Chủ Nhật, 30 tháng 7, 2023

Tiếp tục tạo dựng lòng tin trong nhân dân

Thực tế, quan điểm trong phòng, chống tham nhũng của Đảng ta được thể hiện rất rõ trong các văn kiện của Đảng, trong đó Văn kiện Đại hội XIII khẳng định: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn”. Để phòng, chống, đẩy lùi tham nhũng, suy thoái, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, đi cùng với đó là sửa đổi, bổ sung, từng bước hoàn thiện hệ thống luật pháp gắn với việc điều tra, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, tạo sức răn đe, phòng ngừa chung trong toàn xã hội.

Thực tế cho thấy, qua mỗi nhiệm kỳ đại hội, tinh thần chỉ đạo công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ngày càng quyết liệt hơn, thực chất hơn với phương châm “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”. Bất kể người đó là ai, đang giữ chức vụ hay đã nghỉ hưu, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước mà trực tiếp là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta suốt thời gian qua đã đạt được những thành tựu to lớn. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã khẳng định, những thành tựu to lớn trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam trong 10 năm qua (giai đoạn 2002-2022) góp phần lấy lại và củng cố niềm tin của nhân dân, nhận được sự đồng tình, tin tưởng của quần chúng nhân dân trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài. Thực tiễn đó bác bỏ luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, chống đối cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là “đấu đá nội bộ”, “phe cánh”, là “thanh trừng, triệt hạ” …

Từ phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 54 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” cho thấy, chống tham nhũng, tiêu cực phải đi liền với chống lợi ích nhóm, suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Vụ án cũng chứng minh chủ trương “kiên quyết, không có vùng cấm, không có ngoại lệ” của Đảng, Nhà nước ta được thực thi trên thực tế chứ không phải “khẩu hiệu suông, mị dân” như luận điệu kẻ xấu. Chúng ta đã thấy rõ những tác hại của vấn nạn tham nhũng gây ra, thấy rõ sự vào cuộc đồng bộ, mạnh mẽ, quyết tâm cao trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của cả hệ thống chính trị.

Đồng thời, từ vụ án cũng cho thấy tính chất phức tạp của tệ nạn tham nhũng hiện nay, nếu không được kiểm soát tốt có thể lây lan thành căn bệnh nguy hiểm với sự tham gia của nhiều cán bộ có chức quyền ở nhiều bộ, ngành, địa phương. Với tính chất phức tạp, khó khăn của cuộc đấu tranh chống “đạn bọc đường” và âm mưu của kẻ địch lợi dụng cuộc đấu tranh đó để chống phá Đảng, Nhà nước, đòi hỏi mỗi người phải luôn nâng cao cảnh giác, đấu tranh với các âm mưu, thủ đoạn, xuyên tạc phá hoại công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, không để bị lôi kéo, kích động, biến thành những con rối.

1 nhận xét:

  1. Mỗi người dân Việt Nam cần tỉnh táo trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; không để chúng lợi dụng, lôi kéo, kích động tiến hành các hoạt động bất hợp pháp.

    Trả lờiXóa