văn hóa, dân tộc. Đảng ta xác định: "Chăm lo cho con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tất cả mọi người; tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã ký kết tham gia". Thực hiện chính sách xã hội chính là quá trình cụ thể hóa quyền con người đã được ghi nhận và bảo vệ trong Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước cũng như các thỏa thuận pháp lý quốc tế. Thông qua chính sách xã hội mà quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được bảo đảm ngày càng đầy đủ, hoàn thiện hơn, góp phần tạo động lực to lớn trong sự nghiệp xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Cùng với quá trình đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, Đảng, Nhà nước ta đã nhận thức ngày càng cụ thể, đầy đủ hơn tầm quan trọng, mục tiêu và nội dung của việc giải quyết vấn đề xã hội, đặc biệt là an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, bảo đảm toàn diện và tốt hơn quyền con người; khẳng định mục tiêu chính sách xã hội là nhằm xây dựng và phát triển con người, đem lại cuộc sống hạnh phúc cho con người, góp phần lành mạnh hóa xã hội và phát triển bền vững đất nước. Với nhận thức đó, trong những năm qua, nhất là trong thời kỳ đổi mới, Đảng, Nhà nước ta không ngừng hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về lĩnh vực xã hội; nguồn lực đầu tư được tăng cường và đa dạng hóa; phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân thực hiện chính sách xã hội, chăm lo cho con người, tạo động lực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhìn lại hơn 35 năm đổi mới, có thể nhận thấy, chính sách xã hội ở nước ta được triển khai tích cực, toàn diện, với hệ thống văn bản pháp lý đồng bộ, ngày càng hoàn thiện; phản ánh tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân và đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng trong việc chăm lo cho con người. Có thể khẳng định, những thành tựu về chính sách xã hội trong thời gian qua thể hiện sự nỗ lực vượt bậc của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Điều đó góp phần không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là những người có công, gia đình chính sách. Đồng thời, phản ánh truyền thống nhân văn của dân tộc và bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa luôn lấy con người làm trung tâm, vì sự phát triển tự do và toàn diện của con người, phù hợp với điều kiện của đất nước ta trong thời kỳ đầu quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Những thành tựu đó là tiền đề rất quan trọng để tạo sự đồng thuận trong xã hội, đưa nước ta ngày càng phát triển, tiến nhanh, tiến vững chắc trên con đường chủ nghĩa xã hội; khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Điều đáng chú ý là, những kết quả đạt được nói trên càng trở nên quan trọng trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn (nước có thu nhập trung bình thấp). Qua đó, mới thấy hết được những cố gắng của Đảng, Nhà nước ta trong việc chăm lo đến quyền con người; đồng nghĩa với việc bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động cho rằng quyền con người ở Việt Nam không được bảo đảm. Quyền con người mặc dù mang giá trị phổ quát, nhưng việc bảo đảm quyền ấy đến đâu, đến mức độ nào còn tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa, tôn giáo và phong tục tập quán… của mỗi nước, mỗi dân tộc. Vì vậy, không thể đem điều kiện của nước này để áp vào quyền con người của nước khác để so sánh và phê phán. Cách làm đó không những không phù hợp với thực tiễn và dư luận quốc tế mà còn vi phạm nhân quyền, hơn thế là quyền của một quốc gia - dân tộc. Việt Nam không phủ nhận trong thực hiện bảo đảm quyền con người còn có mặt hạn chế, nhưng xét một cách tổng thể thì mặt được, mặt ưu việt là chủ yếu. Để bảo đảm quyền con người ở nước ta ngày càng tốt hơn, thời gian tới, các cấp, các ngành và địa phương cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương về chính sách xã hội; bám sát mọi mặt đời sống xã hội, gắn bó mật thiết với nhân dân để những thành tựu về chính sách, an sinh xã hội sẽ được tiếp tục phát huy, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện./.

1 nhận xét: