VỊ TƯỚNG ANH HÙNG LAO ĐỘNG ĐẦU TIÊN
Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ nhất, năm 1952, với tên gọi khi đó là Đại hội chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc, có một vị tướng được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lao động. Đó là Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa, Cục trưởng Cục Quân giới.
Ông tên thật là Phạm Quang Lễ, sinh ngày 13-9-1913, tại làng Chánh Hiệp (nay là xã Hòa Hiệp) huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, năm 1933, ông đỗ cả tú tài Việt và tú tài Tây, đến năm 1935 thì sang Pháp du học, 11 năm du học ở Pháp, ông chính thức nhận 4 bằng đại học: Tổng hợp, cầu đường, kỹ thuật điện và hàng không.
Tháng 9-1946, ông theo Bác Hồ về nước phục vụ kháng chiến, đảm trách nhiều vị trí quan trọng, năm 1948, trong đợt phong quân hàm cấp tướng đầu tiên, Trần Đại Nghĩa được phong quân hàm Thiếu tướng, tại Đại hội chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc, năm 1952, ông là một trong 3 người đầu tiên được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.
Năm 1966, ông được bầu là Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, năm 1996, ông được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu tiên...
Sinh thời, nhiều lần Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa kể rằng mình đã may mắn thế nào khi được gặp và gần gũi với Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt thời gian, người lưu lại trên đất Pháp và những ngày lênh đênh trên tàu trong chuyến hải trình dài vượt biển trở về đất mẹ, với tinh thần dân tộc và lòng yêu nước nồng nàn được tích tụ, dồn nén bấy lâu, cộng với sự kính trọng và tín tâm đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh nên khi được Người vận động, Phạm Quang Lễ đã quyết định từ bỏ cuộc sống giàu sang, đầy đủ tiện nghi để cùng với một số trí thức Việt kiều khác theo Bác Hồ về nước phụng sự Tổ quốc.
Hành trang mà ông mang theo về nước là khối kiến thức về kỹ thuật vũ khí thâu nạp được trong đầu cùng hơn 30.000 trang tài liệu mà ông âm thầm sưu tập, dày công giấu giếm nhà đương cục Pháp và giữ gìn nó trong suốt 11 năm ở Pháp.
Trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn đủ thứ, cuộc kháng chiến của quân và dân ta lại ở trong vòng vây, vì vậy mà cùng với việc nghiên cứu, sáng chế các loại vũ khí có sức công phá lớn, đồng chí Trần Đại Nghĩa đã chỉ đạo các xưởng quân giới ở các địa phương sản xuất hàng chục chủng loại đạn, bom phóng, mìn, địa lôi... bằng những nguyên vật liệu tại chỗ, đáp ứng kịp thời yêu cầu của cuộc chiến tranh nhân dân.
Không chỉ là một nhà nghiên cứu, sáng chế vũ khí tài ba, ông còn đào tạo đội ngũ cán bộ quân giới và xây dựng các trung đoàn, đại đoàn công pháo đầu tiên của Quân đội ta, trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa tiếp tục có nhiều đóng góp lớn và quan trọng trong việc cải tiến các loại vũ khí của Quân đội ta nhằm chống lại các loại vũ khí, phương tiện chiến tranh tối tân của Mỹ.
Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa là một tấm gương sáng về lòng yêu nước và đạo đức cách mạng. Ngay từ khi rời mái trường Pétrus Ký (Sài Gòn) sang Pháp du học theo học bổng của Hội Ái hữu trường Chasseloup-Laubat, ông cũng chỉ nghĩ có một điều: Sang Pháp học chế tạo vũ khí để sau này về phục vụ Tổ quốc.
Ông từng bộc bạch trong hồi ký: “Dân mình thế nào rồi cũng có ngày nổi dậy, mình phải có súng đạn, phải gia công tự làm súng đạn một phần nào”, trong những năm ở Pháp, chàng sinh viên Phạm Quang Lễ cả gan làm cái việc không ai dám làm, đó là bí mật tìm kiếm, khám phá và lưu giữ các tài liệu khoa học quân sự, đặc biệt là các bản thiết kế vũ khí... những thứ thuộc diện cấm kỵ của nhà đương cục, kể cả sau này khi về Việt Bắc, trong đầu Trần Đại Nghĩa vẫn luôn đau đáu với công việc sản xuất vũ khí.
Có lần cấp trên cho ông đi học ở Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc để phát triển, ông đã trả lời một cách hóm hỉnh rằng: “Cho tớ ở lại vì tớ từng được Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giảng dạy rồi”, thực ra, Trần Đại Nghĩa chỉ sợ đi học thì phải bỏ dở công việc nghiên cứu, chế tạo vũ khí mà ông đang gắn bó với tất cả sự đam mê.
Giáo sư Trần Đại Nghĩa là người luôn được Bác Hồ dành cho sự quan tâm đặc biệt nhưng chưa khi nào ông lạm dụng đặc quyền và sự quan tâm đó cho mục đích cá nhân, ngày ông cưới vợ ở căn cứ địa Việt Bắc, cơ quan ngỏ ý báo cáo và xin phép Bác Hồ lo cho đám cưới của hai người một cách chu tất, biết chuyện, ông đã gạt đi vì sợ làm phiền đến Bác, đến tổ chức.
Ông lấy số tiền 50 đồng mà hai vợ chồng gom góp, tiết kiệm được nhờ chị nuôi mua một bao tải quả mắc cọp và mấy thứ bánh địa phương về tổ chức đám cưới chứ nhất quyết không lấy tiền của tập thể, hòa bình lập lại, gia đình Giáo sư Trần Đại Nghĩa được cấp một căn hộ tại khu tập thể 56 Hàng Chuối. Đại tá Trần Dũng Trí, con trai của Giáo sư Trần Đại Nghĩa kể, đã nhiều lần tổ chức muốn đổi chỗ ở rộng rãi, đầy đủ tiện nghi nhưng ông đều từ chối: “Như thế này là tốt lắm rồi, có người còn không có nhà mà ở”.
Tính cách của Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa là thế, Ông nêu một tấm gương sáng về lối sống thanh bạch, giản dị, đồng cam cộng khổ cùng bộ đội và nhân dân; cống hiến mọi sức lực và trí tuệ cho ngành công nghiệp quốc phòng nói riêng, cho nền khoa học Việt Nam nói chung./.
Nguồn: Báo Quân đội nhân dân
một con người có tâm và có tài
Trả lờiXóa