Thứ Tư, 26 tháng 7, 2023

Quan điểm “dân là gốc” trong Văn kiện Đại hội XIII được đúc rút từ lịch sử và tổng kết thực tiễn cách mạng Việt Nam, dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

 

Quan điểm “dân là gốc” trong Văn kiện Đại hội XIII được đúc rút từ lịch sử và tổng kết thực tiễn cách mạng Việt Nam, dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Tiến trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã chứng minh vai trò to lớn, vị thế quan trọng của nhân dân. Thực tế lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam cho thấy, triều đại nào quan tâm đến lòng dân, ý dân và thực hiện tốt vấn đề dân sinh, tạo được lòng tin của nhân dân, cố kết được dân tâm, huy động được cả nước đồng lòng, góp sức thì cường thịnh và dựng nên nghiệp lớn. Trái lại, triều đại nào chỉ lo cuộc sống xa hoa, “mặc dân khốn khổ, chẳng hề đoái nghĩ”, “nhân dân oán hận mà không biết, lòng người oán trách mà chẳng kinh”, dân chúng chống lại, lòng người ly tán... thì cuối cùng đều phải bại vong. Từ thực tế đó và tiếp thu có chọn lọc tinh hoa tư tưởng đương thời, nhiều bậc tiền nhân trong lịch sử nước ta đã khẳng định, muốn làm nên nghiệp lớn phải “lấy dân làm gốc”, phản ánh vai trò to lớn của quần chúng nhân dân, như: “trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân” (Lý Công Uẩn); “khoan thư sức dân”, “chúng chí thành thành” (Trần Quốc Tuấn); “lật thuyền mới rõ dân như nước”, do đó phải “yêu nuôi nhân dân, để khắp các nơi làng mạc không có tiếng oán giận, than sầu” (Nguyễn Trãi); “Xưa nay nước lấy dân làm gốc/ Được nước là bởi lẽ được dân”, nên “Thất thiên kim, chớ thất nhân tâm” (Nguyễn Bỉnh Khiêm)... 

Mặc dù, về cơ bản vẫn chưa vượt ra ngoài khuôn khổ của hệ tư tưởng phong kiến với nòng cốt là Nho giáo, song yếu tố tiến bộ của những tư tưởng ấy trở thành giá trị văn hóa tinh thần vô giá của dân tộc, để lại bài học quý báu: “Coi trọng dân thì thành công, coi thường dân thì thất bại”.

Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin với quan điểm khoa học: “nhân dân là chủ thể của lịch sử”, “quần chúng là động lực của cách mạng”, “cách mạng là ngày hội của đông đảo quần chúng nhân dân”... Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện “cách mạng hóa” và bổ sung quan điểm “dân là gốc” bằng sức sống thời đại. Người khẳng định: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”(1). Thực tế chứng minh, tin dân, dựa vào dân, biết khơi dậy sự đồng lòng và phát huy ý chí, khát vọng toàn dân tộc mới bảo đảm được sự trường tồn của non sông đất nước. Từ đó, Người chỉ rõ: “Nước lấy dân làm gốc... Gốc có vững cây mới bền/ Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”(2)

Quan điểm “dân là gốc” của Đảng ta chính là sự tiếp nối bài học từ truyền thống dân tộc và kế thừa trực tiếp chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của quần chúng nhân dân. Mặt khác, những nội dung của quan điểm đó không ngừng được hoàn thiện, ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn từ thực tiễn đổi mới ở Việt Nam. Trong nhiều văn kiện của Đảng đều nhất quán khẳng định vai trò của nhân dân đối với sự thành bại của đổi mới, đồng thời xác định mục tiêu đổi mới là vì nhân dân, chỉ rõ bài học nổi bật: “dân là gốc”, tất cả “vì dân, do dân”, “đổi mới vì hạnh phúc của nhân dân và dựa vào nhân dân để đổi mới”(3)

Tiếp nối tinh thần đó, Văn kiện Đại hội XIII tiếp tục khẳng định: “trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân”; kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân; thắt chặt mối quan hệ mật thiết với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”(4)

Điều đó khẳng định, “dân là gốc” là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ cương lĩnh, chủ trương, đường lối, chính sách và phản ánh quan điểm của Đảng về mục tiêu, động lực của công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Mặc dù ở những giai đoạn cụ thể và trong những thời điểm nhất định, cách thức diễn đạt có thể khác nhau, song đều nhất quán khẳng định vai trò quan trọng của nhân dân. 

 

1 nhận xét: