Các luận điệu chống phá cho rằng: Việt Nam muốn giàu có, thịnh vượng thì phải dũng cảm từ bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, từ bỏ con đường xã hội chủ nghĩa(!). Đáng tiếc, những quan điểm, luận điệu như vậy vẫn được một số người, trong đó có những trí thức có học hàm học vị ở trong nước cổ súy.
Với mưu đồ phá
hoại, từ lâu các thế lực thù địch, phản động đã sử dụng nhiều chiêu trò chống
phá Đảng, Nhà nước; xuyên tạc, phủ nhận nền tảng tư tưởng và những thành quả
cách mạng. Trong số đó, có những quan điểm cho rằng, chủ nghĩa xã hội (CNXH) là
nghèo khổ vì “chủ nghĩa Mác - Lênin dị ứng với sự giàu có”; rằng Việt Nam
“không chịu phát triển”, “không thể phát triển” bởi Việt Nam “lạc nhịp” với thế
giới, “sa lầy trong tư duy” về chủ nghĩa Mác - Lênin và CNXH. Theo đó, họ rêu
rao, Việt Nam muốn giàu có, thịnh vượng thì phải dũng cảm từ bỏ chủ nghĩa Mác -
Lênin, từ bỏ con đường xã hội chủ nghĩa (XHCN)(!). Đáng tiếc, những quan điểm,
luận điệu như vậy vẫn được một số người, trong đó có những trí thức có học hàm,
học vị ở trong nước cổ súy.
Thực ra, cả lý
luận và thực tiễn, cả logic và lịch sử trên thế giới cũng như ở Việt Nam đều
bác bỏ những quan điểm nói trên.
Thứ nhất, về
mặt tư tưởng, lý luận, chủ nghĩa Mác - Lênin không dị ứng với giàu có, thịnh
vượng như một số người xuyên tạc. Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác và
Ph.Ăngghen viết rõ: “Chủ nghĩa cộng sản không tước bỏ của ai cái khả năng chiếm
hữu những sản phẩm xã hội cả. Chủ nghĩa cộng sản chỉ tước bỏ quyền dùng sự
chiếm hữu ấy để nô dịch lao động của người khác”(1). Chủ nghĩa Mác - Lênin
tuyên bố công khai mục đích của phong trào XHCN hiện đại là xây dựng xã hội mới
giàu có, thịnh vượng cho đa số nhân dân chứ không phải một xã hội trong đó “sự
áp bức và lao động kiệt sức đối với đa số, sự giàu có và hạnh phúc ấm no đối
với một số ít người”(2). Theo Mác, trong giai đoạn đầu của xã hội cộng sản (xã
hội XHCN) không tránh khỏi “người này giàu hơn người kia”(3)…
V.I.Lênin
viết: “Xét đến cùng, thì năng suất lao động là cái quan trọng nhất, chủ yếu
nhất cho thắng lợi của chế độ mới”(4).Từ thực tiễn cách mạng Nga, V.I.Lênin cho
rằng, giải pháp chiến lược để từng bước tạo ra năng suất lao động cao hơn chủ
nghĩa tư bản (CNTB) chính là thực hiện Chính sách kinh tế mới. Đây là chính
sách kinh tế nhiều thành phần - đặc trưng cho toàn bộ thời kỳ quá độ lên CNXH.
Theo đó, người cộng sản cũng phải học cách buôn bán, học cách tổ chức lãnh đạo,
quản lý, khai thác, phát huy mọi nguồn lực, mọi thành phần kinh tế, xã hội để
phát triển sản xuất, xây dựng nền sản xuất lớn công nghiệp hiện đại. Người cộng
sản phải biết làm giàu trí tuệ của mình “bằng sự hiểu biết tất cả những kho
tàng tri thức mà nhân loại đã tạo ra”(5); phải “dùng cả hai tay mà hứng lấy
những cái tốt của nước ngoài”(6); phải “đưa chủ nghĩa xã hội vào cuộc sống hằng
ngày”(7)...
Vận dụng sáng
tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện Việt Nam, Hồ Chí Minh nêu rõ: “xã hội
ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt, đó là chủ
nghĩa xã hội”(8); “Xã hội chủ nghĩa là ai cũng được làm việc, được ăn no mặc
ấm, được học hành, người già yếu thì được giúp đỡ, các cháu bé thì được săn
sóc. Nói tóm lại, xã hội chủ nghĩa là sung sướng ấm no”(9). Điều mong muốn cuối
cùng trong bản Di chúc lịch sử, Người cũng viết: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn
kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ
và giàu mạnh...”(10)…
Như vậy, chủ
nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh quan niệm CNXH là xã hội giàu có về mọi
phương diện và giàu có cho số đông, hơn hẳn CNTB và là sự thay thế hợp quy luật
đối với CNTB. Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chủ trương xóa áp
bức, bóc lột, lạc hậu, bất công, nghèo khổ chứ không hề dị ứng với giàu có,
thịnh vượng, không hề chủ trương “xóa giàu”như một số người lầm tưởng, suy
diễn, xuyên tạc.
Thứ hai, về
mặt thực tiễn, Liên Xô và nhiều nước XHCN trước đây đã vận dụng chủ nghĩa Mác -
Lênin và chứng minh rằng, giàu có, thịnh vượng cho đất nước và đông đảo nhân
dân không chỉ là mơ ước, lý tưởng, khát vọng cháy bỏng; không chỉ là chủ
trương, chính sách của các Đảng Cộng sản, của các Nhà nước XHCN mà đã từng là
hiện thực lịch sử sinh động ở một số quốc gia.
Sau cách mạng
Tháng Mười năm 1917, từ đống đổ nát bởi chiến tranh, với một nền kinh tế kiệt
quệ, đầy tàn tích nông nô, nước Nga Xô viết (từ 1922 là Liên Xô) đã nhanh chóng
vươn lên thành cường quốc. Đến năm 1932, Liên Xô trở thành nước công nghiệp,
trong đó, sản phẩm công nghiệp chiếm 70,7% tổng sản phẩm nền kinh tế quốc dân. Trong
5 năm (1927-1932), thu nhập quốc dân tăng 85%; chi phí của Nhà nước về bảo hiểm
xã hội và y tế tăng 4 lần; ngày làm việc của công nhân giảm xuống 7h/ngày; hoàn
thành phổ cập giáo dục tiểu học, 98% trẻ em từ 8-11 tuổi đã được cắp sách đến
trường; nạn mù chữ đã được thanh toán; đại đa số người lớn biết đọc, biết
viết(11). Sau chiến tranh thế giới II, một số nước XHCN ra đời và cũng có tốc
độ phát triển kinh tế - xã hội nhanh chóng.
Đến năm 1970,
chỉ tính riêng các nước XHCN ở châu Âu đã chiếm 40% sản lượng công nghiệp thế
giới, 1/3 giá trị xuất khẩu toàn thế giới; 4 nước XHCN được xếp trong số 20
nước phát triển của thế giới là Liên Xô, Cộng hòa dân chủ Đức, Cộng hòa nhân
dân Ba Lan, Cộng hòa XHCN Tiệp Khắc; Liên Xô trở thành một trong hai siêu cường
của thế giới (Xô - Mỹ)(12). Liên Xô và các nước XHCN không chỉ có tốc độ phát
triển kinh tế, công nghiệp nhanh, không chỉ đạt nhiều thành tựu về khoa học -
công nghệ, văn hóa - nghệ thuật mà còn thực thi hệ thống chính sách xã hội tất
cả vì con người, nhất là chính sách về lao động, việc làm cho mọi người; chính
sách giáo dục, y tế không mất tiền; chính sách ưu tiên đối với trẻ em, phụ nữ,
người già và dân tộc thiểu số... Những ưu việt này không chỉ đem lại sự thụ
hưởng hạnh phúc cho nhân dân các nước XHCN mà còn là mục tiêu hấp dẫn, vẫy gọi
đấu tranh đối với công nhân, lao động trên thế giới. Trước áp lực đấu tranh của
người lao động, các chính đảng và nhà nước tư sản buộc phải điều chỉnh chủ
trương, chính sách kinh tế xã hội theo hướng coi trọng hơn các phúc lợi xã hội…
Cần nói thêm
rằng, Liên Xô và các nước XHCN đi lên từ điểm xuất phát thấp, xây dựng CNXH
trong sự bao vây, chống phá điên cuồng của thế giới tư bản nhưng nhờ vào trí
tuệ, ý chí, sự nỗ lực sáng tạo của đông đảo công nhân lao động trong tư cách,
vị thế, niềm tin của những người làm chủ xã hội mà có được sự phát triển nhanh
chóng và đạt được những thành quả vĩ đại. Cho dù, vì nhiều nguyên nhân, trong
đó có nguyên nhân do những người lãnh đạo cao nhất trong bộ máy đảng, nhà nước
XHCN xa rời, thậm chí từ bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin, phản bội CNXH khiến từ cuối
thập niên 80 đầu 90 của thế kỷ XX, Liên Xô tan rã, chế độ XHCN ở Đông Âu thất
bại thì cũng không thể phủ nhận sự thật lịch sử là chính chủ nghĩa Mác-Lênin,
CNXH, chứ không phải CNTB đã từng đưa một số quốc gia dân tộc vượt qua lạc hậu,
vươn lên phát triển, giàu mạnh; đưa Liên Xô trở thành một trong hai siêu cường
của thế giới. Qua 30 năm, kể từ khi Liên Xô tan rã, đến nay vẫn chưa thấy khả
năng nước Nga và các quốc gia, dân tộc tư bản trong không gian Liên Xô cũ tìm
lại, phục hưng được vị trí siêu cường thế giới như thời Liên Xô. Một số nước
trong không gian Liên Xô cũ đã và đang rơi vào cảnh trì trệ, bất ổn, xung
đột...
Trong khi đó,
cũng lâm vào trì trệ, khủng hoảng kinh tế - xã hội, cũng đi vào cải cách, mở
cửa, đổi mới như Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu, nhưng một số nước khác,
trong đó có Trung Quốc và Việt Nam lại thành công. Một trong những bí quyết đem
lại thành công là kiên định mục tiêu, kiên trì con đường XHCN, kiên định và vận
dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, kiên trì sự lãnh đạo của Đảng
Cộng sản.
Thứ ba, trong
tư duy, nhận thức của một số người, ta - CNXH là nghèo nàn, lạc hậu, còn tư
bản, nước ngoài là văn minh, giàu có. Sự thật không phải như vậy. Nước ngoài là
nước khác, không phải nước ta. Nước ngoài cũng có nước tư bản, có nước XHCN, có
nước giàu, nước nghèo. Trong số gần 200 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế
giới, tuyệt đại đa số đang theo chế độ tư bản chủ nghĩa (TBCN). Tuy nhiên,
không phải tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ theo chế độ TBCN đều phát triển,
giàu có, thịnh vượng. Trong hơn 190 quốc gia, vùng lãnh thổ theo chế độ TBCN
thì đa số là các nước chưa phát triển, đang phát triển, nghèo, kém phát triển
và không ít nước có bất ổn về chính trị xã hội. Số liệu thống kê, tổng hợp năm
2018 cho thấy, 10 nước nghèo đói nhất thế giới đều là những nước theo chế độ tư
bản ở châu Phi và 50 quốc gia nghèo nhất thế giới cũng đều là các nước theo chế
độ tư bản.
Một số nước tư
bản được xem là giàu có, văn minh bậc nhất thế giới thì chính họ đồng thời cũng
là những quốc gia đã và đang tiếp tục gây ra cho nhân loại rất nhiều tai họa.
Hơn nữa, trong chính những nước này, sự giàu có không phải cho số đông mà chỉ
dành cho số ít và sự phân hóa giàu nghèo là rất khủng khiếp. Có khu vực, 1%
người sở hữu 99% tài sản và 99% người chỉ sở hữu 1% tài sản. Mười năm trước, sự
phân hóa ấy bùng phát thành phong trào “Chiếm lấy phố Wall” ở Mỹ và lan ra
nhiều nước khác(13). Tại khu vực Mỹ la tinh, nơi nhiều nước từng là “sân sau”
của CNTB, trong vài thập kỷ gần đây đã liên tục trỗi dậy, tẩy chay CNTBvà bước
đầu tìm kiếm, thử nghiệm con đường, mô hình phát triển mới -con đường, mô hình
“CNXH thế kỷ XXI”.
Còn ở một số
nước tư bản được xem là giàu có và văn minh khác, nhất là các nước Bắc Âu, với
vai trò cầm quyền, chi phối của các đảng xã hội dân chủ thì ở đó, không chỉ có
các nhân tố tư bản mà còn có các nhân tố có tính chất XHCN mới làm nên giá trị
phát triển của những nước này. Ngay từ năm 1847, trong Những nguyên lý của chủ
nghĩa cộng sản, Ph.Ăngghen viết, những người XHCN dân chủ “đi theo cùng con
đường với những người cộng sản”, họ muốn thực hiện một phần những biện pháp
cách mạng, “nhưng không coi đó là những biện pháp quá độ dẫn đến chủ nghĩa cộng
sản, mà coi đó là những biện pháp đầy đủ để xóa bỏ cảnh nghèo nàn và những tai
họa của xã hội hiện nay”(14). Tuy nhiên, thực tế các nước Bắc Âu cũng đang nảy
sinh những giới hạn, mâu thuẫn. Việc đánh thuế cao để có phúc lợi cao khiến các
nhà đầu tư giảm động lực, nhiều người di chuyển tư bản sang nước có thuế thu
nhập thấp hơn để tăng thêm sự giàu có cho riêng họ. Ngược lại, phúc lợi xã hội
cao cũng làm cho người lao động trở nên ỷ lại, trông chờ, dựa dẫm vào nhà
nước(15)...
Do đó, việc
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và nhân dân ta lựa chọn quá độ lên CNXH, bỏ qua chế
độ TBCN, thực hiện độc lập dân tộc gắn liền với CNXH là hoàn toàn đúng đắn. Tất
nhiên, trong khi chọn lọc kế thừa những thành tựu, giá trị văn minh, tiến bộ mà
nhân loại đạt được dưới CNTB, chúng ta phải dứt khoát bỏ qua những thói hư tật
xấu, bỏ qua chế độ áp bức, bất công, bóc lột TBCNvà phải tỉnh táo, phê phán,
bác bỏ những nhận thức ảo tưởng, mơ hồ, những luận điệu ca ngợi một chiều
CNTB(16).
Thứ tư, cần
nhắc lại rằng, cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, nước Việt Nam không còn tên trên
bản đồ thế giới. Đất nước bị thực dân Pháp xâm lược, đô hộ, chia cắt, nhân dân
lầm than, đói nghèo, cực khổ. Ngay từ đầu, các tầng lớp nhân dân Việt Nam yêu
nước, yêu hòa bình đã đứng dậy chống thực dân Pháp xâm lược dưới những ngọn cờ
khác nhau, trong đó có cả ngọn cờ dân chủ tư sản. Tuy nhiên, tất cả đều dẫn đến
kết cục thất bại, bế tắc. Cuối cùng, lối thoát để cứu nước, cứu dân được tìm
thấy bởi Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam. Lịch sử đặt ra
yêu cầu; lịch sử tạo ra điều kiện, tiền đề và biện pháp, con đường và lực lượng
để tổ chức, lãnh đạo giải quyết những yêu cầu đó. Lịch sử đã lựa chọn Đảng Cộng
sản Việt Nam với con đường độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, con đường cách
mạng vô sản theo tấm gương cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, con đường cách mạng
được soi sáng bởi chủ nghĩa Mác-Lênin - học thuyết “chân chính nhất, chắc chắn
nhất, cách mệnh nhất”.
Trong quá
trình lãnh đạo cách mạng, từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đến cách mạng
XHCN, tuy mỗi thời kỳ, giai đoạn có những chính sách, biện pháp khác nhau
(trong đó không tránh khỏi có cả những sai lầm, khuyết điểm) nhưng điểm nhất
quán là Đảng, Nhà nước ta luôn chủ trương xóa đói nghèo, lạc hậu, áp bức, bóc
lột, bất công và hướng tới xây dựng nước Việt Nam “hòa bình, thống nhất, độc
lập, dân chủ và giàu mạnh”.
Trong thời kỳ
đổi mới, cùng với việc xác định “dân giàu”, “nước mạnh” là những mục tiêu hàng
đầu trong hệ mục tiêu của CNXH ở Việt Nam, Đảng, Nhà nước ta đã đưa ra nhiều
chủ trương, giải pháp đúng đắn và hệ thống chính sách, pháp luật phù hợp để
từng bước thực hiện “dân giàu”, “nước mạnh”… Đó là phát triển nền kinh tế thị
trường định hướng XHCN, “phát huy khả năng của mọi thành phần kinh tế, thừa
nhận trên thực tế còn có bóc lột và sự phân hóa giàu nghèo nhất định trong xã
hội nhưng phải luôn quan tâm bảo vệ lợi ích của người lao động, vừa khuyến
khích làm giàu hợp pháp, chống làm giàu phi pháp, vừa coi trọng xóa đói, giảm
nghèo, từng bước thực hiện công bằng xã hội...”(17).
Theo tinh thần
đó, trong hơn 35 năm đổi mới, với sự nỗ lực của các thành phần kinh tế, xã hội,
sự đồng sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, “đất nước đã đạt được những
thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với
những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống
nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt(18). Công tác xoá
đói, giảm nghèo đạt kết quả nổi bật được Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế
đánh giá cao... Việt Nam là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công và là 1
trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới(19). Đại hội XIII của Đảng khẳng định:
“Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày
nay”(20). Đây là điều kiện, tiền đề, là động lực, niềm tin để toàn Đảng, toàn
dân và toàn quân ta xác định yêu cầu, nhiệm vụ cao hơn, với ý chí, khát vọng
quyết tâm mạnh mẽ hơn để thực hiện các mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ,
công bằng, văn minh theo lộ trình đến năm 2025, năm 2030 và năm 2045(21).
Những thành
quả cách mạng và triển vọng tốt đẹp của đất nước luôn gắn liền với sự kiên định
mục tiêu, con đường độc lập dân tộc và CNXH, sự kiên định và phát triển sáng
tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với yêu cầu của đất nước
và xu thế thời đại. Thực tế lịch sử đó hoàn toàn bác bỏ nhận thức cho rằng, chủ
nghĩa Mác-Lênin, CNXH cản trở, kìm hãm sự phát triển của đất nước.
Thứ năm, hiện
nay, đúng là nước ta mới ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển để trở
thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp. Nước ta vẫn chưa hoàn
thành nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thực trạng đó do nhiều
nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan. Từ góc độ của chủ đề bài viết, có thể
nêu một số nguyên nhân như:
1) Thực hiện
quá độ lên CNXH từ một xã hội thuộc địa nửa phong kiến, một nền nông nghiệp sản
xuất nhỏ, lạc hậu, lực lượng sản xuất rất thấp.
Trong khi ở
nhiều nước phát triển trên thế giới, giai cấp tư sản dân tộc là người tổ chức,
lãnh đạo sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước và giải phóng dân tộc thì ở nước
ta, giai cấp tư sản dân tộc ra đời muộn, bị thực dân, đế quốc chèn ép, mặc dù
cũng rất yêu nước, anh dũng nhưng nhỏ yếu về tiềm lực kinh tế, chính trị… nên
tư sản dân tộc không đảm đương được những nhiệm vụ lịch sử nặng nề ấy. Và sự
vận động của lịch sử dân tộc đã tạo ra điều kiện, tiền đề để giai cấp công nhân
và Đảng Cộng sản Việt Nam gánh vác sứ mệnh lãnh đạo, tổ chức thực thi nhiệm vụ
giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…
Như vậy, giai cấp công nhân và Đảng Cộng sản Việt Nam không những không được
thừa kế di sản công nghiệp hiện đại (các cơ sở công nghiệp do thực dân, đế quốc
để lại chủ yếu là trình độ lạc hậu và bị phá hủy nhiều) mà còn phải tự mình
lãnh đạo, tổ chức thực thi nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
2) Đất nước
trải qua hàng chục năm chiến tranh, hậu quả để lại còn nặng nề, dai dẳng.
Sau năm 1975,
cả nước thống nhất quá độ lên CNXH, nhưng tiếp đó đất nước lại phải tiếp tục
gồng mình, dốc sức, đương đầu với hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở hai đầu
biên giới mà độ ác liệt, tàn khốc và hậu quả của nó cũng không thua kém gì so
với hai cuộc kháng chiến trường kỳ trước đó. Do đó, về cơ bản, thời gian chúng
ta có hòa bình để phát triển cũng chưa đầy 40 năm. Theo dự tính, phải hơn 100
năm nữa chúng ta mới có thể rà phá, xử lý hết bom mìn sót lại; hàng triệu người
tàn tật, nạn nhân chiến tranh; những vết thương nhức nhối chia cắt, ly tán… về
tình cảm, chính trị… vốn đã không dễ xoa dịu, hàn gắn lại thường bị các thế lực
thù địch lợi dụng, xuyên tạc, kích động, chống phá… Sau khi kết thúc chiến
tranh, đất nước ta lại tiếp tục phải đương đầu với chính sách bao vây, cấm vận
rất phản động và vô nhân đạo kéo dài của các thế lực tư bản, đế quốc và hiện
nay các thế lực thù địch, phản động vẫn thường xuyên sử dụng nhiều âm mưu, thủ
đoạn để chống phá Đảng, Nhà nước và sự nghiệp đổi mới, phát triển theo định
hướng XHCN của nhân dân ta…
3) Những điểm
yếu tâm lý tiểu nôngcùng với tàn dư của chế độ thực dân, phong kiến, đế quốc
kết hợp với mặt trái của kinh tế thị trường gây ra những ảnh hưởng, tác động
sâu sắc đến tâm lý, nhận thức, hành vi về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội,
đạo đức, thói quen, lối sống của con người hiện tại, kể cả với đội ngũ doanh
nhân và cán bộ lãnh đạo, quản lý. Trong đó có những biểu hiện của tư duy cào
bằng, xem nhẹ kinh doanh buôn bán, “phép vua thua lệ làng”, “một người làm quan
cả họ được nhờ”, quan liêu, tham nhũng, vô trách nhiệm, làm ăn nhỏ lẻ, chụp
giật, thiếu tầm nhìn xa, vừa ỷ lại, trông chờ vào nhà nước và xã hội…
4) Làm giàu để
có cuộc sống vật chất sung túc và tinh thần phong phú là nhu cầu, ước vọng của
toàn nhân loại nhưng ước vọng đó luôn bị quy định, giới hạn bởi các điều kiện
lịch sử xã hội. Thực tế cho thấy, từ góc độ cá nhân cũng như quốc gia, dân tộc,
quá trình hiện thực hóa khát vọng chính đáng ấy, thất bại vẫn dễ hơn và nhiều
hơn thành công. Từng cá nhân làm giàu đã rất khó, làm giàu cho nhiều người, cho
hàng trăm triệu người thì lại vạn lần khó khăn hơn(22), nhất là từ nền nông
nghiệp lạc hậu, từ chiến tranh, đổ nát đi lên trong sự bao vây, chống phá của
các thế lực phản động, thù địch…
Về phía chủ
quan, trong quá trình lãnh đạo cách mạng XHCN, Đảng ta cũng đã không tránh khỏi
có những sai lầm, khuyết điểm, nhất là khoảng thời gian 10 năm đầu cả nước
thống nhất quá độ lên CNXH, như có biểu hiện duy ý chí, nóng vội trong cải tạo
XHCN, nhấn mạnh tính chất XHCN của quan hệ sản xuất trong khi trình độ lực
lượng sản xuất còn đa dạng và cơ bản là thấp; nhấn mạnh quá mức việc phát triển
công nghiệp nặng, duy trì quá lâu cơ chế quản lý kinh tế tập trung quan liêu,
bao cấp… Thực ra, những sai lầm, khuyết điểm này là biểu hiện của sự nhận thức
phiến diện, không đầy đủ, thiếu sâu sắc về bản chất khoa học, cách mạng của chủ
nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đảng đã nhận ra điều đó và “nghiêm túc
tự phê bình, sửa chữa khuyết điểm, tự đổi mới, chỉnh đốn để tiếp tục đưa sự
nghiệp cách mạng tiến lên”(23). Thành quả to lớn có ý nghĩa lịch sử của hơn 35
năm đổi mới đất nước là minh chứng sống động khẳng định trí tuệ, bản lĩnh và
trách nhiệm của Đảng; khẳng định vai trò của việc kiên định, nắm vững và vận
dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để Đảng
tiếp tục sứ mệnh lãnh đạo nhân dân vững bước trên con đường XHCN.
Từ những lý
giải, phân tích trên đây cho thấy, các quan điểm cho rằng: CNXH là nghèo khổ,
chủ nghĩa Mác-Lênin “dị ứng với sự giàu có”; và Việt Nam muốn giàu có, thịnh
vượng thì phải dũng cảm từ bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin, từ bỏ con đường XHCN...(!)
là những quan điểm sai trái cả về lý luận và thực tiễn. Do đó, cần khẳng định
rằng, muốn đất nước giàu có, thịnh vượng, không những phải “kiên định và vận
dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định
mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của
Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ
quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”(24); không những phải khơi dậy, phát huy mạnh
mẽ các nguồn lực, trí tuệ, sự thông minh, sáng tạo, ý chí, khát vọng của con
người Việt Nam để chiến thắng đói nghèo, lạc hậu, làm giàu cho bản thân, gia
đình và góp phần xây dựng, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; mà đồng
thời, còn phải chủ động đấu tranh, uốn nắn, phê phán, bác bỏ những nhận thức
lệch lạc, sai trái bởi nó cũng là một trong những lực cản vô hình nguy hiểm
không thể xem thường trên con đường đi tới giàu có, thịnh vượng của dân tộc
Việt Nam.
Các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách để xuyên tạc và chống phá Đảng ta. Mọi người phải nêu cao tinh thần cảnh giác, tránh bị lôi cuốn vào những thông tin sai lệch của chúng
Trả lờiXóa