Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng - Giá trị lý luận và thực tiễn
(LLCT) - Kỷ niệm 70 năm Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng (1951-2021), ngày 25-2-2021, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học trực tuyến: “Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng - Giá trị lý luận và thực tiễn”. GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương dự và chủ trì. Tạp chí Lý luận chính trị trân trọng giới thiệu bài phát biểu đề dẫn Hội thảo do GS, TS Nguyễn Xuân Thắng trình bày.
Cách đây 70 năm, tại căn cứ địa Việt Bắc (Chiêm Hóa - Tuyên Quang), từ ngày 11 đến ngày 19-2-1951, Ðảng Cộng sản Ðông Dương đã tổ chức Ðại hội đại biểu lần thứ II - một sự kiện chính trị to lớn, là dấu ấn đặc biệt nổi bật trong pho sử vàng của Đảng ta, mở ra bước ngoặt trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam với những quyết sách hệ trọng, sáng suốt: Đảng từ bí mật đã chuyển ra hoạt động công khai với tên gọi mới là Đảng Lao động Việt Nam; thành lập Mặt trận thống nhất Việt - Lào - Campuchia, tăng cường đoàn kết quốc tế; thông qua Chính cương của Đảng Lao động Việt Nam - Cương lĩnh thứ ba của Đảng. Đại hội có nhiệm vụ tổng kết thực tiễn, hoàn thiện lý luận về đường lối cách mạng Việt Nam, đã xác định: đó là đường lối cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Với chủ trương đúng đắn và sáng tạo, Đại hội đã phát huy mạnh mẽ truyền thống yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy khát vọng giành độc lập, tự do và tiến lên chủ nghĩa xã hội, quyết tâm thực hiện Chính cương của Đảng Lao động Việt Nam, xây dựng tổ chức Đảng Lao động Việt Nam vững mạnh, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta đi đến thắng lợi hoàn toàn.
1. Những quyết sách đúng đắn, hệ trọng của Đại hội II về đường lối cách mạng Việt Nam, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi, đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội
Sau Chiến thắng Biên giới Thu - Đông (1950), cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ba nước Đông Dương đã bước sang giai đoạn quan trọng. Đông Dương - một vị trí địa chiến lược quan trọng ở Đông Nam Á, đã và đang trở thành một trong những tiền đồn của phe xã hội chủ nghĩa. Đảng Cộng sản Đông Dương ngày càng lớn mạnh, với hơn 760.000 đảng viên đã được rèn luyện trong đấu tranh với tinh thần anh dũng, quật cường: “người trước ngã, người sau lên, một người hy sinh, trăm ngàn người khác thay thế”(1).
Nhờ những thắng lợi to lớn của cuộc kháng chiến, kiến quốc, vị thế của Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa tuy còn non trẻ đã không ngừng được củng cố và nâng cao trên trường quốc tế. Từ chỗ đơn độc, phải một mình “chiến đấu trong vòng vây” của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Liên Xô, Trung Quốc, mở rộng quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa và các nước dân chủ tiến bộ trên thế giới, nhận được sự hỗ trợ to lớn hơn của cộng đồng quốc tế cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta. Thắng lợi của cách mạng Việt Nam là nguồn cổ vũ, động viên cho phong trào giải phóng dân tộc ở thuộc địa và nửa thuộc địa. Từ một xứ sở thuộc địa, không có tên trên bản đồ, đất nước Việt Nam đã được biết đến như một ngôi sao sáng trong phong trào cách mạng thế giới; dân tộc Việt Nam từ thân phận nô lệ, địa vị thấp kém đã vùng lên, trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Tuy nhiên, cuộc kháng chiến kiến quốc của nhân dân ta cũng đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách. Mâu thuẫn giữa các nước xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa ngày càng trở nên sâu sắc. Chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô từng bước leo thang. Mỹ tăng cường hậu thuẫn các nước đế quốc, thực dân kéo dài sự xâm chiếm hệ thống thuộc địa; trực tiếp tham gia vào cuộc chiến tranh ở Triều Tiên; can thiệp ngày càng sâu hơn vào cuộc chiến tranh ở Đông Dương, mưu đồ từng bước thay chân Pháp ở Đông Dương.
Trước tình hình đó, Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng được tiến hành tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang từ ngày 11 đến ngày 19-2-1951 đề ra những chủ trương, quyết sách hết sức quan trọng.
Chỉ rõ xã hội Việt Nam là xã hội có tính chất dân chủ nhân dân, một phần thuộc địa và nửa phong kiến; mâu thuẫn giữa đế quốc xâm lược và dân tộc Việt Nam là mâu thuẫn chính, Đại hội xác định những nhiệm vụ chủ yếu của cách mạng Việt Nam là đánh đuổi đế quốc xâm lược, trừ diệt các lực lượng phản quốc, xóa bỏ tàn dư phong kiến, kiến thiết một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ, tự do, phú cường, phát triển chế độ dân chủ nhân dân, tiến lên chủ nghĩa xã hội(2). Báo cáo Chính trị do Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày tại Đại hội xác định nhiệm vụ của Đảng là: đoàn kết và lãnh đạo toàn dân kháng chiến cho đến thắng lợi hoàn toàn, giành lại thống nhất và độc lập hoàn toàn; lãnh đạo toàn dân thực hiện dân chủ mới, xây dựng điều kiện để tiến đến chủ nghĩa xã hội(3). Báo cáo nhấn mạnh: “Nhiệm vụ thứ nhất, nhiệm vụ cấp bách nhất của Đảng ta ngày nay là phải đưa kháng chiến đến thắng lợi. Các nhiệm vụ khác đều phải phụ thuộc vào đó”(4).
Về tính chất cách mạng Việt Nam, Đại hội cho rằng, cách mạng Việt Nam là một cuộc cách mạng điển hình ở một nước nông nghiệp, là một cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Tính chất của cách mạng Việt Nam là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của nước ta. Đó là: tiến lên chủ nghĩa xã hội không phải bắt đầu từ một cuộc bùng nổ cách mạng như cách mạng Nga năm 1917; không thiết lập công nông chuyên chính dưới hình thức Xô viết công nông binh, mà là chuyên chính dân chủ nhân dân dưới hình thức dân chủ cộng hòa.
Về con đường tiến lên của cách mạng, tại Đại hội, đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh đã trình bày Báo cáo Hoàn thành giải phóng dân tộc, phát triển dân chủ nhân dân, tiến tới chủ nghĩa xã hội (còn gọi là: Luận cương cách mạng Việt Nam) khẳng định, con đường tiến lên của cách mạng Việt Nam là “hoàn thành giải phóng dân tộc, phát triển dân chủ nhân dân, tiến tới chủ nghĩa xã hội”(5). Con đường đó bắt đầu từ xã hội có tính chất thuộc địa, nửa phong kiến qua dân chủ nhân dân, đi đến xã hội xã hội chủ nghĩa. Quá trình đó được tiến hành qua nhiều bước quá độ, nhiều trình độ quá độ khác nhau, trải qua ba giai đoạn: 1) Giai đoạn tiêu diệt đế quốc xâm lược, giải phóng dân tộc, củng cố Nhà nước dân chủ nhân dân; 2) Giai đoạn xóa bỏ những di tích phong kiến và nửa phong kiến, triệt để thực hiện khẩu hiệu “người cày có ruộng”, hoàn chỉnh chế độ dân chủ nhân dân; 3) Giai đoạn hoàn thành nhiệm vụ dân chủ nhân dân, đầy đủ điều kiện để tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Đại hội đã thông qua Chính cương Đảng Lao động Việt Nam, xác định những vấn đề chiến lược của cách mạng Việt Nam; nêu rõ hai nhiệm vụ chính trong những nhiệm vụ mới của Đảng là: Đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn và xây dựng Đảng Lao động Việt Nam. Để hoàn thành nhiệm vụ đó, Chính cương đã đề ra những chính sách và biện pháp hệ trọng, cấp thiết như: Đẩy mạnh xây dựng lực lượng vũ trang về mọi mặt; củng cố và phát triển Mặt trận dân tộc thống nhất, phát huy tinh thần yêu nước và đẩy mạnh thi đua ái quốc; triệt để giảm tô, giảm tức, tịch thu ruộng đất của thực dân và việt gian chia cho dân cày nghèo; bảo vệ nền kinh tế tài chính, đấu tranh kinh tế với địch, thực hiện công bằng, hợp lý về thuế khóa; tích cực giúp đỡ cuộc kháng chiến của Campuchia và Lào, tiến tới thành lập Mặt trận thống nhất Việt - Miên - Lào; đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, v.v.
Về Đảng, Đại hội chỉ rõ, muốn làm tròn các nhiệm vụ đã đề ra, cần phải có một đảng hoạt động công khai, tổ chức phải phù hợp với tình hình thế giới và trong nước để đoàn kết lãnh đạo toàn dân đưa cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi hoàn toàn, thực hiện nền dân chủ mới, chuẩn bị điều kiện tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đảng lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam để tăng cường vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân, củng cố công - nông liên minh, gắn bó giai cấp công nhân với các tầng lớp nhân dân lao động khác, thống nhất các lực lượng dân tộc và dân chủ dưới sự lãnh đạo của Đảng. Việc lấy tên Đảng Lao động Việt Nam là phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể, có lợi cho đoàn kết toàn dân đánh bại quân xâm lược, thống nhất mặt trận phản đế của ba dân tộc Việt - Miên - Lào chống đế quốc Pháp, Mỹ, giành độc lập hoàn toàn cho các dân tộc Đông Dương. Đề cập đến tên Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân Việt Nam và nhân dân lao động, cho nên phải là Đảng của dân tộc Việt Nam(6). Đảng Lao động Việt Nam phải là một đảng to lớn, mạnh mẽ, chắc chắn, trong sạch, cách mạng triệt để. Đại hội đã bầu Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Đảng Lao động Việt Nam, thể hiện sự tôn vinh đối với vai trò, công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo Đảng ta.
2. Tầm vóc, giá trị lâu dài và ý nghĩa to lớn của Đại hội II đối với tiến trình cách mạng Việt Nam
Tầm vóc và ý nghĩa to lớn của Đại hội II thể hiện ở sự thống nhất của “ý Đảng, lòng Dân”; sự kết hợp giữa trí tuệ của đội tiền phong lãnh đạo với mong muốn, khát vọng độc lập dân tộc và tự do, hạnh phúc của nhân dân; sự lãnh đạo của Đảng nhằm phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; sự vận dụng nhuần nhuyễn, sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực tiễn cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân; khẳng định mục tiêu đúng đắn: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh và toàn thể nhân dân ta đã lựa chọn.
Những nội dung mà Đại hội xác định như: “phải tập trung mọi lực lượng để kháng chiến, đặng hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc”(7). “Tiêu diệt thực dân Pháp và đánh bại can thiệp Mỹ”, “Đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn”(8) đã trở thành kim chỉ nam, lời hiệu triệu khơi dậy sức mạnh vĩ đại, tinh thần đoàn kết của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Với việc khẳng định, sau khi hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam là tiến tới chủ nghĩa xã hội, quyết không thể có một con đường nào khác(9), Chính cương Đảng Lao động Việt Nam đã trở thành văn kiện có giá trị sâu sắc về tổng kết thực tiễn và lý luận cách mạng, có ý nghĩa sâu sắc đối với tiến trình phát triển cách mạng Việt Nam sau này.
Những chủ trương về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng của Đại hội II đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đại hội nêu rõ: “Muốn xây dựng, củng cố và phát triển Đảng…, phải phát triển phê bình và tự phê bình”(10). Cùng với phê bình và tự phê bình, phải “Đề cao công tác lý luận trong Đảng”(11). Trong khi “Đề cao công tác lý luận trong Đảng”, phải “tổng kết kinh nghiệm để luôn luôn bồi bổ cho chính sách của Đảng và định ra những chính sách cụ thể của Đảng, đúc những kinh nghiệm lớn thành lý luận vận động cách mạng của Đảng ta”(12), v.v..
Nhìn lại chặng đường 70 năm qua, chúng ta càng thấu hiểu và nhận thức rõ, đây là những bài học vô cùng quý báu về sự lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng Việt Nam, càng có tầm quan trọng và ý nghĩa sâu sắc hơn đối với việc đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới hiện nay, nhất là việc đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, đồng bộ, ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng những yêu cầu mới của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đại hội II đánh dấu bước trưởng thành quan trọng về tổ chức của phong trào cộng sản ở ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ Đảng Cộng sản Đông Dương, để phù hợp với yêu cầu lãnh đạo cách mạng ở từng nước, mỗi nước nên tổ chức một Đảng Cộng sản để lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của dân tộc mình. Thực hiện chủ trương đó, sau Đại hội, ba chính đảng được tổ chức riêng, vừa đảm nhận sứ mệnh lãnh đạo sự nghiệp cách mạng ở mỗi nước, vừa tiếp tục đoàn kết, hỗ trợ nhau giành được những thắng lợi to lớn trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Thực hiện những chủ trương, quyết sách đúng đắn của Đại hội II, những năm 1951 - 1954, dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, tiến lên giành thắng lợi với Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ, chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương, tạo điều kiện cho miền Bắc bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng - nhân tố quyết định nhất đối với mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II trình Đại hội III (tháng 9-1960), chỉ rõ: “Cuộc kháng chiến trường kỳ của nhân dân ta kết thúc thắng lợi. Thắng lợi đó chứng tỏ rằng trong điều kiện thế giới ngày nay, một dân tộc dù là nhỏ yếu, nhưng một khi đã đoàn kết đứng lên kiên quyết đấu tranh dưới sự lãnh đạo của chính đảng Mác - Lênin để giành độc lập và dân chủ, thì có đầy đủ lực lượng để chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. Thắng lợi đó cũng chứng tỏ rằng chỉ có sự lãnh đạo đúng đắn của giai cấp công nhân mà Đảng ta là đại biểu, chỉ có đường lối cách mạng khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin mới có thể tạo điều kiện cho nhân dân ta đánh bại quân thù và giành tự do, độc lập”(13).
Những quyết sách sáng suốt có ý nghĩa to lớn và tinh thần đoàn kết “quyết chiến, quyết thắng” của Đại hội II tiếp tục lan tỏa, là động lực quan trọng, nền tảng vững chắc để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đánh đuổi đế quốc Mỹ xâm lược ở miền Nam, từng bước giành thắng lợi, với đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân năm 1975, hoàn thành sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
3. Phát huy tinh thần yêu nước của Đại hội II, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc
Đại hội II in đậm dấu ấn rất đặc biệt trong pho sử vàng của Đảng ta, là đại hội của tinh thần yêu nước, đại đoàn kết toàn dân tộc, của lòng quả cảm sắt son: “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, với một khát vọng cháy bỏng về độc lập, tự do cho dân tộc: “chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”(14). Trong Báo cáo chính trị trình bày tại Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”(15). Đó là tinh thần bất diệt, muôn đời tỏa sáng, dệt nên sức mạnh vĩ đại của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đưa con thuyền cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đẩy mạnh đồng bộ, toàn diện công cuộc đổi mới hôm nay, tinh thần đó là cội nguồn, tiếp tục là động lực và nguồn lực to lớn để chúng ta khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, đưa dân tộc Việt Nam bước tới đài vinh quang, sánh vai với các cường quốc năm châu như ước nguyện lúc sinh thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Đại hội II là bài học sâu sắc về quan điểm kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng Việt Nam; kiên định giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội; nắm chắc quan điểm bảo đảm trên hết và trước hết lợi ích quốc gia - dân tộc, giữ vững độc lập, tự chủ, mở rộng hợp tác quốc tế trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Những quyết sách từ Đại hội thấm nhuần bài học “dân là gốc” được đúc rút từ lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, cho thấy mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, thể hiện “ý Đảng, lòng Dân” hòa chung trong khát vọng giành độc lập, giải phóng dân tộc, tiến lên chủ nghĩa xã hội.
70 năm qua, những bài học đó không ngừng được làm sâu sắc thêm, tiếp tục là nền tảng vững chắc cho những chủ trương, quyết sách đúng đắn, sáng suốt của Đảng. Chánh cương vắn tắt, sách lược vắn tắt (tháng 2-1930), Luận cương chánh trị của Đảng Cộng sản Đông Dương (tháng 10-1930), Chính cương Đảng Lao động Việt Nam (năm 1951), Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 và Cương lĩnh bổ sung, phát triển (năm 2011) nối tiếp nhau là ngọn cờ tư tưởng, lý luận, ngọn cờ chiến đấu, ngọn cờ quy tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng, giành những thắng lợi vẻ vang trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc, thống nhất đất nước; lãnh đạo nhân dân ta vững bước đi lên, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới hôm nay.
Vai trò, ý nghĩa to lớn của Đại hội II cho chúng ta cơ sở để khẳng định rằng, sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam; cho chúng ta niềm tin vững chắc vào đường lối đổi mới đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta, vào tương lai rạng ngời của đất nước và dân tộc. Với những mục tiêu, định hướng, các nhiệm vụ trọng tâm và các đột phá chiến lược đã được Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra, chúng ta càng có thêm ý chí quyết tâm lập nên kỳ tích phát triển mới, vì một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
__________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 2-2021
(2), (9) Xem: ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.76, 87.
(3) Xem: Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.41.
(4), (6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.41, 41.
(13) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.21, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.500.
(14) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.160.
bài rất hấp dẫn
Trả lờiXóa