Chủ Nhật, 2 tháng 7, 2023

Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Bế Văn Đàn (1931 - 1953)

 Đồng chí Bế Văn Đàn (1931-1953), người dân tộc Tày, quê ở xã Quang Vinh (nay là xã Triệu Ấu), huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng, xuất thân trong một gia đình nghèo có truyền thống cách mạng, cha làm thợ mỏ, mẹ mất sớm, lớn lên đồng chí tham gia hoạt động du kích. Tháng 01/1949, anh vào bộ đội, công tác tích cực, bền bỉ, chiến đấu dũng cảm. Đồng chí tham gia hầu hết các chiến dịch lớn trong kháng chiến chống Pháp. Khi hy sinh, đồng chí biên chế thuộc đại đội 674, tiểu đoàn 251, Đại đoàn 316. Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đầu tháng 11/1953, một bộ phận của Đại đoàn 316, Quân đội Nhân dân Việt Nam hành quân lên Tây Bắc giải phóng Lai Châu. Nhận được tin này Navare đã quyết định đánh chiếm Điện Biên Phủ để ngăn chặn bộ đội Việt Nam đánh Lai Châu, từ đó có thể bảo vệ Thượng Lào và Luông Pha Băng.

Ngày 20/11/1953, Thực dân Pháp cho quân nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ. Lúc này Navare vẫn chỉ coi đây là “cuộc hành binh thứ yếu có tính chất phòng vệ chiến lược và mang tính chất chính trị địa phương”. Ngày 06/12/1953, Cogny (chỉ huy lực lượng Pháp tại miền Bắc Việt Nam) ra lệnh cho quân Pháp rút khỏi Lai Châu. Một bộ phận quân Pháp rút bằng đường hàng không về Hà Nội, còn một số rút theo đường bộ về Điện Biên Phủ.

Về phía ta, được tin quân Pháp rút từ Lai Châu và co cụm về Điện Biên Phủ. Ngày 07/12/1953 tại Sở chỉ huy tiền phương (lúc bấy giờ đặt ở hang Thẩm Púa, km15 đường Tuần Giáo - Điện Biên) đã ra lệnh cho Đại đoàn 316 nhanh chóng cho một đơn vị theo đường 41 đánh vào thị trấn Lai Châu, còn đại bộ phận đến Tuần Giáo theo đường tắt qua đèo Pa Phông cắt ngang đường Lai Châu- Điện Biên để tiêu diệt quân Pháp rút lui.

Vào ngày 12/12/1953, bộ đội ta được lệnh tiến đánh và giải phóng thị xã Lai Châu. Sáng ngày 12/12/1953, Đại đội 674, Tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316 tiến xuống Mường Pồn thì phát hiện trong bản có nhiều quân Pháp từ Lai Châu rút về đang tập trung tại đây. Đại đội lập tức tiến hành bao vây và chặn đánh quân Pháp. Lúc đó, khi thấy lực lượng quân ta ít, quân Pháp tập trung lực lượng có máy bay yểm trợ liên tiếp phản kích, đánh bật quân ta để mở đường lui. Cuộc chiến đấu diễn ra căng thẳng và quyết liệt. Quân Pháp liều chết xông lên, các chiến sĩ của ta kiên quyết ngăn chặn, chốt giữ. Trước tình hình đó ta cần có lệnh cho đại đội quyết tâm giữ ở Mường Pồn bằng bất cứ giá nào, để các đơn vị khác triển khai lực lượng. Mặc dù đồng chí Bế Văn Đàn vừa đi công tác về nhưng sẵn sàng nhận nhiệm vụ xuống truyền đạt mệnh lệnh cho đơn vị. Anh đã dũng cảm vượt qua làn mưa bom, bão đạn của quân Pháp, xuống truyền đạt mệnh lệnh cho đại đội kịp thời, chính xác. Trong khi đó, trận chiến đấu diễn ra ngày càng ác liệt hơn, đồng chí được lệnh ở lại đại đội chiến đấu.

Quân Pháp phản kích lần thứ ba, chúng điên cuồng mở đường tiến, đại đội bị thương vong nhiều, chỉ còn 17 người, bản thân Bế Văn Đàn cũng bị thương, nhưng anh vẫn tiếp tục chiến đấu. Một khẩu trung liên của đơn vị không bắn được vì xạ thủ hy sinh. Khẩu trung liên của đồng chí  Chu Văn Pù cũng chưa bắn được vì không có chỗ đặt chân súng, trước tình thế hết sức khẩn trương, không ngần ngại Bế Văn Đàn chạy lại nhấc hai chân súng đặt lên vai mình và hô đồng đội bắn. Đồng chí Pù còn do dự thì Bế Văn Đàn đã nói: “Kẻ thù trước mặt, đồng chí có thương tôi thì bắn chết chúng nó đi, trả thù cho đồng đội”. Pù nghiến răng nhả đạn vào đội hình quân Pháp quật ngã hàng chục tên. Quân Pháp hoảng hốt bỏ chạy, đợt phản kích của quân Pháp bị bẻ gãy. Nhưng trong lúc lấy thân mình làm giá súng, anh Bế Văn Đàn bị hai vết thương nữa và đã anh dũng hy sinh. Anh đã hy sinh trong tư thế khi hai tay vẫn còn ghì chặt hai chân súng trên vai mình. Tấm gương dũng cảm của đồng chí Bế Văn Đàn đã cổ vũ cán bộ, chiến sĩ trên toàn mặt trận hăng hái thi đua giết giặc lập công, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

... “Ngã xuống ở Mường Pồn anh đâu biết có mùa cam,

Anh chỉ biết có dây thép gai đồn giặc

Tôi yêu những con người chưa hình dung ra hạnh phúc,

Lúc đồng đội cần dẫu chết không từ nan”…

                                                          (Tác giả: Chế Lan Viên)

Trong Đại hội mừng công của đơn vị, Bế Văn Đàn được truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất và được bình bầu là Chiến sĩ thi đua số một của tiểu đoàn. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, ngày 31/8/1955, Bế Văn Đàn được Quốc hội nước Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân và Huân chương Quân công hạng Nhì. Tháng 5/1959, Đảng, Nhà nước và nhân dân địa phương tiến hành di chuyển hài cốt của đồng chí Bế Văn Đàn tại Mường Pồn, nơi anh hy sinh quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ A1 - nghĩa trang Liệt sĩ cấp Quốc gia tại thành phố Điện Biên Phủ.

Năm 2006, Di tích Mường Pồn nơi anh hùng Bế Văn Đàn hy sinh đã được trùng tu tôn tạo một số hạng mục như: Biển chỉ dẫn, đường bê tông đi vào di tích, bia, tường bao, đặt bia tưởng niệm nơi anh hùng Bế Văn Đàn hy sinh. Việc trùng tu tôn tạo di tích đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu về tinh thần chiến đấu quả cảm của quân dân Việt Nam nói chung và người anh hùng trẻ tuổi Bế Văn Đàn nói riêng.

Anh hùng Bế Văn Đàn, người con ưu tú của tỉnh Cao Bằng đã anh dũng, chiến đấu hy sinh góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Để tưởng nhớ và tri ân công lao của Anh hùng liệt sĩ Bế Văn Đàn, tên anh được đặt tên cho nhiều con phố và ngôi trường ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Di tích Mường Pồn nơi anh hùng Bế Văn Đàn hy sinh luôn là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần chiến đấu quả cảm của thế hệ cha ông ta trong công cuộc đấu tranh, chống giặc ngoại xâm, bảo vệ quê hương đất nước./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét