Công tác cải cách hành chính của Nhà nước trong những năm qua có sự tiến bộ rõ rệt trên các lĩnh vực của đời sống, xã hội. Các thủ tục hành chính được tối giản, thông thoáng hơn, nhưng vẫn đảm bảo được tính chặt chẽ, an toàn, hiệu quả. Tuy nhiên, trong triển khai thực hiện vẫn còn những “hạt sạn” không đáng có, gây phiền hà cho tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp và người dân.
Xoay quanh chuyện này, mới đây anh B có bố đẻ mất ở quê. Lo hậu sự cho cụ xong, anh trở lại cơ quan, mọi người tiếp tục hỏi thăm, chia buồn, anh nói: hiện nay dịch vụ tang lễ ở quê tiện lắm, chế độ mai táng phí của Nhà nước và tỉnh khá tốt nên gia đình đỡ vất vả, tốn kém. Đơn cử như tiền hỏa táng hết 11 triệu đồng, tỉnh đã hỗ trợ 10 triệu đồng; ngoài ra, gia đình còn được thụ hưởng chế độ mai táng phí của Nhà nước gồm: 03 tháng lương, 03 tháng tiền trợ cấp thương binh và tiền cán bộ tiền khởi nghĩa của cụ, nên cũng khá.
Anh C mau miệng nói: thế thì tốt quá anh nhỉ? Anh B trả lời: cái đó thì rõ rồi. Có điều để nhận được tiền thụ hưởng chính sách cũng không đơn giản, thủ tục giấy tờ phiền hà lắm!
Mọi người có vẻ chưa hiểu, hỏi lại: có gì mà phiền hà hả anh?
Theo đà câu chuyện, anh thong thả giãi bày như để trút đi những ưu phiền chất chứa trong lòng. Chả là, sau khi mai táng cho cụ xong, anh B đã ủy quyền cho cô em ở quê làm các thủ tục nhận tiền mai táng phí, nhưng bản thân anh cũng phải “chạy đi, chạy về” ba, bốn lần để lo thủ tục giấy tờ mà vẫn chưa xong. Khổ nỗi, nhân viên làm công tác chính sách của phường hướng dẫn không đầy đủ ngay từ đầu, nên cứ phải làm đi làm lại vì thiếu hoặc sai thông tin. Đối với người ủy quyền, ngoài việc kê khai mã số căn cước, thẻ bảo hiểm y tế, hệ số lương, địa chỉ, còn phải có giấy chứng thực của địa phương nơi cư trú. Tất nhiên, không chỉ một mình anh, mà các con đẻ của cụ (là người ủy quyền) đều phải có đầy đủ những giấy tờ đó. Ngoài ra, còn phải kê khai tuổi của người sinh ra cụ. Cũng may anh chị em trong nhà có ít người ở tỉnh xa nên còn đỡ, chứ nếu ở miền Nam hoặc nước ngoài thì không biết sẽ ra sao - anh nói.
Tôi có ý thắc mắc, sao thủ tục phiền phức thế? Hay cô em nhà anh ứng xử với họ chưa “chu đáo”. Anh B phân trần: không hẳn thế, cô ấy nói đã ứng xử “chu đáo” như các trường hợp khác nhưng họ bảo giấy tờ phải trình cấp trên ký duyệt, nên nếu sai sót thông tin thì sẽ phải làm lại từ đầu. Tôi không biết nói sao, nhưng cảm thấy không thoải mái. Đúng là chuyện tưởng như “đơn giản mà không đơn giản” chút nào.
Nghe vậy, cậu K nói: em không nghĩ thế! Chuyện vừa kể của gia đình anh B có khá nhiều, thậm chí là “chuyện thường ngày ở… cơ sở” ấy mà! Phải nói rằng, so với trước đây, chế độ, chính sách của Nhà nước ngày càng tốt hơn, không có gì phải bàn. Việc giải quyết thực ra cũng đơn giản. Sở dĩ, còn ách tắc, gây phiền hà cho dân là do tổ chức thực hiện chưa tốt, có nhiều quy định không thật cần thiết, rườm rà, chồng chéo; thêm vào đó, trách nhiệm của người trực tiếp làm công tác này chưa cao, chưa có tinh thần vì dân. Tất nhiên, thủ tục hành chính cần phải đầy đủ, chặt chẽ nhưng đến quá mức cần thiết thì lại rất không nên, sẽ làm cho sự việc trở nên phức tạp.
Nghe xong, mọi người không bày tỏ gì thêm, nhưng tôi nghĩ có lẽ cậu K nói đúng. “Nút thắt” của vấn đề là ở đó. Nếu cởi được “nút thắt” này thì sự việc vốn đơn giản sẽ không trở nên phức tạp, tạo thuận lợi cho các hoạt động đời sống, xã hội. Đó cũng là mục tiêu cải cách hành chính mà Nhà nước ta đang hướng tới.
HÀ ANH
bài viết rất hay
Trả lờiXóa