Thứ Tư, 26 tháng 7, 2023

Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng

 Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng

Trên cơ sở khẳng định các phương thức lãnh đạo cơ bản của Đảng được nêu trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), trước yêu cầu đẩy mạnh công cuộc đổi mới đất nước, trong cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện phải gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trên nhiều phương diện, trong đó có thể khái quát một số phương thức quan trọng sau đây:

Một là, phải đặc biệt coi trọng công tác cán bộ trong hệ thống chính trị. Công tác cán bộ phải thực sự là “then chốt của then chốt”, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong việc cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước theo phương châm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, nói đi đôi với làm, cấp trên làm gương cho cấp dưới. Chấp hành nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, nội bộ đoàn kết, thống nhất, trên dưới một lòng.

Hai là, nâng cao trình độ, năng lực, nhất là năng lực quán triệt, cụ thể hóa, thể chế hóa và tổ chức thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng, của các cấp ủy, tổ chức đảng và các tổ chức khác trong hệ thống chính trị. Đặc biệt, Tổng Bí thư nhấn mạnh yêu cầu mới trong tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng là ngay sau Đại hội Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các ban, bộ, ngành và các cấp ủy, tổ chức đảng từ Trung ương đến cơ sở phải bắt tay ngay vào việc cụ thể hóa, xây dựng chương trình hành động và triển khai thực hiện, nhanh chóng đưa nghị quyết vào cuộc sống. Phải có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết nhất trí, quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Tổng Bí thư chỉ rõ: “Đây là một phương thức, cách làm mới, bài bản, khoa học, với tinh thần(...) “Tiền hô hậu ủng”, “Nhất hô bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng” và “Dọc ngang thông suốt”, nhất định chúng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn, thử thách, giành nhiều thắng lợi mới”. 

Ba là, đổi mới phương thức lãnh đạo đòi hỏi phải đổi mới cơ chế lãnh đạo, do đó phải nhanh chóng hoàn thiện cơ chế, đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy và tổ chức đảng các cấp, thống nhất, xuyên suốt từ Trung ương đến cơ sở. Đồng thời, tiếp tục đổi mới tác phong, lề lối làm việc của các cơ quan, đơn vị, tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng và các tổ chức khác trong hệ thống chính trị theo đúng quy định của Điều lệ Đảng, Hiến pháp và pháp luật, đáp ứng yêu cầu “đúng vai, thuộc bài”. Xây dựng phương pháp, phong cách công tác khoa học, có tinh thần đổi mới, sâu sát thực tế, quyết liệt, hiệu quả, không phô trương, hình thức; tăng cường kiểm tra, giám sát, giữ nghiêm kỷ luật đảng. 

Bốn là, đặc biệt là cần phải đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc phân cấp, phân quyền, phân công, phối hợp, gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát giữa các cơ quan, đơn vị thuộc Chính phủ, chính quyền các địa phương và giữa các cơ quan, đơn vị này với các cơ quan, đơn vị của Đảng, Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, hệ thống các cơ quan tư pháp và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; “bảo đảm cả hệ thống tổ chức bộ máy luôn luôn vận hành một cách đồng bộ, thống nhất; tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, “quyền anh, quyền tôi”, “cua cậy càng, cá cậy vây”. 

Năm là, chú trọng hơn nữa đến việc cải cách hành chính trong Đảng và bộ máy nhà nước, công khai, minh bạch các quy định, quy trình công tác, ứng dụng công nghệ thông tin trong lãnh đạo, quản lý, điều hành; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy tổ chức, cán bộ; xây dựng có cơ sở khoa học và tổ chức thực hiện thật tốt các chương trình, kế hoạch công tác, đề cao trách nhiệm tự kiểm tra, kiểm điểm, giải trình của các tập thể, cá nhân. Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tập thể, cá nhân lãnh đạo ở các cấp, các ngành cần dành thời gian thỏa đáng cho việc tập trung nghiên cứu, xem xét, xử lý một cách căn cơ, bài bản, dứt điểm, có trọng tâm, trọng điểm các vấn đề kinh tế - xã hội nổi cộm, tồn đọng kéo dài, tránh phô trương, hình thức hoặc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

 

1 nhận xét: