Hiện nay, ở Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng duy nhất cầm
quyền, lãnh đạo chính trị, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Để làm rõ vấn đề, chúng ta
phân tích và làm rõ những cơ sở khoa học, thực tiễn trên các khía cạnh sau.
Một là, mục đích của Đảng Cộng sản Việt Nam là lãnh đạo đất nước phát
triển.
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là kết quả sự hợp nhất của 3 tổ chức cách
mạng tiền thân là Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông
Dương Cộng sản Liên đoàn. Trước khi hợp nhất, các tổ chức này hoạt động độc lập
và có hiện tượng tranh chấp sự ảnh hưởng trong quần chúng và mỗi tổ chức đều
muốn đứng ra thống nhất các tổ chức cộng sản. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt
Nam đã chấm dứt tình trạng phân tán lực lượng, tạo sự thống nhất về tổ chức trong
cả nước, nâng tầm ảnh hưởng và vị thế của Đảng. Đảng trở thành hiện thân đại
diện tiêu biểu cho lợi ích của toàn thể giai cấp công nhân, nhân dân lao động và
dân tộc Việt Nam.
Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam ghi rõ: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội
tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao
động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân,
của nhân dân lao động và của dân tộc”. Ngoài lợi ích trên, Đảng Cộng sản Việt
Nam không còn lợi ích nào khác.
Mục đích của Đảng là “Xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu
mạnh, xã hội công bằng, văn minh, không còn người bóc lột người, thực hiện thành
công chủ nghĩa xã hội và cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản”.
Hai là, Đảng đã tìm ra định hướng phát triển và trực tiếp lãnh đạo các cuộc
cách mạng để phát triển.
Trong những năm của thập niên 1920, cách mạng Việt Nam rơi vào bế tắc,
tưởng như không có đường ra. Nhiều sĩ phu yêu nước, nhiều phong trào cách mạng
đưa ra những lựa chọn để giải phóng dân tộc, phát triển đất nước, song tựu trung,
tất cả đều thất bại. Giữa lúc đen tối ấy, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, rẽ đám
mây mù, chỉ ra con đường duy nhất đúng đắn để giải phóng dân tộc, đưa giống nòi
bước qua lầm than, nô lệ. Trong Luận cương chính trị đầu tiên của Đảng (tháng 10-
1930) xác định phương hướng chiến lược của cách mạng là: Lúc đầu là cuộc cách
mạng tư sản dân quyền, sau đó tiếp tục phát triển, bỏ qua thời kỳ tư bản chủ nghĩa,
tiến thẳng lên con đường xã hội chủ nghĩa. Hai nhiệm vụ chiến lược của cách
mạng là đánh đổ đế quốc và phong kiến có quan hệ khăng khít với nhau. Động lực
cách mạng là giai cấp vô sản và giai cấp nông dân. Lãnh đạo cách mạng là giai cấp
vô sản với đội tiên phong của nó là Đảng Cộng sản.
Với đường lối chiến lược, sách lược đúng đắn, vì vậy mới 15 tuổi, Đảng
lãnh đạo nhân dân đứng lên làm cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành
công, lật đổ ách thống trị của chế độ thực dân phong kiến, thiết lập nhà nước dân
chủ đầu tiên ở Đông Nam Á, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc Việt
Nam-kỷ nguyên độc lập, tự do.
Sau khi vừa mới ra đời, chính quyền cách mạng non trẻ đã phải đối phó với
một tình thế hết sức hiểm nghèo, hàng loạt nguy cơ, thách thức tưởng chừng khó
có thể vượt qua. Đó là nguy cơ của “giặc đói”, “giặc dốt” và đặc biệt là “giặc ngoại
xâm”. Trong tình hình đó, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những quyết
sách đúng đắn, sáng suốt trong việc phát huy các yếu tố thuận lợi, hạn chế và vượt
qua khó khăn, kịp thời có đối sách thích hợp để ứng phó với những thách thức đe
dọa sự tồn vong của chính quyền cách mạng non trẻ, xây dựng chế độ mới, đưa
cách mạng đi lên.
Kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp với thắng lợi thuộc về nhân
dân ta, Hiệp định Geneva năm 1954 được ký kết, nước Việt Nam tạm thời bị chia
cắt thành hai miền, với hai chế độ chính trị khác nhau. Miền Bắc hoàn toàn được
giải phóng. Cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đã hoàn thành, tạo điều kiện
cho miền Bắc bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Ở miền Nam, tháng 5-
1956, Pháp rút quân khỏi miền Nam khi chưa thực hiện cuộc hiệp thương tổng
tuyển cử thống nhất hai miền Nam-Bắc. Mỹ vào thay chân Pháp, đưa Ngô Đình
Diệm lên nắm chính quyền, âm mưu chia cắt lâu dài nước Việt Nam, biến miền
Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ.
Nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam lúc này được Đảng ta xác định là: Tiến
hành đồng thời hai chiến lược cách mạng ở hai miền: Cách mạng xã hội chủ nghĩa
ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới hòa bình,
thống nhất Tổ quốc. Cách mạng hai miền có quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhau,
phối hợp với nhau, tạo điều kiện cho nhau phát triển. Đó là quan hệ giữa hậu
phương với tiền tuyến.
Với Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, nước ta đã kết thúc thắng lợi 21
năm chiến đấu chống Mỹ, cứu nước và 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo
vệ Tổ quốc (1945-1975), chấm dứt ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc, hoàn thành
cuộc cách mạng dân chủ nhân dân trong cả nước, thống nhất Tổ quốc.
Sau chiến tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đất nước ta gặp
muôn vàn khó khăn, Đảng đã lãnh đạo nhân dân vừa ra sức khôi phục kinh tế, vừa
tiến hành hai cuộc chiến tranh chống xâm lược biên giới phía Bắc và Tây Nam,
bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; đồng thời tập trung lãnh đạo
xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội, từng bước hình thành cơ cấu kinh tế
mới trong cả nước, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân lao động.
Ba là, thực tế đất nước đạt nhiều thành tựu và phát triển không ngừng.
Trên cơ sở đánh giá tình hình đất nước và qua quá trình tìm tòi, khảo
nghiệm, Đại hội VI của Đảng (tháng 12-1986) đã đưa ra đường lối đổi mới toàn
diện đất nước, mở ra bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa
xã hội ở nước ta.
Những thành tựu của gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới đã tiếp tục
khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo. Những thành tựu
to lớn và có ý nghĩa lịch sử là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo của Đảng và nhân
dân ta, khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với
thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; khẳng định sự lãnh đạo đúng
đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Tất cả những gì Đảng Cộng sản Việt Nam làm đều vì lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia và vì nhân dân Việt Nam
Trả lờiXóa