"Văn hóa soi đường cho quốc dân đi" - lời chỉ bảo ngắn gọn mà sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự. Xoá bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống mới văn minh chính là quá trình “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, có ảnh hưởng không nhỏ đến trình độ phát triển văn hoá của mỗi tộc người và cả quốc gia.
Quan điểm, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xoá bỏ hủ tục lạc hậu
Nhằm thể chế hóa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hoá, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa VIII về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc (năm 1998). Sau Đề cương văn hóa của Đảng năm 1943, Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII là văn kiện chuyên đề văn hóa đầu tiên của Đảng đặt ra chiến lược xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong Nghị quyết này có các nhiệm vụ: “Xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá”… và “xoá bỏ hủ tục”.
Tiếp đó, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã thông qua Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, trong đó có nhiệm vụ: “Xây dựng nếp sống văn hóa tiến bộ, văn minh, nhất là trong việc cưới, việc tang, lễ hội”.
Ngày 30/10/2019, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 65-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về công tác dân tộc trong tình hình mới. Trong những khuyết điểm, hạn chế của công tác dân tộc, Kết luận nêu rõ: “Hủ tục, tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan chậm được khắc phục” và yêu cầu: “Phát huy vai trò làm chủ của đồng bào trong xây dựng đời sống văn hoá, xoá bỏ các hủ tục lạc hậu. Có biện pháp quyết liệt để xoá bỏ tình trạng tảo hôn, chấm dứt sớm hôn nhân cận huyết thống”.
Ngày 04/6/2020, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 76-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, trong đó yêu cầu: “Xây dựng nếp sống văn hoá tiến bộ, văn minh”.
Mới đây nhất, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đề ra nhiệm vụ: “Từng bước hạn chế, tiến tới xoá bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu”.
Căn cứ nghị quyết của Đảng, Nhà nước đã ban hành một số văn bản quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Nổi bật là Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 12/01/1998 của Bộ Chính trị về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội ban hành kèm theo Quyết định số 308/2005/QĐ-TTg ngày 25/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg ngày 08/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước; Nghị định số 122/2018/NĐ-CP ngày 17/9/2018 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hoá”, “Thôn văn hoá”, “Làng văn hoá”, “Ấp văn hoá”, “Bản văn hoá”, “Tổ dân phố văn hoá”…
Điểm lại các văn bản trên để thấy rằng, từ hàng chục năm nay, hạn chế và từng bước xoá bỏ hủ tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống mới văn minh luôn là nhiệm vụ quan trọng được Đảng, Nhà nước ta quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nhằm giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa tốt đẹp, loại bỏ các yếu tố không phù hợp với xã hội hiện nay theo tinh thần “gạn đục, khơi trong”, góp phần đưa văn hóa trở thành nền tảng tinh thần của xã hội.
Tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (tháng 11/2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, một nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng” và khẳng định: “Văn hoá là hồn cốt của Dân tộc, nói lên bản sắc của Dân tộc. Văn hoá còn thì Dân tộc còn”.
Đại hội XIII đã xác định một trong các nhiệm vụ trọng yếu là xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam. Trong đó, việc “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới” có vai trò đặc biệt quan trọng”.
Tại Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” (ngày 29/11/2022), các học giả đã thống nhất, hệ giá trị gia đình gồm bốn giá trị cốt lõi: ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh. Hệ giá trị văn hóa gồm bốn giá trị: dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học. Hệ giá trị quốc gia gồm chín giá trị: hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc.
Theo PGS. TSKH. Lương Đình Hải, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, những giá trị này vừa là kết tinh những truyền thống tốt đẹp hàng ngàn năm xây dựng và bảo vệ đất nước, vừa là yêu cầu, đòi hỏi con người Việt Nam đương đại phải thực hiện, phải tuân thủ, phải xem là khung khổ, khuôn mẫu, tiêu chí để suy nghĩ và hành động.
Giữa các hệ giá trị có mối quan hệ biện chứng với nhau, là nền tảng để phát triển xã hội. Những hệ giá trị này vừa có ý nghĩa soi chiếu nhằm điều chỉnh những hành vi văn hóa, đạo đức ứng xử và nhiều hành vi khác trong đời sống văn hóa, khắc phục hạn chế và tăng cường mạnh mẽ, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Trong các yếu tố cấu thành văn hoá dân tộc, phong tục tập quán là một bộ phận quan trọng. Nó giống như một mảng màu trong tổng thể bức tranh văn hoá Việt Nam. Sẽ là bức tranh tươi đẹp nếu các yếu tố lạc hậu được loại bỏ. Trong trường hợp ngược lại, hủ tục lạc hậu sẽ giống như một đốm lửa có thể bùng lên thành đám cháy thiêu rụi thành quả phát triển văn hoá của một dân tộc, một quốc gia. Vậy nên, như đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu: "Cần khẳng định những mặt tích cực, lên án, phê phán cái xấu, cái ác, cái giả, khẳng định cái đúng, cái tốt, cái đẹp, lan tỏa các tấm gương tích cực trong xã hội để xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, truyền cảm hứng tích cực cho xã hội, đặc biệt là với thanh thiếu niên".
Hình thành những điển hình, nhân tố mới trong đời sống
Trong bài phát biểu tại Hội nghị văn hoá toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ghi nhận: “Việc đấu tranh, phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, cái lạc hậu, chống các quan điểm, hành vi sai trái gây tác hại đến văn hóa, lối sống được chú trọng”.
Thực vậy, những năm qua, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội đã trở thành một trong những nội dung quan trọng của phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa". Theo báo cáo của Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch, đến nay, nội dung này đã trở thành một cuộc vận động lớn trong nhân dân; đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay, tiến bộ, văn minh, có tác động tích cực, mạnh mẽ đến nhiều mặt của đời sống xã hội.
Trong việc cưới, nhìn chung đã chấp hành đúng Luật Hôn nhân và Gia đình, các quy ước, hương ước của làng, xã, nơi cư trú, phù hợp với thuần phong, mỹ tục, điều kiện kinh tế - xã hội của gia đình, địa phương và sự tiến bộ chung của xã hội. Nhiều đám cưới thực hiện nếp sống văn minh, không sử dụng rượu, bia, thuốc lá. Ở vùng đồng bào DTTS, trang phục truyền thống được sử dụng ngày càng nhiều hơn. Các thủ tục trong việc cưới như: chạm ngõ, ăn hỏi, rước dâu… không còn phô trương hình thức, không nặng về đòi hỏi lễ vật cầu kỳ. Thời gian tổ chức lễ cưới trong phạm vi từ 01 - 1,5 ngày, thách cưới bằng hiện vật đã hạn chế nhiều. Hiện tượng xem bói, xem số, xem tuổi cho đôi thanh niên đã giảm; việc xem ngày giờ tổ chức cưới, đón dâu không còn nặng nề như trước.
Nhiều nơi, chính quyền địa phương phối hợp gia đình tổ chức cho cô dâu, chú rể đặt hoa tại đài tưởng niệm, nghĩa trang liệt sĩ, trồng cây lưu niệm trong ngày cưới. Nhiều gia đình chọn nhà văn hóa thôn, bản, nhà văn hóa xã làm địa điểm tổ chức cưới cho đôi nam nữ. Tảo hôn, cưỡng ép hôn hay hôn nhân cận huyết thống đã giảm rõ rệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người. Nhiều tỉnh/thành không còn tình trạng tảo hôn...
Việc tang được tổ chức trang nghiêm, tiết kiệm, phù hợp với tập quán, truyền thống văn hoá của vùng, miền, dân tộc và dần loại bỏ các tập tục lạc hậu. Hầu hết không tổ chức ăn uống linh đình; thôn xóm, tổ dân phố, các gia đình tự nguyện đến chia sẻ, giúp đỡ tổ chức tang lễ. Nhiều địa phương đã quy định không hút thuốc lá, không làm cỗ trong đám tang, tổ chức thành lập đội nhạc tang hoặc quy định sử dụng băng (đĩa) nhạc thay đội nhạc tang. Nhiều địa phương đã có chính sách hỗ trợ cho gia đình khi thực hiện hỏa táng, điện táng, gọn nhẹ và hợp vệ sinh.
Việc xoá bỏ hủ tục lạc hậu cũng như các nghi thức, thời gian trong việc cưới, việc tang và lễ hội… là mặt tích cực của sự biến đổi. Người dân giảm gánh nặng kinh tế, sự lãng phí tiền của và thời gian, đồng thời tránh việc tạo ra thói quen tâm lý dựa vào thần linh mà không tự chủ vươn lên trong quá trình sản xuất, gây trở ngại của sự phát triển.
Việc giảm bớt những lễ thức phiền phức, nặng nề cũng được kỳ vọng sẽ thu hút thế hệ trẻ quan tâm nhiều hơn tới văn hóa truyền thống của dân tộc trong bối cảnh xã hội hiện đại đang có nhiều thứ lôi kéo họ. Các nghi thức truyền thống thường kéo dài, nặng nề, chỉ một vài người trong buôn làng nắm rõ và thực hành được nên thanh niên ngại tiếp xúc, thậm chí lảng tránh, dẫn đến thiếu hiểu biết về văn hóa của dân tộc mình.
Tiếp tục kiên trì công cuộc “Gạn đục khơi trong”
Công cuộc “gạn đục khơi trong” về văn hoá ở vùng DTTS là một quá trình khó khăn, đòi hỏi phải tiến hành thường xuyên, liên tục, trên quan điểm được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh trong cuốn sách “Đời sống mới” do Người viết tháng 3/1947: “Đời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì mới cũng làm hết. Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ, ví dụ: Ta phải bỏ hết những tính lười biếng, tham lam. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý, thí dụ: Đơm cúng, cưới hỏi quá xa xỉ ta phải giảm bớt đi. Cái gì mới mà hay thì ta phải làm, thí dụ: Ăn ở hợp vệ sinh, làm việc ngăn nắp”, cốt để “đời sống của dân ta, vật chất được đầy đủ hơn, tinh thần được vui mạnh hơn” .
Ông Trần Đức Quý - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho rằng, một số hủ tục lạc hậu vẫn còn tồn tại ở vùng DTTS là do trình độ dân trí không đồng đều; đồng bào chưa nhận thức đầy đủ về pháp luật và tác hại, hệ lụy của các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu. Những hủ tục, phong tục đó được hình thành từ lâu đời và truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, tư tưởng người dân không muốn thay đổi, đặc biệt là các phong tục mang tính tâm linh, tín ngưỡng.
Về vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Thị Yên - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng, mỗi nghi lễ đều mang ý nghĩa riêng, phản ánh niềm tin và ước nguyện của người dân về sự tốt lành của cuộc sống. Chẳng hạn việc tang ma ở hầu hết các tộc người theo nghi thức cổ truyền là làm mọi công việc chuẩn bị cho người chết một cuộc sống mới tốt đẹp ở thế giới bên kia. Thực chất đây là một phương thức giải quyết tư tưởng, an ủi và làm yên lòng người sống trước sự ra đi của người chết. Hay những nghi lễ liên quan đến việc chữa bệnh có thể coi là một trong những liệu pháp chữa bệnh tinh thần khá hiệu quả ở nhiều tộc người. Sở dĩ vẫn tồn tại được trong đời sống xã hội đương đại bởi nó ít nhiều cũng đạt được hiệu quả, được cộng đồng chấp nhận theo kiểu kết hợp “thuốc Đông, Tây y” và “tâm linh cầu khấn”.
Bên cạnh đó, các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu lưu truyền qua nhiều thế hệ gắn với tư tưởng bảo thủ, trì trệ của một bộ phận người dân, coi đó là truyền thống không thể xóa bỏ, cải tiến. Một số cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội và một bộ phận nhân dân nhận thức chưa đầy đủ tầm quan trọng của việc thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh và sự cần thiết của việc bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc đối với sự phát triển bền vững.
PGS.TS. Nguyễn Văn Minh, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng, giá trị văn hoá của tộc người được xây dựng trên cơ sở cố kết và tiếp biến có chọn lọc của cộng đồng dân tộc đó, còn giá trị của nền văn hoá quốc gia được hình thành dựa trên những giá trị của các tộc người trong quốc gia đa dân tộc. Do đó, giá trị văn hoá dân tộc dù ở lĩnh vực và cấp độ nào cũng không phải bất biến mà thay đổi theo thời gian, tuỳ thuộc vào bối cảnh chính trị, kinh tế, xã hội của từng thời kỳ lịch sử.
ThS. Hoàng Thị Thu Dung, người dân tộc Cao Lan, có kinh nghiệm giảng dạy văn hoá dân tộc nhiều năm tại Trường Đại học Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang bày tỏ quan điểm cho rằng, hệ giá trị văn hoá và hệ giá trị con người phụ thuộc vào mục tiêu của thể chế chính trị, suy cho cùng là vì mục tiêu nâng cao chất lượng đời sống con người. Trong truyền thống văn hoá chứa đựng tư tưởng và hành vi văn hoá. Tư tưởng văn hoá là không đổi và được thể hiện bằng các hành vi văn hoá. Hủ tục là hành vi văn hoá lạc hậu chứ không phải tư tưởng văn hoá lạc hậu. Đã là hủ tục tức là không phù hợp với thời đại thì sẽ bị loại bỏ. Do đó, xây dựng đời sống văn hoá là thay đổi hành vi văn hoá cho phù hợp với thời đại.
Kết quả khảo sát của cá nhân ThS. Hoàng Thị Thu Dung cho thấy, nhóm người trên 60 tuổi không muốn thay đổi phong tục tập quán cũ dù nó không còn phù hợp với cuộc sống hiện đại. Nhóm dưới 60 tuổi khá linh hoạt, chấp nhận giao thoa văn hoá. Nhóm dưới 30 tuổi sẵn sàng thay đổi theo lối sống mới.
Như vậy, trong công cuộc xoá hỏ hủ tục, xây dựng nếp sống mời văn minh, cần xác định “xây” đi đôi với “chống”, lấy “xây” làm chính, có biện pháp phù hợp với từng nhóm tuổi và theo phương châm: “Phải giáo dục để sửa dần dần các phong tục, tập quán không lành mạnh, phải giải thích để nhân dân tự nguyện, tự giác xoá bỏ phong tục xấu, tuyệt đối không dùng quan liêu, cưỡng bức, mệnh lệnh”[1]
“Muốn cải tạo phong tục tập quán được tốt thì tuyên huấn phải làm, mà phải làm bền bỉ liên tục, làm dần dần chứ không thể chủ quan nóng vội, muốn làm hết ngay một lúc”[2].
Song “tuyên truyền không cần phải nói tràng giang đại hải. Mà nói ngắn gọn, nói những vấn đề thiết thực, chắc chắn làm được, để mọi người hiểu rõ và quyết tâm làm bằng được. Cố nhiên không phải làm một ngày, một buổi mà phải làm từng bước, làm bước nào chắc chắn bước ấy”[3].
Trong quá trình thực hiện, các kinh nghiệm của Hà Giang là rất đáng tham khảo. Hay như tỉnh Kon Tum, UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định về danh mục để định hướng xóa bỏ hoàn toàn 06 hủ tục bằng cách đưa vào điều cấm trong hương ước, quy ước của làng; xóa bỏ một số yếu tố có ảnh hưởng tiêu cực không còn phù hợp với đời sống xã hội đối với 08 phong tục của đồng bào DTTS.
Đi liền với tuyên truyền, vận động, thuyết phục là giải pháp áp dụng pháp luật. Hiện nay, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 nghiêm cấm hành vi tảo hôn và kết hôn cận huyết thống. Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã đã quy định mức phạt tiền đối với hành vi tổ chức tảo hôn và hành vi kết hôn cận huyết thống. Đặc biệt, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định người có hành vi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người dưới 16 tuổi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội hiếp dâm người dưới 13 tuổi hoặc Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi. Đây là những hậu quả pháp lý rất nặng nhằm ngăn chặn, đẩy lùi hủ tục tảo hôn, kết hôn cận huyết thống.
Đối với hoạt động mê tín dị đoan, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hoá, quảng cáo. Trong đó quy định mức xử phạt đối với hành vi lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi. Hoạt động mê tín dị đoan còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Điều 320 Bộ luật Hình sự 2015. Như vậy, các hành vi vi phạm quy định chung, quy ước, hương ước cơ bản đã được pháp luật điều chỉnh và có tính răn đe cao.
Tuy nhiên, do trình độ nhận thức pháp luật ở một số đồng bào DTTS còn thấp, nên việc áp dụng pháp luật ngay cùng một lúc và triệt để đối với các cá nhân là hết sức khó khăn. Vì thế, đối với các tập quán lạc hậu, Chính phủ đã giao Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, hướng dẫn các tỉnh, thành phố xây dựng, vận dụng, điều chỉnh trong các hương ước, quy ước của thôn, bản, tổ dân phố. Đây là thiết chế văn hoá quan trọng do cộng đồng dân cư các thôn, bản tự thảo luận, bàn bạc và thống nhất thông qua.
Song vì hương ước, quy ước không phải là văn bản quy phạm pháp luật nên cần lưu ý là không được quy định thẩm quyền của trưởng thôn xử phạt bằng tiền hoặc hiện vật. Bộ Tư pháp đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn yêu cầu rà soát lại toàn bộ và lược bỏ các quy định trong hương ước, quy ước của thôn, bản về mức xử phạt bằng hiện vật hoặc bằng tiền, mà chỉ được đưa ra các hình thức xử lý như: Không bình xét công nhận “Gia đình văn hoá” và phải đóng góp vào quỹ chung của thôn nếu phạt tiền đối với các hộ gia đình vi phạm; phạt ngày công lao động làm các việc cho cộng đồng; đưa ra kiểm điểm tại tổ chức, đoàn thể mà người đó đang sinh hoạt, kiểm điểm trước hội nghị nhân dân.
Văn hoá là một trong những chỉ số đánh giá trình độ phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc, mỗi gia đình, cá nhân. "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi" - lời chỉ bảo ngắn gọn mà sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự. Xoá bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống mới văn minh chính là quá trình “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, có ảnh hưởng đến trình độ phát triển văn hoá của dân tộc. Quá trình đó được tiếp tục bằng việc tập trung đẩy mạnh phát triển toàn diện kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào DTTS. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ 2021 - 2025 với nguồn lực đầu tư trên 137 nghìn tỷ đồng (lớn nhất trong các chương trình mục tiêu quốc gia) là một cơ hội lớn. Trong 10 dự án của Chương trình này có Dự án 6 liên quan đến bảo tồn, phát triển văn hoá gắn với du lịch ở vùng DTTS.
Quá trình đó cần tiếp tục được triển khai ở từng người, từng gia đình. Bởi như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Do nhiều người nhóm lại thành làng. Do nhiều làng nhóm lại mà thành nước. Nếu người này cũng xấu, người kia cũng xấu, thì thành làng xấu, nước hèn. Nếu mỗi người đều tốt, thì thành làng tốt, nước mạnh... Nếu mọi người đều cố gắng làm đúng Đời sống mới, thì dân tộc nhất định sẽ phú cường”, “Ai cũng làm như thế, thì tự nhiên nước Việt Nam ta trở nên một nước mới, một nước văn minh”./.
văn hóa rất quan trọng
Trả lờiXóa