Thứ Ba, 18 tháng 7, 2023

Đấu tranh với biểu hiện của chủ nghĩa xét lại hiện đại - nhiệm vụ cấp bách để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

 Chủ nghĩa xét lại là trào lưu tư tưởng - chính trị thù địch, đối lập với chủ nghĩa Mác - Lênin, xuất hiện trong nội bộ phong trào công nhân và cộng sản quốc tế dưới chiêu bài “xét lại”. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở chúng ta: “Cần phải tăng cường giáo dục theo tinh thần chủ nghĩa Mác - Lênin và đấu tranh chống những khuynh hướng cơ hội chủ nghĩa như chủ nghĩa dân tộc tư sản, chủ nghĩa sô vanh, chủ nghĩa giáo điều và chủ nghĩa xét lại, đặc biệt là chủ nghĩa xét lại”1. Vì vậy, nhận diện và đấu tranh với những biểu hiện của chủ nghĩa xét lại hiện đại để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là vấn đề cấp thiết hiện nay.

Đôi nét về chủ nghĩa xét lại trong lịch sử

Chúng ta đều biết, trong từng giai đoạn lịch sử khác nhau, chủ nghĩa xét lại cũng được biểu hiện dưới nhiều hình thức và tên gọi khác nhau, nhưng bản chất của nó không hề thay đổi. Đó là trào lưu tư tưởng đối lập với chủ nghĩa Mác, là tàn dư của tư tưởng tư sản, tiểu tư sản trong phong trào công nhân, là sự phản bội quyền lợi cơ bản lâu dài của phong trào công nhân vì những lợi ích trước mắt, cục bộ của một nhóm người cam tâm đầu hàng trước hệ tư tưởng tư sản. Đại biểu đầu tiên của chủ nghĩa xét lại là E. Béc-stanh ở cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX đã đòi xét lại học thuyết của C. Mác. Ngay từ thời kỳ ấy, chủ nghĩa xét lại đã trở thành một hiện tượng quốc tế nảy sinh không chỉ ở các nước: Đức, Pháp, Bỉ, Nga,... mà còn ở cả những nước khác. Đặc điểm chung của chủ nghĩa xét lại, về lý luận là triết trung, nguỵ biện, pha tạp cả chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm; về chính trị thì xu thời gió chiều nào che chiều ấy; về kinh tế theo quan điểm thực dụng, cục bộ, vụ lợi cá nhân; về hành động thì phiêu lưu, lúc tả, lúc hữu nhưng thủ đoạn chính trị lại rất tinh vi, xảo quyệt, luồn lách để chui sâu, leo cao. Đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa xét lại là sự dao động ngả nghiêng về chính trị, không kiên định những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, khi cách mạng thuận lợi thì tỏ ra “cấp tiến”, khi cách mạng gặp khó khăn thì thoái lui, thỏa hiệp.

V.I.Lênin đã đấu tranh không mệt mỏi và triệt để vạch trần các quan điểm, chỉ rõ mối nguy của chủ nghĩa xét lại; đồng thời, quyết tâm bảo vệ tính cách mạng của chủ nghĩa Mác, góp phần tăng cường và củng cố tính cách mạng trong phong trào công nhân quốc tế. V.I. Lênin khẳng định: “Khi nói đến đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội thì không được bao giờ quên đặc điểm của tất cả chủ nghĩa cơ hội hiện đại trong mọi lĩnh vực là: nó mang tính chất không rõ ràng, lờ mờ và không thể hiểu nổi. Do bản chất của mình, phái chủ nghĩa cơ hội bao giờ cũng tránh đặt vấn đề một cách rõ ràng và dứt khoát, bao giờ nó cũng trên con đường trung dung, nó quanh co uốn khúc như con rắn nước giữa hai quan điểm đối chọi nhau. Nó tìm cách “thỏa thuận” với cả quan điểm này với quan điểm kia, nó quy những sự bất đồng ý kiến của mình lại thành những điều sửa đổi nhỏ nhặt, những sự hoài nghi, những nguyện vọng thành tâm và vô hại, v.v.”2.

Đặc trưng của chủ nghĩa xét lại hiện đại

Mỗi giai đoạn lịch sử, chủ nghĩa xét lại có những nội dung biểu hiện cụ thể khác nhau tùy theo so sánh lực lượng và hoàn cảnh cụ thể của cuộc đấu tranh giai cấp. Chủ nghĩa xét lại hiện đại ngày nay có những nội dung biểu hiện chủ yếu sau:

Thứ nhất, phủ nhận học thuyết Mác - Lênin về giai cấp và đấu tranh giai cấp. Hiện nay, dưới tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư làm cho cơ cấu giai cấp xã hội có sự biến đổi sâu sắc,... những người theo chủ nghĩa xét lại cho rằng, quan niệm về giai cấp và đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Mác - Lênin đã lỗi thời. Theo họ, cách mạng vô sản và chuyên chính vô sản là tàn bạo, cực quyền, không dân chủ. Họ đi tới kết luận phải chung sống hòa bình với chủ nghĩa đế quốc, phải “ưu tiên” lợi ích toàn nhân loại. Vì vậy, họ bắt tay thỏa hiệp vô nguyên tắc với chủ nghĩa đế quốc.

Thứ hai, từ bỏ chủ nghĩa quốc tế vô sản, tước mất bản chất giai cấp của chủ nghĩa quốc tế vô sản, chỉ còn lại những lời kêu gọi chung chung vô nguyên tắc; là sự thỏa hiệp đầu hàng đối với chủ nghĩa đế quốc. Đồng thời, những người xét lại đề cao quá mức thứ chủ nghĩa dân tộc: cực đoan, hẹp hòi, sô vanh nước lớn.

Thứ ba, từ bỏ xây dựng chủ nghĩa xã hội theo học thuyết chủ nghĩa xã hội khoa học. Họ đưa ra chiêu bài “ủng hộ quan điểm sáng tạo đối với lý luận và thực tiễn chủ nghĩa xã hội, chủ trương xây dựng, phát triển chúng theo con đường “cải biến” chủ nghĩa xã hội hòa nhập với chủ nghĩa xã hội dân chủ, trở thành lệ thuộc vào hệ tư tưởng tư sản. Với “tư duy chính trị mới”, họ đưa ra sự lựa chọn là “chủ nghĩa xã hội nhân đạo và dân chủ” và cho rằng đó là một xã hội duy nhất đem tới cuộc sống xứng đáng. Thực chất xã hội họ chọn vẫn nằm trong khuôn mẫu của chủ nghĩa xã hội, nhưng chấp nhận những cải biến xã hội trong giới hạn duy trì trật tự tư bản chủ nghĩa.

Thứ tư, từ bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Những người theo chủ nghĩa xét lại đòi đảng phải chấm dứt sự độc quyền về chính quyền và quản lý, đòi “đa nguyên chính trị”, “đa đảng đối lập”, tước bỏ quyền lãnh đạo của đảng trên thực tế dẫn tới phá sập chế độ xã hội chủ nghĩa, làm tan rã hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa.

Thứ năm, phủ nhận sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Họ cho rằng trong thời đại phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, trí thức mới là người giữ vai trò lãnh đạo cách mạng, có sứ mệnh lịch sử toàn thế giới thay giai cấp công nhân. Ngoài ra, họ còn xuyên tạc lý luận về hình thái kinh tế xã hội, thời đại, v.v. Như vậy, nội dung bao quát của chủ nghĩa xét lại ngày nay là phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin trên những vấn đề cơ bản, cốt lõi nhất, phá hoại nghiêm trọng chủ nghĩa xã hội hiện thực, làm suy yếu phong trào cách mạng thế giới.

Một số biểu hiện của chủ nghĩa xét lại ở Việt Nam

Ở Việt Nam, chủ nghĩa xét lại không có cơ sở kinh tế, chính trị - xã hội để tồn tại dưới dạng “chủ nghĩa”, nó chỉ tồn tại với tính cách là quan điểm, tư tưởng không thành hệ thống lý luận, không nhất quán và biểu hiện ở lời nói, trang viết và hành động,... của một số người, một số tổ chức phi pháp. Vào những năm 1930 (thế kỷ XX), điển hình là nhóm tơ-rốt-xkít, gồm những phần tử: Hồ Hữu Tường, Tạ Thu Thâu, Trần Văn Thạch, Phan Văn Hùm,... đã chống lại chủ trương của Đảng Cộng sản Đông Dương; đồng thời, đưa ra những khẩu hiệu “tả” để lừa bịp, lôi kéo quần chúng, làm cho nhân dân lầm tưởng họ là những người cách mạng - đó là thứ chủ nghĩa cơ hội chính trị. Kịp thời phê phán, đấu tranh chống lại sự phá hoại của nhóm tơ-rốt-xkít ở Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chỉ rõ: “Bọn tờ-rốt-xkít không chỉ là kẻ thù của chủ nghĩa cộng sản, mà còn là kẻ thù của nền dân chủ và tiến bộ. Đó là bọn phản bội và mật thám tồi tệ nhất”3. Đặc biệt, đầu những năm 1980 (thế kỷ XX) đất nước ta lâm vào khủng hoảng kinh tế, xã hội sâu sắc, Đảng ta đã khởi xướng công cuộc đổi mới. Chính lúc đất nước vô vàn khó khăn, một số người miệng hô đổi mới nhưng lại xa rời nguyên tắc, từ bỏ định hướng xã hội chủ nghĩa “thay hướng, đổi lòng”, tráo trở “phản bội” lý tưởng.

Hiện nay, “... bên cạnh những thành tựu đạt được, chúng ta cũng còn nhiều hạn chế, khuyết điểm”4 trong bối cảnh quốc tế, khu vực còn tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định; các thế lực thù địch tăng cường chống phá cách mạng Việt Nam,… là mảnh đất màu mỡ để những kẻ xét lại có điều kiện trỗi dậy như “nấm độc sau mưa” với những biểu hiện chính là:

Về sự lựa chọn con đường phát triển của Việt Nam. Trước những vấn đề lớn, phức tạp, cùng một số hạn chế, yếu kém của đất nước chậm được khắc phục,… những phần tử xét lại cho rằng “Đảng Cộng sản Việt Nam đã sai lầm khi lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội”, họ coi “Chủ nghĩa xã hội mác xít cũng chỉ để tuyên truyền, mơ mộng, phải từ bỏ”5. Và rằng, chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ là phương tiện, độc lập dân tộc là mục đích; Cụ Hồ mượn chủ nghĩa Mác - Lênin (phương tiện) để đạt mục đích (độc lập dân tộc), nay mục đích đã đạt được thì từ bỏ phương tiện ấy mới là thức thời, v.v. Từ đó, họ phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Về nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Những kẻ xét lại cho rằng, C. Mác, Ph. Ăngghen, V.I. Lênin, Hồ Chí Minh đã tự phủ nhận nhận thức của mình về chủ nghĩa xã hội. Bằng thủ đoạn viện dẫn theo kiểu cắt ghép, xuyên tạc một số ý kiến của C. Mác, Ph. Ăngghen, V.I. Lênin, Hồ Chí Minh để “chứng minh” cho thủ đoạn xét lại toàn bộ những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin về chủ nghĩa xã hội, từ đó phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng ta là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Về vấn đề lịch sử. Thủ đoạn quen thuộc của những phần tử xét lại là xuyên tạc, bôi đen lịch sử tiến đến phủ nhận lịch sử, nhất là những thành quả hào hùng của cách mạng Việt Nam; thậm chí một số trí thức, nhà khoa học, nhất là khoa học lịch sử thoái hóa, biến chất đã từ bỏ tính giai cấp, tính Đảng và tính khách quan khi nghiên cứu lịch sử, cố tình “lật sử”. Họ tìm mọi cách để xuyên tạc lịch sử, “giải thiêng lịch sử”, “giải thiêng anh hùng dân tộc”, hạ bệ lãnh tụ, nói xấu Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng thời, cổ súy, tô hồng công lao của những kẻ đã từng làm tay sai cho giặc, những kẻ nợ máu với đồng bào ta, v.v.

Những vấn đề trên cho thấy, ở nước ta đang có sự trỗi dậy của tư tưởng xét lại và những kẻ xét lại - một nguy cơ hiện hữu, cần được nhận rõ và đấu tranh kịp thời.

Những vấn đề có tính nguyên tắc trong đấu tranh với những biểu hiện của chủ nghĩa xét lại ở Việt Nam hiện nay

Chủ nghĩa xét lại không phải là “định mệnh” đối với tất cả các đảng cộng sản; sự xuất hiện của nó phản ánh tính chất gay go, quyết liệt của cuộc đấu tranh giai cấp giữa giai cấp công nhân với giai cấp tư sản. Vì vậy, để đấu tranh giành thắng lợi phải luôn tuân theo những vấn đề có tính nguyên tắc sau:

Một làkiên định chủ nghĩa Mác - Lênin và đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân. Trong xã hội có giai cấp và đấu tranh giai cấp, không có khoa học nào vô tư đứng trên giai cấp, đứng ngoài chính trị mà đều phải phục vụ mục đích chính trị của giai cấp nhất định - giai cấp thống trị xã hội. Do đó, thiếu một lập trường kiên định, vững vàng thì sớm muộn sẽ rơi vào những quan điểm sai lầm của chủ nghĩa xét lại và bị giai cấp tư sản đánh gục. Chỉ kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin và đứng vững trên lập trường giai cấp công nhân mới có thế giới quan khoa học, phương pháp luận biện chứng, nhân sinh quan cách mạng để xem xét, nhận định, phân tích một cách khách quan toàn diện các hiện tượng chính trị - xã hội đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ trên thế giới, khu vực và trong nước để có thái độ, trách nhiệm và đề ra quyết sách chính trị đúng đắn, giải quyết hợp lý, hợp tình mọi vấn đề chính trị - xã hội. Vì vậy, để đấu tranh giành thắng lợi, chúng ta phải kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đồng thời, kiên trì đứng vững trên lập trường giai cấp công nhân, đấu tranh cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, phấn đấu xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới.

Hai làthường xuyên xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Đảng phải lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động. Phải vận dụng một cách khoa học, sáng tạo nền tảng tư tưởng đó vào những điều kiện lịch sử, cụ thể, từng thời điểm thích hợp. Đồng thời, phải tuân thủ những nguyên tắc xây dựng Đảng kiểu mới của chủ nghĩa Mác - Lênin làm tốt công tác tư tưởng, công tác tổ chức, cán bộ để toàn Đảng tạo thành một khối thống nhất về ý chí và hành động, thực sự là lãnh tụ chính trị, bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp công nhân, của cả dân tộc Việt Nam.

Ba làtăng cường giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối chính sách của Đảng, làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh giữ địa vị thống trị trong đời sống tinh thần xã hội, tạo chất miễn dịch tư tưởng cho quần chúng để chống lại mọi âm mưu, thủ đoạn của chủ nghĩa xét lại. Đặc biệt, chú ý giáo dục lý tưởng cách mạng, động cơ phấn đấu cho thế hệ trẻ, vì chính họ sẽ là người chủ tương lai đất nước và thế hệ kế tục để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.

Bốn làkết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu lý luận với tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận. Phải thường xuyên lấy lý luận cách mạng soi rọi, dẫn đường cho thực tiễn phát triển đúng hướng, đúng quy luật; đồng thời, phải thông qua thực tiễn để bổ sung, hoàn thiện và phát triển lý luận, nhất là phát hiện kịp thời những vấn đề nảy sinh, bất cập để sửa chữa kịp thời, tránh giáo điều, máy móc hoặc lợi dụng “đổi mới”, “phát triển” để từng bước xa rời những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Năm làkết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh với quan điểm, tư tưởng chống chủ nghĩa xã hội và đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, xét lại. Sở dĩ như vậy, bởi hai đối tượng đấu tranh này thường cấu kết với nhau, dựa vào nhau để chống phá chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ nghĩa xã hội hiện thực và phong trào cách mạng thế giới. Trong đó, việc đấu tranh với quan điểm, tư tưởng chống chủ nghĩa xã hội phải kiên quyết, triệt để, không khoan nhượng. Nhưng đối với chủ nghĩa cơ hội, xét lại phải hết sức thận trọng, cứng rắn về nguyên tắc, mềm dẻo về sách lược, biết tôn trọng, chờ đợi và không can thiệp vào công việc nội bộ từng đảng để tránh đẩy bạn thành thù, tạo ra mâu thuẫn trong nội bộ phong trào Đảng Cộng sản và công nhân quốc tế.

Sáu lànêu cao tinh thần đoàn kết quốc tế, phối hợp chặt chẽ cả hành động và lời nói trong cuộc đấu tranh vì lợi ích chung. Quá trình thực hiện, phải luôn nắm chắc tình hình; chủ động vận dụng, triển khai nhiều biện pháp phối hợp sáng tạo, phù hợp; tiến hành một cách thường xuyên ở mọi nơi, mọi lúc, tạo đoàn kết, thống nhất cao cả ở trong nước, khu vực và quốc tế, nhằm tạo sức mạnh tổng hợp trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, những biểu hiện của chủ nghĩa xét lại gắn với cuộc đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Đấu tranh có hiệu quả những biểu hiện của chủ nghĩa xét lại hiện đại dưới mọi màu sắc là nhiệm vụ có tính chất mở đường, đóng vai trò rất quan trọng đối với sự thắng lợi của mặt trận đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay.

Đại tá NGUYỄN TUẤN KHANG, Phó Chủ nhiệm chính trị, Tổng cục Hậu cần

1 nhận xét:

  1. Chúng ta phải nâng cao cảnh giác với các luận điệu chống phá của các thế lực thù địch; đồng thời tích cực đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu thủ đoạn hiểm độc, tinh vi của chúng.

    Trả lờiXóa