Xây dựng động cơ, thái độ học tập đúng đắn cho học viên các trường chính trị tỉnh, thành phố
(LLCT) - Động cơ, thái độ học tập có vai trò quan trọng đối với học lý luận chính trị. Trên cơ sở phân tích các yếu tố tác động đến động cơ, thái độ học tập lý luận chính trị của học viên, bài viết đề xuất các giải pháp từ phía học viên và môi trường bên ngoài nhằm xây dựng động cơ, thái độ học tập lý luận chính trị đúng đắn.
Từ khóa: động cơ, thái độ học tập lý luận chính trị.
1. Các yếu tố tác động đến động cơ, thái độ học tập lý luận chính trị
Các yếu tố chủ quan từ phía học viên: trước hết là nhu cầu học tập lý luận chính trị, nhu cầu là khởi nguồn của động cơ và thái độ. Nhu cầu học tập lý luận chính trị của học viên rất đa dạng, chính nhu cầu cấp thiết sẽ chi phối động cơ và thái độ học tập lý luận chính trị của học viên. Thứ hai là, nhận thức về giá trị bản thân, đó là sự tôn trọng chính bản thân và tôn trọng người khác của học viên. Khi học lý luận chính trị, học viên phải tôn trọng với quyết định của mình, và tôn trọng môi trường học tập, tôn trọng những người xung quanh như giảng viên, nhân viên nhà trường, học viên khác. Thứ ba là, mức độ hứng thú, say mê trong học lý luận chính trị; khả năng tiếp thu và khả năng tự học, tự nghiên cứu.
Các yếu tố liên quan đến môi trường đào tạo, bồi dưỡng: giảng viên là cầu nối trực tiếp, giúp học viên tiếp thu những tri thức lý luận chính trị, đồng thời hỗ trợ học viên thực hành kỹ năng trong lãnh đạo, quản lý. Giảng viên lý luận chính trị vừa phải đáp ứng yêu cầu về trình độ chuyên môn, kỹ năng sư phạm, vừa phải thể hiện phẩm chất đạo đức, phong cách giảng viên, góp phần truyền cảm hứng và cảm phục đối với học viên, qua đó giúp học viên xây dựng động cơ, thái độ học tập tích cực. Chương trình, giáo trình, tài liệu phục vụ học tập lý luận chính trị. Các phương pháp, phương tiện dạy học: sự đa dạng và đổi mới thường xuyên trong phương pháp và phương tiện dạy học sẽ làm tăng sự hấp dẫn, lôi cuốn đối với học viên.
Các yếu tố thuộc về môi trường xã hội
Thủ trưởng và cơ quan, đơn vị là yếu tố tác động lớn đến tâm lý học viên được cử đi đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị. Thực tế cho thấy, học viên bị phân tâm rất nhiều từ môi trường cơ quan, nhất là trong điều kiện vừa làm vừa học. Học viên vừa phải bảo đảm không vắng mặt tại lớp lại phải vừa bảo đảm công việc cơ quan. Do vậy, việc thủ trưởng và cơ quan, đơn vị quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho học viên yên tâm học tập sẽ góp phần quan trọng xây dựng động cơ và thái độ học tập đúng đắn.
Hoàn cảnh gia đình: bên cạnh áp lực phải hoàn thành công việc cơ quan, học viên còn phải đối mặt với nhiều vấn đề phát sinh từ gia đình khi tham gia học tập, điều này càng rõ đối với học viên nữ.
Công tác quản lý học viên và sự phối hợp của nhà trường: việc học viên lên lớp đều đặn và tích cực, chủ động rất cần sự tác động của nhà trường trong quản lý lớp học. Chẳng hạn như việc điểm danh đều đặn, hay thực hiện nghiêm túc việc phụ đạo, học lại, thi hết môn... đều có tác dụng nhất định giúp học viên nghiêm túc hơn trong học tập. Ngoài ra, sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với cơ quan, tổ chức cử học viên đi học có vai trò rất quan trọng.
Tập thể lớp học: mức độ phát triển của tập thể lớp học có thể ảnh hưởng đến quá trình phấn đấu của học viên trong quá trình học tập.
Ngoài ra còn có các yếu tố khác như: dư luận xã hội, ảnh hưởng của kinh tế thị trường, yêu cầu chuẩn hóa cán bộ... cũng tác động đến động cơ và thái độ học tập lý luận chính trị của học viên.
2. Giải pháp xây dựng động cơ, thái độ học tập lý luận chính trị đúng đắn cho học viên ở trường chính trị
Việc xây dựng động cơ, thái độ học tập lý luận chính trị đúng đắn cho học viên ở trường chính trị cần tập trung vào các nội dung sau:
Một là, học viên cần tự xây dựng động cơ học tập lý luận chính trị đúng đắn.
Trong học tập lý luận chính trị, học viên phải xác định được mục đích của việc học đó: Học để làm gì? Thứ tự ưu tiên như thế nào?
Về mục đích và tính cần thiết của học tập lý luận chính trị, học viên cần quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng về học tập lý luận chính trị. Học để làm việc, làm người, làm cán bộ, để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại. Phải xem việc học tập, trong đó có học tập lý luận chính trị là việc làm thường xuyên và lâu dài. “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân”(1). Trong đó, cần xác định mục đích việc học trước hết là nhằm nâng cao trình độ lý luận chính trị, phục vụ công tác tốt hơn. Từ đó, người cán bộ sẽ có nhiều cơ hội để phát triển, thăng tiến. Nếu chỉ coi việc học tập lý luận chính trị để đủ bằng cấp, bổ sung tiêu chuẩn quy hoạch, bổ nhiệm trước mắt thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả học tập.
Việc học lý luận chính trị có thể xuất phát từ nhiều mục đích, nhu cầu. Qua điều tra, khảo sát thực tế, mục đích học lý luận chính trị của học viên là: (i) để nâng cao kiến thức, (ii) để đủ chuẩn bằng cấp cho quy hoạch, bổ nhiệm, (iii) đủ chuẩn bằng cấp cho chức danh hiện tại, (iv) do cơ quan, đơn vị bắt buộc đi học.
Việc xác định đúng đắn mục đích và thứ tự ưu tiên có thể trở thành yếu tố kích thích nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, góp phần xây dựng động cơ và thái độ học tập của học viên.
Hai là, học viên cần tự xây dựng thái độ học tập lý luận chính trị đúng đắn.
Để việc học tập lý luận chính trị đạt kết quả, học viên cần có thái độ tôn trọng bản thân cũng như tôn trọng môi trường học tập. Tôn trọng giá trị bản thân phản ánh qua hình thức bên ngoài và cách ứng xử. Trong lớp học, có học viên lựa chọn trang phục nghiêm túc theo quy chế của nhà trường, thậm chí là đồng phục theo quy định của cơ quan, đơn vị. Song, cũng không ít học viên còn thiếu nghiêm túc trong trang phục khi lên lớp. Sự xem nhẹ này đã tác động nhất định đến động cơ và thái độ học tập của học viên.
Về thái độ ứng xử, học viên cần thể hiện sự tôn trọng mọi người, sẵn sàng tiếp thu, lĩnh hội tri thức mới, không làm việc riêng gây ảnh hưởng người khác, là sự lắng nghe, chia sẻ với những ý kiến khác, sự cầu thị khi ý kiến của mình không được chấp nhận v.v..
Tôn trọng môi trường học tập lý luận chính trị, trước hết học viên phải xây dựng thái độ tôn trọng đối với giảng viên, nhân viên nhà trường, với các học viên khác. Trong thực tế, không hiếm học viên có biểu hiện thiếu tôn trọng giảng viên, nhất là với những giảng viên trẻ, thậm chí còn thể hiện ra bên ngoài bằng hành vi tiêu cực, gây phản cảm trong môi trường học tập và gây bức xúc cho giảng viên.
Học viên cũng cần xây dựng thái độ chủ động, tích cực tham gia học tập lý luận chính trị. Sự chủ động, tích cực thể hiện ở các hoạt động:
Trong thời gian trên lớp, đạt được ít nhất 2/3 các mục tiêu của bài học về kiến thức, kỹ năng, tư tưởng, thái độ; chuẩn bị đầy đủ tài liệu, dụng cụ phục vụ học tập. Thực tế không ít học viên khi lên lớp không mang theo bất kỳ một tài liệu và dụng cụ học tập nào. Đây là những học viên 3 không: không sách, không vở, không bút. Do đó, không ghi chép và thậm chí không nghe. Việc học viên tự đưa mình vào diện 3 không, 4 không hay 5 không phản ánh phần nào thái độ học tập của học viên. Do vậy, sự chủ động chuẩn bị các tài liệu và dụng cụ phục vụ học tập vừa thể hiện thái độ tích cực của học viên, vừa tạo không khí hào hứng cho việc học tập. Chủ động, tích cực tham gia vào bài học, như làm việc nhóm, xử lý tình huống,...
Trong thời gian nghiên cứu thực tế, hoàn thành khóa luận tốt nghiệp và các hoạt động học tập khác, học viên cần tham gia đầy đủ, tập trung nghe hướng dẫn, tìm hiểu thực tế, thu thập thông tin, số liệu để hoàn thiện bài thu hoạch, bảo đảm nội dung bài thu hoạch bám sát với đề tài, đạt yêu cầu đề ra, v.v.; chủ động, tích cực trong tự học, tự nghiên cứu.
Chấp hành nghiêm túc các quy chế, quy định đào tạo, bồi dưỡng của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nội quy của trường chính trị và những văn bản khác có liên quan.
Chủ động, tích cực tham gia các hoạt động, các phong trào của nhà trường, tập thể lớp, tạo mối quan hệ gần gũi, làm chất xúc tác kích thích học viên gắn bó với môi trường học tập hơn, tạo hứng thú, niềm vui mỗi khi học tập.
Ba là, quan tâm đến các yếu tố bên ngoài, giúp học viên xây dựng động cơ, thái độ học tập lý luận chính trị đúng đắn.
Rõ ràng, để có động cơ, thái độ học lý luận chính trị đúng đắn, thì vai trò của học viên là quyết định. Song, cũng không thể thiếu những yếu tố khác, vừa tạo kỷ luật, vừa hỗ trợ, giúp đỡ, tạo không khí vui vẻ, hứng khởi cho môi trường học tập.
Giảng viên là cầu nối quan trọng nhất giúp học viên tiếp cận tri thức mới, tạo hứng khởi, say mê, thích thú cho học viên khi học tập lý luận chính trị. Thí dụ, bài giảng có hình ảnh, thậm chí âm thanh đi kèm, sẽ sống động hơn rất nhiều so với việc chỉ có những hàng chữ trên bảng truyền thống, hay việc vận dụng các phương pháp giảng dạy tích cực, đòi hỏi học viên cùng tham gia sẽ khiến học viên tập trung, nhanh hiểu bài. Mặt khác, việc học viên tích cực tham gia xây dựng bài học lại trở thành động lực giúp giảng viên đầu tư nhiều hơn để nâng cao chất lượng bài giảng.
Do vậy, các giảng viên trường chính trị cần nhận thức đúng đắn về vai trò, vị trí của mình trên lớp, thường xuyên đổi mới bài giảng, nâng cao kiến thức và kỹ năng giảng dạy. Muốn vậy, giảng viên phải thường xuyên đổi mới nhận thức, đổi mới phương pháp, đổi mới nội dung... tự mình phải trở thành một phần trong lớp học, có khả năng thu hút học viên đến lớp và hứng thú với học lý luận chính trị.
Đối với công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng, thời gian qua, để làm tốt công tác này ở trường chính trị, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã ban hành mới nhiều quy định, quy chế. Các trường chính trị đã áp dụng kịp thời vào công tác quản lý. Tuy nhiên, vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra ở một số nội dung, trong đó có quản lý học viên và đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học viên. Việc thực hiện không đầy đủ hoặc chưa nghiêm chính là những kẽ hở, tạo cơ hội cho học viên có thái độ thiếu nghiêm túc.
Những biểu hiện trên nếu kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng học viên coi thường việc học lý luận chính trị, coi thường giảng viên và kỷ cương của nhà trường. Do vậy, các trường chính trị cần thực hiện đầy đủ và nghiêm túc hơn nữa các quy chế, quy định của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và nội quy của nhà trường về quản lý học viên, về đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học viên. Bên cạnh đó, cần đổi mới các cách thức quản lý học viên, đánh giá kết quả học tập của học viên. Thí dụ như trong quản lý học viên, có thể ứng dụng công nghệ hiện đại để thay thế cách thức điểm danh truyền thống... Trong đánh giá kết quả học tập, có thể đổi mới hình thức thi hết học phần, không chỉ là viết tự luận mà cần cân bằng giữa các học phần trong thi tự luận và thi vấn đáp, thậm chí thi trắc nghiệm. Hoặc trong việc đánh giá, chấm điểm khóa luận tốt nghiệp của học viên, có thể tiến tới tổ chức hình thức bảo vệ khóa luận tốt nghiệp với sự tham gia đánh giá và chấm điểm của hội đồng...
Đối với tài liệu, trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập, hiện nay, các trường chính trị chủ yếu vẫn là sử dụng giáo trình do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh biên soạn. Các trường đều có thư viện song vẫn chưa khai thác hiệu quả. Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, các trường chính trị cần quan tâm đổi mới hoạt động của thư viện theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ việc học và nghiên cứu, vừa tạo môi trường hiện đại, vừa tạo điều kiện thuận lợi và hứng khởi cho học viên tiếp cận thông tin. Bên cạnh đó, các trường chính trị cũng cần quan tâm đầu tư trang thiết bị phục vụ dạy và học, như: máy chiếu, nâng cấp hệ thống âm thanh, thiết bị làm mát; phòng học phải đảm bảo rộng rãi, đáp ứng diện tích tối thiểu. Ngoài ra, cần thường xuyên theo dõi công tác quản lý cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học, nhằm kịp thời thay mới hoặc sửa chữa.
Thủ trưởng và cơ quan, đơn vị nơi cử học viên đi học cần nhận thức và quan tâm đúng mức về học tập lý luận chính trị. Trên thực tế hiện nay, không ít trường hợp người đứng đầu cơ quan, đơn vị thiếu quan tâm, không xây dựng kế hoạch cho cán bộ đi học; hoặc đồng ý cho đi học nhưng lại không tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ chuyên tâm học tập. Chẳng hạn, trong quyết định cử đi học, có văn bản ghi nhận “cơ quan, đơn vị tạo điều kiện cho đi học”, theo đó thủ trưởng chỉ đạo mọi người chia sẻ, gánh vác công việc, tạo điều kiện tốt nhất cho người học. Song, cũng có văn bản ghi nhận “người đi học phải tự sắp xếp công việc”, hoặc chỉ đạo trực tiếp “muốn đi học thì phải sắp xếp công việc”... đã gây không ít áp lực cho học viên. Với hình thức đào tạo không tập trung - vừa làm vừa học, song vừa làm vừa học chứ không phải vừa học vừa làm hết. Do vậy, việc người đứng đầu quan tâm, chỉ đạo và cơ quan, đơn vị tạo điều kiện ngay từ đầu cho cán bộ được học và học đầy đủ, sẽ góp phần rất quan trọng giúp học viên có động cơ, thái độ học tập lý luận chính trị đúng đắn.
Nhà trường và cơ quan, đơn vị cử học viên đi học, là hai chủ thể quản lý học viên, cần có sự phối hợp chặt chẽ từ khâu tuyển sinh và xuyên suốt đến khi kết thúc lớp học. Song, ở nhiều trường mối quan hệ này còn lỏng lẻo. Vì vậy, nhà trường cần ban hành quy chế phối hợp với cơ quan, đơn vị cử học viên đi học, có báo cáo định kỳ về kết quả lên lớp, điểm danh, thái độ học tập của học viên... cho cơ quan, đơn vị cử đi học, nhằm uốn nắn kịp thời những biểu hiện thiếu tích cực của học viên.
Đối với tập thể lớp học, thông qua nhiều cách thức khác nhau, khích lệ tinh thần đoàn kết của tập thể lớp, tạo môi trường vui vẻ, hứng thú khi học tập... tác động tích cực đến việc xây dựng động cơ và thái độ học tập đúng đắn của học viên.
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.377.
Nguồn: ThS Phan Thị Thúy Hiển
Trường Chính trị tỉnh Quảng Ngãi
bài rất hấp dẫn
Trả lờiXóa